| Hotline: 0983.970.780

Khốn cùng, chỗ ở tạm bợ sao vẫn say mê đẻ nhiều con?

Thứ Hai 04/08/2014 , 10:00 (GMT+7)

Do chính họ không biết con không phải là voi, cỏ cũng phải có môi trường lành lạnh mới xanh để voi con thụ hưởng.

Cô Dạ Hương kính mến!

Cháu đã có gia đình riêng, tuy vợ chồng muộn con nhưng chúng cháu chưa thấy có trục trặc gì trong tình cảm vợ chồng.

Điều đáng nói là gia đình chị gái của cháu. Chị là chị cả, năm nay đã 34 tuổi. Chị cháu từ nhỏ không siêng năng học hành nên vừa hết lớp 9 là nghỉ. Anh trai cháu khá hơn, có bằng trung cấp, cũng đã có gia đình riêng, ổn định. Cháu là con gái út.

Anh rể cháu là người hiền lành nhưng nồi nào úp vung nấy, cũng học hơn chị cháu vài lớp. Hai người không có bằng cấp cưới nhau, ba má cháu lại là dân ở rìa thị trấn, buôn bán lặt vặt, xe ôm, phu hồ qua ngày.

Chính vì cuộc sống của ba má bấp bênh nên anh ba và cháu cố gắng để không làm gánh nặng cho hai đấng sinh thành.

Anh rể cháu mồ côi cha mẹ, sống với chú, làm nghề lò mổ. Chị cháu và anh cưới nhau, má cháu bắt anh bỏ nghề bán thịt, về bên vợ thay thế ba cháu làm xe ôm. Ba má cháu cho anh chị cất nhà riêng sát bên gia đình vợ, vì nếu cho ở xa hơn thì cũng không có chỗ nào.

Sinh con gái đầu, má cháu ôm cháu ngoại, chị cháu thay má đứng cửa hàng tạp hóa nuôi sống cả gia đình cháu từ xưa tới giờ. Chị cháu hậu đậu hay sao mà hễ má cháu đứng bán thì đông khách, tới phiên chị thì vắng như chùa bà đanh.

Cảnh sống bắt đầu nheo nhóc, cháu ngoại nhỏ, con rể xe ôm có bữa đưa tiền có bữa không, chị cháu thì lười biếng quen rồi.

Mới lấy chồng 3 năm, chị cháu sanh hai đứa con đều là gái cả. Cháu thương má cháu nhiều lắm. Anh ba và cháu khi ấy chưa có việc làm, không giúp ba má và anh chị được nhiều. Nhưng thời gian cũng qua nhanh, đâu cũng vào đấy, hai đứa con của chị cháu cũng lớn lên khỏe mạnh, dễ thương.

Nhưng anh rể cháu không chịu dừng lại ở hai con. Nghề nghiệp bấp bênh, ăn nhờ ở đậu bên vợ, gần đây anh lại hay rượu chè, vậy mà anh ấy còn để chị cháu có bầu. Chị cháu đi bệnh viện, anh đổ do má cháu, má cháu thì nói chị cháu lén anh đi trục thai, chuyện không ra làm sao cả.

Má cháu nói nếu lần sau chị cháu lỡ kế hoạch thì má sẽ làm như không biết gì, kệ, anh chị có đi ăn mày má cháu cũng không can thiệp.

Đúng như cháu linh cảm, chị cháu lại có bầu. Anh rể cháu ham con trai, nhất quyết bắt vợ đẻ đến khi nào có con trai mới thôi. Sao có người lại ích kỷ, chỉ muốn làm theo ý của mình, không cần biết đẻ con ra thì gánh nặng đổ cho ai?

Hiện tại chị cháu đang lánh ở nhà vợ chồng cháu. Thực lòng chị cháu không muốn đứa con này nhưng cũng không dám đối mặt với chồng.

Cháu phải làm sao đây cô? Giúp chị đi viện, hay là khuyên anh, hay là khuyên má, hay là khuyên chính cháu, phải chia sẻ trách nhiệm nuôi dạy cháu với chị mình?

Cháu thật lúng túng, bế tắc, khó xử. Mong cô cho cháu lời khuyên.

Cô giấu email cho cháu.

--------------------

Cháu thân mến!

Có một nghịch lý trong cuộc sống con người hiện tại, rằng những đôi có tiền thì ngại sinh đẻ, để hưởng thụ cá nhân hoặc là để nuôi dạy con cho chu tất. Ngược lại, không ít cặp khốn cùng, chỗ ở tạm bợ mà vẫn say mê đẻ con, với quan niệm xưa như trái đất: Trời sinh voi, trời sinh cỏ.

Như các cháu, lá thư không nói gì về cháu nhưng cô biết, cháu lo học hành, lo thoát khỏi cuộc sống ở thị trấn nghèo buồn tẻ bấp bênh, cưới nhau đã lâu nhưng không nôn nóng chuyện con cái.

Anh ba của cháu chắc cũng vậy, nếu học hành, làm ăn lệt bệt như chị hai của cháu thì chắc má cháu sống bằng nước mắt chứ không phải sống bằng niềm vui.

Anh chị cháu, cấp người ấy, không gian ấy thì đương nhiên là bản năng, nghĩ quẩn và vô lo. Càng ít học, càng ít hình dung, tưởng tượng, vì vậy cuộc sống của họ dễ bị tổn thương. Do chính họ không biết con không phải là voi, cỏ cũng phải có môi trường lành lạnh mới xanh để voi con thụ hưởng.

Tóm lại, cứ thả nổi, cứ con nhiều vào càng vui, cứ phải có con trai để nhang khói cho mình thì không làm sao khấm khá lên được nếu như đã có hai đứa con trên đôi gánh của mình.

Nhưng cái dạ con của người phụ nữ không phải là cá xô cái chậu cái bình. Không thể cọ rửa, làm cho nó “sạch” đi rồi thì nó vẫn như cũ.

Chị cháu vừa mới phải đi viện trục thai, cháu không nói rõ lần ấy với lần này cách bao lâu, giờ lại thối thoát đứa trẻ này nữa thì tội cho con và cho cả người mẹ. Thôi thì ba lần vẫn hơn, ba lần mới là giới hạn, hãy chấp nhận với anh rể. Biết đâu đứa bé vừa tượng hình kia là con trai thì quá tốt, bằng không, đẻ con gái nữa, lúc ấy cậu ta sẽ hết đường hành vợ.

Dù sao chị mình cũng dại và lười, lấy chồng không bằng ai. Đã trót thì phải trót thêm, hãy khuyên má mình như vậy và hãy chuẩn bị một phương án giúp chị nuôi cháu, để chúng nó lớn lên, ăn học đàng hoàng. Có những gia cảnh mà cả gia tộc phải chung tay vào mới đỡ nổi đó.

Mía sâu có đốt, nhà dột có nơi. Ba má cháu ba con, hai đứa yên ổn, thì phải có đứa thua kém mới là công bằng. Anh chị nhận thức kém, tổ chức cuộc sống dở, thương ba má thì phải tỉ tê chồng thông cảm và ra sức giúp đỡ để chị mình bớt cực, bớt nghèo mà thôi.

Không thể từ chối vai trò chỗ dựa được đâu một khi mình có học hơn, trí tuệ hơn, thành công hơn. Đó là tình máu mủ, tình gia tộc, và đó cũng là sức mạnh của truyền thống, cháu ơi.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm