| Hotline: 0983.970.780

Lạc giữa lòng phố

Thứ Năm 19/09/2013 , 11:00 (GMT+7)

Khi phố xá lên đèn, đội quân bán lạc, kẹo cao su, bánh tráng… lại xuất hiện, bắt đầu cuộc mưu sinh chật vật giữa chốn thị thành...

Khi phố xá lên đèn, đội quân bán lạc, kẹo cao su, bánh tráng… lại xuất hiện, bắt đầu cuộc mưu sinh chật vật giữa chốn thị thành. Lẩn khuất sau những bước chân không mệt mỏi giữa lòng thành phố là câu chuyện ưu tư về những đứa trẻ ở làng chài thủy diện (mặt nước)…

>> Nơi vắng ánh trăng rằm

Có lần ngồi chén chú chén anh với người bạn trên trực đường Đống Đa (TP. Huế), hắn khích: “Huế có nhiều đặc sản hè?”, chưa kịp trả lời, hắn tiếp: “Tau chưa chộ mô đội quân bán lạc đông như ri”.

Không biết trả lời anh bạn thế nào nhưng lại nghĩ, có khi nó nói đúng, đội quân bán lạc này không biết có từ khi nào, có khi nó cũng là một “đặc sản” của Huế cũng nên. Và ngày hôm sau, rong ruổi khắp phố phường, tôi đi tìm cho được cái nguồn gốc của “đặc sản” ấy!


Rong ruổi khắp phố phường bán từng bánh kẹo cao su, gói lạc

Khu tái định cư xóm nhà Chồ (phường Vỹ Dạ, TP. Huế) đa số là cư dân thủy diện, rong ruổi theo bao cuộc mưu sinh nơi hạ nguồn sông Hương, rồi neo thuyền lại kiếm đất cắm dùi. Xóm có chừng mấy chục hộ dân nhưng hầu như nhà nào cũng có trẻ bán lạc rong, có nhà 3-4 đứa. Như hộ gia đình chị Nguyễn Thị Huyên, có 6 người con thì đã có 3 đứa tham gia vào đội quân bán lạc rong.

Gia cảnh chị Huyên rất đáng thương, chồng mất đã mười mấy năm, chị ở vậy chèo chống nuôi 6 người con nhỏ. “Nghèo khó quá nên con cái cứ nghỉ học dần dần, không nghề gì cũng quay ra bán lạc”, chị than thở.

Từng ấy đứa con, một tay lèo lái, nói như chị đã bở hơi tai, lấy đâu tiền ra cho chúng học hành, được vui chơi như những đứa trẻ thành thị. Dù ngày tết hay lễ, những đứa con chị cũng phải đi bán lạc dạo, bởi ngày lễ người ta mua mới đông.

Nghề bán lạc dạo làm xuyên ngày đêm nên những đứa trẻ ở đây hầu hết không được đến trường, con chữ mờ mịt từ khi chúng được sinh ra, vì thế những ngày trung thu, cái mùi bánh, ánh đèn lồng cũng quá xa vời với chúng.

Hằng ngày, đội quân bán lạc dạo nhận hàng từ những người bán hàng đầu mối, chia thành bì nhỏ hay bỏ sẵn trong rổ, rong ruổi khắp phố phường bán cho khách. Khách hàng chủ yếu ở các quán nhậu vỉa hè, công viên… nên từ trưa cho đến lúc chạng vạng mặt người, chúng phải rảo khắp thành phố.

Những trục đường quen thuộc với dân ăn nhậu như: Đống Đa, Phạm Văn Đồng, Lê Hồng Phong, Trịnh Công Sơn có cả một đội quân lên đến vài chục em luôn thường trực. Và, không phải một ai cũng có cái nhìn thiện cảm với đội quân này khi chúng mời chào quá nhiệt tình và luôn quyết tâm bán cho bằng được mới rời quán.

Xóm nhà Chồ với những căn nhà lụp xụp, vá chằng vá đụp. Ở đây, ban ngày trẻ nhỏ vắng cả, hỏi nhà bé Võ Thị Na (10 tuổi) thấy căn nhà trống không. Chiều ghé trục đường Lê Hồng Phong, mới hay Na đã có mặt ở đây từ lúc nào.


Em Võ Thị Na với giấc mơ lạc giữa phố phường

Mua cho em bịch lạc luộc, ngồi trò chuyện, em kể về gia cảnh của mình, kể già dặn như một người lớn từng trải: “Nhà em nghèo lắm, lại đông anh em, đứa đầu chưa kịp lớn, đứa thứ hai đã ra đời rồi. Em bỏ học đã được 4 năm, đi bán lạc dạo kiếm cơm từ dạo đó. Bố thì đi phụ hồ từ sáng đến tối mịt mới về, mẹ em đi xúc cát thuê cho mấy chủ vạn đò, ngày kiếm được mấy chục mà thôi”.

“Em có nghỉ để chơi trung thu không?”, tôi hỏi. Na buồn buồn: “Em không biết nữa. Mấy hôm nay trời mưa, lạc bán rất được. Bán hết số lạc này, nếu đủ tiền em sẽ mua lồng đèn về chơi với em”. Nói chưa dứt câu, có cánh tay từ dãy bàn bên ngoắt ngoắt, đôi mắt Na chợt vui lên hẳn, em chạy ù tới bán cho khách, để quên cuộc trò chuyện còn bỏ lửng…

Nếu đội quân bán lạc xóm Chồ "cát cứ" phía nam thì bên bờ bắc sông Hương của thành phố, những đứa trẻ ở khu tái định cư phường Phú Hậu cũng có lãnh địa của mình.


Chật vật, bươn chải bán từng bì lạc cho khách

“Phố lạc” trên đường Trịnh Công Sơn, Huỳnh Thúc Kháng dù mưa hay nắng vẫn luôn tấp nập đội quân bán hàng này hoạt động. Những đứa trẻ lặng lẽ, cắp nách lỉnh kỉnh những bao, bì lạc rang, lạc luộc vẫn lặng lẽ đi về giữa lòng thành phố xa hoa, đối nghịch bên kia là cuộc sống sung túc, ăn nhậu tối ngày.

Tìm đến khi tái định cư Phú Hậu, dù đã lên bờ khá nhiều năm, những cảnh nhếch nhác, luộm thuộm của những hàng quán nơi đây là “dấu tích” của cuộc sống cư dân thủy diện tự do phóng khoáng trên đầm phá.

Giữa trưa, gặp bé Trương Thị Ly, khi Ly đang đi nhận lạc về chuẩn bị bán cho buổi chiều và đêm. Cũng như nhiều đứa trẻ bán lạc khác nơi tái định cư Phú Hậu, đêm rằm trung thu hay ngày tết cũng chỉ là những buổi rong ruổi bán lạc dạo, chẳng có một ý nghĩa gì từ ánh sáng của chiếc đèn lồng hay tiếng trống đêm rằm vào hội.

Nhà Ly nghèo, do cuộc sống không hạnh phúc, mẹ em bỏ đi cách đây 4 năm, bố chật vật làm thợ hồ suốt ngày nên hai chị em Ly phải tự bươn chải kiếm sống.


Những đứa trẻ trong đội quân bán lạc dạo, phồng tôm

Tiếp xúc với nhiều em nhỏ cùng hoàn cảnh như Ly, chợt nhói lòng khi cuộc sống đã cuốn các em vào guồng quay của cơm áo gạo tiền quá sớm. Để giấc mơ về bán lạc dạo kiếm tiền cứ thường trực, day dứt trong đôi mắt trong veo của chúng.

Chị Ngô Thị Nguyệt, một chủ phân phối lạc cho trẻ em vạn đò ở khu tái định cư Phú Hậu, cho hay: “Chỉ riêng khu tái định cư này đã có mấy chục em tham gia bán lạc dạo, mỗi ngày chúng lấy lạc vào buổi trưa, đi bán đến tối mịt 21-22 giờ mới xong, thì thời gian đâu nữa mà học hành. Tội nghiệp, cha mẹ khó khăn nên con cái cũng phải khổ cực trăm bề". (Hết)

Khi ánh đèn vàng như không còn sức để chiếu sáng sau một đêm mệt mỏi thắp lửa cho phố phường, cũng là lúc đội quân bán lạc trở về nơi trú ngụ. Những câu chuyện bán đắt, rẻ sau một ngày được mang ra bán tàn xôn xao. Khép lại đằng sau những lời mắng nhiếc, những giọt mồ hôi là vẻ mệt mỏi và không ít những nụ cười khi đã bán hết hàng. Giấc ngủ trẻ thơ của các em vẫn còn “lạc” giữa lòng phố.

 

Xem thêm
Thủ tướng: Kiểm tra, giám sát từ đầu, tránh tích tụ vi phạm

Họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, Thủ tướng lưu ý tăng cường kiểm tra, giám sát ngay từ lúc bắt đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ lại thành sai phạm lớn.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Lai Châu xác minh tài sản, thu nhập của 26 cán bộ

Ngày 4/5, Thanh tra tỉnh Lai Châu công bố quyết định xác minh tài sản, thu nhập năm 2024 của 26 cán bộ công tác tại 9 cơ quan.