| Hotline: 0983.970.780

Mặc cảm vì "núi đôi xập xệ" sau sinh

Thứ Tư 04/02/2015 , 10:17 (GMT+7)

Cai sữa đứa con đầu xong, bộ ngực cháu lệch đi thê thảm cô ơi. Chồng cháu không nói ra nhưng thi thoảng cũng có phát biểu về hai trái ngực bên 7 bên 10 của vợ.

 Cô kính mến!

Cháu năm nay 29 tuổi, đã có hai con. Đứa con đầu của cháu đã 6 tuổi, đứa con nhỏ gần 2 tuổi, đã dứt sữa mẹ cách đây 3 tháng. Chuyện khó nói này khiến cháu viết thư cho cô chứ không tâm sự với ai cả.

Cô ơi, khi cháu sinh đứa con đầu, cháu ở nhà chồng, mẹ chồng cháu chăm nuôi. Bà là người thành phố, làm việc công sở, bà lúc ấy chưa đầy 50 tuổi, bận rộn ở bên ngoài nhiều.

Cháu biết thế nên đâu có phàn nàn gì. Việc chăm dâu và cháu nội, bà chỉ đạo cho đứa giúp việc ít học, mới có 16 tuổi, thực sự không làm được mấy.

Cháu là con cái nông thôn nên cháu tự lập rất sớm. Việc mẹ chồng bận việc cháu không dám kêu ca. Chồng cũng đi làm, lại hay đi công tác, khi ấy chưa có chính sách vợ sinh thì chồng được nghỉ.

Vì vậy kỳ thực, sinh mới 2 tuần thì cháu đã dậy để vào bếp. Không phải đi chợ vì cô bé ấy đi chợ cóc được, mua sắm nhiều thì ngày nghỉ mẹ chồng đi. Nhưng cơm nước cho bố mẹ chồng và cho chồng thì cháu vẫn phải cùng cô bé ấy lo liệu.

Mẹ cháu xót con gái nhưng không cách nào giúp được. Thông gia là phải giữ ý đến hết đời, đúng không cô? Mẹ lên thăm hai lần trong tháng cữ, mẹ thấy cháu và em bé được nuôi theo kiểu thành phố nên mẹ buồn lắm, mẹ không ở đến ngày thứ hai.

Cô ạ, mẹ chồng cháu theo quan niệm của Tây, sản phụ ăn cam ăn chuối, ăn rau củ, thoải mái. Mẹ đẻ dặn cháu là phải biết tự chọn lọc, nấu kỹ, ăn chín, kho rim các thứ cho em bé khỏi lạnh bụng.

Nhưng điều mẹ cháu băn khoăn nhất là cháu không được xông nước lá mỗi ngày, em bé không được đốt bồ kết và lá trầu để hơ bụng, hơ ngực.

Đến khi em bé khoảng sáu tháng, cháu phát hiện ngực cháu bên to bên bé thấy rõ. Mẹ cháu bảo do không có kinh nghiệm nên cho bú không đều, phải có người lớn chỉ bảo mới không bị tình trạng này. Cháu cố điều chỉnh mãi mà không được.

Cai sữa đứa con đầu xong, bộ ngực cháu lệch đi thê thảm cô ơi. Mẹ đẻ cháu oán mẹ chồng cháu lắm. Bà bảo sinh đứa thứ hai, nhất định bà phải đưa về quê nuôi đẻ. Chồng cháu không nói ra nhưng thi thoảng cũng có phát biểu về hai trái ngực bên 7 bên 10 của vợ.

Đúng như mẹ cháu định, cháu sinh đứa thứ hai, mẹ chồng cháu buông hẳn, có ý mừng khi mẹ cháu đón đi. Quê nhà cháu đã lên thị tứ, chen chúc, tiện lợi chứ không heo hút như xưa đâu. Mẹ cháu nuôi theo kiểu bà ngoại từng nuôi mẹ, xông hơ, ăn kỹ, uống kỹ. Nhưng hai bầu sữa của cháu thì không điều chỉnh hoàn toàn được nữa.

Cai sữa lần 2 này, da ngực cháu bị rạn, vẫn bên lớn bên bé, luôn phải mặc áo có độn. Cháu mặc cảm lắm cô. Theo cô cháu có nên đi thẩm mỹ không cô?

Mong cô giúp cháu.

---------------------

Cháu thân mến!

Cô biết có những bà mẹ chồng Tây học, chăm sóc con dâu theo kiểu nửa tây nửa ta. Phụ nữ Tây “toàn diện” ư, họ tắm ngay sau khi sinh và khoảng tuần thì họ đã đi vũ trường. Các bà mẹ chồng Tây ư, họ sẽ không chăm ai cả, văn hóa cái tôi, mọi người đều tự lực và đều giữ khoảng cách với nhau.

Cô ở miền Bắc 15 năm, cô cũng lấy làm lạ sao phụ nữ ở cữ mà uống nước cam, ăn chuối tiêu, nhưng cái bài rau ngót của các bà mẹ nông thôn thì tuyệt, rau ngót xổ lòng, rau ngót có chất kháng sinh mà lại trung tính, sữa mẹ khiến em bé ăn ngon ngủ ngon.

Thôi, ta không nói việc mẹ chồng bận công sở, ô-sin trẻ nít nữa. Chỉ tiếc là mẹ cháu quá giữ ý nên không giúp cháu nhiều trong lần sinh đầu. Đầu xuôi thì đuôi lọt, cháu không được truyền kinh nghiệm, cháu làm lụng sớm sẽ hại cho sức khỏe mình về sau.

Sữa mẹ là tốt nhất, nhiều phụ nữ sợ xấu hoặc bận việc quá nên cho con bú bình ngay từ đầu, tiếc quá. Cháu không vậy, cả hai lần sinh cháu đều nuôi con bằng sữa mẹ.

Mấu chốt để có bộ ngực vẫn đẹp như xưa sau khi sinh là phải nhớ cho con bú đều mỗi ngày, lần này bên trái thì lần sau sẽ phải bên phải ngay.

Nhất là ban đêm, mẹ ngủ một bên thuận với mình, thế là con cứ ngậm bên ấy, mẹ ngủ vùi, mẹ ngại dậy để trở thế, vậy là con quen với phía ấy, mình cũng không muốn con thức giấc, khó dỗ. Vậy là lệch, bên to bên nhỏ, chỉ vài tháng sau khi sinh thì hết chỉnh được.

Thời nay các cháu trẻ không mấy kinh nghiệm như thời của mẹ cháu hay của cô. Cô nhớ má của cô, chị cả của cô thường xuyên nhắc cô việc này.

Đúng là khi việc đó không ổn thì thẩm mỹ của người vợ kém đi, mình mất tự tin mà chồng cũng ngại phê phán, dẫn đến ngại ngắm, ngại nhìn.

Rất khó để lần sinh thứ 2 việc ấy sẽ cân đối. Nó đã thành vết, thành sự lệch như là bẩm sinh vậy rồi. Cô không nghĩ sẽ hay nếu đi giải phẩu thẩm mỹ, họ sẽ bơm bên nhỏ rồi nâng cả hai bên lên cho đẹp mỹ mãn theo con mắt của họ. Cháu sẽ phải chung sống với áp lực về mấy cái túi ngực giả ấy suốt đời ư?

Cô nhớ vụ bác sĩ Cát Tường và cô không khuyên ai hút mỡ hay nâng ngực gì cả.

Vậy đó, không ai hoàn toàn toại nguyện với cuộc sống của mình cả, thôi thì mình tự an ủi vậy đi cháu ơi. Than thở không ích gì, mặc cảm quá rồi sẽ lạnh sẽ nguội với chồng, âu là, lấy cần cù bù dung nhan vậy, gái có công chồng sẽ nể và sẽ quý, nhớ đấy.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm