| Hotline: 0983.970.780

Mệt mỏi vì con gái "rượu"

Thứ Sáu 22/03/2013 , 09:47 (GMT+7)

Có sáng suốt đến mấy thì cũng không khi nào tôi hình dung nổi mình phải lâm vào cảnh nợ nần như vầy. Tất cả chỉ vì vợ chồng con gái tôi.

Ảnh minh họa
Chị kính mến!

Có sáng suốt đến mấy thì cũng không khi nào tôi hình dung nổi mình phải lâm vào cảnh nợ nần  như vầy. Tôi bối rối quá, biết chị cũng chỉ đưa ra những lời khuyên, thậm chí những lời trách cứ nữa nhưng tôi đã cùng đường, tôi không có ai đủ tin cậy để tôi vin vào mà đứng dậy, chị ơi.

Tôi góa chồng sớm, nếu nói đời tôi có may mắn gì thì là cái may được chồng cùng nuôi ba đứa con lớn lên rồi mới qua đời. Lúc đó  đứa con gái út, đứa đã làm khổ tôi đây lên 10 tuổi. Hiện nay, con trai lớn của tôi làm viên chức, đủ sống, nó và vợ nuôi được hai đứa con ăn học, ngoan ngoãn. Đứa con trai thứ thì không được như anh, nó có đất đai hương hỏa ở trong quê, cuộc sống nhà nông dù có chật vật thì cũng như bà con cô bác xóm giềng, hai đứa con của nó cũng không đến nỗi nào.

Cũng vì con gái một nên tôi đã theo đuôi nó từ khi nó mới yêu. Chồng của nó bây giờ  vốn là đứa làm công cho nhà tôi, tôi ra thị  trấn từ sớm nên cũng có một cơ ngơi kha khá. Trong ba cậu làm công cho mình, tôi chê đứa này nhứt vì nhà nó nghèo nhứt, nó thất học nhứt mà nói năng hay nổ. Con gái tôi mới lớn, ngây thơ mà nó thì rắp tâm mồi chài, như là để trả thù tôi. Ngày tôi lo sợ cũng tới, chúng nó đặt tôi trước chuyện đã rồi. Lúc đó con tôi mới vô lớp 11, phải cưới chạy. Cũng tại tôi một cảnh hai quê, nhiều lúc phải về với con trai trong vườn nên không để mắt đến con gái đầy đủ. Cũng xin nói rõ là sau này tôi đã cho đứa đó nghỉ việc để tránh hậu họa, nó làm xe ôm ở gần nhà tôi, nó hay đưa đón con gái tôi mà sau này chuyện lỡ ra tôi mới biết.

Ác cảm với nó đã khiến không khí trong nhà tôi luôn luôn ngột ngạt. Tôi bắt đầu nghĩ tới chuyện cho vợ chồng đứa con gái ra riêng sớm. Nhưng buôn bán như tôi nó không làm được, về quê với anh để làm nông dân chúng nó cũng không làm được. Một đứa con gái bao cấp mà giờ phải cầm trịch gia đình, con tôi không giống tôi vì thương con mồ côi cha sớm, tôi bảo bọc nó quen rồi. Mấy năm nay công việc kinh doanh của tôi sa sút, vì tình cảnh chung. Tôi cũng bắt đầu già, thích điền viên nên khi con gái tôi sinh đứa con thứ hai cứng cáp, tôi nhường nhà nhường quyền cho con để về lại với vườn đất hương hỏa.

Khi tôi ngồi viết thư cho chị đây, tôi đã trở ra chợ được 3 năm nay, tự tay chăm sóc hai cháu ngoại, tự làm vi tính, tự hết. Hai vợ chồng đứa con gái đã xuống ghe tải để làm ăn riêng. Nhưng cuộc sống sông nước cũng không làm chúng nó tháo vát lên, chẳng qua là nó chạy khỏi tôi mà đèo bòng vậy thôi. Lúc tôi tiếp quản lại cơ ngơi thì cũng là lúc phát hiện nó đã vay nợ khá nhiều ở những người bạn của tôi, nhân danh tôi. Tôi trả nợ năm đó số tiền rất lớn nhưng vẫn còn giữ được nhà, được công việc. Coi như mấy năm nay tôi có hai đứa con nhỏ để nuôi dạy, là hai đứa cháu ngoại này.

Rồi chúng nó bán ghe và báo với tôi đã mua một chiếc ghe lớn hơn. Khi tôi biết chuyện đó thì chúng nó đã đặt cọc cho trại ghe hàng trăm triệu. Mấy năm làm ăn, tôi không sao có đủ mấy trăm triệu nữa để thỏa mãn nhu cầu đổi chọn của nó. Tôi đành cầm cố cái nhà cho ngân hàng, đó cũng là lần đầu tiên trong đời mình tôi động tới chủ quyền nhà. Tôi là người rất coi trọng nhà và đất, những thứ để sống để tồn tại chớ không phải để đổi chác. Tôi cũng hình dung được cảnh này nhưng không hình dung được hết. Có chiếc ghe tải lớn, nhưng chúng nó lấy vốn đâu ra để ăn hàng, chở hàng? Vậy là chúng phải vay nóng, lãi đẻ lãi, lúc chúng báo với tôi là sẽ bán ghe thì tôi cũng đã hết nước!

Tôi không biết rồi có giữ được cái nhà  ở chợ đây cho hai đứa cháu học xong PTTH không nữa. Tôi điên đầu vì nợ, tôi kiệt sức chị ơi. Tôi không còn đồng vốn để xoay xở nữa, tôi cũng không còn kế nào khác là cáo lui, tay trắng. Nhưng con gái và hai đứa cháu nhỏ thì sao đây chị? Thật là một câu chuyện phiêu lưu, điên khùng. Nhưng đọc báo thấy thời buổi này người ta lâm nợ rồi tan tác quá nhiều. Tôi sợ lắm chị ơi.

Xin chị đừng in địa chỉ hòm thư lên.

Chị thân mến!

Cuộc sống của những người phụ nữ như  chị thì câu chia sẻ đầu tiên ở  tôi là sự nghiêng mình, khâm phục. Dù không phải lúc nào chị cũng thành công, như giai đoạn này chẳng hạn, nhưng phải nói là chị đã giỏi giang ghê gớm mới giữ được cơ ngơi ở quê, gây dựng cơ ngơi ở thị trấn và bảo bọc con cháu mình cho tới lúc này. Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh, đúng không chị?

Ai rồi cũng phải có lúc rửa tay gác kiếm, dù  có là nữ hoàng đi nữa thì có lúc cũng bị truất, hoặc phải nhường quyền. Nếu cuộc đời chị có khinh suất thì nó rơi vào hai thời điểm: Gả con cho cái gã bất tài vô tướng ấy và để nó gây nợ cho mình hốt. Nhưng mình thua là thua con gái mình, nó không sáng suốt thì sự tăm tối đó, nói như ông bà, là do cái số nó hẩm, cái phận nó kém, vậy thôi. Vả lại mẹ quá giỏi thì con cái thường kém, do ỷ lại, do được cưng chiều, và do cả phúc phận của từng đứa nữa. Riêng đứa con gái ấy, việc nó vẫn dấn lên để lấy cái người mà chị coi thường nhất, cái gã chị đã thải ra không dùng được, chứng tỏ chữ hiếu ở nó quá ít. Đó là chưa nói nó mù quáng để chồng nó đạo diễn mọi chuyện, sâu xa như để trả cái hận chị đã căm ghét nó.

Có những gã vô phương “cải tạo”  dù mình có cố gắng đến đâu. Nề nếp, tính tình, năng lực của một con người phải do chính gia đình của người đó tạo dựng cho, từ nhỏ xíu đến lớn. Hai nền văn hóa, của chị và của con rể như vậy thì hòa làm một sao được? Vấn đề ở chỗ này, mình không xui con nó bỏ nhau để cháu mình khổ nhưng ôm cái gã ấy khác nào ôm một căn bệnh mãn tính. Những gã tài ít tật lớn đó, không ai vực dậy nổi đâu.

Rất khó nghĩ cho chị. Nợ phải ôm, hai đứa cháu phải ôm, mà sức đã tàn, lực đã kiệt. Thôi thì chị vẫn còn giải pháp ở quê, cháu nội mình trụ được là cháu ngoại trụ được, chị thử tính lối ấy xem sao. Làm nhà nông không giàu nhưng cũng không thể đói, chị mặc con gái và gã chồng kém cỏi của nó đi. Các bà cháu về quê, hết nợ, xem sao, chị nhá.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm