| Hotline: 0983.970.780

Những mối tình ngang trái

Thứ Tư 27/04/2011 , 11:15 (GMT+7)

Quan niệm sai lầm trong quá khứ về nối dõi dẫn tới hệ lụy, con anh trai lấy con em gái, con chị gái lấy con em gái...

Người Mảng ở Lai Châu quan niệm rằng, khi con gái đi lấy chồng thì đứa cháu được sinh ra không liên quan gì đến nhà ngoại nữa vì mang họ của bố. Quan niệm sai lầm trong quá khứ đó dẫn tới hệ lụy, con anh trai lấy con em gái, con chị gái lấy con em gái...

>> Kỳ bí tục xăm cằm
>> Người Mảng nơi cuối trời Tây Bắc

Chuyện ở "bản vô sinh"

Xuất phát từ công trình Thủy điện Lai Châu, chúng tôi mất hai tiếng đồng hồ đi xe máy và ba tiếng cuốc bộ mới tiếp cận được bản Nậm Nghẹ, xã Hua Bum, huyện Mường Tè. Trái với những bản làng người Mảng tôi đã đi qua, bản Nậm Nghẹ  vắng vẻ lạ thường. Trong căn nhà xập xệ, trưởng bản Nậm Nghẹ Lò A Tiên trông hom hem hơn cái tuổi 30 của mình rất nhiều.

 Hỏi thăm vì sao làng ít trẻ con thế? Trưởng bản Tiên tâm sự: Cả bản Nậm Nghẹ có ngót nghét 30 hộ dân thì có đến 7 cặp vợ chồng không có con nên bản vắng trẻ con chứ sao. Dân làng lúc đầu nghi nguồn nước ăn có chất độc nên mới có nhiều cặp vợ chồng bị vô sinh đến thế, nhưng tất cả người dân ở Nậm Nghẹ đều dùng nước từ một con suối, bản vẫn có nhiều cặp vợ chồng rất nhiều con...

Vốn rất tin vào thần linh và cho rằng vạn vật đều có ma nên người Mảng quay sang đổ tội con ma trẻ con về quấy phá khiến các cặp vợ chồng không sinh được con. Vậy là họ tổ chức cúng bái linh đình hết bài này đến bài nọ, mời hết thầy cúng này đến thầy cúng khác rốt cuộc các bà vợ vẫn "tịt ngòi".

Chúng tôi sang nhà vợ chồng Lò A Đương và Lò Me Nen vì biết họ lấy nhau đã bốn năm mà chưa có con. A Đương đi vắng, ngồi đan cỏ gianh để lợp mái nhà trước sân, chị Nen buồn rầu: “Hai vợ chồng mình đều khỏe mạnh như con nai, con lợn trên rừng, không ai có bệnh tật gì mà lấy nhau bốn năm rồi vẫn chưa có con. Mình cũng chẳng biết tại mình hay tại thằng chồng của mình nữa. Bây giờ được Nhà nước cho gạo ăn mà không có đứa con bồng bế vợ chồng mình buồn lắm”. 

Cũng hiếm muộn như vợ chồng Đương-Nen, nhưng Tào A Hợi và Lò Me On đã chung sống với nhau 20 năm trời có lẻ. Ngồi bên bếp lửa bập bùng, Tào A Hợi vò cái đầu rối như tổ quạ của mình thắc mắc tại sao giở hết “ngón nghề” ông cha truyền dạy rồi mà vẫn không thể có được thằng con nối dõi. Nhưng A Hợi không quá buồn như vợ chồng Đương - Nen vì không có con lâu rồi nên thành quen, vả lại ở bản có nhiều người cùng cảnh ngộ như vợ chồng Hợi nên bà con cũng cảm thông.

Ngoài hai cặp vợ chồng éo le trên, ở Nậm Nghẹ, Bum Nưa còn 5 trường hợp khác như: vợ chồng Lò A Non - Lò Me Lon, vợ chồng Lò A Phương - Tào Me Dương, vợ chồng Lò A Sao - Lò Me Sản, vợ chồng Lò A Sương - Lò Me Nam và vợ chồng Lò A Sin- Lò Me Nẹ đều sống với nhau từ 10 đến 20 năm nay nhưng không hiểu vì sao đều không đẻ được. Trước khi vào Nậm Nghẹ, chúng tôi có nghe phong thanh, xã Bum Nưa có nhiều cặp vợ chồng là anh em cành trên cành dưới. Nghĩ những trường hợp vô sinh vừa chứng kiến xuất phát từ các cuộc tình ngang trái, tôi mạnh dạn hỏi A Tiên trong số 7 cặp vợ chồng vô sinh ở bản Nậm Nghẹ có trường hợp nào kết hôn cận huyết thống không thì Tiên khẳng định là không.

Vậy là nguyên nhân khiến các cặp vợ chồng ở bản Nậm Nghẹ vô sinh vẫn là một ẩn số cứ bám theo chúng tôi ra vùng đất tổ người Mảng, xã Nậm Ban, huyện Sìn Hồ...

Anh em lấy nhau

Nghỉ chân trong ngôi nhà sàn khang trang của Bí thư Đảng ủy xã Nậm Ban Lý Thị Chướng, chúng tôi lấy chuyện vô sinh ở bản Nậm Nghẹ gợi chuyện. Chị Chướng cho hay: “Chắc những cặp vợ chống ấy là anh em họ hàng lấy nhau rồi. Gia đình tôi cũng có một trường hợp tương tự. Con của chị gái tôi là Chìn A Tơi lấy con của em gái tôi là Lý Thị Nhan năm nay cả hai đều đã 40 tuổi rồi mà vẫn chưa có con. Các đồng chí bộ đôi biên phòng bảo vì chúng là anh em lấy nhau nên mới bị vô sinh như vậy".

Nhưng chúng tôi cho chị Chướng biết, ông trưởng bản Nậm Nghẹ bảo không có trường hợp nào hôn nhân cận huyết thống cả. Chị Chướng cười: “Nếu các anh hỏi họ có kết hôn cận huyết thống không thì tất cả đều sẽ trả lời là không. Nhưng nếu các anh hỏi ở bản có trường hợp nào con anh trai lấy con chị gái, con chị gái lấy con em gái không... thì họ sẽ bảo là có ngay. Với người Mảng thì con anh con em mà khác họ là có thể lấy được nhau vì họ cho như vậy không còn cận huyết thống nữa”.

Để chúng tôi hiểu rõ, Bí thư Chướng giải thích cặn kẽ hơn, quan niệm trước đây của người Mảng, khi con gái kết hôn thì đứa con được sinh ra sẽ mang họ của người chồng. Mà đối với người Mảng, khi đứa trẻ đã mang họ của gia đình khác thì không còn liên quan máu mủ ruột già đến dòng họ bên ngoại nữa. Từ quan niệm đơn giản đó, người Mảng cho rằng con anh trai lấy con em gái, con chị gái lấy con em gái và ngược lại là chuyện bình thường. Lúc này, chúng tôi đã hiểu ra vấn đề. Vì theo như lời Bí thư xã Nậm Ban nói, chắc chắn 7 cặp vợ chồng vô sinh ở Nậm Nghẹ, Hua Bum kia sẽ có không ít cặp là anh em máu mủ với nhau.

Tuổi thọ trung bình 50

Bà Giáp Thị Chỉ, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Lai Châu tỏ ra buồn khi nhắc đến chuyện hôn nhân của người Mảng: “Dân tộc Mảng là một trong những dân tộc có tuổi thọ ít nhất ở Lai Châu hiện nay. Tuổi thọ bình quân của người Mảng chỉ ở ngưỡng 50, những người cao tuổi còn lại tại các bản làng hiện nay chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Nguyên nhân khiến tuổi thọ của người Mảng thấp có thể do điều kiện sống, thói quen sinh hoạt. Đặc biệt là tình trạng kết hôn cận huyết thống trước đây”.

Không chỉ còn tình trạng hôn nhân cận huyết thống mà dân tộc Mảng còn tồn tại rất nhiều hủ tục khác như sinh con vẫn đem ra ngoài bìa rừng, đem xuống suối tắm ngay. Đặc biệt người Mảng rất sợ đẻ con sinh đôi, khi đó họ sẽ đem chôn sống đứa trẻ vì cho rằng đó là con ma hiện về làm hại dân làng. Chính vì luật tục rùng rợn đó mà hiện nay trong các bản làng người Mảng hiếm khi gặp một trường hợp song sinh nào.

Còn theo kết quả khảo sát của Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em Lai Châu (năm 2006-2007) cho thấy, tỷ lệ tảo hôn ở các dân tộc Cống, Mảng, La Hủ chiếm tới 80%; tỷ lệ kết hôn cận huyết thống chiếm khoảng 20%. Báo động hơn khi nhận thức thế nào là tảo hôn, kết hôn cận huyết thống và những hậu quả của nó với bà con người Mảng còn rất mơ hồ. Vì vậy, tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống vẫn diễn ra nhất là đối với các dân tộc ít người nhiều khó khăn như dân tộc Mảng. Đây đang là nguy cơ tác động lớn đến chất lượng dân số, giống nòi của dân tộc có số lư*ợng hơn 3.000 người này.

Xem thêm
Thủ tướng: Kiểm tra, giám sát từ đầu, tránh tích tụ vi phạm

Họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, Thủ tướng lưu ý tăng cường kiểm tra, giám sát ngay từ lúc bắt đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ lại thành sai phạm lớn.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Lai Châu xác minh tài sản, thu nhập của 26 cán bộ

Ngày 4/5, Thanh tra tỉnh Lai Châu công bố quyết định xác minh tài sản, thu nhập năm 2024 của 26 cán bộ công tác tại 9 cơ quan.