Giữa trùng điệp rừng núi ở xã Sín Thầu (huyện Mường Nhé, Điện Biên), ông trời phóng khoáng ban cho cực Tây Tổ quốc một thảo nguyên xanh bát ngát. Người Hà Nhì gọi là thảo nguyên Tá Miếu, nơi có một lão nông được xem là người chăn bò giỏi nhất vùng Tây Bắc.
>> Thủ lĩnh Sừng Sừng Khai
>> Ở lại đỉnh trời Tả Ló San
>> Mộ đá bên dòng Păng Pơi
Tỉ phú… mù chữ
Tá Miếu xưa chỉ là dải đất toàn cỏ gianh nằm dưới chân đỉnh Khoang La San, nơi có cột mốc số 0, biên giới của ba nước Việt - Trung - Lào. Sau khi Sín Thầu tách xã năm 2009 thì Tá Miếu cũng tách từ bản A Pa Chải lập thành một bản riêng. Bản có vỏn vẹn 30 hộ. Đây là bản duy nhất trên cực Tây Tổ quốc không có hộ nghèo.
Mất non 3 tiếng đồng hồ, trưởng bản Tá Miếu Lỳ Ná Na mới dẫn tôi lên đến trang trại của Chang Vãng Sinh, người mà ông bảo là nuôi bò giỏi nhất vùng Tây Bắc. Vừa leo núi tôi vừa thắc mắc là tại sao một người tự nhận mình chưa bao giờ bước chân ra khỏi huyện Mường Nhé như ông trưởng bản này lại dám khẳng định là Chang Vãng Sinh nuôi bò giỏi nhất Tây Bắc?
Lỳ Ná Na cười mà rằng: Giữa năm vừa rồi có hội nghị gì đấy dưới Hà Nội, vinh danh những người nông dân sản xuất giỏi trên toàn quốc, tôi xem tivi, nghe đọc tên từng người một thì chỉ có mỗi Chang Vãng Sinh là nuôi bò, không giỏi nhất thì là gì.
Trang trại của Chang Vãng Sinh nằm giữa một thung lũng bạt ngàn màu xanh của thảo nguyên Tá Miếu. Một ngôi nhà, một vườn cây, một ao cá, con suối Mo Phí nước trong văn vắt chạy quanh vườn, chim chóc làm tổ ngay bên vách. Cuộc sống của “người nuôi bò giỏi nhất Tây Bắc” xem chừng rất nho nhã. Nhìn cảnh tiên ấy tôi cứ đồ rằng, chắc gia chủ dư dả tiền bạc rồi nên tính đến chuyện chơi sang, học lối người xưa vui thú điền viên chăng?
Chang Vãng Sinh, người nuôi bò giỏi nhất Tây Bắc
Vậy mà suy nghĩ ấy hoàn toàn thay đổi, có phần hơi thất vọng khi Chang Vãng Sinh tự nhận mình là một người mù chữ. Ông cũng chẳng biết đến những từ ngữ có cánh như đại gia, vua bò như người ta vẫn ca tụng mình có nghĩa gì. Chang Vãng Sinh nói rằng có thể gọi ông là kẻ chăn bò… nhiều tiền.
Những lời tự nhận nhiều tiền ấy không hề có ý khoe của mà đơn giản lão là người thật thà, có sao nói vậy. Trưởng bản Na xác nhận rằng chỉ riêng tiền bán bò trong hai năm vừa rồi của trang trại Chang Vãng Sinh cũng xấp xỉ 1 tỉ đồng, bằng tất cả các hộ khác ở trong bản cộng lại. Ngoài căn nhà xây to nhất xã Sín Thầu thì một lý do nữa để khẳng định lão có tiền là 8 đứa con của lão khi dựng vợ gả chồng đều nhận được của hồi môn rất hậu.
Đàn bò của lão bây giờ chỉ giữ ổn định ở mức 120 con. Hễ lúc nào có dấu hiệu tăng đàn lão lại kêu con cái về cho bớt. Thứ nhất là vì tuổi lão ngày càng cao, không muốn nuôi nhiều nữa. Thứ hai là do tiện nghi, nhà cửa đầy đủ cả rồi, tiền bán bò cũng không biết dùng vào việc gì cả. Xe máy, ô tô thì không biết chữ nên cũng chẳng biết đi luôn. Bà vợ lão suốt ngày quanh quẩn với bếp núc ở trang trại, chẳng bao giờ đi ra ngoài nhưng vàng đeo trĩu cả tay.
Nghe cách trò chuyện, nhìn sinh hoạt của Chang Vãng Sinh không ai nghĩ đó lại là một đại gia. Lão luôn nhớ về quá khứ nghèo đói của gia đình mình, dân bản mình. Trước những năm 1995, cũng như bao gia đình người Hà Nhì khác ở cực Tây Tổ quốc, nhà Chang Vãng Sinh mỗi năm đứt bữa tầm 9 tháng. Giáp hạt, lên rừng đào củ nâu, củ ấu ăn qua ngày là chuyện quá bình thường.
Năm 1998, khi Chương trình 135 đến với vùng đất biên giới này gia đình lão được nhận 10 con bò với cam kết nuôi trong vòng 3 năm sau đó phải chuyển bò giống cho gia đình khác. Sau ba năm dự án, gia đình lão lãi được 7 con bò. Từ đó, đàn bò cứ tăng dần, đến những năm 2002 đàn bò của lão đã lên đến hơn 200 con. Thời điểm ấy, nắm trong tay đàn bò chừng ấy con đã là kỷ lục, vậy mà thỉnh thoảng gia đình lão vẫn cứ đứt bữa như thường.
Đơn giản là vì xã Sín Thầu còn tách biệt với thế giới bên ngoài. Bò nuôi chỉ để giết thịt mỗi khi lễ tết chứ chẳng bán được cho ai để mà giàu cả. Nhiều bữa đói quá, lão phải gọi vài người trong bản mổ bò uống rượu cho qua bữa. Rượu vào xừng xừng lão tuyên bố dắt bò sang Trung Quốc bán vì bên ấy dân đông, chắc là có tiền. Chợ cửa khẩu lúc ấy mỗi tháng mở 2 phiên. Cứ đến phiên lão lại dắt chục con bò đi bộ 7 km đường rừng sang biên giới bán. Bán không hết thì đổi gạo, đổi quần áo, đổi đồ dùng sinh hoạt.
Cái danh Chang Vãng Sinh là người đầu tiên xây được nhà ở ngã ba biên giới này cũng nhờ vào việc mang bò đi đổi vật liệu. Tổng cộng ngôi nhà ấy lấy đi của lão tròn 100 con bò. Từ vật liệu, thuê người vận chuyển, thuê nhân công... đều tính bằng bò cả.
Bán phân bò cũng đủ giàu
Được trưởng bản Lỳ Ná Na xác nhận là người nhiều tiền, nhưng Chang Vãng Sinh cũng chỉ biết đến tiền năm 2007. Đó là khi cực Tây của Tổ quốc có đường ô tô vào đến tận ngã ba biên giới. Có đường là có sự giao thương, buôn bán. Sau khi làm nhà, đàn bò của lão chỉ còn 150 con, nhưng cũng chỉ đúng 1 năm lại thấy tăng lên 180, rồi 200 con như cũ. Lái trâu, lái bò ở miền xuôi tìm lên tận Tá Miếu. Mỗi con bò trưởng thành có giá 6-7 triệu đồng.
Nhờ người đếm trâu bò rồi quy ra tiền Chang Vãng Sinh thấy mình… giàu quá. Con trai đi học đại học lão cho một con bò, con gái sinh cháu ngoại lão cho nửa con, chờ sinh đứa thứ hai thì cho hẳn. Có đường vào, giao thương thuận lợi rất nhiều rồi nhưng Chang Vãng Sinh vẫn theo nếp cũ, cần mua sắm cái gì lão đều quy ra bò cả.
Thảo nguyên Tá Miếu
Tính cộng đồng, giúp đỡ lẫn nhau của người Hà Nhì ở cực Tây Tổ quốc rất cao. Sau khi giàu có Chang Vãng Sinh đem bò của mình cho những hộ nghèo mượn để chăn nuôi, phát triển kinh tế mà không cần tính toán gì. Nhờ vậy, ở Sín Thầu bây giờ những hộ giàu lên nhờ nuôi bò khá nhiều. Hiện cả xã có khoảng 3.000 con bò. Theo thống kê của Đồn Biên phòng Sín Thầu, mỗi năm nhân dân xã Sín Thầu xuất sang Trung Quốc khoảng 10.000 bao phân trâu, bò khô. Nông dân Trung Quốc mua phân trâu, bò khô để bón cho những trang trại cao su đại điền. Không biết trong phân trâu, bò khô có chất gì đó cần thiết cho cây cao su phát triển, nhất là cây cao su sắp cho nhựa. Nhờ thế mà rất nhiều hộ ở Sín Thầu cải thiện cuộc sống, làm giàu. |
Cũng từ thời điểm ấy, bên Trung Quốc có nhiều người sang hỏi mua phân bò. Có thời điểm thương lái Trung Quốc trả gần 60.000 đồng mỗi bao phân bò khô. Lúc đầu lão cũng không biết chừng ấy là nhiều hay ít. Chỉ đến lúc con cái lão chỉ gom phân bò nhà mình có một năm mà đã bán được 30 triệu đồng, mua được xe máy đời mới, thấy xe lão mới biết là bán phân cũng nhiều tiền.
Nghề nuôi bò bây giờ thực sự có thể giàu trên thảo nguyên Tá Miếu. Người ta lần lượt đưa vào những mô hình mới, chăn nuôi qui củ hơn kiểu thả rong của Chang Vãng Sinh. Vậy mà cả xã Sín Thầu vẫn chưa có nông dân nào vượt được đàn bò của lão cả. Nghe lão kể thì cách nuôi bò của lão cũng kỳ lạ lắm.
Để dễ dàng phân biệt khi đàn bò nhà mình ăn chung với bò của các hộ dân khác trong bản, Chang Vãng Sinh nghĩ ra cách làm dấu độc đáo. Mỗi khi có chú bê con chào đời lão đều bẻ gập chóp tai trái rồi dùng kéo nhấp một góc nhỏ trên vành tai. Giữa thảo nguyên bao la, hễ thấy bò bị cắt tai người ta đều biết đó là bò lão Sinh, không lẫn vào đâu được. Cũng chỉ riêng bò của lão mới biết cách tự về chuồng mỗi khi chủ gọi.
61 tuổi, đều đặn mỗi ngày lão leo đồi khoảng 10 km. Chỉ cần đứng trên thảo nguyên lấy tay bắc loa mà gọi “nhủ thư” thì bò của lão tự kéo nhau về chuồng. “Người Hà Nhì gọi nhủ thư là con bò đấy. Bò cũng như người, cũng ăn muối. Mình gọi “nhủ thư” thì cho hắn ăn một ít muối. Ăn lâu rồi thì hắn quen, gọi là hắn về thôi mà”. Cái lý của Chang Vãng Sinh bây giờ vẫn thế, rất đơn giản. Chỉ khác xưa là giờ lão có thể có nhiều tiền một cách khá dễ dàng.