Dịp thu sản năm nay của xã Phú Lộc (huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) diễn ra từ ngày 24 đến hết ngày 28 tháng 6. Mỗi hộ dân được phát một tờ thông báo ghi rõ các khoản phải nộp. Các khoản thu được ghi rành mạch, được Hội đồng nhân dân xã thông qua những đợt tiếp xúc cử tri, người dân cũng đã thống nhất. Vậy nhưng, với không ít hộ, thống nhất là một chuyện, đóng nộp được hay không lại là chuyện khác.
Hai bàn tay trắng
Phú Lộc là xã nghèo nhất nhì huyện Can Lộc. 1.490 hộ dân thì có tới 479 hộ nghèo và hơn 260 hộ cận nghèo. Cả xã chỉ có 480 ha đất lúa hai vụ, không có nghề phụ gì. Dù các khoản thu sản đã được làm gọn, như lời của ông Nguyễn Sỹ Quyết, Chủ tịch Hội Nông dân xã: Các xã khác còn thu nhiều hơn.
Tờ thông báo các khoản thu năm nay của xã được chia thành 3 phần. Phần thu theo Nghị định Nhà nước bao gồm 6 loại: Thuế đất phi nông nghiệp, quỹ An ninh quốc phòng 40 ngàn đồng/hộ, quỹ bảo vệ bà mẹ trẻ em, phòng chống bão lụt, khuyến học, đền ơn đáp nghĩa, mỗi loại 6 cân thóc, nhân với giá 5,5 ngàn/kg, 35 ngàn đồng/lao động.
Phần thu theo Pháp lệnh 34 gồm 7 khoản: Thuế đất công ích 40 ngàn đồng/sào, quỹ phát triển sản xuất 35 ngàn/sào, trả nợ làm trụ sở 70 ngàn/khẩu, quỹ hành chính 35 ngàn/khẩu, quỹ phòng dịch 10 ngàn đồng/hộ, phí môi trường 50 ngàn/hộ, phí hàng quán (đối với những hộ sản xuất kinh doanh). Phần thứ 3 là phần thu của xóm cũng do xã tổ chức thu hộ tại trụ sở UBND, dân phải đóng bằng tiền mặt hết.
Dù xã Phú Lộc chưa triển khai tổng kết dịp thu sản nhưng có hai thôn đã bị phê bình do chỉ tiêu thu quá thấp là Trung Đông và Vĩnh Phú.
Cả ông Nguyễn Hữu Thập, Trưởng thôn Trung Đông và ông Nguyễn Tam, Trưởng thôn Vĩnh Phú đều là những người nhiệt tình, tận tâm với công việc được giao phó. Khi UBND xã Phú Lộc phát động đợt thu sản họ cũng đến tận từng nhà vận động, vậy mà kết quả vẫn không được như ý. Lý do thì có nhiều, nhưng chung quy là bởi dân không có tiền. Có người nghèo quá mà chây ỳ, có người bỏ nhà bỏ cửa mà đi, có người chết rồi vẫn còn nợ cả triệu tiền nộp sản, có người đang sống, đang làm ruộng, đến hỏi họ tiền nộp sản thì chìa ra hai bàn tay trắng: Lấy chi mà nộp đây hè.
Trưởng thôn Nguyễn Hữu Thập liệt kê số hộ bỏ làng
Vận động quyết liệt hơn sau khi bị xã phê bình nhưng trong tay ông Tam, Trưởng thôn Vĩnh Phú vẫn còn một xấp thông báo của hơn 30 hộ. Con số mà ông gọi là nợ xấu, nợ khó đòi vì phần lớn trong số đó là hộ các cụ cao tuổi, không có sức lao động, hộ bỏ cả gia đình đi làm thuê, vườn không nhà trống như ông Nguyễn Văn Cừ, Lê Vũ Song…, có hộ chết rồi như ông Trần Đình Tam. Hộ nào cũng nợ tiền sản từ hai ba năm nay chưa có trả. Ít thì một hai triệu, nhiều 5-6 triệu. Biết phát cho ai bây giờ, phát rồi họ cũng có trả được đâu? Vĩnh Phú có 213 hộ, 62 hộ nghèo, hơn 38 hộ cận nghèo, dịp thu sản chỉ được 64 hộ hoàn thành lỡ dở.
“Xã gửi thông báo về thì đi vận động thế thôi chứ biết là dân không có nguồn chi để mà đóng cả. Làm một hai sào ruộng chỉ đủ gạo ăn thì nợ nần đến chết cũng không trả nổi”, Trưởng thôn Tam phân tích.
Cũng như ông Tam, ông Thập, Trưởng thôn Trung Đông, dù đến tận từng nhà vận động nhưng kết quả cũng chẳng hơn. Ông dẫn tôi vào nhà cụ Nguyễn Thị Chắt (89 tuổi), mẹ của ông Đậu Xuân Luận, người nợ sản nhiều nhất thôn. Nhà cửa hoang lạnh, quanh vườn xác xơ, bà cụ ở một mình không ai chăm sóc.
Cụ Chắt ở một mình vì con cái bỏ làng đi hết
Cụ Chắt thều thào rằng cụ có 7 đứa con nhưng đều bỏ làng đi kiếm ăn hết rồi. Nợ tiền sản nhiều hay ít cụ cũng không cần biết, quan tâm để làm gì? Tờ thông báo của xã ghi rõ thế này: Hộ ông Đậu Xuân Luận, số khẩu 7, khẩu thu 7, diện tích ruộng 3.147m2. Nợ tiền sản từ năm 2009 đến năm 2012 là 2,065 triệu đồng, cộng phần thu vụ này nữa là 3,793 triệu đồng, cộng phần nợ xóm lên thành 6,543 triệu đồng. Trưởng thôn Thập nói là 6 mẹ con trong gia đình ông Luận bỏ vào quê ngoại ở Quảng Bình, bản thân ông Luận đi xây, phụ hồ, thỉnh thoảng ghé nhà thăm bà cụ Chắt nhưng không dám cho ai biết cả.
Tổng cộng cả hai thôn Trung Đông và Vĩnh Phú có khoảng hai chục hộ rời nhà đi miền Nam, nhiều hộ cũng rục rịch đi vì nếu ở nhà làm ruộng thì tiền nợ đóng sản cứ qua một vụ lại tăng lên nhiều.
“Nợ xấu”
Tôi thử nhờ hai ông trưởng thôn nhặt ra những hộ không có khả năng chi trả tiền đóng góp các khoản ở xã Phú Lộc với hi vọng có thể nắm được phần nào cuộc sống của nông dân nơi này. Rất đáng buồn vì nhiều quá. Hộ già cả, neo đơn không trả được đã đành, những hộ còn trẻ, có sức, có lao động, nhắc đến chuyện trả sản cũng lắc đầu ngán ngẩm.
Hai mẹ con bà Trần Thị Em (85 tuổi) và anh Lê Duy Biên (41 tuổi) cùng ở trong một vườn nhưng tách thành hai hộ. Bà Em ở một mình trong căn nhà xập xệ phía trước, vợ chồng, con cái anh Biên ở căn nhà khá hơn một tý phía sau. Ruộng làm riêng, ăn riêng, ở sát nhau như thế nhưng mẹ con hầu như chẳng gánh đỡ nhau được là bao. Nếu bà Em được trưởng thôn Tam đưa vào danh sách “nợ xấu” là chuyện bình thường thì vợ chồng, con cái anh Biên khá lạ là cũng rất khó có khả năng chi trả.
Cụ Em khẳng định là đến chết cũng không có tiền đóng sản
Bà Em có tổng cộng 5 người con, 3 người con trai 2 người con gái. 5 người con ấy, một cô lấy chồng về xã khác, một cô tàn tật đang đi làm thuê ở Đắk Lắk, một anh gàn gàn dở dở phiêu bạt ở đâu không ai biết. Còn lại hai người con trai sống trong làng nhưng bà vẫn phải làm một sào ruộng để tự nuôi thân. Một vụ được chừng 7-8 yến thóc, tiền sản nợ hơn một triệu đồng rồi chưa đóng nổi. Số tiền mà cả bà lẫn trưởng thôn Tam đều xác nhận là sẽ nợ cho đến chết. Mỗi tháng bà được 180 ngàn tiền cao tuổi, không được hộ nghèo vì đã có chế độ bảo hiểm rồi.
Gia đình anh con trai út Lê Duy Biên (40 tuổi) làm 4 sào ruộng, tiền sản chưa đóng được đồng nào. Nhận giấy thông báo của xã, vợ anh Biên là chị Võ Thị Thúy lo lắng. Đứa con gái đầu nhà chị lấy chồng về tận Nghệ An rồi mà xã vẫn tính vào khẩu nộp. Chạy lên ủy ban hỏi thì người ta bảo nhầm, cũng may còn sửa được. Mỗi sào ruộng của gia đình được có 1,5 tạ lúa. Anh Biên phải đi phụ hồ, nhưng chỉ thỉnh thoảng thôi vì đau ốm. Như đợt này, anh đang phải nghỉ, không kiếm được tiền lại còn âm vào phần vợ con. Là bởi, anh đi viện, không có hộ nghèo nên không được bảo hiểm.
Nghe người ta mách, chị Thúy chạy lên UBND xã mua thẻ hộ nghèo. Đáng ra chỉ mua một cái cho anh Biên thôi, nhưng nếu mua lẻ thì mất 142 ngàn/cái, mua sỉ 7 cái được “khuyến mại”, tổng hết có 590 ngàn. Chị đang loay hoay vì không có tiền thì xã cho mượn mua rồi ghi nợ, nhờ thế mà anh mới kịp thời đi viện. Buồn hơn, làm ruộng không đủ ăn, anh chị vay ngân hàng 22 triệu để sản xuất. Tiền vay đi đâu hết mà trâu bò không có, lợn gà đều lỗ, mỗi tháng hơn 200 ngàn tiền lãi, có tháng đóng được, tháng không.
Tôi hỏi vợ chồng anh Biên đến bao giờ có thể nộp tiền sản được? Chồng lặng thinh, vợ nói giọng buồn rầu: Không biết mô chú. Chờ đến vụ Hè Thu xem thử chứ như bây giờ thì không đóng được đồng nào.
+ Như phần lớn các lãnh đạo các xã khác, khi được hỏi về mức thu sản, ông Nguyễn Sỹ Quyết, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Lộc, cũng thừa nhận người dân đóng góp khó khăn. Nhưng cũng lại là lý do ngân sách không có, vì lẽ ấy dân mới phải đóng nhiều. Ông Quyết nói: Ví dụ như khoản đóng góp xây dựng trụ sở UBND xã. Thực ra trụ sở này trước đây là trường học, trường giải thể, bàn giao cho xã. Khi bàn giao nhà trường còn nợ ngân hàng 630 triệu đồng, xã phải đứng ra thay trả. Ngân sách không có, cũng may, trong phương án thu của dân vừa đủ trả. Năm ngoái thu 80 ngàn/khẩu, năm nay thu 70. Vẫn chưa đủ. + Về quy trình, phương án thu của các xã đều đã được thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri, nhưng khi thực hiện nảy sinh nhiều bất cập. Chẳng hạn như việc đầu năm nay xã Phú Lộc xây dựng HTX môi trường. Người dân thôn Vĩnh Phú bức xúc vì họ phải đóng 50 ngàn mỗi hộ mà không thấy HTX làm gì cả. Thậm chí, Chi bộ thôn còn ra hẳn nghị quyết không nộp khoản này, nhưng sau khi xã thuyết phục cuối cùng dân vẫn phải nộp. |