Sau 4 năm gắn bó với công việc diệt chuột bảo vệ lúa, hoa màu, lão nông Nguyễn Văn Giàu, ở tổ 6, thôn Phước Hưng (Hoài Nhơn, Hòa Vang, Đà Nẵng) được người dân gắn cho biệt danh: Giàu "chuột".
Bẫy chuột không cần mồi
Con đường dẫn về thôn Phước Hưng chia cắt cánh đồng của đội 1 và đội 4 có một điều đặc biệt; đó là cánh đồng đội 1 lúa bị chuột cắn phá xác xơ, vậy mà cánh đồng đội 4 lại không bị gì. Đem thắc mắc hỏi người dân nơi đây thì ai cũng quả quyết: Đến hỏi ông Giàu "chuột" là ra hết.
Bắt đầu câu chuyện diệt chuột, ông Giàu bảo: Vụ mùa này người dân bên đội 1 họ đặt bẫy không nhiều nên chuột mới cắn phá vậy. Còn đội 4 chúng tôi trăm nhà như một đều đặt bẫy hết.
Trước đây, ông Giàu làm rất nhiều ruộng, 2 người em của ông vậy. Mỗi vụ, ruộng lúa của ông bị chuột cắn phá, có những vụ gần như mất trắng. Ông Giàu đã dùng thuốc diệt chuột, kích điện, keo dính… nhưng hiệu quả không cao.
Ông Giàu chỉ cách cài bẫy
Năm 2009, trên thị trường xuất hiện bẫy bán nguyệt. Ông Giàu mua bẫy về diệt thử, tuy nhiên chuột ít dính bẫy. Ông cũng chẳng học theo ai, cũng không biết người sáng chế ra bẫy bán nguyệt.
Ông Giàu chỉ biết rằng bẫy này có nguồn gốc từ phía Bắc, ở Đà Nẵng cũng có người sản xuất nhưng bẫy làm ở Đà Nẵng diệt còn kém hơn bẫy bán nguyệt sản xuất ở phía Bắc, bởi thép rất yếu, khi bẫy đập chuột không chết.
Ông Giàu chia sẻ: Ở chiếc bẫy bán nguyệt, chỗ để mồi chỉ là một sợi thép để móc mồi vào như sắn, khoai, cua đồng, thịt… Thế nhưng xác suất chuột không mấy con ăn mồi, do đó dính bẫy không cao.
Chẳng hạn ruộng mới gieo sạ, chuột thích mồi lúa, nếu chỉ một sợi thép thì không thể bỏ lúa vào. Phần nữa, không dùng mồi mà chuột vẫn dính bẫy mới là quan trọng.
Cứ hết ngày này qua tháng khác, ông tự mày mò cải tiến bẫy theo ý của mình để chuột dính bẫy cao hơn. Từ bẫy bán nguyệt, ông “chế” thêm ở chỗ để mồi một tấm nhựa bỏ lúa nhử chuột vào ăn. Bên cạnh đó, khi có tấm nhựa không cần bỏ mồi mà chỉ “ngụy trang” thật kỹ khi chuột đi qua sẽ bị dính bẫy liền.
Mỗi khi nắng to ông đem đuôi chuột ra phơi
Qua tay ông, chiếc bẫy được cải tiến thành công với tên gọi là bẫy kẹp. 10 cái bẫy sập thì có đến 9 con chuột chết. Ban đầu ông chỉ diệt chuột ở ruộng lúa của gia đình, tiếp đến ông "chuyển giao công nghệ" cho 2 người em. Mỗi đêm, ba anh em ông đặt bẫy, sáng hôm sau thu về cả đống chuột.
Lúc đó, ông Giàu nghĩ, nếu cả làng mà chỉ 3 anh em ông làm thì cũng bằng không. Diệt chuột phải diệt đồng loạt, còn nhà diệt nhà không thì chuột vẫn còn. Do đó, ông đi khắp thôn vận động mọi người mua bẫy về và ông bỏ công cải tiến cho mọi người sử dụng. Nhà nào không đặt được bẫy thì nhờ ông một câu, ông sẵn sàng giúp đỡ.
Chỉ trong một thời gian ngắn, trên những ruộng lúa thôn Phước Hưng vắng bóng chuột.
Chiếc bẫy bán nguyệt được ông Giàu chế thành bẫy kẹp
Cũng vì mê diệt chuột, ông Giàu cũng bỏ công nghiên cứu cách diệt chuột dưới nước, trên cây, trên dây… Bẫy chuột dưới nước, chỉ cần đắp đất hoặc bùn lên khỏi mặt nước, khi chuột bơi qua nước sẽ tìm đến chỗ cao để dừng chân và dính bẫy. Còn chuột cắn phá vừng, lạc… ông tìm những lối đi rồi đặt bẫy. Đặc biệt lạc mới trỉa, sẽ rất khó diệt nên phải tìm hướng đi của chuột từ đâu đến và đặt bẫy tại đó. |
Hơn 4 năm gắn bó với công việc diệt chuột, ông Giàu đã thuộc lòng những đặc tính của loài gặm nhấm này. Ông Giàu cho biết: Chuột là con vật tinh ranh, nếu đặt bẫy không biết cách sẽ không bắt được. Nhưng khi nắm bắt được những đặc tính của nó và phương pháp xử lý thì việc bắt chúng không khó.
Ông Giàu chia sẻ kinh nghiệm: Chuột bắt đầu đi ăn khi đêm tối đến, do đó mình phải đặt bẫy khi trời còn sáng. Trước khi đặt bẫy phải đi “trinh sát” để nắm bắt được đường đi lối lại của chúng. Chẳng hạn như ruộng mới gieo sạ xong chuột sẽ tìm đến, đêm đầu tiên chưa thể đặt bẫy mà sang ngày thứ hai xem chuột đi từ hướng nào về, lúc đó mình “ra tay”.
“Còn đối với những ruộng lúa đã tốt, chuột thường cắn phá ở giữa ruộng, ít cắn phá lúa ở gần bờ. Trong khi ruộng có nước phải lấy bùn, đất đắp lên khỏi mặt nước và đặt bẫy.
Đặc biệt giai đoạn làm đòng là lúc khó diệt chúng nhất bởi chuột rất thích ăn đòng lúa, do đó có mồi gì chuột cũng không thèm ngửi. Giai đoạn này xác định đường đi của chuột và “ngụy trang” bẫy thật kín đáo sẽ dính”, ông Giàu nói.
Để chứng minh thành tích của mình, ông Giàu khoe với chúng tôi mấy túi đựng đuôi chuột to đùng được phơi khô treo trên giàn bếp. Thấy vậy, tôi hỏi ông: Chú cất đuôi chuột làm gì vậy? Ông cười: “Tôi để đó lỡ có ai đến học hỏi kinh nghiệm diệt chuột sẽ biết được chiến tích thôi, nói có sách mách phải có chứng mà. Đuôi chuột phơi khô treo ở giàn bếp chẳng có mùi gì hết”.
Thấy chuột diệt được quá nhiều, trong khi chuột có chất dinh dưỡng cao, ông thử nghiệm dùng chuột làm thức ăn cho lợn. Chuột thu gom về, ông đốt lửa nướng cho sạch lông rồi bỏ vào nấu cùng rau, cám cho lợn ăn.
Sau một thời gian, ông Giàu thấy lợn lớn rất nhanh, chất lượng thịt rất ngon. Ông xây thêm chuồng phát triển đàn lợn. Cứ sau mỗi đêm người dân trong làng đặt bẫy, ông bảo với mọi người dân gom lại và để trên bờ ruộng, sau đó ông hốt về hết.
Chưa dừng lại đó, ông đầu tư xây 2 cái bể nuôi cá lóc. Thức ăn của chúng chủ yếu là chuột. “Chuột diệt được cả đống mà mình không chôn thì ô nhiễm lắm, trong khi ở nhiều nơi chuột là món đặc sản. Tôi nghĩ con người ăn thịt chuột chẳng bị gì thì lợn, cá ăn cũng vậy, nên tôi dùng làm thức ăn để giảm chí phi mua thức ăn cho chúng. Cá, lợn ăn chuột lớn nhanh lắm”.
Khắp nơi mời "thỉnh giảng"
Hơn 4 năm liền giữ ngôi vị “vua diệt chuột” của xã, ông Giàu đã góp phần rất lớn trong việc bảo vệ mùa màng cho gia đình và người dân địa phương. Chưa dừng lại ở đó, ông lại mang kiến thức, kinh nghiệm của mình truyền dạy cho bà con nông dân nhiều nơi. Từ đầu năm 2013 đến nay, ông được nhiều đơn vị mời đi tập huấn về phương pháp diệt chuột.
Ông Giàu nói: Gần đây trên địa bàn các huyện ở Đà Nẵng, chuột tấn công ruộng đồng rất nhiều, hàng chục ha lúa bị chuột cắn phá. Người dân đã dùng đủ cách khống chế, vậy mà ruộng đồng bị tan hoang. Cách làm của tôi có hiệu quả nên được các cơ quan chuyên môn ngành nông nghiệp TP Đà Nẵng mời tôi giảng dạy cách đặt bẫy.
Mặc dù thù lao mỗi lần đi dạy không đáng là bao nhưng ông vẫn đi. Ông Giàu bảo: “Với người nông dân như chúng tôi mỗi vụ mùa bỏ ra bao nhiêu tiền của mong kiếm được hạt lúa, vậy mà bị chuột cắn phá tan hoang, nhìn ruộng lúa xót xa lắm. Tôi muốn phổ biến công nghệ đến cho bà con để họ diệt chuột. Qua những lớp tập huấn, hi vọng rằng người dân sẽ đồng loạt đặt bẫy”.
Ông Giàu trăn trở: “Khắc tinh của chuột là rắn, mèo nhưng con người đã tận diệt chúng để biến thành những món đặc sản. Trước đây, ruộng đồng không có chuột bởi rắn, mèo bắt hết. Nhưng nay rắn, mèo không còn nên chuột mới “làm loạn” như vậy”.
Ông Giàu tâm sự: “Nhiều năm nghiên cứu về chuột, tôi thấy bây giờ nó đẻ rất khinh khủng. Trước đây mỗi lần chuột đẻ từ 5-10 con nhưng nay mỗi lần đẻ từ 15-20 con. Bên cạnh đó, tôi cũng rất khó hiểu chuột bây giờ cắn phá lúa, hoa màu với tốc độ kinh hoàng, một ruộng lúa chỉ vài đêm là bọn chúng đã “xơi” gần hết”. |