Hằng tuần, hằng tháng, thông tin về những người chết vì HIV được thông báo, khiến nhiều người dân xã Noong Hẻo đứng ngồi không yên. Ai cũng lo âu, thấp thỏm, bởi không biết những ngày tiếp theo, tử thần sẽ gọi tên ai.
Cái chết được báo trước
Đến Noong Hẻo (huyện Sìn Hồ, Lai Châu) khi đã xế trưa. Khi biết chúng tôi muốn tìm hiểu về tình trạng lây nhiễm HIV tại địa phương, anh Lò Văn Hoan, Xã đội trưởng, tình nguyện đưa đường.
Cách trụ sở UBND xã chừng 100 m là nghĩa trang của xã, đây được xem là điểm tập kết kim tiêm lớn nhất của địa phương sau mỗi tối. Hàng trăm kim tiêm vương vãi khép nơi, có cái đã khô, có cái còn vương máu tươi.
Anh Hoan cho biết, đêm về, hàng trăm đối tượng nghiện ma túy lại ra đây tụ tập. Sau khi chích ma túy, chúng quăng kim tiêm la liệt khắp nơi, cả trên đường đi, trong bụi rậm. Thậm chí còn vứt cả ống kim tiêm xuống ruộng của người dân ngay cạnh đó. “Ngày nào cũng như ngày nào, số kim tiêm cứ thế tăng lên, chúng tôi thu dọn không xuể”, anh Hoan nói.
Anh Hoan đưa chúng tôi đến nhà thăm anh Bời Văn Nọi (bản Nậm Om), một người vừa chết vì HIV. Căn nhà Nọi trống hoác, lạnh ngắt vì đã lâu không có người. Anh Hoan cho biết, Nọi vốn là thanh niên hiền lành. Nhà nghèo, Nọi theo đám thanh niên trong bản vào bãi vàng Phiêng Chạng làm thuê để kiếm tiền.
Nghe bạn bè rủ rê, anh chích ma túy rồi nghiện nặng. Đầu năm 2011, Nọi trở về nhà, người gầy rộc chỉ còn da bọc xương, rồi chết vì nhiễm HIV.
Nỗi đau buồn của gia đình chưa kịp nguôi ngoai thì 20 ngày sau, vợ Nọi là Lò Thị Dươi cũng chết vì bị lây nhiễm từ chồng. Không còn gì bán, để làm đám tang cho con gái, ông Lò Văn Pem (bố đẻ của Dươi) đã bán đứa con trai của Dươi mới 8 tháng tuổi cho một người dân tộc Dao ở xã lân cận.
Người dân Noong Hẻo đau buồn vì hệ lụy của các bãi vàng
Theo anh Hoan, từ năm 2011 đến nay, xã Noong Hẻo đã có hơn 40 người chết và hiện có gần 500 người đang nghiện ma túy, bị nhiễm HIV. Nhiều nhà không chỉ bố chết, mẹ chết, mà cả nhiều cháu nhỏ vô tội cũng chết theo vì lây nhiễm HIV.
Tại đây, cũng có rất nhiều người là con em, người thân của cán bộ xã đã chết vì nghiện ma túy. “Thằng con rể mình là Lù Văn Ánh cũng chết vì nghiện đấy. Giờ con gái mình phải nuôi 2 thằng con trai, nó khổ lắm. Cả Lò Văn Nọi, em trai vợ mình, cũng chết vào tháng 7/2012", anh Hoan buồn rầu cho biết.
Nhà trưởng bản Nậm Há 2 Lò Văn Phương cũng có con rể là Lò Văn Póng chết đã gần một năm. Anh Phương còn có cả hai người em ruột nữa là Lò Văn Pủm và Lò Văn Đệu cũng sắp chết vì bị AIDS.
“Hai thằng em mình nó yếu và gầy lắm rồi, không đi lại được nữa. Mình khuyên nhiều nhưng nó có nghe đâu. Chắc không lâu nữa là chết thôi”, anh Phương chua xót nói.
Giấc ngủ không yên
Xã Nong Hẻo có 15 bản với 1.020 hộ, trong đó 99% là đồng bào dân tộc Thái. Xưa, bản làng bình yên và không biết đến trộm cắp, ma túy là gì. Nhưng nay, các bản làng ngày một vắng đàn ông, nhất là thanh niên trai tráng bởi nghiện và chết.
Theo ông Lù Văn Cưởi, Phó Bí thư Đảng ủy xã Noong Hẻo, cách đây hai mươi năm, khi bãi vàng Chinh Sáng ở huyện Tam Đường (Lai Châu) cạn kiệt, các “vàng tặc” đã về đây, lật tung các khu rừng đầu nguồn suối Nậm Há để đào bới tìm vàng. Những cánh rừng phòng hộ đầu nguồn bị băm nát, cuối cùng họ tìm được bãi vàng Phiêng Chạng ở Noong Hẻo và khai thác từ đó đến nay.
Bãi vàng đã thu hút hàng trăm người dân tìm đến với giấc mộng đổi đời. Thanh niên khỏe mạnh trong bản đều bị rủ rê bởi những lời mật ngọt. Bọn trẻ đang cắp sách đến trường, nhiều đứa cũng bỏ học để đi theo tiếng gọi của vàng. Những tệ nạn xã hội như ma túy, trộm cắp cũng xuất hiện từ đây.
Người già không nơi nương tựa, những đứa trẻ thơ thất học, đói nghèo, hoặc ốm chết vì lây bệnh từ bố mẹ không phải cá biệt. Do nghiện hút không thể kiểm soát nên ở Noong Hẻo giờ đây hầu như người già đều chết sau con của mình.
Trong bản chỉ còn người nhà và trẻ nhỏ
Ở Noong Hẻo, không chỉ người già hay thanh niên nghiện. Những đứa trẻ mới chỉ 12-13 tuổi cũng đã dính vào ma túy. Em Lò Văn Ba ở bản Nậm Há 1, mới chỉ 13 tuổi nhưng đã nghiện nặng từ lâu.
Còn đây nữa, Lò Văn Kế mới 12 tuổi cũng ở Nậm Há 2 cũng nghiện ma túy mấy năm rồi. Đang học, lên cơn nghiện, Ba phải chạy về nhà tìm thuốc. Rít xong, Ba mới lờ đờ trở lại lớp, mắt lim dim. Bây giờ, Ba đã phải nghỉ học.
Thanh niên, trai tráng, những người trong độ tuổi lao động lần lượt bị tử thần gọi tên khiến bản làng tan hoang, xơ xác. Bây giờ, trong bản phần lớn chỉ còn người già, phụ nữ và trẻ thơ. Chính vì thế, mọi việc lớn bé trong bản làng đều do người phụ nữ đảm nhận.
Cách đây vài năm, làng có đám, mỗi người một việc, trai vào rừng bẫy thú, chặt cây, đàn bà con gái ở nhà đồ xôi, sắm lễ. Thế nhưng, bây giờ mọi việc lớn bé đều đến tay đàn bà. Đàn ông chẳng ai làm mà có bắt làm cũng chẳng ai đủ sức. “Ai cũng như que củi khô, dặt dẹo trước gió, đi còn chả nổi chứ mang vác gì. Có khi còn kiệt sức tại chỗ ấy”, Trưởng bản Phương cho hay.
Cũng như nhiều gia đình khác, đã hai năm nay, kể từ ngày chồng mất, chị Lò Thị Dúi đã quá quen với những công việc vốn chỉ dành cho nam giới. Chị kể: “Hôm vừa rồi, giữa đêm gió to làm bay mất một tấm lợp trên mái. Sáng hôm sau, ba mẹ con tôi phải tìm cách lợp lại mái tôn, nếu không mưa sẽ dột.
Tôi bắc thang leo lên mái, hai con tìm cách đưa tấm lợp lên nhưng không được. Cũng may, chị gái biết liền chạy sang giúp nhưng công việc lợp nhà trước đây tôi chưa từng làm. Lợp lần 1 xong rồi, ở dưới vẫn nhìn thấy trời, lại làm lại.
Lần thứ hai tôi quên cố định bằng ốc vít, suýt nữa cả người và tấm lợp rơi xuống đất. Hì hục suốt buổi sáng, chúng tôi cũng lợp xong. Không có bàn tay đàn ông, khổ thế đấy”.
Không thể kể hết ra đây những éo le mà người dân nơi đây đang phải gánh chịu. Ma túy, HIV/AIDS ở Noong Hẻo đang là nỗi ghê sợ và ám ảnh kinh hoàng. “Mình không biết tả thế nào nhưng thực sự rất sốc. Hằng đêm, mình không thể nào ngủ được vì những cái chết liên tiếp, dồn dập của con em dân bản”, ông Cưởi cho hay.
Ma túy khiến tình hình anh ninh trật tự ở Noong Hẻo trở nên phức tạp. Tình trạng trộm cắp hay xảy ra, người dân bức xúc vô cùng. “Chúng không chỉ ăn trộm ban đêm, ban ngày chúng cũng đi trộm. Cái gì cũng lấy, từ những thứ đắt tiền như trâu, ti vi, xe máy; cho đến chăn màn, đệm; lợn, gà... Nhà nào đi làm cũng phải để một người ở nhà để trông trộm”, anh Hoan cho biết. |