Sườn Tây đèo Ô Quy Hồ nằm ở phía tỉnh Lai Châu không mùa khô năm nào không xảy ra cháy rừng, nhiều năm lửa cháy rừng âm ỉ cả tháng trời. Có một người đã bỏ tiền túi xin đất trồng rừng, chỉ với một mong muốn giữ màu xanh cho đất. Ông cũng là người đầu tiên nuôi cá nước lạnh trên đèo Ô Quy Hồ, tên ông là Trần Yên (ảnh).
Ông thuộc hạng người “vua biết mặt, chúa biết tên” nhưng có ai hiểu rằng mấy tháng nay ông đã đi gõ cửa nhiều cơ quan chức năng và báo chí phản đối việc nhập lậu cá từ Trung Quốc đang bóp chết những người nuôi cá nước lạnh Việt Nam.
Năm 2002, ông Trần Yên, Giám đốc Cty CP Nuôi trồng Thủy sản Tây Bắc, xin đất phía Tây đèo Ô Quy Hồ để trồng rừng, ông thành thật: Mỗi lần qua đây tôi nhìn thấy một vùng rừng trọc lốc cảm thấy xót xa lắm. Nhất là cuộc sống của người dân còn gặp rất nhiều khó khăn, nếu họ chỉ đốt phá rừng làm nương mà sống thì cuộc sống ngày càng khó khăn hơn. Phải trồng rừng và dựa vào rừng thì cuộc sống mới ổn định lâu dài. Chính điều đó mà tôi đã xin đất ở đây để trồng rừng, cùng với bà con tham gia bảo vệ rừng...
Do vùng đất phía Tây đèo Ô Quy Hồ có độ dốc lớn, nhiều năm bị đốt phá quá trình rửa trôi diễn ra rất mạnh, nên phần lớn diện tích rừng ở đây chỉ còn toàn là bụi cỏ và lau lách. Với ý định xin hàng ngàn ha đất để trồng rừng, nhưng tỉnh Lai Châu cũng chỉ cấp cho ông 500 ha đất có thể trồng rừng được.
Năm 2003, ông bắt tay vào trồng rừng, sau vài năm hơn 350 ha rừng thông do ông trồng đã lên xanh tốt. Năm 2006 sau khi khảo sát nguồn nước lạnh ở đây, thấy nhiệt độ của nước luôn ổn định dưới 20oC và dồi dào nên ông quyết định xây dựng trang trại nuôi cá tầm, cá hồi giữa lưng chừng đèo Ô Quy Hồ.
Ban đầu có người không tin việc trồng rừng cũng như việc nuôi cá nước lạnh của ông thành công, nên họ nghi ngờ và gọi ông là Đông Ki Sốt đầy chất lãng mạn Việt Nam. Bỏ ngoài tai tất cả mọi lời đàm tiếu, không chỉ đầu tư nuôi cá nước lạnh giữa lưng đèo ông tiếp tục đầu tư thêm hệ thống ao nuôi tại thôn Chu Va, thuộc xã Sơn Bình, huyện Tam Đường dưới chân đèo Ô Quy Hồ.
Có thể nói ông là người đầu tiên khai mở nghề nuôi cá nước lạnh tại Lai Châu, bây giờ ông tiếp tục mở rộng điểm nuôi sang Sơn La. Hiện nay ông có 3 cơ sở nuôi cá nước lạnh với tổng diện tích mặt nước trên 1.500m2, mỗi năm sản xuất trên 30 tấn cá hồi, cá tầm.
Ông không ngần ngại giúp đỡ những người nuôi cá nước lạnh về kỹ thuật nuôi thả, cách ấp nở và chăm sóc con giống cũng như tìm đầu ra cho con cá hồi, cá tầm với mong muốn: Nghề nuôi cá nước lạnh phát triển, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong nước với chất lượng sản phẩm cao nhất.
Nhưng trớ trêu thay, cuộc “xâm lăng” của cá nhập lậu từ Trung Quốc tràn vào Việt Nam có nguy cơ bóp chết nghề nuôi cá nước lạnh trong nước còn rất non trẻ. Việc nhập lậu cá được được các đầu nậu thực hiện với rất nhiều mành khoé: Đánh thuốc mê cá ở nhiệt độ thấp sau đó đóng vào các thùng nước đá vận chuyển vào Việt Nam, khi tới địa điểm mua bán họ mới thực hiện việc “giải mê”, cá sống trở lại bình thường.
Hoặc họ chuyển sang các cơ sở nuôi cá nước lạnh của Việt Nam nuôi một thời gian ngắn, sau đó xin sự xác nhận của chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên môn, những con cá nhập lậu từ Trung Quốc được cấp “giấy khai sinh” và “giấy thông hành” có nguồn gốc xuất xứ tại Việt Nam mang đi bán khắp nơi: Hà Nội, Hải Phòng và TP. Hồ Chí Minh.
Nhiều chủ trang trại nuôi cá nước lạnh phải kêu trời, không hiểu Trung Quốc nuôi bằng loại thức ăn chứa chất kích thích hay kháng sinh gì mà cá lớn nhanh như thổi, chỉ nuôi 4 tháng cá đã có trọng lượng bằng cá nuôi trong nước một năm trời. Những loại thuốc kích thích và kháng sinh đó có hại cho sức khoẻ người tiêu dùng như thế nào thì chưa biết, nhưng giá cá của Trung Quốc rẻ bất ngờ.
Có thời điểm giá cá tầm, cá hồi tại các chợ đầu mối ở Hà Nội chỉ 90.000-120.000đ/kg, thậm chí có lúc chỉ có 80.000đ/kg. Trong khi đó giá thành cá nuôi trong nước 120.000-13.000đ/kg. Như vậy, cá nuôi trong nước không cạnh tranh nổi với cá nhập lậu, nếu cá lậu cứ tiếp tục nhập vào Việt Nam thì nguy cơ những người nuôi cá nước lạnh trong nước phải bỏ nghề là điều khó tránh khỏi.
Trang trại nuôi cá hồi của ông Trần Yên trên đèo Ô Quy Hồ
Để cứu nghề nuôi cá nước lạnh, ông Trần Yên không thể chấp nhận kiểu làm ăn chụp giật của những cơ sở nhập lậu cá từ Trung Quốc về ao nuôi rồi lấy “giấy khai sinh” trong nước để cạnh tranh với cá nuôi tại Việt Nam.
Sát trang trại cá của ông tại thôn Chu Va có cơ sở nuôi cá nước lạnh của Cty CP Thủy điện Chu Va nhập lậu cá Trung Quốc về nuôi, khiến ông phải đi gõ cửa các cơ quan chức năng và báo chí rồi gửi đơn cho Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát, nội dung đơn đó như sau:
"Đầu tháng 5/2013 Cty CP Thủy điện Chu Va đóng tại xã Sơn Bình, huyện Tam Đường Lai Châu, đơn vị này cũng có một cơ sở nuôi cá hồi và cá tầm, đã nhập khẩu qua đường tiểu ngạch (nhập lậu) giống cá tầm từ Trung Quốc về nuôi, đặc biệt Cty này đã đưa cả người Trung Quốc vào cùng nuôi.
Không rõ họ nuôi bằng công nghệ nào, có ảnh hưởng tới môi trường thuỷ sản và sản phẩm của họ có chứa nhiều chất hoá học ảnh hưởng tới sức khoẻ của người tiêu dùng hay không?
Khi biết được sự việc tôi đã báo cho chính quyền địa phương, Sở NN- PTNT tỉnh Lai Châu, sau đó tôi có báo cho ông Vũ Văn Tám- Thứ trưởng Bộ NN-PTNT và ông Điền- Tổng cục Thủy sản. Tổng cục Thuỷ sản đã cho Thanh tra của Tổng cục lên kiểm tra và xác định vụ việc là có thật. Nhưng từ đó đến nay mọi việc vẫn dẫm chân tại chỗ, từ địa phương đến Tổng cục đều không có ý kiến gì.
Ngày 28/5 Cty này đã tẩu tán số cá nhập lậu đi nơi khác. Với lương tâm và nghề nghiệp của người nuôi trồng thủy sản, tôi thấy vụ việc này rất nghiêm trọng.
Thứ nhất là chúng ta đã và đang tập trung chống các loại hàng hóa nhập lậu không rõ nguồn gốc, đặc biệt là là giống gia cầm và giống thủy sản. Riêng giống cá tầm lại nằm trong công ước Quốc tế CITES, vì vậy việc nhập giống cá tầm vào nuôi ở Việt Nam bằng con đường bất hợp pháp là không thể chấp nhận được cần phải kiên quyết xử lý.
Thứ hai là Cty này đang thực hiện dự án nuôi cá tầm của Bộ KHCN mà sử dụng vốn nhà nước nhập lậu cá như vậy thì rất rất nguy hiểm cho việc áp dụng sau này.
Với những lý do trên và trách nhiệm công dân tôi gửi ông lá thư này, đề nghị ông với cương vị là người đứng đầu Bộ NN-PTNT ông hãy chỉ đạo các cơ quan chức năng thuộc Bộ kiểm tra và xử lý nghiêm việc nhập, nuôi cá nước lạnh trái phép ở khu vực Lai Châu tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho nghề nuôi trồng thuỷ sản nước nhà"...
Theo lời ông Yên, sau khi nhận được đơn của ông, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã chuyển đơn đó cho Tổng cục Thuỷ sản xem xét giải quyết. Tuy nhiên, Tổng cục Thuỷ sản lại chuyển thư này đến Giám đốc Sở NN-PTNT Long An để chỉ đạo làm rõ, giải quyết theo thẩm quyền và thông báo kết quả về Tổng cục Thủy sản. Sự việc xảy ra ở Lai Châu, Tổng cục Thuỷ sản lại yêu cầu Giám đốc Sở NN-PTNT Long An xử lý?
Ngày 18/9/2013, PV Báo NNVN vào trại nuôi cá nước lạnh bên cạnh trại cá của ông Trần Yên (trại nằm dưới cùng) gặp một người đàn ông, khi tôi nói về lá đơn của ông Trần Yên gửi Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, ông này tỏ ra vô cùng khó chịu nói: Anh có nghe Phó Chủ tịch tỉnh Lai Châu phát biểu trên VTV1: Lai Châu không có gà, gia súc và cá tầm, cá hồi nhập lậu ư? Tôi hỏi: Ông Phó Chủ tịch ấy tên là gì, thì ông ta lắc đầu không biết rồi bỏ ra ngoài.
Ông Trần Yên ngao ngán: Khi mà địa phương cố tình bưng bít, bao che thì khó mà phát hiện được những kẻ nhập lậu. Những người làm ăn lương thiện sẽ phải chịu hậu quả...