| Hotline: 0983.970.780

Khó xử với con gái

Thứ Hai 26/03/2012 , 11:04 (GMT+7)

Ly dị chồng, tôi ở vậy nuôi 2 con. Thế rồi đứa con gái lớn của tôi bị "dính" bầu. Người yêu nó có vẻ là người trách nhiệm. Tôi không biết có nên đồng ý cho 2 đứa đến với nhau?

Ảnh minh họa
Chúng tôi đang sống yên ổn thì bỗng nhiên chồng tôi có quan hệ với một cô gái trẻ khác. Thời gian đầu, sự việc này được giấu kín khiến tôi không hay biết gì. Do tôi quá tin yêu chồng nên không nghĩ anh có thể phản bội, nhất là chúng tôi đang có cuộc sống rất ổn cả về vật chất lẫn tinh thần.

Anh kinh doanh nên có thu nhập cao. Chúng tôi có 2 con ngoan ngoãn. Nếu không có sự phản bội của anh, tôi cảm thấy cuộc sống quá tốt đẹp, chẳng mong gì hơn. Anh đã khôn ngoan để lúc ra tòa được hưởng lợi, đẩy tôi vào sự khốn cùng về kinh tế. Rút cục thì tôi dường như chỉ còn 2 bàn tay trắng. Nhưng tôi không kiện tụng, tranh chấp. Anh muốn gì tôi cũng chiều, không so đo thiệt hơn. Song, tôi được sống với 2 đứa con, còn anh ra đi một mình.Tôi thấy phần nào được an ủi.

Do chồng mất từ lâu nên mẹ chồng tôi đang sống một mình. Cụ đề nghị cho đứa con gái lớn của tôi ở với cụ. Cháu đồng ý nên tôi cũng chấp thuận. Hoàn cảnh đẩy tới việc tôi và đứa con nhỏ phải thuê nhà để ở. Vậy nên chỉ thỉnh thoảng tôi mới gặp đứa con gái lớn. Nhưng mọi sự quan tâm tôi vẫn đều đặn giành cho cháu nên hai mẹ con không có cảm giác xa nhau. Hơn nữa, cháu cũng đã trưởng thành, và đã có người yêu.

Có một điều khiến tôi buồn phiền là cháu không nghe theo ý tôi trong việc định hướng vào đời. Tôi muốn nó trước hết phải học hành đàng hoàng, tốt nghiệp đại học đã rồi có thể làm bất cứ công việc gì. Tôi hoàn toàn có thể lo cho nó ăn học đến nơi, đến chốn. Nhưng nó ngại học, chỉ muốn đi làm để có tiền ngay. Bà nội cháu không có khả năng tư vấn và cũng không có sức thuyết phục đối với nó trong những việc lớn của cuộc sống. Tôi đã chấp nhận để nó dấn thân vào cuộc mưu sinh. Tuy không hư hỏng nhưng nhìn chung, tôi chưa vừa ý và lo lắng nhiều cho nó. Một trong những điều tôi rất bận tâm là nó có quan hệ yêu đương với một cậu trai khiến tôi không thể yên lòng. Đó là một cậu chỉ ngang bằng tuổi nó. Cậu ta con một gia đình buôn bán, kinh doanh, không có gia phong đàng hoàng. Buôn bán không phải là xấu, thậm chí thời nay còn được khuyến khích, đề cao. Nhưng nhà cậu ta không được gia giáo, nền nếp. Bản thân cậu ta thuộc dạng lêu lổng. Tôi đã phân tích, khuyên can con gái rất nhiều, nhưng nó không nghe, vẫn một mực tha thiết theo đuổi tình yêu. Tôi đành bất lực, không có cách gì hơn, buộc phải chấp nhận, dẫu biết con gái mình sẽ chẳng thể có tương lai khi gắn bó với một cậu trai như thế.

Vừa tuần trước, cháu báo cho tôi một tin động trời: Nó đã có thai. Nó cũng cho biết sẽ quyết tâm giữ và lấy cậu người yêu. Tôi thẳng thừng khuyên nó: Đã trót dại thì khắc phục, xử lý cái thai đi vì cưới treo, sinh nở lúc này sẽ vô cùng khó khăn, không có bất cứ thuận lợi nào. Công việc hai đứa đều chưa đâu vào đâu. Người yêu nó vẫn còn đang nương nhờ bố mẹ, nhưng nó bảo cậu ta nói sẽ nhường quyền quyết định cho con gái tôi. Tôi hỏi cháu: Cậu ta phản ứng ra sao khi biết nó có thai thì nó nói là cũng bình thường, không có biểu hiện gì đặc biệt. Chẳng tỏ ý lo lắng, cũng không vui mừng. Cậu ta tỏ rõ quan điểm là cưới ngay cũng được mà không cưới cũng không sao. Tôi hoàn toàn thất vọng vì cho rằng lẽ ra cậu ta phải chủ động đưa ra phương án giải quyết. Và cách hay nhất là tổ chức lễ cưới ngay. Nhưng không. Cậu ta nói: “Thế nào cũng được, tùy!”. Vậy là cậu ta cũng chẳng tha thiết gì với cái giọt máu của mình vừa hình thành kia.

Tôi đang hết sức bối rối thì cậu ta gặp tôi và bày tỏ: Sau khi suy nghĩ kỹ, có ý muốn sớm cưới con gái tôi. Như vậy có nghĩa cậu ta đã biết nghĩ lại, không đến nỗi là kẻ vô trách nhiệm, phủi tay. Và cậu biết thương con gái tôi. Phần nào, tôi thấy nhẹ lòng. Nhưng giữa lúc này, hầu như bất cứ ai cũng khuyên tôi ngược lại: Họ nói tốt nhất là khuyên con gái tôi cắt đứt, rồi phá thai, coi như không còn bất cứ mối liên hệ nào. Còn trẻ, không đến nỗi gì, sau này việc lấy chồng cũng sẽ chẳng khó khăn. Tuy vậy, tôi cũng không thể không suy nghĩ khi cậu ta có ý định cưới con gái mình. Tuy nhiên, về phía bố mẹ cậu ta, tôi chưa thấy có bất cứ động thái gì chứng tỏ quan tâm, lo lắng đến việc này. Tôi biết rõ cậu ta đã cho bố mẹ biết sự việc. Tôi lại nảy sinh nỗi lo về việc gia đình cậu ta vô trách nhiệm.

Đã rối, lại càng rối hơn khi biết trước sự việc này, chồng cũ của tôi đã không giữ được bình tĩnh, đã gặp con gái tôi và cậu ta, rồi nói năng lung tung, tỏ rõ sự bực bội, thiếu trách nhiệm. Sự thực thì từ khi ly hôn, tôi không biết gì về cuộc sống của anh ta. Và tôi cũng không có nhu cầu biết. Anh ta đã để lại trong tâm hồn tôi một tỳ vết quá sâu đậm về một nỗi đau, nhức nhối khi bị phản bội. Sự thật là suốt nhiều năm qua, tôi coi anh ta như đã chết. Cũng bởi vì anh ta đã phó mặc hai đứa con lại cho tôi, không một lần gặp gỡ, thăm hỏi chứ không nói chăm lo, săn sóc.

Thưa các anh chị. Sự việc đã đến tình thế này, tôi nên hành xử ra sao? Nên động viên cho con gái tôi xúc tiến hôn nhân hay khuyên nó “buông”, sau này làm lại cuộc đời. Sự thực là tôi không có niềm tin vào tương lai của nó sau khi đám cưới được tổ chức, vì người nó yêu đang không có công ăn việc làm, lại còn lêu lổng, lông bông. Xin các anh chị cho một lời gợi ý. 

(Hồng Huệ Hoa- quận Tân Bình- TP Hồ Chí Minh)

Trao đổi của chuyên gia tâm lý Nguyễn Đình San:

Sau khi phân tích ngọn ngành mà con gái chị không nghe, vẫn quyết tâm lấy cậu trai kia thì buộc phải tôn trọng thôi, biết làm thế nào, vì nó được pháp luật bảo vệ. Mình mà cố tình ngáng trở, phá đám tức là vi phạm pháp luật (quy định trong Luật Hôn nhân & gia đình). Tuy nhiên, chị cần xác định rõ với con gái: Đã trưởng thành, lại sắp làm mẹ, phải tự chịu trách nhiệm, không thể dựa dẫm, nương nhờ vào ai, kể cả mẹ. Sướng, khổ, hạnh phúc hay bất hạnh thì phải gánh chịu do quyết định của mình. Và chị rất cần phải gặp gỡ, nói chuyện, xác định ba mặt một lời, chẳng những với cậu rể tương lai mà còn cả với bố mẹ cậu ta nữa. Hy vọng mọi việc sẽ tốt đẹp, không đến nỗi quá lo lắng như chị nghĩ./

Đấy là tư vấn của chuyên gia tâm lý, bạn có thể chia sẻ với chị Hoa qua địa chỉ nongnghiep.vn

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm