| Hotline: 0983.970.780

Hỗn chiến do tranh chấp bãi ngao

Thứ Ba 09/07/2013 , 09:39 (GMT+7)

Trong khi 30 bè nhỏ của người dân xã Quảng Nham đang khai thác ngao ở khu vực giữa sông Yên thì có 12-15 người của xã Hải Châu ra xua đuổi. Hỗn chiến xảy ra khiến 2 người chết, 1 người mất tích và 9 người bị thương.

Trưa ngày 7/7, trên sông Yên đoạn chảy qua địa bàn 2 xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương và Hải Châu, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) đã xảy ra trận hỗn chiến giữa người dân 2 địa phương trên làm 2 người chết, 1 người mất tích và 9 người bị thương.


Bãi ngao tự nhiên trên sông Yên là nơi mưu của hàng ngàn hộ dân ở Quảng Nham và Hải Châu

Ngay sau vụ việc xảy ra, sáng 8/7, chúng tôi đến thôn Bắc Châu, xã Hải Châu, huyện Tĩnh Gia đúng lúc lực lượng chức năng đang tiến hành khám tử thi 2 nạn nhân là ông Tô Văn Dũng (SN 1952) và ông Lê Văn Hiệu (SN 1966), đều ở xã Hải Châu, huyện Tĩnh Gia. Quanh 2 thi thể là tiếng khóc ai oán của người nhà và hàng trăm người dân.

Theo ghi nhận của NNVN, hiện tại đang có một người mất tích là anh Lê Kim Cường ở xã Quảng Ninh, Quảng Xương. 6 người bị thương đang được điều trị tại các bệnh viện gồm: Tô Văn Dần (SN 1977); Tô Văn Mạnh (SN 1973); Tô Văn Thêm (SN 1961), đều ở Hải Châu; anh Lê Văn Linh, Phạm Đăng Hồng (SN 1964); Lê Văn Hoà (SN 1962), ở xã Tân Dân – huyện Tĩnh Gia.


Xác 2 nạn được tìm thấy cách khu vực xảy ra hỗn chiến không xa

Phía huyện Quảng Xương có 3 người bị thương gồm: Đinh Văn Hà (SN 1982); Trần Văn Quân (SN 1985) và Nguyễn Văn Tuyển (SN 1987) đều ở xóm Điền, xã Quảng Nham.

Để thực hư vụ việc, chúng tôi tìm đến gia đình anh Đinh Văn Hà, ở thôn Điền, xã Quảng Nham. Anh Hà bị thương ở mặt và một số vị trí khác, hiện đang được cấp cứu tại một bệnh viện ở TP Thanh Hóa, ở nhà chỉ có mẹ anh là bà Nguyễn Thị Dung (60 tuổi) đang trông coi 2 đứa cháu.

Bà Dung tâm sự: “Khúc sông lúc xảy ra đánh nhau là khu vực đánh bắt chung của người dân 2 xã Quảng Nham và Hải Châu. Đây là khu vực khai thác ngao tự nhiên vốn là nghề truyền thống của người dân Quảng Nham. Nhưng thời gian gần đây người dân Hải Châu dùng cọc tre, vây lưới giữa sông để bao địa bàn, cấm dân Quảng Nham chúng tôi ra khai thác nên mới xảy ra sự việc trên”.

Cũng là người nhà của nạn nhân bị đánh trọng thương, chị Vũ Thị Dậu - vợ anh Nguyễn Văn Tuyển (27 tuổi), thôn Điền lo lắng: “Giờ chồng em đang được đưa đi cấp cứu nhưng không biết tình hình thế nào, anh ấy gọi điện về nhưng không cho em biết địa chỉ bệnh viện vì sợ có người theo vào bệnh viện hành hung tiếp. Em đang sốt hết cả ruột”.

Theo chị Dậu, sự việc xảy ra khiến chị và bà con trong xóm rất hoang mang, bởi đã nhiều lần người dân Hải Châu sang Quảng Nham đe dọa, ngăn cấm không cho họ ra khai thác ngao.

“Chúng tôi đã nhiều lần viết đơn phản ánh lên huyện, xã nhưng không được giải quyết. Việc người dân Hải Châu “ngăn sông cấm chợ” khiến cho nhiều gia đình ở thôn Điền nói riêng, xã Quảng Nham nói chung mất việc làm, thiếu thốn trăm bề. Khi chúng tôi sang Trung Quốc làm việc, chính quyền kêu gọi chúng tôi về quê làm ăn nhưng về đây lại bị hăm dọa, cấm đoán thế này thì biết làm gì mà sống bây giờ”, chị Dậu sụt sùi.

Anh Lê Văn Mạnh (33 tuổi) vẫn chưa hết bàng hoàng kể lại sự việc: Khoảng 11h ngày 7/7, có khoảng 30 bè nhỏ với khoảng 60 người của xã Quảng Nham đang khai thác ngao ở khu vực giữa sông Yên thì có một thuyền máy và 2 bè nhỏ chở từ 12-15 người của xã Hải Châu ra xua đuổi bè của chúng tôi.


Anh Lê Văn Mạnh kể lại diễn biến vụ việc

Ngay lập tức chúng tôi quay đầu bỏ chạy, lúc này người ở trên thuyền, bè của Hải Châu dùng đá, các thanh sắt dài khoảng 20 cm, vót nhọn 2 đầu phi thẳng vào người chúng tôi, tôi nhanh chân nhảy xuống sông ẩn nấp, còn anh Nguyễn Văn Tuyển và Đinh Văn Hà đi cùng thuyền bị thương nặng phải đưa đi cấp cứu.

Một lúc sau thấy bè của Quảng Nham ra ứng cứu đông nên thuyền của xã Hải Châu quay đầu bỏ chạy thì đâm phải một bè của chính người Hải Châu khiến bè bị lật, khoảng 12 người rơi xuống sông. “Sự việc sau đó diễn biến thế nào tôi cũng không biết, đến khi tỉnh dậy mới biết là mình còn sống”, anh Mạnh nói.

Theo kết quả bước đầu của Cơ quan điều tra (Công an tỉnh Thanh Hóa): Nguyên nhân dẫn đến hỗn chiến là do mâu thuẫn từ việc tranh chấp bãi nuôi và khai thác ngao trên sông Yên.

Ông Đoàn Văn Sâm, Chủ tịch UBND xã Quảng Nham, cho rằng: "Theo suy đoán của chúng tôi, nguyên nhân dẫn đến vụ việc trên có thể là do chanh chấp vùng ngao tự nhiên ở khu vực chung dòng chảy bởi khoảng 10 năm lại đây nguồn tài nguyên ngao trên sông Yên trở nên phong phú.

Hai là trong lúc khai thác bè của phía Quảng Nham đụng vào phía cọc nuôi ngao của bên Hải Châu nên mới xảy ra hỗn chiến. Còn kết luận thỉ phải chờ cơ quan điều tra làm rõ”.

Hiện tại,  đại tá Nguyễn Văn Bính, Phó Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa, dẫn đầu Cơ quan Cảnh sát điều tra, đang trực tiếp chỉ đạo UBND các huyện, xã và các đơn vị liên quan xuống hiện trường thu thập tài liệu, điều tra làm rõ vụ án trong thời gian sớm nhất.

Đồng thời, chỉ đạo các địa phương làm tốt công tác dân vận không để người dân 2 xã bức xúc, tiếp tục đánh nhau, gây thương tích. Tiếp tục tìm kiếm thi thể nạn nhân còn lại, đưa về mai táng theo phong tục địa phương, kiên quyết không để tình hình diễn ra phức tạp, nhất là tình huống đưa xác nạn nhân đến các cơ quan, công sở, đường giao thông...

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Điện Biên đưa cửa khẩu thành mũi nhọn phát triển kinh tế

Mường Nhé bây giờ vẫn là một trong những huyện nghèo, chậm phát triển bậc nhất trong cả nước, nhưng người Mường Nhé không thể chấp nhận điều ấy trong 10, 20 năm nữa.