| Hotline: 0983.970.780

Rau an toàn trên cát gặp... bão, nguy cơ 'xóa sổ'

Thứ Hai 09/10/2017 , 15:05 (GMT+7)

Dự án sản xuất rau củ quả an toàn công nghệ cao triển khai tại huyện Thạch Hà (viết tắt là RAT) từng được Hà Tĩnh đánh giá là mô hình “độc nhất vô nhị” trên đất cát bạc màu khu vực phía đông của tỉnh. Tuy nhiên...

Tuy nhiên, từ đầu năm 2017 đến nay, dự án này liên tục gặp khó khăn, đặc biệt là sau cơn bão số 10 vừa qua.
 

Từ đột phá...

Năm 2013 sau khi khai thác hết quặng titan trên khu vực mỏ được cấp, để giải quyết việc làm cho người lao động, TCty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh (Mitraco) – chủ đầu tư dự án RAT quyết định chuyển hướng sang đầu tư SX nông nghiệp.

07-59-11_1
07-59-11_2
Dự án RAT một thời là niềm tự hào của Mitraco và ngành nông nghiệp Hà Tĩnh

Được UBND tỉnh chỉ đạo, Mitraco thực hiện thí điểm mô hình trồng RAT trên diện tích 12ha đất cát ven biển xã Thạch Văn, huyện Thạch Hà. Quá trình thí điểm mô hình, Mitraco khảo nghiệm hàng chục giống cây trồng, trong đó có 9 loại rau củ quả thí điểm thành công để chuyển giao, nhân rộng cho các tổ hợp tác, HTX và người dân ven biển đưa vào SX.

Mục tiêu đầu tư dự án là hoàn trả lại môi trường vốn có ban đầu sau khi khai thác hết quặng titan, góp phần chống sa mạc hóa; đồng thời, tạo ra sản phẩm hàng hóa an toàn cung ứng cho người tiêu dùng.

Thời điểm này, Mitraco liên kết thêm với các HTX, tổ hợp tác trên địa bàn SX RAT sau đó sơ chế, bảo quản tại kho lạnh của TCty rồi cung ứng đến các siêu thị Metrol, Co.opmart, Intimex; hệ thống cửa hàng RAT của Mitraco; Giới thiệu sản phẩm ra các tỉnh lân cận và chợ đầu mối trên địa bàn Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình.

Với quy mô đầu tư, liên kết SX lớn, bình quân tổng sản lượng RAT Cty cung ứng ra thị trường mỗi năm đạt trên dưới 1.800 tấn.

07-59-11_3
Chuỗi cửa hàng khép kín được đầu tư bài bản

Bà Nguyễn Thị Hà, Phó TGĐ Mitraco chia sẻ: "Thời điểm thị trường tràn lan thực phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm thì cũng là lúc Mitraco mạnh dạn xây dựng 8 cửa hàng giới thiệu, cung ứng RAT cho người tiêu dùng tại TP Hà Tĩnh, huyện Thạch Hà, thị xã Hồng Lĩnh và TP Vinh (Nghệ An). Tuy nhiên, quá trình triển khai dự án, đầu ra của sản phẩm đang bị một bộ phận người tiêu dùng “cào bằng” với rau không an toàn, dẫn đến hiệu quả kinh doanh hạn chế".
 

Đến “xóa sổ” vì bão

Đầu năm 2017, dự án này gặp nhiều sóng gió khi tỉnh Hà Tĩnh quyết định cắt các nguồn hỗ trợ, từ trực tiếp đến hỗ trợ lãi suất vay ngân hàng. Mitraco dù gặp khó khăn nhưng vẫn duy trì SX đều đặn 20ha rau củ quả các loại; 9ha cây ăn quả và 8ha măng tây.

Theo bà Hà, lúc này hoạt động SX không mang lại hiệu quả về kinh tế cho doanh nghiệp nhưng hiệu quả xã hội thì rất lớn. Hàng chục hộ dân, HTX, tổ hợp tác tại các xã vùng biển huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên vẫn duy trì làm RAT trên cát.

Để cứu “đứa con” doanh nghiệp chăm bẵm suốt 4 năm qua, ban lãnh đạo TCty kêu gọi một số doanh nghiệp cùng ngành phối hợp SX, đặc biệt là SX trong nhà lưới, nhà kính. Đấu nối một số HTX, tổ hợp tác trên địa bàn theo hình thức cho bà con thuê đất, hỗ trợ kỹ thuật, Mitraco đứng ra bao tiêu sản phẩm, HTX và tổ hợp tác tự hạch toán lợi nhuận. Đồng thời, bố trí 15 – 20 lao động chuyên nghiệp thực hiện tiếp dự án.

07-59-11_4
07-59-11_5
07-59-11_6
Nay tan hoang sau bão số 10

“Đã có một số doanh nghiệp ở TP Hồ Chí Minh ngỏ ý thuê lại hệ thống nhà kính, nhà lưới để đầu tư SX, TCty đang xúc tiến hợp tác thì cơn bão thiên tai đổ xuống. Trong tích tắc, toàn bộ dự án bị “xóa sổ”, bà Hà buồn bã nói.

Theo đó, hơn 2.828m2 nhà lưới, nhà kính bị bão số 10 “đánh” vỡ tung tóe; hệ thống nhà kho tốc mái; đường ống nước đứt đoạn; cây ăn quả, rau củ quả mới gieo trồng gãy ngan ngác, đổ rạp giữa bãi cát trắng... Ước tổng thiệt hại trực tiếp hơn 3,5 tỷ đồng, chưa tính thiệt hại đầu tư ban đầu.

“Ngay từ đầu năm, Mitraco đã có giải pháp để duy trì dự án nhưng sau cơn bão số 10 thì mọi kế hoạch tan thành mây khói. Tuy nhiên, ngoài yếu tố thiên tai, chúng tôi cho rằng khi hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện những dự án mang tính rủi ro cao, Trung ương, tỉnh cần hỗ trợ chính sách dài hơi để doanh nghiệp ổn định, có điều kiện tái đầu tư trở lại”, bà Hà phân tích.

Từ những chia sẻ của bà Hà, có thể khẳng định, thời kỳ hưng thịnh doanh nghiệp này chính là cứu tinh của hàng nghìn nông dân Hà Tĩnh, từ SX rau củ quả đến chăn nuôi lợn, bò theo hướng liên kết... Tuy nhiên, đến giai đoạn doanh nghiệp lâm cảnh khó khăn, chủ yếu do yếu tố khách quan thì câu hỏi đặt ra, ai sẽ là người đứng ra làm “bà đỡ” giúp họ vượt qua?

 

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.