| Hotline: 0983.970.780

Rừng phòng hộ Núi Cốc tiếp tục bị tàn phá

Thứ Hai 25/05/2015 , 06:15 (GMT+7)

Sau nhiều ngày điều tra, PV NNVN đã được mục sở thị quang cảnh hoang tàn, trơ trọi trên những hòn đảo của khu vực lòng hồ./ Rừng phòng hộ Núi Cốc lại bị rút ruột

Trước đó, NNVN cũng đã thông tin tình trạng khu rừng phòng hộ Núi Cốc (tỉnh Thái Nguyên) đã và đang bị tàn phá nghiêm trọng. 

Đột kích

Từ nguồn thông tin mật báo, PV NNVN cùng một nữ đồng nghiệp trong vai của đôi trai gái đi “phượt” bằng thuyền của dân. Vùng nóng đã được chỉ điểm là khu vực Hang Cà (thuộc xã Phúc Tân, huyện Phổ Yên).

Đi cách BQL rừng phòng hộ và bảo vệ môi trường hồ Núi Cốc khoảng hơn 1 km, chúng tôi đã được tận mắt chứng kiến những hoang đảo trơ trụi. Gốc cây lổn nhổn bị cưa, cắt bừa phứa.

Nhiều vạt rừng bị đốt cháy đen xám. Tiến sâu vào khu vực Hang Cà, tiếng cưa vang vọng trên một hòn đảo. Thuyền chúng tôi nhanh chóng tiếp cận, một thân cây keo đổ rụp trên đảo. Người đưa đường ngăn cản không cho chúng tôi lên đảo với lý do, “anh chị không phải kiểm lâm thì rất dễ bị bọn chúng tấn công”.

Ngay lập tức, một thuyền nan nhỏ của dân không biết từ ngõ nào bơi nhanh tới gần thuyền của chúng tôi. Người phụ nữ chèo thuyền thoăn thoắt, mắt không ngừng quan sát, thăm dò. Khi chúng tôi gọi chị đến với mục đích dò hỏi thì chị quay đầu thuyền bỏ chạy mất hút.

Người đưa đường cho hay, hầu hết các thuyền trong khu vực này đều là thuyền chở gỗ. Người phụ nữ vừa bơi thuyền giữ nhiệm vụ cảnh giới cho hoạt động khai thác và vận chuyển trên lòng hồ.

Trực tiếp cập mạn, trèo lên một số hòn đảo của Hang Cà, có thể nói nơi này không thể gọi là rừng được nữa. Những gốc cây keo có đường kính lớn mới bị chặt hạ với cành lá còn ngổn ngang trên mặt đất. Chỉ ít cây keo non hoặc mầm keo tái sinh có đường kính vài cm còn tồn tại. Ngoài ra, có một số cây mọc hoang trên đảo là tre, nứa, sim mua, dây leo nhỏ.

Theo người dẫn đường, chỉ hơn một năm trước, khi đưa khách du lịch vào khu vực này thì các đảo đều có bóng râm cho khách nghỉ ngơi, du ngoạn nhưng nay cây đã bị chặt phá gần hết nên không còn nơi nghỉ mát tự nhiên nữa.

Trước những chứng cớ xác thực như trên, ông Lê Thanh Tân (Phó chủ tịch UBND xã Phúc Tân, huyện Phổ Yên) xác nhận và khẳng định: “Rừng phòng hộ Núi Cốc thuộc địa bàn xã Phúc Tân đã và đang bị hoành hành, tàn phá.

Tuy nhiên, đến nay, vẫn chưa có con số thống kê chính xác về mức độ hủy hoại”. Ông Tân cho biết, những lô rừng phòng hộ thuộc xóm 11, xã Phúc Tân (giáp ranh với xã Vạn Thọ, huyện Đại Từ) đã cơ bản bị khai thác hết.

Rừng đã cơ bản bị khai thác hết. Thời gian tàn phá mạnh nhất diễn ra trong khoảng một năm qua. Nhưng con số thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thái Nguyên rất hạn chế.

Cụ thể, trong cả năm 2014, đã phát hiện và xử lý 18 vụ vi phạm hành chính thuộc khu vực rừng phòng hộ Hồ Núi Cốc. Thu giữ 35 mét khối gỗ, 8 thuyền (trong đó có 3 thuyền nan và 5 thuyền xi măng). Trong 5 tháng đầu năm 2015, phát hiện và xử lý 6 vụ vi phạm, thu giữ chỉ có 6 mét khối gỗ và 1 thuyền.

Trong đợt cao điểm kiểm tra từ 15 - 25/4/2015 mới đây, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thái Nguyên cũng chỉ phát hiện được 1 vụ với số lâm sản trái phép thu giữ là 6,7 mét khối.

Cha chung, ai khóc?

Ông Ngô Xuân Hải (Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thái Nguyên) cho biết, rừng phòng hộ Núi Cốc có diện tích xấp xỉ 3.500 ha thuộc 89 hòn đảo lớn nhỏ nằm trên diện tích mặt nước rộng hơn 25 km2 trên địa bàn 6 xã của 3 huyện, thành phố. Những diện tích rừng trước đây được người dân canh tác như rừng sản xuất. Khi sáp nhập thành rừng phòng hộ thì nguồn sống bị hạn chế.

Trong khi đó, ngoài chủ rừng lớn là BQL rừng phòng hộ và bảo vệ môi trường hồ Núi Cốc thì người dân cũng là đồng chủ rừng. Trách nhiệm quản lý Nhà nước là của chính quyền địa phương. Không có cơ quan quản lý hành chính cấp huyện để tham mưu đối với UBND các huyện, thành về công tác quản lý và bảo vệ rừng ở đây.

Mặt khác, cây trồng chủ đạo của rừng phòng hộ Núi Cốc là cây keo. Loại gỗ đang có sức quyến rũ mạnh mẽ với lâm tặc. Một trong những nguyên nhân của tình trạng trên là có hiện tượng chuyển nhượng ngầm quyền sử dụng đất rừng, thậm chí không loại trừ việc tiếp tay bán rừng của các chủ rừng cho lâm tặc

Các đối tượng khai thác, vận chuyển ngày càng dùng các phương thức tinh vi. Chúng khai thác bằng cưa cò, rìu, dao vào ban đêm gây khó khăn cho việc phát hiện. Thậm chí, chúng khai thác cả ban ngày nhưng khi lực lượng kiểm tra lên đảo thì chúng ném giấu dụng cụ khai thác, vờ làm người đi chăn trâu, nhặt củi…

Khi vận chuyển, lâm tặc kẹp lâm sản ở 2 bên mạn thuyền bằng dây. Khi phát hiện lực lượng tuần tra, đối tượng chỉ cần tháo dây hoặc chặt đứt dây để phi tang làm lâm sản chìm xuống lòng hồ.

Giải pháp lâu dài

Ông Ngô Xuân Hải đưa ra phương án quản lý bảo vệ rừng phòng hộ bền vững có sự tham gia của người dân mang tính chiến lược.

08-17-42_1
Những hòn đảo trơ trọi trên lòng Hồ Núi Cốc

Cụ thể, phương án sẽ rà soát lại diện tích rừng, chủ rừng, xây dựng cơ chế chính sách để đãi ngộ đối với người dân. Mặt khác, để hạn chế áp lực khai thác rừng trái phép, phương án xây dựng chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Theo đó, sẽ loại bỏ cây keo, thay bằng trồng các cây bản địa có chu kỳ khai thác lâu năm. Kết hợp trồng các cây dược liệu dưới tán để tăng thu nhập cho người dân. Phương án cũng kết hợp lồng ghép với các chương trình quản lý bảo vệ rừng theo tín chỉ, chi quỹ bảo vệ và phục hồi rừng phòng hộ. Mục tiêu là nâng cao thu nhập, tạo sinh kế đa dạng để người dân có thu nhập bằng hoặc hơn so với rừng sản xuất.

Trong khi chờ HĐND tỉnh Thái Nguyên chính thức quyết nghị để có cơ chế cụ thể thực hiện phương án trên thì nhiều khả năng những vạt rừng trên lòng hồ Núi Cốc vẫn tiếp tục bị bán, bị xẻ thịt. Có thể chiêm nghiệm một tương lai gần của rừng phòng hộ Núi Cốc là khi hết rừng thì mới không còn hiện tượng phá rừng.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất