| Hotline: 0983.970.780

Tâm bệnh ngộ nhận tình yêu

Thứ Bảy 07/04/2018 , 08:30 (GMT+7)

Chuyện tình cảm, cũng như chuyện đời, có những cuộc tao ngộ thật kỳ diệu hoặc rất kịch tính mà nếu chưa trải qua, con người sẽ không ngờ dòng đời lại có thể biến chuyển như thế được.

Diệp là một cô gái bình thường, cũng có chút ít nhan sắc đủ để khiến cho một vài chàng trai khi thấy cô lần đầu, tâm hồn họ thoáng cảm thấy xao xuyến, vấn vương.

Ảnh minh họa

Tốt nghiệp cao đẳng, Diệp trở thành nhân viên hành chính thuộc một doanh nghiệp tư nhân. Cô miệt mài đi làm ngày hai buổi với niềm vui có thêm thu nhập trợ giúp mẹ đỡ gáng nặng nuôi hai em nhỏ ăn học. Ở tuổi đang xuân, Diệp cũng không nghĩ ngợi gì nhiều về chuyện tình duyên. Cô định bụng, nếu quen biết bạn trai để có thể đi tới hôn nhân xây dựng mái ấm gia đình thì càng tốt. Còn nếu không, cô đã toan ở vậy để toàn tâm lo lắng cho mẹ và tương lai các em.

Thế rồi cơ hội tình duyên cũng đến với Diệp. Trong một lần ăn tiệc ở nhà cô bạn đồng nghiệp, Diệp quen được với Thành, một người trong nhóm bạn họp mặt ngày hôm ấy. Thành mau chóng bắt chuyện với Diệp trước. Sau đó là những lần Thành tìm đến nhà Diệp thăm hỏi. Anh không chê gia cảnh nhà Diệp, mặc dù gia đình cha mẹ Thành giàu có.

Không hiểu sao quan hệ giữa Thành và Diệp rất thân mật, nhưng không tiến xa hơn. Sau ba năm qua lại, Diệp vẫn chỉ là cô em nhỏ của Thành. Anh hơn cô năm tuổi, mối quan hệ của họ nửa như anh em, nửa như tình nhân. Thương yêu Diệp là thế, nhưng Thành chưa một lần tỏ ý trong tương lai sẽ hỏi cưới cô. Mẹ Diệp cũng ít nhiều sốt ruột vì thái độ lập lờ từ phía anh bạn trai của con gái mình; về phía Diệp, có đôi lần cô hỏi han xa xôi Thành về vấn đề này.

Nhưng chuyện đời rồi cũng có câu giải đáp của nó, mặc dù đó là một lời giải đầy nghiệt ngã. Một hôm Diệp bỗng cảm thấy mệt mỏi hơn thường nhật, cô bắt đầu có những triệu chứng khác thường như hay ho và ho có đờm, chán ăn, và lạ ở chỗ cô chợt đâm ra rất sợ nước. Đến bệnh viện khám, bác sĩ bệnh viện quận nghi ngờ bệnh trạng nên đề nghị cô đến khám ở bệnh viện chuyên khoa hô hấp. Kết quả hai năm rõ mười: Diệp đã bị bệnh lao phổi.

Lời phán đoán của bác sĩ đã khiến cho bầu trời quanh Diệp bỗng tối sầm lại. Nghe tin, cô bạn thân làm cùng công ty khuyên Diệp hãy âm thầm đi chữa bệnh và đừng cho Thành biết. Nhưng Diệp lại nghĩ khác. Cô không muốn khuất tất hay giấu giếm chút gì trong tình yêu.

Sau khi biết tin Diệp bị lao. Thành hết sức trấn an và động viên cô. Tuy nhiên, không bao lâu sau đó, anh đã không còn lui tới nhà Diệp nữa. Diệp biết vì sao cô lại đổ bệnh, đó là kết quả của những ngày tháng lao lực thái quá trong công việc của cô. Giờ đây, khi hay tin Thành đã lìa bỏ mình, cô cũng không oán trách Thành. Bây giờ mọi chuyện trong cô bỗng trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết. Cô hiểu rằng Thành đã chịu áp lực rất lớn từ phía gia đình anh. Cha mẹ Thành vốn vẫn không tán thành mối quan hệ giữa con trai của họ và Diệp, chỉ vì hai gia đình không môn đăng hộ đối. Bây giờ, khi Thành lìa bỏ cô, cũng chỉ vì anh ta đang tự vệ cho bản thân của mình.

Một năm sau đó, Diệp đã được điều trị hết bệnh và bình phục. Nhưng cô lại mắc phải thứ tâm bệnh ám ảnh rằng cuộc sống của cô sẽ không còn ý nghĩa nếu không có Thành. Mãi cho đến khi Thành lấy vợ và chuyển đến tỉnh xa cư ngụ, chừng đó Diệp mới biết mình đã không còn cơ hội để hy vọng, và cô đã nguôi ngoai dần dần.

Cho đến lúc này cô mới cảm thấy tuy cô sống cuộc sống độc thân như vậy mà còn hạnh phúc hơn nhiều so với những ngày tháng sống trong mối quan hệ hạnh phúc đầy ảo tưởng trước kia với Thành. Sau đó, cuộc đời lại run rủi cho cô gặp Tuấn.

Tuy biết Tuấn có tình ý với mình, nhưng Diệp lúc này tựa như con chim đã sợ cành cây cong. Cô hoàn toàn dè dặt trước những biểu hiện ngày càng quan tâm của Tuấn. Tuấn không giàu có như Thành, cũng không còn cha mẹ. Anh sống tự lập từ tuổi thiếu niên và cũng đã trôi nổi với đủ thứ nghề nghiệp để sinh nhai. Hiện tại, Tuấn làm nghề sửa chữa điện cơ. Tuy Tuấn không có bằng cấp như Diệp, nhưng cái nghề của anh hiện tại có thu nhập cao hơn cô. Phải hai năm nữa trôi qua, Diệp mới bằng lòng thành hôn cùng với Tuấn.

Đến lúc này Diệp mới nghiệm ra rằng sở dĩ cô đã không tìm thấy được tình yêu chân thật nơi Thành trước kia, chỉ vì cô đã trao gửi nhầm trái tim cho một người vốn sống vị kỷ hơn là có trách nhiệm với người mình yêu thương.

(Kiến thức gia đình số 14)

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm