| Hotline: 0983.970.780

Tâm thư cho người trẻ thời đại @

Thứ Tư 03/09/2014 , 09:14 (GMT+7)

Mong thấy các bạn trẻ nước mình được như bạn trẻ ở các nước văn minh: Khoan thai, lịch duyệt mọi nơi mọi lúc và khi cần, thì chuyên gia tư vấn là người tin cậy nhất.

Chán nhất bây giờ là bữa cơm có không khí sum họp. Con gái và rể, con trai và dâu, cháu nội, cháu ngoại tuổi ăn tuổi học. Đề huề quá còn gì. Đúng, mỗi nhà nên có hai con, khi con cái trưởng thành, cũng công thức ấy thì nhà của một đôi vợ chồng già có đúng 10 người trong bữa ăn cuối tuần.

Ngày xưa thời điểm ấy sẽ hì hục quạt bún chả, hay bún xào, hay bánh xèo. Thời gian dài rộng, đúng, thời gian lênh láng mênh mông, mọi thành viên đắm mình trong đó như dưới một mái vòm thoáng đãng. Nghèo nhưng mà nhàn rỗi, nghèo nhưng mà chỉ có duy nhất một thứ là bữa ăn tươi háo hức cho mọi người.

Giờ, không khi nào cả nhà ngồi yên cùng một lúc. Những chiếc điện thoại lớn lệnh bằng trời, réo ai là người đó phải đứng dậy, bước ra. Muốn một khoảnh khắc để nâng cốc cũng không thể nào đủ mặt.

Nhà chung cư cao tầng, sóng yếu, một người nói điện thoại là cả hội cùng phải nghe, từ câu chuyện bên này có thể đoán người bên kia nói gì, muốn riêng tư cũng không thể. Có khi cả một lúc mấy cái máy đồng thanh reo, tiếng người của máy này xỏ vào tiếng của máy kia, loạn xị.

Hai người già ngồi nhìn nhau, không hiểu mình đang ở thời nào, ở cái xứ nào mà cuộc sống luôn bị dựng ngược lên như vậy.

Cháu gái tuổi teen, vừa nhai vừa dán mắt vào iPhone, có lẽ món gì cũng như mực cao su hết. Các cháu tuổi nhi đồng cứ dính chặt vào nhau bởi cái iPad, bắt chúng rời ra thì bữa ăn sẽ tiu nghỉu như nhà có đám.

Không đến nỗi nhai phải mực như chị như anh tuổi teen, nhưng đành hanh ăn, đành hanh uống, như bị đau răng. Buông đũa, chạy vù vào phòng, sau tiếng sập cửa là đã nghe thấy chúng chành chọe nhau cái iPad.

Chán nhất bây giờ là ngồi cà phê với những người trẻ. Trẻ mà cà phê được với người già, tức là không mấy trẻ nữa. Không đến nỗi như các bạn thực sự trẻ ở bàn bên, chao ơi, sao họ giống những robot thế. Bởi vì họ rủ nhau uống nước, hàng quán sang trọng hẳn hoi, vừa bước vào đã mỗi người một iPhone, cắm cúi, bận rộn.

Có ở nơi đâu con người nghiện thời trang điện tử đến mức khó hiểu như vậy không? Thế mà những con người thực là trẻ ấy không thấy kỳ, không thấy lạ, không thấy ngượng. Miệng bắt chuyện nhát gừng với người chung bàn, mắt vẫn dán vào màn hình điện thoại và những ngón tay thì bấm không biết mỏi.

Ai rồi cũng cần tư vấn vào lúc nào đó, việc gì đó, và ai cũng có bi kịch riêng trong xã hội người đông như kiến cỏ này. Không ai cười bạn và cũng không ai ném đá bạn, bởi vì người giữ chuyên mục luôn giữ kín hòm thư của bạn, không hề gì cả.

Những bạn trẻ cùng cà phê với người già không đến nỗi thế. Nhưng mà vẫn những cú điện thoại giật ngược, vẫn liên tục “xin lỗi, em nghe điện thoại chút”. Cuộc hàn huyên như luôn có kẻ thứ ba rình rập, không biết bị chen vào lúc nào.

Cuộc gặp luôn luôn chóng vánh vì bạn không trẻ ấy cứ nhấp nhổm, người đã hưu và người đang việc khác nhau ở chỗ ấy. Khác đến mức một chốc lát cà phê với nhau cũng còn khó.

Chán nhất bây giờ là cái câu “xin tư vấn riêng cho em để giữ bí mật” trong những lá thư xin tư vấn bằng đường thư điện tử. Chuyên mục lập ra để cho độc giả. Nhờ báo mà độc giả biết có chuyên mục đó và tờ nào cũng có mục “Nhỏ to tâm sự”. Độc giả này chọn tờ báo này, độc giả kia chọn tờ báo kia, như cái duyên với nhau không cần lý giải.

Nhưng mà thư nào cũng đề nghị tư vấn riêng, đừng đưa lên báo, sợ người thân biết, sợ cơ quan biết, sợ dư luận xét nét… đủ cả. Người giữ chuyên mục đã nhiều lần phân trần, chuyên mục sinh ra cho xã hội để nâng cao quyền sống cho con người, báo cần chuyên mục cũng như độc giả cần báo…vân vân và vân vân.

Nhưng nhận thức của người xin tư vấn vẫn nguyên, vẫn sợ và sợ đủ thứ.

Con người thời đại Internet phải tự thấy cuộc sống của mình nay đã khác xa thời trước, như đèn dầu và đèn điện vậy. Điều Internet đem lại không phải là tiện nghi dù nó cũng như iPhone, iPad, có nghĩa là nó không bắt người ta phải lệ thuộc như tù nhân với hàng rào của nhà tù. Nó giải phóng cho con người, vì vậy nó tiện ích về tinh thần, đúng, nó mang lại giá trị tinh thần cho con người đang thụ hưởng nó.

Vì vậy, đừng khiến nó điều khiển mình. Cũng như đừng u mê sở hữu nó mà quên hết mối quan hệ khác. Hãy để cuộc sống của các bạn thư thả, hãy dám quên nó trong nhiều khoảnh khắc hay trong nhiều giờ để bạn nghĩ ngợi, thư giãn, chăm chút người thân và đọc sách.

Riêng với những bạn trẻ và không thực trẻ nữa, hãy dũng cảm đến với các nhà tư vấn qua hệ thống Internet và báo chí để các bạn vững tin rằng, có những người không thể biết mặt không thể bắt tay mà vẫn sẵn sàng đồng hành với bạn.

Mong thấy các bạn trẻ nước mình được như bạn trẻ ở các nước văn minh: Khoan thai, lịch duyệt mọi nơi mọi lúc và khi cần, thì chuyên gia tư vấn là người tin cậy nhất.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm