| Hotline: 0983.970.780

Thương bạn gái trong vòng kìm kẹp

Thứ Sáu 27/02/2015 , 09:29 (GMT+7)

Suốt mấy năm nay tiền lương của bạn ấy làm được bao nhiêu đều bị bố mẹ quản lý cô ạ. Bạn ấy muốn làm gì cũng đều phải xin phép và báo cáo. Bạn ấy cũng không được đi chơi tối.

Cháu chào cô!

Hiện tại cháu đang có một việc muốn nhờ cô giúp đỡ.

Cháu có đứa bạn thân nó đang khổ quá cô ạ. Bạn cháu năm nay 27 tuổi, vì mải lo sự nghiệp nên năm nay bạn cháu vẫn chưa có người yêu. Bố mẹ bạn ấy không thông cảm cho bạn ấy, suốt ngày cứ nói bạn ấy là gái ế chồng. Bạn ấy buồn lắm cô ơi.

Còn nữa, suốt mấy năm nay tiền lương của bạn ấy làm được bao nhiêu đều bị bố mẹ quản lý cô ạ. Bạn ấy muốn làm gì cũng đều phải xin phép và báo cáo. Bạn ấy cũng không được đi chơi tối. Mỗi khi bạn ấy ngồi nói chuyện phân tích cho bố mẹ hiểu thì lại bị mắng là dám nói lại bố mẹ sao.

Giờ bạn ấy cảm thấy mệt mỏi uất ức cô ạ.

Xin cô cho cháu lời khuyên để cháu động viên bạn. Cháu cảm ơn cô.

--------------------

Cháu thân mến!

Cô chú ý đến mấy từ “mải lo sự nghiệp” trong thư cháu. Một cô gái 27 tuổi thì sự nghiệp là học vấn, đúng không? Sở dĩ cô quan tâm chi tiết ấy là vì một cô thạc sĩ thì đúng là phải lo học hành và công việc nên quên mất chuyện yêu đương. Và khi đã có cái mác cao học thì càng khó có đối tượng tương xứng.

27 tuổi, có ăn học, có chỗ đứng, chưa ế nếu như con người không cứng, không khó tính với người khác giới. Thông thường, ai tuổi ấy cũng đã kinh qua tình trường, thời đại học, thời công sở. Chắc chắn bạn ấy đã từng có ai và rồi không có nữa. Đã có khác với chưa từng có.

Bố mẹ nhà ấy có lẽ sốt ruột một cách hơi thái quá và cách cư xử thì bảo thủ, phong kiến. Chậm yêu nhưng đừng nhiếc móc con là gái ế, nhất là con có học.

Càng nói nó càng có nguy cơ chống lại và bị stress. Đã vậy thì tâm lý càng dồn ép và có thể hành động không chính xác nữa.

Có thể vì bố mẹ mà chấp nhận quen qua mai mối, phiên phiến. Tình yêu với người có học khó khăn hơn người bình thường, duyên nhau thì mới thắm.

Riêng việc tiền nong và giờ giấc, cháu cần nói với bạn ấy về đấu tranh. Bố mẹ không có quyền giữ hết tiền lương của con cái trừ khi nó tự nguyện.

Câu chuyện quản lý ấy nghe cũ và buồn cười quá đi. Nếu bố mẹ bạn ấy túng thiếu hay từng vay nợ cho bạn ấy ăn học thì những năm đầu đi làm, nhất thiết phải đóng góp nhiều để bố mẹ xử lý việc đó.

Sau thì nghĩa vụ với gia đình chỉ là một phần trong cuộc sống của con người, không riêng kinh tế.

Bây giờ mà quản lý giờ của con gái 27 tuổi như quản lý vị thành niên thì đúng là sẽ khiến người trong cuộc uất ức, ấy là chưa nói đến xúc phạm, tổn thương.

Văn hóa đối thoại đang như một thứ sinh hoạt xa lạ ở các gia đình VN ta, bố mẹ nào chưa biết thì con cái nên kiên nhẫn để các vị ấy quen dần và rồi sẽ thành nếp.

Đừng thấy bố mẹ phủ đầu rồi xa lánh, phụng phịu, người có học phải làm nơi mình ở vui lên, không khí được cải thiện và nếp nghĩ phải được thay đổi.

Cô hình dung được cô gái 27 tuổi không có gì hít thở ngoài công sở và gia đình ngột ngạt. Vậy thì cháu phải động viên bạn mình “nhanh lên chứ vội vàng lên với chứ”.

Không ai yêu thay cho mình, không ai giục giã thay đôi chân của mình, không ai mở cánh cửa trái tim cho mình được.

Đừng oán trách bố mẹ mà nên nghĩ đến phận con, lập gia đình để bố mẹ an tâm đi về phía cuối trời. Tận cùng chữ hiếu là làm tâm an cho hai đấng sinh thành, rồi sẽ tâm an chính mình.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm