| Hotline: 0983.970.780

Trị bọ phấn trắng hại mía

Thứ Tư 27/10/2010 , 10:38 (GMT+7)

Theo thông báo của Chi cục BVTV tỉnh Phú Yên, bọ phấn trắng đang phát sinh và gây hại nặng trên các vùng trồng mía tập trung của tỉnh này, đặc biệt là ở các huyện Sơn Hòa, Sông Hinh. Bọ phấn trắng sinh sản nhanh, phát triển mạnh với mật độ lớn, chúng tập trung chích hút nhựa gây vàng lá, tạo điều kiện cho nấm muội đen xâm nhập, gây hại tiếp.

Khi bọ phấn trắng gây hại nặng, cây mía sinh trưởng còi cọc, làm giảm hàm lượng đường và có thể làm giảm năng suất mía lên tới 65%. Với sự phối hợp của Viện BVTV, Chi cục BVTV Phú Yên đã tập trung nghiên cứu, xác định đối tượng gây hại và đưa ra khuyến cáo các biện pháp phòng trị dưới đây:

Đặc điểm nhận biết:

- Bọ phấn trắng (Aleurolobus barodensis Maskell) thuộc bộ cánh nửa (Hemitera), họ rệp phấn (Alyrodidae). Con trưởng thành có kích thước nhỏ (dài 1-3mm), màu trắng đục hoặc vàng nhạt, có lớp sáp phấn trên cánh. Vòng đời của bọ phấn trắng khoảng 32-44 ngày gồm các pha: trưởng thành, trứng, ấu trùng và kén nhộng. Sau khi vũ hóa trưởng thành giao phối ngay và đẻ trứng thành từng chùm ở những lá non chưa mở.

 Cả trưởng thành và ấu trùng đều chích vào mô cây trồng và hút dịch trong đó giai đoạn ấu trùng gây thiệt hại nặng nhất cho cây mía. Khi ấu trùng phát triển, chúng phủ một lớp bọc bằng sáp trắng giúp bảo vệ khỏi các tác động bên ngoài, nhất là thuốc trừ sâu, đây là đặc điểm riêng biệt của bọ phấn trắng ở các pha phát dục, trừ pha trứng nên rất khó phòng trừ bằng thuốc hóa học.

- Bọ phấn trắng chích hút nhựa của lá dẫn đến lá bị chuyển vàng và hồng nhạt, cuối cùng làm khô cháy. Các ấu trùng bài tiết một lượng dịch có chứa nhiều đường trên lá làm cho nấm muội đen (Capnodium spp.) xâm nhập, phát triển và gây hại trên lá làm ảnh hưởng đến quang hợp. Các giống mía lá to, dài thường bị hại nặng nhất và tập trung chủ yếu mặt dưới lá. Bọ phấn trắng gây hại nhiều nhất ở những ruộng mía lưu gốc 2-3 năm, ở những ruộng ngập nước, nghèo hàm lượng đạm. Điều kiện để bọ phấn trắng gây cháy lá là thiếu đạm, ruộng bị ngập úng, mưa lớn, mật độ cao và đất bị kiềm nặng.

Biện pháp phòng trừ:

- Biện pháp canh tác: Trồng với mật độ thích hợp; bóc hết các lá già, lá bị nhiễm bọ phấn (đem đốt hoặc chôn sâu) làm thông thoáng ruộng mía nhằm hạn chế bọ phấn phát sinh và lây lan; tránh để mía lưu gốc ở những vùng đã từng nhiễm bọ phấn trắng. Hạn chế trồng các giống mía có bản lá to và dài như R570 và R579; không để ruộng mía bị ngập úng, xẻ rãnh thoát nước khi mưa to; bón phân cân đối, cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho mía, nhất là phân đạm trong quá trình sinh trưởng.

- Biện pháp sinh học: Duy trì và sử dụng một số thiên địch ăn thịt và ký sinh để phòng trừ bọ phấn trắng như: bọ rùa, nhện vồ mồi…; sử dụng các chế phẩm sinh học như nấm bột trắng Beauveria bassiana hoặc nấm Paecilomyces fumosoroseus tấn công trên ấu trùng và trưởng thành.

- Biện pháp hóa học: Do cây mía cao, mật độ dầy, khó phun thuốc; mặt khác trên thân mình bọ phấn trắng có lớp sáp ngăn cản không cho thuốc trừ sâu xâm nhập, dễ gây kháng thuốc nên việc phun thuốc hóa học đôi khi ít tác dụng. Tuy nhiên, khi cần thiết bà con có thể sử dụng các loại thuốc trừ sâu có tính nội hấp và lưu dẫn mạnh như hoạt chất Dinotefuran (Oshin), Imidacloprid (Admire, Confidor…) và Thiamethoxam (Actara).

Xem thêm
Phát hiện cơ sở chuyên xử lý lợn ốm chết ở Vĩnh Phúc

Chủ cơ sở ở Vĩnh Phúc cho biết, lợn thu mua của dân đó đều là các con bị ốm do xuất huyết hoặc yếu do nắng nóng hoặc chết không rõ nguyên nhân.

Kiểm dịch tôm giống còn gặp khó

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trên tôm nuôi mà một phần nguyên nhân do tôm giống gây ra, ngành chức năng đã siết chặt công tác kiểm dịch.

Quảng Ngãi xây dựng mô hình cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa

Các đơn vị đã phối hợp tổ chức gieo sạ bằng máy sạ cụm 12 hàng trên diện tích 5.000m2 tại mô hình ở cánh đồng lúa xã Đức Chánh (Mộ Đức, Quảng Ngãi).