| Hotline: 0983.970.780

Trong mười điểm người ấy đã được chín thì cháu nên châm chước...

Thứ Sáu 02/06/2017 , 06:50 (GMT+7)

Cháu giữ mình độc lập tiền bạc với người yêu. Có lẽ vậy mà tuy cháu nhỏ hơn anh 7 tuổi, anh vẫn phải nể cháu. Nhưng...

Cô kính mến!

Cháu năm nay 20 tuổi, sinh viên năm thứ 2. Cháu cũng đã yêu rồi cô, anh ấy lớn hơn cháu 7 tuổi, có công việc ổn định. Anh là con trai Bắc, cháu là con gái miền Tây nhút nhát. Anh vào Nam một mình, bố mẹ anh sống với anh cả và chị dâu ở một thị xã nhỏ ngoài đó.

Bạn bè cháu cảnh cáo, con trai Bắc gia trưởng số một nhưng cháu không sợ. Cháu thấy con trai Nam học hành không chí thú bằng nhưng toàn nghĩ chuyện làm ăn lớn, nhiều tiền, hoặc là sa đà ăn chơi nhậu nhẹt. Giỏi giang, căn cơ, liệu cơm gắp mắm dần dần tích cóp hay quá, đúng không cô?

Cháu đi học, ở trọ với anh trai. Anh cháu đã ra trường đang chờ việc, anh cũng đi làm thêm nhiều thứ, cháu đâu có túng thiếu mà dựa dẫm ai. Cháu giữ mình độc lập tiền bạc với người yêu. Có lẽ vậy mà tuy cháu nhỏ hơn anh 7 tuổi, anh vẫn phải nể cháu.

Có một chuyện cháu và anh không hòa hợp được. Cháu sợ cái mùi tỏi từ anh. Ví dụ hai người vô tiệm phở, anh hay kiếm keo tỏi ngâm để sẵn trước mặt rồi ăn rất nhiều. Anh biết cháu sợ cái mùi đó mà anh vẫn say mê, còn thuyết trình là tỏi với hành tốt thế nọ thế kia. Anh biết nụ hôn có mùi tỏi nó ám ảnh cháu mà sao anh đừng được hở cô? Anh còn cố bảo, bên Tây, người ta mời người sợ mùi tỏi một tép tỏi là hòa, có mùi giống nhau, hết ám.

Có phải đó là thói gia trưởng “thâm căn cố đế” mà bạn bè cháu cảnh báo không cô?

--------------------

Cháu thân mến!

Trước hết cô nói thêm về trai Bắc và trai Nam. Nhưng thôi, cháu đã có hai người để so sánh là người yêu của cháu (Bắc) và anh trai của cháu (Nam). Trong thư cháu có nói qua vài đặc điểm, cô thấy cháu 20 tuổi mà khá sâu sắc so với các bạn trang lứa cháu. Ở chỗ cháu nói trai Nam làm ăn lớn hoặc là mê chơi, cờ bạc hoặc nhậu nhẹt. Không sai, vì miền Nam dễ sống, người ta có thói quen làm ăn theo cơ chế thị trường, thua keo này bày keo khác mà đã làm thì ra làm, mượn nợ làm cũng không ngán. Bên cạnh cái nết làm ăn lớn còn có nết chơi, làm ra làm chơi ra chơi mà ở xứ nông nghiệp của mình thì chơi gì ngoài đánh cờ, đánh bài kèm bia rượu?

Trai Bắc căn cơ do nết, xa hơn, do di truyền tính cách, xứ đất chật người đông, thời tiết khắc nghiệt. Đã vô Nam thì tính cách ấy cũng đâu có thay đổi, vả lại thay đổi làm gì, căn cơ đã bằng người Đức chưa mà dân tộc Đức là hay và giỏi nhất châu Âu đó chứ. Một khi đã căn cơ thì phải tính toán, cầm trịch, đàn ông làm chủ gia đình, đàn ông là cái nóc nhà nên đàn ông gia trưởng. Cũng là cái nết, khen thì gọi là phẩm chất, chê thì ôi dào, chồng chúa vợ tôi mà về già, lại tấm tắc, nhờ ổng cầm trịch mà nhà cao cửa rộng có ăn có để, tôn ti trật tự, con cháu răm rắp!

Cô cũng nghĩ cái mùi tỏi trong thư cháu nó điển hình cho tính cách của trai Bắc. Nếu là người trang lứa cháu, cậu ta sẽ “lùi một bước” để rồi sẽ dấn lên sau. Cậu ta sẽ giả vờ thế à, em sợ cái mùi ấy lắm à, tưởng gì, xong ngay. Nhưng cưới được ít lâu thì tỏi sẽ trở lại và sẽ gầm lên với vợ, miễn bàn. Người yêu của cháu bộc lộ luôn, ngay từ đầu, vì sao phải xuống nước, tỏi là dương lực, tỏi là miễn dịch, tỏi là thuốc. Có điều, cậu ấy nghiện tỏi sớm thì hơi khó đây.

Khó ở chỗ cái mùi tỏi nó ám vào răng mà người vợ nào nhạy về mùi thì khó mà chịu được. Cũng như thuốc lá hay thuốc lào vậy thôi. Nhưng lẽ nào vì tỏi mà thôi yêu và bỏ nhau? Trong mười điểm người ấy đã được chín thì cháu nên châm chước và tập quen dần. Rồi yêu nhau, cháu sẽ thấy cháu luôn thủ sẵn tỏi trong nhà, ngâm dấm tỏi cho chồng, trên bàn ăn luôn có cái món đó.

Dù sao, ngay bây giờ cũng nên ra điều kiện, đánh răng xong mới đi chơi với người yêu. Không có chuyện đang yêu mà bắt người yêu nhai tỏi để hòa đâu nhé. Em không thể thở ra mùi tỏi với bạn gái cùng bàn hay anh trai đang ở cùng nhà trọ, một tí ấy mà anh không chiều được sao? Rốt ráo đi xem ai nhường ai nhưng cô nói trước, phụ nữ mình bao giờ cũng phải lùi chút, hy sinh chút, rồi còn phải hy sinh nhiều, vì yêu và trên hết, đó còn là vì vẻ đẹp của một người vợ và người mẹ muôn đời của thế gian này.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm