| Hotline: 0983.970.780

Túng quẫn vì cả nhà mắc bệnh

Thứ Sáu 26/05/2017 , 06:40 (GMT+7)

Sinh ra và lớn lên ở Cần Thơ song vì cuộc sống mưu sinh, năm 24 tuổi anh phải rời quê rong ruổi về tận Cà Mau lập nghiệp những mong kinh tế gia đình tốt hơn. Thế nhưng...

Thế nhưng sau 26 năm mưu sinh tại đây, cái khổ, cái nghèo vẫn đeo đẳng lại thêm bệnh tật hoành hành khiến anh bi quan, tuyệt vọng… Đó là hoàn cảnh thương tâm của anh Nguyễn Văn Huyện (50 tuổi), trú ấp 14, xã Khánh Hòa, huyện U Minh (Cà Mau).

13-15-21_nh-2
Anh Huyện ngồi xe lăn, bà Cúc, cháu Nghĩa và chị Lan với nỗi đau tuyệt vọng

Cách đây 11 năm, anh Huyện gặp và nên duyên cùng chị Cao Thị Lan (47 tuổi). Hai bên gia đình đều khốn khó, của cải cha mẹ cho anh chị chẳng có gì. Căn nhà nhỏ với mái lá đơn sơ, cũ kỹ trên nền đất mượn của người hàng xóm tốt bụng ở ấp 14 (xã Khánh Hòa), được dựng lên cách đây 6 năm từ số tiền vận động của bà con hàng xóm và hỗ trợ của chính quyền sở tại, là nơi trú ngụ, sinh sống của gia đình anh.

Gia đình thuộc diện hộ nghèo tại địa phương, không có đất sản xuất, anh Huyện phải đi xin từng cây củi để hầm than, còn chị Lan không có nghề nghiệp, ai thuê gì cũng làm. Từ lúc nhỏ, đôi chân và tay phải của anh không được mạnh khỏe như người khác. Sau hơn một năm chung sống, đứa con trai đầu lòng chào đời, niềm vui chưa trọn vẹn thì anh chị biết con mình bị khuyết tật đôi chân, đi lại không được, càng khổ hơn khi tiếng nói của cháu cũng không như những đứa trẻ khác.

“Ban đầu gia đình cũng thuốc thang, chạy chữa vì nghĩ con mình còn nhỏ sẽ có hy vọng nhưng hoàn cảnh gia đình quá khổ nên đành chấp nhận đưa cháu về”, anh Huyện xót xa. Hiện nay, cháu Nguyễn Trọng Nghĩa (10 tuổi) đi lại rất khó khăn, tiếng nói thì lắp bắp. Gánh nặng mưu sinh đã khó còn phải lo tiền chạy chữa thuốc thang cho con nên anh phải làm việc vất vả hơn. Có lẽ vì thế mà đôi chân và tay ngày càng yếu đi, 7 năm trước chân phải bị liệt, cánh tay phải co lại, sinh hoạt cá nhân vô cùng khó khăn, chiếc xe lăn từ đó trở thành chỗ dựa cho anh.

Vừa chăm sóc chồng, vừa lo cho mẹ già và đứa con thơ dại bị khuyết tật, chị Lan hụt hẫng, tinh thần suy sụp, bất ngờ phát bệnh. Bác sĩ điều trị cho biết chị bị tâm thần phân liệt. Hiện nay, chị Lan vẫn sinh hoạt bình thường nhưng lúc phát bệnh thì không nhận ra ai, cũng chẳng ai dám nói lớn tiếng với chị, vì thế không còn ai thuê làm công.

13-15-21_nh-1
Bữa cơm của gia đình anh Huyện, chỉ có ít con cá khô của người hàng xóm cho.

Vì tuổi già sức yếu lại mang bệnh tật tê liệt từ nhiều năm nay, bà Nguyễn Thị Cúc (71 tuổi), mẹ anh Huyện, chỉ nằm một chỗ, mọi sinh hoạt cá nhân đều phải có người chăm sóc.

“Số tiền trợ cấp xã hội gần 2 triệu đồng/tháng chỉ đủ thuốc thang, còn cái ăn hằng ngày là nhờ chính quyền ấp vận động bà con góp cho, ai có cá cho cá, ai có rau cho rau, bữa đói bữa no chứ biết làm sao bây giờ. Giờ tôi chỉ mong có tiền để lo chạy chữa thuốc men cho vợ, cho mẹ và con để con tôi được đến trường học cái chữ, còn bệnh tình của tôi thì phó mặc. Ngoài ra tôi còn vay thêm 20 triệu đồng để sửa lại căn nhà và làm vốn chăn nuôi 10 con heo, nuôi chưa được bao lâu thì heo lần lượt chết hết, để lại một khoản nợ cho gia đình. Mong sao mọi người ngoài xã hội đồng cảm, mở rộng vòng tay nhân ái mà giúp đỡ, sẻ chia, cưu mang gia đình tôi”, anh Huyện bộc bạch.

Trao đổi với chúng tôi, anh Trần Văn Thới, Trưởng ấp 14 xã Khánh Hòa, chia sẻ: “Gia đình anh Huyện vô cùng khó khăn, khốn khổ vì cả 4 con người đều ốm đau, bệnh tật triền miên trong nhiều năm qua. Để tồn tại, từ cái ăn, cái mặc, thuốc men của gia đình đều nhờ vào sự giúp đỡ, cưu mang bà con hàng xóm và mọi người. Hiện tại gia đình anh Huyện chị Lan cần lắm những tấm lòng thơm thảo của cộng đồng xã hội”.

Mọi sự giúp đỡ, hỗ trợ xin gửi về anh Nguyễn Văn Huyện, ấp 14 xã Khánh Hòa, huyện U Minh (tỉnh Cà Mau); hoặc gửi về Văn phòng Báo NNVN tại ĐBSCL số 49 Lý Tự Trọng, TP. Cần Thơ, ĐT: 07103.835431, chúng tôi sẽ chuyển giúp quý vị.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm