| Hotline: 0983.970.780

Ức chế tính "bo bo" của nhà chồng

Thứ Hai 29/09/2014 , 14:25 (GMT+7)

Cháu khiếp cái cách sống tính toán từng đồng của bố mẹ chồng, tính toán ngay cả với con cái trong nhà, cho con ra riêng là coi như xong. Ông bảo để con cái tự lập, nhưng mặc xác thì đúng hơn.

Cô Dạ Hương kính mến!

Bố mất sớm, mấy mẹ con dựa vào mấy sào ruộng để sống dưới con mắt khinh thường của xã hội trọng nam khinh nữ. Nhà 6 con gái, có 1 con trai út nhưng em lại yếu, mà bị tật, ôi, cháu không thể ngờ là chị em cháu có thể vượt qua và giờ đây cơ bản tất cả đều có nghề nghiệp ổn định cô ạ.

Chồng cháu là anh cả của 3 đứa em, gia đình anh thuộc diện rất khá giả, bố làm quan to ở huyện, còn mẹ thì đã về hưu. Các em chồng cháu đã có công việc ổn định, mình anh là đang bấp bênh.

Thời buổi cái gì cũng tiền, làm người quán xuyến tất cả mọi việc trong gia đình khiến cháu rất mệt mỏi. Hai vợ chồng thường xuyên to tiếng, cháu muốn li hôn với anh để thoát khỏi cái cảnh cơm áo gạo tiền, nhưng thấy thương anh nên còn cân nhắc.

Làm dâu khổ quá, cháu bàn với chồng xin ra riêng trên miếng đất cạnh nhà nhưng để con trai cháu cứng cáp đã. Ai ngờ khi con cháu mới tròn 2 tháng mẹ chồng bảo vợ chồng cháu ra luôn vì ban đêm cháu nó khóc ông bà không ngủ được!

Cô nghĩ sao khi mới có đứa cháu nội đầu mà ông bà lại nói vậy, cháu dần hiểu rõ cách sống thật sự của nhà chồng.

Hai vợ chồng làm nhà, cháu đi học, con cháu bệnh liên tục, mỗi lần nhận lương về trả tiền ngân hàng, tiền đi cưới, sinh nhật, đầy năm, sữa con… tháng nào cũng thâm hụt. Làm sao đủ với thu nhập hai đứa chưa đầy 5 triệu/tháng hả cô?

Tiền để dành làm vốn thì không có một xu, nên hai vợ chồng hay nói nhau. Ông bà ở cạnh mà không bao giờ can thiệp, không bao giờ quan tâm con cháu có cái ăn hay không. Có hỏi mượn tiền ông bà vì ông bà có tiền trăm triệu gửi ngân hàng nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu cô ạ.

Cháu khiếp cái cách sống tính toán từng đồng của bố mẹ chồng, tính toán ngay cả với con cái trong nhà, cho con ra riêng là coi như xong. Ông bảo để con cái tự lập, nhưng mặc xác thì đúng hơn.

Cưới vợ cho con, ông bà không mất một đồng lo cưới mà còn giữ lại tiền anh em trong họ, bảo là để cho ông đi trả. Đáng lẽ chồng cháu khổ nhất thì phải thương chứ, nhiều lúc cháu nghĩ con mà họ còn không thương, nói gì thương đến cháu nội.

Đồng lương hai vợ chồng thấp quá lại không có đất đai sản xuất thêm, thực sự cháu rất túng quẫn. Mẹ cháu ở quê biết cháu khó khăn nhưng còn phải nuôi em út cháu ăn học, các chị gái thì cũng chỉ giúp được phần nào.

Túng quá cháu mượn em chồng 1 triệu, chưa đầy tháng, em nó chưa hỏi thì mẹ chồng đã hỏi trước. Cháu ức lắm nhưng không thể nói gì.

Biết hoàn cảnh của cháu, hàng xóm khuyên ráng nhịn mà sống. Chao ôi, áp lực tiền bạc và cuộc sống, một đứa kiên cường như cháu giờ đây phải chùng bước cô ạ

Rằm tháng 7, cháu chỉ có thể cúng xôi chè và trái cây. Bố mẹ chồng thì cúng to nhưng ông bà chẳng thèm bảo chồng cháu sang. Sao người trong nhà mà sống kiểu đó hả cô, không tình cảm, không đùm bọc, không giúp đỡ… cháu thấy lạc lõng vì gia đình bên chồng quá.

Cô cho cháu một lời khuyên trong giai đoạn khủng hoảng này.

Cháu mong cô giữ kín email.

---------------------

Cháu thân mến!

Rất nhiều lần cô viết cho các cô các cậu mới hôn nhân như cháu, rằng khi ấy nó giống như ta đang ngồi trên đọt cây với mùi trái chín mà phải rơi xuống đất vậy đó.

Cuộc sống thời kim tiền quả không mỉm cười với ai cả. Lương cả hai người đều còn bấp bênh khi mình vào đời nhưng xã hội gì mà nghèo cũng phải cưới to, rồi tân gia, đầy tháng, tiệc đứng tiệc ngồi… trăm thứ quan hệ phiền toái, vô nghĩa.

Các cháu trẻ, các cháu cần quan hệ để có cơ hội, mà vì trẻ nên mãi mãi bài ca “viêm màng túi”.

May là nhà chồng còn có đất sẵn để cho cháu ra riêng. May mà hai vợ chồng còn có 5 triệu mỗi tháng để gói ghém. Bi kịch của cháu là nhà chồng khá giả và thế lực nên cháu cứ ngước lên để xem xét, so bì, tủi thân và trách cứ.

Hình như cháu đã ngây thơ khi nghĩ rằng những gia đình thế lực như bố chồng cháu thì rất có tình, nhân nghĩa? Ngược lại đó cháu ơi, họ có tiền và có thế nên họ cũng quen không coi ai ra gì, và đồng tiền vào nhà họ kín đáo thì họ phải giữ riệt chứ. Đúng, họ hống hách (có thể) và họ ích kỷ cũng quen rồi.

Rất nên như thế này: Ra riêng là được cởi trói, được sổ lồng. Phải nghĩ đến mức ấy để vui cháu ơi. So với những ngày gian nan thưở hàn vi với 7 chị em trong ngôi nhà côi góa của mẹ để thấy mình sung túc lắm rồi.

Gói ghém nữa đi, không bao giờ thừa ở hoàn cảnh cháu. Có những gia đình nông dân chỉ lạc rang lạc kho và rau muống mà họ vẫn giữ được kiêu hãnh đó thôi. Cúng kiến ư, có xôi chè, có hoa quả là quý rồi, còn bố mẹ chồng thế lực to thì họ cần xin xỏ van vái nhiều, kệ họ, họ không gọi con trai sang cũng kệ họ, cháu có vời cũng không nên sang, miếng ăn là miếng nhục, nhá.

Làm sao mà phải ly hôn khi nhà có, đồng lương có. Cháu tưởng một mình ôm con nhỏ trong cảnh không nhà không chồng thì cháu sẽ thoát cơm áo gạo tiền à? Rồi lại nhờ cậy làm khổ mẹ mình chứ ai vào đây chống lưng cho cháu nữa, rồi tuổi xuân, rồi xao xuyến ai đó và rồi không ra làm sao cả.

Làm gì ở tuổi các cháu mà đã dành dụm được, cháu đòi hỏi nhiều quá đấy. Như cô đây, hai vợ chồng lương hưu gấp đôi cháu mà còn tháng nào tính tháng nấy nữa là.

Hãy khoan thai với mình, với chồng, ăn uống đạm bạc, giao hữu ít thôi, để phòng con đau con ốm. Nhất định cắn răng với số tiền ấy, như công nhân, như nông dân, rồi cháu sẽ thấy đời không đến nỗi nào đâu mà.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm