| Hotline: 0983.970.780

Buổi cày đầu tiên

Thứ Sáu 09/08/2013 , 11:28 (GMT+7)

Có một dạo, Ban quản trị Hợp tác xã Nông nghiệp Rạng Đông lấy một tấm cót, nẹp tre xung quanh thành cái bảng dài dễ đến 2 m, rộng 1 m, dùng vôi viết lên đó hai câu rõ to: “Cầm vàng còn sợ vàng rơi/Vào Hợp tác xã đời đời ấm no” rồi dựng cột, treo cái bảng đối diện ngay cổng nhà lão Tự,...

Có một dạo, Ban quản trị Hợp tác xã Nông nghiệp Rạng Đông lấy một tấm cót, nẹp tre xung quanh thành cái bảng dài dễ đến 2 m, rộng 1 m, dùng vôi viết lên đó hai câu rõ to: “Cầm vàng còn sợ vàng rơi/Vào Hợp tác xã đời đời ấm no” rồi dựng cột, treo cái bảng đối diện ngay cổng nhà lão Tự, để hễ mở cổng ra là hai câu ấy đập ngay vào mắt cả nhà nhà lão. Nhưng lão chỉ cười khẩy.

>> Miếng thịt trâu mất tích
>> Con nghé chết
>> Mối tình ''cơm cháy''
>> “Hùng chỉ”

Cả thôn đã vào Hợp tác xã gần 10 năm nay, trừ nhà lão. Chính quyền gọi lão là “Cái lô cốt tư hữu cuối cùng” của thôn, và toàn bộ hệ thống chính trị của thôn được huy động vào cuộc để “xoá” bằng được cái lô cốt ấy, bởi thôn nào còn có người chưa vào Hợp tác xã là thôn ấy mất điểm thi đua. Các đoàn thể chia nhau “giáp công” từng thành viên trong gia đình lão: Hội phụ nữ vận động vợ lão, Chi đoàn thanh niên vận động những đứa con lớn, Đội thiếu nhi vận động những đứa nhỏ. Nhưng tất cả chẳng là cái gì, khi vị “tổng tư lệnh” là lão không chuyển. Trước sau, lão chỉ một mực:

- Lạy Cụ Hồ trên cao soi xét, lạy Đảng anh minh. Trước đây nhà cháu không có ruộng, quanh năm làm thuê làm mướn cho người ta. Bây giờ nhờ ơn Cụ, nhờ ơn Đảng, có ruộng có trâu, thì nhà cháu làm nhà cháu ăn, cháu chẳng muốn chung chạ với ai sất.

Lão Tự không vào Hợp tác xã, là có cái “lý” của lão. Dạo cải cách, được chia ruộng, nhà nào nhà nấy lăn vào cày sâu cuốc bẫm, coi cây lúa còn hơn cả tính mạng mình, nên lúa tốt bời bời, cót thóc nhà nào cũng đầy. Nhưng từ ngày vào Hợp tác xã, lão thấy người ta càng ngày càng gian dối ra. Sáng 7 giờ kẻng đánh, xã viên mới lục tục ra đồng. Từ làng ra cánh đồng xa nhất chỉ độ cây số, nhưng họ thưỡn thẹo tận 8 giờ mới đến nơi. 9 giờ đã giải lao. 10 giờ làm tiếp, 11 giờ kẻng đánh, hối hả về. Cũng quãng đường ấy, lúc đi làm đi mất cả giờ, lúc về chỉ mười phút. Cày dối, bừa dối, cấy dối, cào cỏ thì đưa cào một hàng lấy chân dũi đất qua loa một hàng, thế là thành hai. Bón đạm cho lúa, họ đi quanh bờ ném vung ra, kết quả là lúa xung quanh bờ bị lốp, chỉ tốt lá mà không có bông còn lúa giữa ruộng thì xấu, bông đực bông cái.


Ảnh minh họa: Trọng Toàn

Không chỉ lúa má mà con trâu con bò cũng vậy. Trước đây trâu bò nhà nào cũng béo mập, lông mượt như nhung. Nhưng từ ngày trở thành tài sản của Hợp tác xã, thì con nào con nấy phơi ra đủ bộ xương sống xương sườn. Trại chăn nuôi lợn của Hợp tác xã cũng không hơn gì. Lợn giống thả vào 5 cân, đẹp như tranh nhưng nuôi cả năm chỉ được vài chục cân, con nào con nấy cứ sun mình lại, da cóc cáy, lông dựng đứng lên, và cứ mấy hôm lại có một vài con lăn cổ ra chết. Chỉ sướng mấy anh trong Ban quản trị, động họp là động dao thớt, mà họp hành thì liên miên.

Nhà nông mà không thiết tha với cây lúa, lừa dối cây lúa mảnh ruộng, thì cây lúa mảnh ruộng nó thờ ơ lại, nó lừa lại là đúng thôi. Làm thế nào thì ăn thế ấy, các cụ dạy đố có sai. Càng ngày đời sống xã viên càng sa sút đi. Năm đầu, công lao động Hợp tác xã còn được cân hai (1,2 kg) thóc, sau còn một cân, rồi tám lạng, bẩy lạng và cuối cùng chỉ còn đúng năm lạng. Càng làm dối càng thu nhập thấp. Càng thu nhập thấp lại càng làm dối. Cái thòng lọng lẩn quẩn ấy cứ càng ngày càng thít chặt mãi vào. Cầm vàng còn sợ vàng rơi/Vào Hợp tác xã đời đời ấm no. Hừm, làm ăn kiểu ấy, thì có mà... vàng mắt.

Không vận động nổi lão Tự, Hợp tác xã quay ra tấn công lão về kinh tế. Ruộng nhà lão ở giữa cánh đồng, xung quanh là ruộng của Hợp tác xã. Vụ đổ ải, Hợp tác xã không cho lão lấy nước qua ruộng của mình. Cần quái gì. Lão hô cả nhà mỗi người một đôi thùng gánh nước từ nông giang đổ vào ruộng, chỉ từ sáng đến tối ruộng nhà lão đầy ắp nước. Không bán đạm, bán lân cho lão (Hồi ấy, các loại vật tư nông nghiệp nhất thiết phải phân phối qua Hợp tác xã), thì lão có tro bếp với phân bắc, phân chuồng, phân xanh. Từ vợ chí con, đang đi ngoài đồng, nếu buồn ỉa hay buồn đái mà không kịp chạy về nhà để trút những thứ đó vào nhà xí hay nồi hông thì phải cố nhịn, chạy ra ruộng nhà mình mà trút. “Trút vào ruộng Hợp tác xã thì ông dần cho ốm xác”. Dắt trâu ra đồng phải treo cái ống tre luồng lên sừng trâu, còn người thì cầm theo cái rổ sảo lót lá chuối. Trâu đái, lấy ống luồng hứng, trâu ỉa thì lấy sảo hứng mang về.

Nhưng rồi thì cuối cùng lão cũng phải vào Hợp tác xã. Lý do là thằng Nhiên con trai của lão được gọi nhập ngũ. Ba tháng sau, có một anh ở đơn vị thằng Nhiên tìm về gặp vợ chồng lão:

- Báo cáo hai bác. Em Nhiên phấn đấu rất giỏi. Kết thúc khoá huấn luyện, em đạt danh hiệu chiến sỹ giỏi, đoàn viên ưu tú. Đơn vị chuẩn bị vào Nam chiến đấu, chi bộ định kết nạp Đảng cho em trước lúc lên đường. Cháu được tiểu đoàn cử về để thẩm tra lý lịch của em.

Vợ chồng lão nở mặt nở mày. Không uống rượu mà lão thấy mình ngây ngất. Với lão, hai chữ “Đảng viên” vô cùng thiêng liêng. Con lão mà trở thành Đảng viên, thì thật phúc nhà lão to như cái đình.

Nhưng sau khi ở Uỷ ban về, anh cán bộ buồn rầu bảo lão:

- Lãnh đạo xã bảo rằng gia đình ta chống lại chủ trương Hợp tác hoá của cấp trên, không vào Hợp tác xã, nên họ sẽ xác nhận như vậy vào lý lịch của em. Như thế thì em sẽ chẳng bao giờ được vào Đảng cả, bác ạ.

Đêm hôm ấy lão Tự thức trắng. Gần sáng, lão hỏi anh cán bộ:

- Có cách nào không anh?

- Chỉ có cách là bác làm đơn xin vào Hợp tác xã ngay thôi.

Lão nhờ anh cán bộ thảo cho một cái đơn, kê khai tất cả ruộng đất, trâu, cày bừa... Đúng 7 giờ sáng lão mang đến trụ sở Hợp tác xã. Ông chủ nhiệm đã chờ sẵn. Đơn của lão được chấp nhận ngay. Lý lịch của thằng Nhiên được xã xác nhận rõ kêu.

Hôm sau, lão Tự được đội trưởng phân công đi cày buổi cày đầu tiên. Quen với nếp làm việc cũ nên trời vừa sáng lão đã đánh trâu vác cày ra đồng. Đang đi, lão chợt khựng lại. Cái gì thế này. Tiền, trời ơi tiền. 4 đồng 5 xu ai đánh rơi nằm sáng loé ven đường. Họ trâu lại, hạ cày, lão hối hả cúi xuống nhặt cho vào túi áo rồi vác cày lên vai và... đánh trâu về. Ông đội trưởng ngạc nhiên:

- Sao ông không đi cày?

- Tôi vừa được một công rưỡi rồi, thì về.

- Ông làm bao giờ mà được công rưỡi?

Lão móc 4 đồng 5 xu trong túi, xoè ra:

- Một công lao động được năm lạng thóc. Thóc hai hào bảy một cân. Tôi vừa bắt được hai hào, bằng 7 lạng rưỡi thóc, đúng một công rưỡi.

- Giời ơi...

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

42 mẫu cà phê vào chung kết cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam

42 mẫu cà phê, gồm 24 mẫu cà phê robusta và 18 mẫu arabica lọt vào vòng chung kết cuộc thi cà phê đặc sản Việt Nam 2024.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm