| Hotline: 0983.970.780

10 điểm nghẽn, 4 giải pháp để phát triển chuỗi giá trị lúa gạo bền vững

Thứ Bảy 16/12/2023 , 17:26 (GMT+7)

PGS.TS Nguyễn Phú Son (Đại học Cần Thơ) chỉ ra 10 điểm nghẽn từ đó đưa ra 4 giải pháp để phát triển chuỗi giá trị lúa gạo bền vững.

10 điểm nghẽn của chuỗi lúa gạo

Tại Hội thảo Phát triển chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam bền vững và hiệu quả tại Festival quốc tế Ngành hàng Lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023, PGS.TS Nguyễn Phú Son đã nêu ra 10 điểm nghẽn của chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam đang tồn tại trong tham luận chi tiết của mình.

Theo PGS.TS Nguyễn Phú Son, các nghiên cứu cho thấy chuỗi giá trị lúa gạo ở ĐBSCL có 5 chức năng chính, bao gồm: cung cấp vật tư đầu vào, sản xuất, thu gom, chế biến và thương mại. Tại đó, trong khâu cung cấp đầu vào có các tác nhân là những nhà cung cấp giống và những nhà buôn bán vật tư nông nghiệp đầu vào. Trong khâu sản xuất có những hộ nông dân (HND) cá thể và các tổ chức kinh tế tập thể (tổ hợp tác - THT) và hợp tác xã (HTX).

PGS.TS Nguyễn Phú Son (Đại học Cần Thơ) phát biểu tại Hội thảo.

PGS.TS Nguyễn Phú Son (Đại học Cần Thơ) phát biểu tại Hội thảo.

Trong khâu thu gom có những thương lái thu gom trong vùng. Các công ty xay xát và lau bóng lúa gạo (MAPC) tham gian trong khâu chế biến. Còn trong khâu thương mại có những nhà buôn bán lẻ và sỉ chuyên phân phối gạo trong thị trường nội địa, và các công ty xuất khẩu và chế biến lúa gạo (MPEC) cùng tham gia trong khâu này trên cả 2 thị trường nội địa và xuất khẩu.

Hiện có đến 83,7% lượng lúa từ các hộ nông dân cá thể và tổ hợp tác, hợp tác xã tiêu thụ thông qua lực lượng thương lái, còn lại chỉ có 16,3% tiêu thụ trực tiếp cho các MPEC. Điều này cho thấy, thương lái là tác nhân rất quan trọng trong ngành hàng lúa gạo.

10 điểm nghẽn trong chuỗi lúa gạo, theo PGS.TS Nguyễn Phú Son, gồm: Các tác nhân tham gia trong CGT chưa nhận thức được đúng và đầy đủ về bản chất của liên kết là một quá trình và linh động phù hợp với điều kiện ở từng nơi, từng lúc.

Chính vì vậy, mục tiêu liên kết của họ chỉ dừng lại ở chỗ đạt được lợi nhuận trong ngắn hạn dẫn đến hợp đồng liên kết giữa họ chỉ mang tính thời vụ. Hệ lụy của những hợp đồng liên kết này là dễ xảy ra trường hợp các bên liên kết bội tín trong quan hệ mua bán.

Thứ hai, tư duy sản xuất kinh doanh của các tác nhân trong chuỗi chưa được chuyển đổi theo hướng thị trường và bền vững. Các tác nhân hộ nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã còn mang tư duy sản xuất theo kiểu làm ăn nhỏ lẻ, sản xuất chạy theo số lượng hơn là chất lượng sản phẩm và nhu cầu của thị trường, dẫn đến bất lợi trong khâu thương lượng giá cả mua bán với người mua…

Thứ ba, thiếu sự chia sẻ rủi ro và lợi ích giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị. Điểm nghẽn này thể hiện rõ rệt nhất trong khâu thương thảo ký kết hợp đồng và trong khâu thu mua sản phẩm lúa.

Theo quan điểm của PGS.TS. Nguyễn Phú Son (Trường Đại học Cần Thơ), có 10 điểm nghẽn chính của việc phát triển chuỗi giá trị lúa gạo theo hướng trách nhiệm và bền vững (Ảnh minh họa).

Theo quan điểm của PGS.TS. Nguyễn Phú Son (Trường Đại học Cần Thơ), có 10 điểm nghẽn chính của việc phát triển chuỗi giá trị lúa gạo theo hướng trách nhiệm và bền vững (Ảnh minh họa).

Thứ tư, năng lực sản xuất kinh doanh, thị trường của người/tổ chức ND còn hạn chế. Điểm nghẽn này bắt nguồn từ nguồn nhân lực rất hạn chế cả về số lượng và chất lượng, qui mô sản xuất nhỏ với năng lực vốn thấp; áp dụng quy trình kỹ thuật theo các tiêu chuẩn chất lượng chưa đồng bộ và chưa nhiều…

Thứ năm, qui mô sản xuất nhỏ dẫn đến thiếu vùng nguyên liệu sản xuất tập trung, chất lượng cao, cũng như làm hạn chế khả năng ứng dụng cơ giới và tự động hóa trong sản xuất lúa, dẫn đến chi phí sản xuất cao do vậy làm giảm năng lực cạnh tranh và khả năng thâm nhập vào các thị trường cao cấp.

Ngoài ra, ngành hàng lúa gạo chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu lớn (big data). Đây là một điểm nghẽn lớn làm ảnh hưởng đến khả năng dự báo thị trường và do vậy làm cho CGT kém tính bền vững.

Các điểm nghẽn còn lại gồm tác động hai chiều của xu hướng hội nhập quốc tế gia tăng vừa tạo ra những cơ hội nhất định cho việc mở rộng thị trường xuất khẩu gạo, nhưng cũng vừa tạo nên những thách thức không nhỏ cho ngành hàng lúa gạo; sự biến đổi của khí hậu, thời tiết, biến đổi khí hậu; sự già đi của lực lượng lao động trong chuỗi giá trị lúa gạo.

Điểm nghẽn cuối cùng thuộc về việc chưa có những chính sách chế tài nghiêm minh đối với những trường hợp sản xuất trái với quy hoạch ngành, kinh doanh vật tư và hàng hóa giả, kém chất lượng, kinh doanh vi phạm bản quyền nhãn hiệu, bao bì của tổ chức/đơn vị sản xuất kinh doanh khác…

Những điểm nghẽn nêu trên làm ảnh hưởng đến quyền lợi, hiệu quả sản xuất kinh doanh của các tác nhân tham gia trong CGT, và do vậy làm cho CGT trở nên kém bền vững trong hoạt động.

Gỡ điểm nghẽn như thế nào?

Để tháo gỡ 10 điểm nghẽn nêu trên, theo PGS.TS Nguyễn Phú Son, cần có các giải pháp đầu tư phát triển vùng nguyên liệu lúa tập trung, chuyên canh lúa chất lượng cao theo hướng bền vững và tăng trưởng xanh. Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao đang tạo cơ hội phát triển lớn cho ngành hàng lúa gạo.

“Theo tôi, sau khi được Chính phủ phê duyệt, trong quá trình triển khai đề án cần xây dựng một kế hoạch mang tính đồng bộ, không chỉ tập trung cho khâu sản xuất lúa mà còn phải có những hoạt động khác liên quan đến tất cả các khâu khác trong CGT lúa gạo” - PGS.TS Nguyễn Phú Son tham gia ý kiến.

Trưng bày cây lúa tại Festival quốc tế Ngành hàng Lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023.

Trưng bày cây lúa tại Festival quốc tế Ngành hàng Lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023.

Trước hết là việc hoàn thiện hệ thống văn bản kiểm soát chất lượng các sản phẩm vật tư đầu vào, đặc biệt đối với các dòng sản phẩm phân bón hữu cơ và vi sinh hiện đang lưu hành trên thị trường; phát triển và quản lý nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm; áp dụng nghiêm khắc các chế tài quản lý bản quyền, sở hữu trí tuệ; xử lý nghiêm hành vi giả tạo nhãn hiệu, hành vi phá vỡ quy hoạch vùng nguyên liệu sản xuất lúa chuyên canh chất lượng cao được xây dựng…

Thứ hai, nghiên cứu và phát triển các mô hình liên kết bền vững giữa các tác nhân trong CGT lúa gạo. Hiện tại, bộ phận thương lái vẫn giữ vai trò và chức năng thị trường quan trọng trong hoạt động của CGT lúa gạo, do vậy trước mắt cần nghiên cứu phát triển mô hình liên kết giữa nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất lúa với các MPEC thông qua sự tham gia trung gian của tác nhân thương lái.

Thứ ba, cắt giảm chi phí để nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành hàng lúa gạo. Đây được xem là một giải pháp căn cơ mang tính chiến lược phòng thủ khi mà ngành hàng lúa gạo phải đối mặt với nhiều điểm nghẽn bên trong.

Giải pháp cuối cùng, theo PGS.TS Nguyễn Phú Son là xây dựng dự án nghiên cứu phát triển giống lúa và phát triển thương hiệu gạo chung của Việt Nam. Đây được xem là giải pháp mang tính chiến lược đối phó và thích ứng với những tác động từ môi trường kinh doanh.

“Mặc dù thực trạng sản xuất lúa gạo của ĐBSCL nói riêng và của Việt Nam nói chung đã có những dấu hiệu phát triển tích cực nhưng những điểm nghẽn nêu trên sẽ tác động đến sự phát triển bền vững của ngành hàng. Việc thực hiện 4 giải pháp đề xuất sẽ giúp cắt giảm chi phí để nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển thương hiệu gạo chung” - PGS.TS Nguyễn Phú Son phát biểu.

Xem thêm
Đề nghị kỷ luật loạt cán bộ dính vụ Thuận An, Phúc Sơn, Đại Ninh...

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị xem xét, thi hành kỷ luật các ông Mai Tiến Dũng, Dương Văn Thái, Phạm Thái Hà... do liên quan vụ Thuận An, Phúc Sơn, Đại Ninh...

Nông nghiệp Hà Nội được nhiều người biết đến nhờ thông tin tuyên truyền

Trong bối cảnh nền kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, ngành nông nghiệp của Thủ đô năm 2023 đã đạt tốc độ tăng trưởng 2,74%.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Công trình cấp nước miền núi ở Khánh Hòa: Công nghệ lạc hậu, vận hành yếu kém

Phần lớn các công trình cấp nước sinh hoạt ở khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại tỉnh Khánh Hòa hoạt động kém hiệu quả, xuống cấp, hư hỏng.