| Hotline: 0983.970.780

20 năm vượt sông Kôn bằng cầu phên rách!

Thứ Ba 19/10/2021 , 09:22 (GMT+7)

Năm nào cũng vậy, cứ trước mùa bão lũ là UBND xã nhắc Ban quản lý cầu An Chánh tháo dỡ cầu phên để người dân không qua lại trong mưa bão rất nguy hiểm...

Vượt sông bằng cầu phên tre

Theo ông Phạm Văn Thương, Chủ tịch UBND xã Tây Bình (huyện Tây Sơn, Bình Định), thời xa xưa, người dân thôn An Chánh và thôn Mỹ Thuận (xã Tây Bình), những địa phương nằm ven sông Kôn muốn ra quốc lộ 19 để về thành phố Quy Nhơn hoặc về huyện lỵ Tây Sơn và đi Tây Nguyên phải qua sông Kôn bằng những chuyến đò. Năm 2000, UBND xã Tây Bình cho người dân địa phương đấu thầu, dựng cây cầu tạm để người dân qua lại rồi thu phí. Cây cầu có tên là cầu tre An Chánh.

Gọi là cầu cho oách, chứ thật ra nhịp cầu là những thanh gỗ mỏng manh cắm xuống lòng sông Kôn sâu hoắm, còn mặt cầu là những tấm phên vại được đan bằng tre, kết dính với nhau bằng những sợi thép. Cây cầu dài đến hơn 500m mà có kết cấu như vậy không lỏng chỏng mới là lạ. Mặt cầu rộng chỉ 1m, mùa này chạy xe máy qua cầu nhìn qua nhìn lại thấy dòng sông nước cuồn cuộn chảy ai gan dạ lắm cũng phải thót tim. Đã vậy, do mặt cầu là những tấm phên vại nằm phơi mình dưới mưa nắng nên những thanh tre cứ vênh cong, khiến chiếc xe máy cứ bồng bềnh, thỉnh thoảng va phải “ổ gà” là những lỗ hổng do tre bị mục khiến ai sơ sểnh là cả xe cả người lọt xuống sông ngay.

Mỗi lần qua cầu người ngồi trên xe máy cứ thót tim vì sợ rơi xuống sông. Ảnh: V.Đ.T

Mỗi lần qua cầu người ngồi trên xe máy cứ thót tim vì sợ rơi xuống sông. Ảnh: V.Đ.T

Theo ông Phạm Văn Thương, Chủ tịch UBND xã Tây Bình, cây cầu An Chánh dù tạm bợ nhưng mỗi ngày có hơn trăm lượt người qua lại. Biết phải đối mặt với nguy hiểm, nhưng khi có việc là cũng phải đi. Bởi nếu đi đường vòng qua cầu An Thái thuộc xã Nhơn Phúc (TX An Nhơn) phải mất thêm gần 20km. Hoặc đi lên phía trên để qua cầu Phú Phong (thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn) thì phải đi quãng đường xa hơn.

Cận cảnh 1 'ổ gà' trên cầu phên tre An Chánh, 'chiếc bẫy' gây nguy hiểm cho người chạy xe máy qua cầu. Ảnh: V.Đ.T

Cận cảnh 1 “ổ gà” trên cầu phên tre An Chánh, “chiếc bẫy” gây nguy hiểm cho người chạy xe máy qua cầu. Ảnh: V.Đ.T

“Năm nào cũng vậy, cứ trước mùa bão lũ là chính quyền xã nhắc ban quản lý cầu An Chánh tháo dỡ cầu để người dân không qua lại trong mưa bão rất nguy hiểm. Qua mùa mưa bão cây cầu lại được làm mới mất gần 200 triệu đồng, bởi những thanh gỗ và phên vại bằng tre đã mục không tận dụng lại được”, ông Phạm Văn Thương cho hay.

Lấp ổ gà

Trời vừa tắt nắng, ông Văn Minh Thiện (66 tuổi) ở thôn An Chánh (xã Tây Bình), 1 trong 7 người thầu làm cầu tạm An Chánh vác đống tre mới vót từ nhà ra cầu An Chánh để thay lại những thanh tre đã mục gãy. Ông gọi công việc này là “lấp ổ gà”. Cứ cây cầu bị “rách” chỗ nào là ông “vá” ngay chỗ đó để tránh nguy hiểm cho người qua lại. Tuy cẩn trọng là vậy mà người qua cầu bị té ngã, rơi cả người cả xe máy xuống sông vẫn thường xuyên xảy ra.

“Cầu làm bằng tre nên hư suốt. Hơn nữa, những năm gần đây, việc khai thác cát của các doanh nghiệp đã khiến lòng sông ngày càng sâu, những thanh gỗ chống đỡ cây cầu càng trở nên lỏng chỏng”, ông Thiện ngán ngẩm nói.

Cầu phên tre An Chánh 'rách' chỗ nào được ông Văn Minh Thiện 'vá' ngay chỗ ấy. Ảnh: V.Đ.T

Cầu phên tre An Chánh “rách” chỗ nào được ông Văn Minh Thiện “vá” ngay chỗ ấy. Ảnh: V.Đ.T

Nhắc đến cầu phên tre An Chánh, ông Phạm Văn Thương, Chủ tịch UBND xã Tây Bình, tha thiết: “Chiếc cầu tre này phục vụ việc đi lại cho khoảng 200 hộ dân ở thôn An Chánh và thôn Mỹ Thuận. Nhiều năm qua chúng tôi luôn mong mỏi có một cây cầu kiên cố, giúp hạ tầng giao thông đồng bộ hơn, giao thông với tuyến đường ĐT 636B và ra quốc lộ 19 được kết nối để thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. Nếu có cầu chúng tôi sẽ cố gắng đầu tư con đường về tháp Dương Long để phục vụ du lịch”.

Theo ông Phan Chí Hùng, Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn, trong đồ án phát triển đô thị Tây Sơn đến năm 2035 và danh mục công trình trung hạn có đề nghị xây cầu An Chánh. Bởi cây cầu này vừa đáp ứng nguyện vọng của người dân vừa như cú hích phát triển kinh tế. Tuy nhiên, qua khảo sát, nguồn vốn đầu tư cho cầu này lên đến hàng trăm tỷ đồng nên việc xây dựng cây cầu qua đây rất khó thực hiện trong giai đoạn này.

Ông Văn Minh Thiện 'vá ổ gà' cho cầu tre An Chánh suốt hơn 20 năm qua. Ảnh: V.Đ.T

Ông Văn Minh Thiện “vá ổ gà” cho cầu tre An Chánh suốt hơn 20 năm qua. Ảnh: V.Đ.T

Theo ông Trần Thanh Dũng, Giám đốc Sở GT-VT Bình Định, bởi lý do trên nên trong danh mục giai đoạn 2021 - 2025 được tỉnh phê duyệt cầu An Chánh không có trong danh sách.

Vậy là giấc mơ có cây cầu kiên cố nối đôi bờ sông Kôn của người dân xã Tây Bình còn quá xa vời. Đồng nghĩa họ sẽ còn chịu cảnh “vừa qua cầu vừa… thót tim” dài dài!

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Tân nghiên cứu sinh Harvard: Năng lượng tái tạo là nền tảng phát triển xã hội

Đối với Lê Mạnh Linh (sinh năm 2000), khả năng tiếp cận năng lượng chính là chỉ dấu quan trọng của sự phát triển xã hội, mang lại cuộc sống sung túc, đầy đủ hơn.