| Hotline: 0983.970.780

2020 là năm bản lề hành động đảm bảo ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp

Thứ Sáu 10/01/2020 , 10:22 (GMT+7)

Ngày 10/1, tại Phú Thọ, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai Kế hoạch hành động đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2020.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đề nghị, năm 2020 lĩnh vực quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cần tiếp tục đổi mới, hoạt động có trọng điểm, trọng tâm, có điểm nhấn.


100% xã nông thôn mới (NTM) đạt tiêu chí ATTP

Hội nghị nhằm đánh giá các kết quả đã đạt được, nhận diện rõ các tồn tại, hạn chế của năm 2019, các khó khăn thách thức trong năm 2020 để thống nhất triển khai kế hoạch ngay từ đầu năm.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, năm 2019 ngành nông nghiệp gặp rất nhiều khó khăn do xâm nhập mặn, dịch tả lợn Châu Phi. Tuy nhiên, nhờ sự chủ động và chỉ đạo kịp thời, thường xuyên, sát sao, ngành nông nghiệp đã từng bước vượt qua khó khăn, đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu trên 41 tỷ USD.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, năm 2019 hàng loạt Luật, Nghị định trong lĩnh vực nông nghiệp chính thức được Quốc hội thông qua và bắt đầu có hiệu hiệu lực từ đầu năm 2020 với những chế tài xử phạt rất nghiêm minh, răn đe trong lĩnh vực ATTP. Do đó, năm 2020 được coi là năm bản lề quan trọng để hành động đảm bảo ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp, qua đó từng bước đưa ATTP đi vào quy củ, ổn định, bền vững.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, năm 2020 vẫn còn rất nhiều thách thức về quản lý ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp. Đặc biệt, ảnh hưởng của Dịch tả lợn Châu Phi khiến mặt hàng thịt lợn thiếu nên đây là lĩnh vực mà các cơ quan, ban ngành phải chú ý và tăng cường quản lý trong năm 2020.

Bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam đa phần quy mô vẫn còn nhỏ, chủ yếu là nông dân, hạ tầng còn kém, chế biến sâu còn yếu, đây chính là hạn chế khiến nông sản Việt chưa hội nhập được sâu rộng với thế giới. Do đó, Thứ trưởng Tiến đề nghị năm 2020 cần được coi là năm bản lề để thực hiện các kế hoạch, chiến lược, đề án bài bản trong lĩnh vực ATTP xuyên suốt cho các năm tiếp theo.

Theo ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Nafiqad), tính đến nay cả nước đã có 1.950 cơ sở được cấp giấy chứng nhận VietGAP, tương đương với diện tích 38,6 nghìn ha cây trồng, tăng gấp đôi diện tích giai đoạn 2016. Với chăn nuôi là 11.521 trang trại và hộ chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP, tăng 1,6 lần giai đoạn 2016. Với thủy sản, có 624 vùng/cơ sở được cấp giấy chứng nhận VietGAP trong nuôi trồng thủy sản với tổng diện tích 5.174 ha, tăng gấp ba diện tích giai đoạn 2016.

Năm 2019 cũng có 11 khu/vùng nông nghiệp và 44 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được công nhận, 59 tỉnh, thành phê duyệt Đề án/Kế hoạch OCOP trong đó 12 tỉnh đánh giá, phân hạng và công nhận 604 sản phẩm OCOP.

Đặc biệt, trong tổng số 4.806 xã (54%) đạt chuẩn NTM,100% các xã NTM đều đạt tiêu chí “Tỷ lệ hộ gia đình và cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tuân thủ các quy định về đảm bảo ATTP”.

Đến nay, 63/63 tỉnh, thành phố đã tổ chức được 1.514 chuỗi (tăng 418 chuỗi so với năm 2018), 2.381 sản phẩm (tăng 955 sản phẩm so với năm 2018) và 3.267 địa điểm bán sản phẩm đã kiểm soát theo chuỗi (tăng 93 địa điểm so với năm 2018) với sự tham gia của một số tập đoàn lớn (Dabaco, Ba Huân, Saigon Coop, San Hà....).

Cục trưởng Nafiqad Nguyễn Như Tiệp cho biết, hiện chế tài xử phạt trong lĩnh vực ATTP đã rất cao và nghiêm minh, lên tới cả trăm triệu đồng.


Phấn đấu cơ sở xếp loại A, B tăng lên 98% năm 2020

Trong năm 2019, trước yêu cầu ngày càng khắt khe của các thị trường thông qua việc ban hành các quy định nhập khẩu mới, Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo, triển khai đồng bộ các giải pháp hoàn thiện hệ thống kiểm soát ATTP tương đương với Hoa Kỳ để được tiếp tục xuất khẩu cá da trơn vào thị trường này.

Bộ cũng chỉ đạo quyết liệt các biện pháp tháo gỡ thẻ vàng duy trì xuất khẩu thủy sản sang EU. Tổ chức nhiều đoàn xúc tiến thương mại nông lâm thủy sản tại các thị trường EU, Philippine, Hồng Kông, Ba Lan,... đồng thời tổ chức nhiều Hội nghị, hội thảo phổ biến quy định mới, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu nông thủy sản sang Trung Quốc.

Kết quả, Việt Nam đã xuất khẩu lô sữa đầu tiên sang Trung Quốc, gia tăng số doanh nghiệp được phép xuất khẩu thủy sản sang EU, Hàn Quốc, Trung Quốc, Liên bang Nga. Có 13 doanh nghiệp tiếp tục được xuất khẩu cá da trơn vào Hoa Kỳ.

Trong năm 2019, Việt Nam cũng mở rộng xuất khẩu nông sản sang một số thị trường mới như: xuất khẩu thịt gà sang Nhật; xoài, vú sữa sang Hoa Kỳ; măng cụt sang Trung Quốc; nhãn, vải sang Úc; thịt lợn mảnh đông lạnh, thịt gà chế biến và tổ yến sang Hồng Kông... đưa kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD (tăng 3,5% so với 2018) đến 180 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Với kết quả đạt được năm 2019, năm 2020 Nafiqad tiếp tục tăng cường phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong ngành nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý chất lượng, ATTP. Giảm thiểu ô nhiễm sinh học, tạp chất và tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh trong sản xuất kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản đáp ứng yêu cầu bảo đảm ATTP cho tiêu dùng trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Hội nghị có sự tham dự của trên100 đại biểu đến từ các địa phương và doanh nghiệp chế biến, kinh doanh thực phẩm.

Cụ thể, kết quả và chỉ số cần đạt năm 2020 là 100% văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, qui chuẩn kỹ thuật về chất lượng vật tư nông nghiệp, ATTP được xây dựng, sửa đổi, bổ sung theo đúng kế hoạch và chỉ đạo đột xuất của Bộ, Chính phủ. 100% nhiệm vụ kế hoạch của Bộ về phổ biến, giáo dục pháp luật và truyền thông, quảng bá chất lượng vật tư nông nghiệp, ATTP được thực hiện.

Tỷ lệ các cơ cở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản xếp loại A, B tăng lên 98% so với 97% năm 2019, xếp loại C được nâng hạng A/B tăng lên 90% so với 86% năm 2019. Tỷ lệ các cơ sở nhỏ lẻ ký cam kết sản xuất thực phẩm an toàn tăng lên 75% so với 65% năm 2019. Tỷ lệ sản phẩm thực phẩm nông lâm thủy sản chủ lực, có mức độ rủi ro cao, đang có nhiều bức xúc về ATTP được kiểm soát ATTP theo chuỗi đạt 50%.

Tỷ lệ mẫu thực phẩm nông lâm thủy sản giám sát trên diện rộng vi phạm qui định về ô nhiễm sinh học, tạp chất, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh giảm 10% so với năm 2019.

Năm 2019, toàn ngành nông nghiệp đã thanh, kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính 4.701 cơ sở/67.080 cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và nông lâm thủy sản (chiếm 7%, giảm so với 7,3% năm 2018 do các doanh nghiệp tuân thủ tốt hơn các quy định về chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm) với tổng số tiền phạt tương đương năm 2018 (33 tỷ đồng, bình quân 7,02 triệu/cơ sở vi phạm).

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm