| Hotline: 0983.970.780

260 hộ dân khô khát bên công trình nước sạch tiền tỷ bỏ hoang

Thứ Hai 19/06/2017 , 13:15 (GMT+7)

Công trình nước sạch xã Bình Lãnh, huyện Thăng Bình (Quảng Nam) đầu tư gần 6 tỷ đồng xây dựng tháng 3/2014, đến tháng 1/2015 đưa vào sử dụng, nhưng hoạt động được 3 tháng thì bỏ hoang.

Hơn 2 năm qua cứ vào mùa nắng nóng, 260 hộ dân ở hai thôn La Nga và Cẩm Sơn, thuộc xã Bình Lãnh, lại lâm vào cảnh thiếu nước sạch dùng, phải đi mua nước ở các vùng khác về sử dụng.

06-43-22_nh_1
Công trình nước sạch cỏ mọc um tùm.

Dẫn chúng tôi đến công trình nước bỏ hoang, ông Võ Hồng Khánh, 67 tuổi, ở thôn La Nga, xã Bình Lãnh, không giấu được vẻ buồn bã: "Khi nghe tin nhà nước đầu tư công trình nước sạch cả thôn ai cũng vui mừng, vì nước ở đây nhiễm phèn rất nặng. Nhưng công trình xong rồi mà người dân chưa có giọt nước sạch nào”. 

Có mặt tại chân công trình, thấy cửa đóng im lìm, ổ khóa hoen gỉ, khuôn viên nhà điều hành cỏ mọc um tùm, bảng hiệu còn dựng tựa bên ngoài tường nhà điều hành chưa kịp gắn lên. Công trình gồm nhà điều hành, 1 bể lọc, 2 bể chứa nước đều khô khốc, đáy trơ trọi cỏ mọc. Các đường ống, van nước đều gỉ sét.

Trước đó, vào tháng 3/2014, Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường đã đầu tư xây dựng công trình nước sạch tập trung tại thôn La Nga với 5,7 tỷ đồng, lấy nước từ hai nguồn là hồ Cao Ngạn và nguồn nước tự chảy nối từ đập và mương Cẩm La về, cung cấp nước cho gần 300 hộ dân 2 thôn La Nga và thôn Ngọc Sơn. Thế nhưng, sau một năm thi công, đi vào hoạt động được 3 tháng thì bỏ hoang.

06-43-22_nh_2
Bể nước và bể lọc đều xuống cấp và bỏ hoang.

Bà Võ Thị Mực (76 tuổi) cho biết bao đời nay người dân đã phải sống chung với nguồn nước bị ô nhiễm, khi nghe tin nhà nước đầu tư công trình nước sạch thì ai nấy đều vui mừng.

“Công trình gì mới đưa vào sử dụng đã không sử dụng được nữa. Qua một năm, các ống dẫn nước, đồng hồ nước nhà tôi hư hỏng hết rồi. Gia đình tôi trở lại dung nước giếng đào, nhưng vào mùa nắng nóng giếng gần như cạn trơ đáy. Bà con trong thôn La Nga sợ nguồn nước ngầm bị nhiễm chất độc. Vì thôn này, trước đây là khu vực bị rải chất độc da cam nhiều lần nên sợ chat độc ngấm vào nguồn nước ngầm hưởng đến sức khỏe, gây bệnh tật cho người dân. Để có nước uống, ngày nào gia đình tôi cũng đạp xe gần 1km để xin nước về uống”, bà Mực bức xúc nói. 

Trao đổi về vấn đề trên, ông Nguyễn Tấn Thiện, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Lãnh cho biết: “Công trình khi hoàn thành thì bàn giao cho HTX nông nghiệp quản lý và vận hành, khi người dân dùng nước thì đơn vị quản lý thu với giá 4.000 đồng/m3. Tuy nhiên, một số hộ dân đã tự ý cắt đường ống phía trước, không cho nước chảy qua đồng hồ nhằm "ăn gian"để lấy nước dung miễn phí. Bên cạnh đó, nhiều hộ gia đình không chịu đóng tiền nước khiến đơn vị quản lý thua lỗ, không có kinh phí vận hành, bảo trì công trình, vì vậy đành đóng cửa”.

Cũng theo ông Thiện, thời gian tới xã sẽ mở cuộc họp để lấy ý kiến người dân. Nếu người dân đồng ý sửa công trình, xã sẽ làm văn bản gửi lên UBND huyện Thăng Bình xin hỗ trợ vốn sửa chữa khoảng 900 triệu đồng, để phục vụ nước sinh hoạt cho bà con.

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.