| Hotline: 0983.970.780

Đồng bào miền núi Nghệ An 'ngóng' 51 tỷ đồng của thủy điện Bản Vẽ

Thứ Năm 20/02/2025 , 10:00 (GMT+7)

Dù thu lợi nhuận 'khủng' suốt nhiều năm vận hành nhưng công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án thủy điện Bản Vẽ lại chậm chạp quá mức.

Nút thắt xoay quanh dự án thủy điện Bản Vẽ kéo dài triền miên. Ảnh: Ngọc Linh.

Nút thắt xoay quanh dự án thủy điện Bản Vẽ kéo dài triền miên. Ảnh: Ngọc Linh.

Trăm mối tơ vò

Những nút thắt dai dẳng xoay quanh công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án thủy điện Bản Vẽ tại 2 huyện Tương Dương, Thanh Chương (Nghệ An), cũng như việc doanh nghiệp cam kết hỗ trợ do ảnh hưởng của thiên tai vào năm 2018 tại huyện Tương Dương vẫn bế tắc .

Tổng giá trị khái toán các hạng mục đề nghị hỗ trợ sau khi thống nhất hơn 51 tỷ đồng. Trong đó, trên 30 tỉ đồng dành cho khu tái định cư tại cụm Xốp Vi, bản Xốp Cháo, xã Lượng Minh; khu tái định cư Khe Chóng để di dời khẩn cấp 19 hộ dân Bản Vẽ ra khỏi vùng sạt lở đất của xã Yên Na, huyện Tương Dương. Trên 10 tỉ đồng còn lại để làm nhà văn hóa bản Noòng, xã Ngọc Lâm; Đài tưởng niệm liệt sỹ, chợ nông thôn, sân vận động của các xã Thanh Sơn và Ngọc Lâm, thuộc huyện Thanh Chương.

Việc hỗ trợ kinh phí liên quan đến thiên tai năm 2018 là vấn đề nổi cộm. Ảnh: Việt Khánh. 

Việc hỗ trợ kinh phí liên quan đến thiên tai năm 2018 là vấn đề nổi cộm. Ảnh: Việt Khánh. 

Được biết,  EVNGENCO1 (chủ đầu tư dự án) đã báo cáo, kiến nghị lấy nguồn vốn từ giá trị còn lại của Tổng mức đầu tư hiệu chỉnh (lần 3) đã được phê duyệt tại Quyết định số 232/QĐ-EVN (giá trị còn lại là 247,261 tỷ đồng). Đồng nghĩa nguồn tiền này không vượt quá tổng mức đầu tư, nghiễm nhiên không phải tiến hành điều chỉnh dự án.

Cứ ngỡ đây là cam kết cuối cùng để các bên đẩy nhanh tiến độ, qua đó sớm hoàn tất các vấn đề tồn đọng. Tuy nhiên mọi thứ không như là mơ, trên thực tế tình hình diễn tiến như rùa bò. Sự việc càng kéo dài mâu thuẫn càng được đẩy lên cao trào, chung quy thiệt thòi nhất vẫn là đồng bào vùng cao chịu ảnh hưởng của dự án.

Đây là thực tế đáng buồn, bởi lẽ những nội dung nêu trên đều mang tính cấp bách, tuyệt nhiên không được phép chậm trễ. Để củng cố quan điểm này, xin đề cập lại diễn biến thiên tai khủng khiếp trên địa bàn huyện Tương Dương 7 năm trước.

Năm 2018 huyện Tương Dương phải “oằn mình” chống đỡ trước các đợt lốc xoáy kèm theo mưa đá, lũ quét, áp thấp nhiệt đới, bão số 3, bão số 4, bão số 6, đỉnh điểm là trận mưa lũ kinh hoàng vào cuối tháng 8, mưa như thác đổ kết hợp các nhà máy thủy điện xả lũ cấp tập đã tàn phá nghiêm trọng khu vực hạ lưu trên diện rộng.

Số liệu thống kê từ Ban chỉ huy PCTT-TKCN huyện Tương Dương đã lột tả đúng bản chất của vấn đề, thể hiện qua 1.262 nhà dân bị thiệt hại; 223 ha lúa và hoa màu, 37 ha cây lâm nghiệp, 95 lồng cá bị cùng nhiều tài sản có giá trị của người dân bị nước lũ cuốn trôi, làm hư hỏng; 1.142 con gia súc, gia cầm bị chết; hàng loạt công trình, tuyến đường giao thông bị sạt lở trầm trọng…

Với tổng thiệt hại quy đổi hơn 114 tỷ đồng, đây được xem là đòn giáng mạnh vào nhiệm vụ “thoát nghèo” của huyện nghèo Tương Dương, nơi thu ngân sách hàng năm chỉ quanh quẩn trên dưới 20 tỷ đồng.

Dù các nội dung đều mang tính cấp bách nhưng chủ đầu tư dự án thủy điện Bản Vẽ mãi loay hoay. Ảnh: Ngọc Linh. 

Dù các nội dung đều mang tính cấp bách nhưng chủ đầu tư dự án thủy điện Bản Vẽ mãi loay hoay. Ảnh: Ngọc Linh. 

Từ tiếng nói của cử tri, đặc biệt là tâm tư chất chứa của số đông nhân dân, chính quyền các cấp tỉnh Nghệ An đã nhiều lần kiến nghị đòi quyền lợi chính đáng. Đơn cử như ngày 12/11/2024 UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Công văn số 10005/UBND-CN gửi đến Tập đoàn Điện lực Việt Nam đề nghị triển khai theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công thương, qua đó bố trí nguồn vốn để kịp thời triển khai thực hiện.

Đáp lại, ngày 26/11/2024 Tổng Công ty phát điện 1 (EVNGENCO1) đã có Báo cáo số 171/BC-EVNGENCO1 nêu kết quả đạt được và nguyên nhân vướng mắc. Đối với các hạng mục hỗ trợ tái định cư bổ sung, đơn vị này lý giải: “Đến nay chưa thực hiện được do nằm ngoài khung chính sách và ngoài quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án đã được phê duyệt nên không có cơ sở pháp lý để Chủ đầu tư thực hiện theo đề nghị của UBND tỉnh, trừ trường hợp được cấp có thẩm quyền chấp thuận cho phép hỗ trợ bằng nguồn vốn của dự án”.

Muộn còn hơn không

Trở lại với nội dung chính, ngay sau Báo cáo số 171/BC-EVNGENCO1, Bộ Công thương đã ban hành Văn bản số 10644/BCT-DL gửi đến Tập đoàn Điện lực tiếp tục đôn đốc thực hiện. Về vấn đề này, Tập đoàn yêu cầu EVNGENCO1 chủ động phối hợp với UBND tỉnh Nghệ An và các đơn vị liên quan, khẩn trương triển khai thực hiện việc hỗ trợ bổ sung cho người dân trong vùng bị ảnh hưởng của dự án. Từ đây nút thắt mới được nới lỏng.

Công tác tái định cư thủy điện Bản Vẽ là câu chuyện dài kỳ. Ảnh: Việt Khánh.

Công tác tái định cư thủy điện Bản Vẽ là câu chuyện dài kỳ. Ảnh: Việt Khánh.

Tại cuộc họp diễn ra vào ngày 10/2/2025 Tổng Công ty Phát điện 1 đã thống nhất thực hiện hỗ trợ bổ sung tái định cư dự án thủy điện Bản Vẽ. Trong đó nguồn triển khai tại huyện Tương Dương hơn 30,6 tỷ đồng, gồm kinh phí để bổ sung các hạng mục hạ tầng của khu tái định cư tại cụm Xốp Vi, bản Xốp Cháo, xã Lượng Minh (69 hộ bổ sung); xây dựng mới khu tái định cư tại Bản Vẽ để di dời 19 hộ Khe Ò, Khe Chống ra khỏi vùng sạt lở.

Về nguyên tắc, chủ đầu tư sẽ ký hợp đồng ủy quyền cho UBND huyện Tương Dương thực hiện đầu tư xây dựng các hạng mục công trình nêu trên. Bên nhận ủy quyền được quyền điều chuyển, cân đối chi phí giữa các hạng mục hỗ trợ đảm bảo tổng chi phí không vượt quá giá trị đã thống nhất.

Trong khi đó, chủ đầu tư có trách nhiệm thực hiện các thủ tục phê duyệt bổ sung danh mục khối lượng công việc và mức chi phí đầu tư hỗ trợ tái định cư bổ sung làm cơ sở để bên nhận ủy quyền có cơ sở thực hiện. Đặc biệt, phải bố trí vốn kịp thời, đầy đủ phù hợp với tiến độ tạm ứng và thanh quyết toán các hợp đồng mà bên nhận ủy quyền ký với các nhà thầu.

Dù đã tìm được tiếng nói chung nhưng những nội dung nêu trên không dễ hoàn thành chỉ trong 1 sớm 1 chiều, dự kiến cần thêm 18 tháng mới có thể hoàn tất.

Có những hộ dân chuyển về khu tái định cư tại huyện Thanh Chương hơn 15 năm rồi nhưng vẫn không hòa nhập nổi. Ảnh: Ngọc Linh.

Có những hộ dân chuyển về khu tái định cư tại huyện Thanh Chương hơn 15 năm rồi nhưng vẫn không hòa nhập nổi. Ảnh: Ngọc Linh.

Về phần huyện Thanh Chương, các xã Ngọc Lâm, Thanh Sơn sẽ được đầu tư xây dựng mới Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, sân vận động và chợ nông thôn với tổng kinh phí hơn 20 tỷ đồng, dự kiến sẽ hoàn thành trong 10 tháng.

Thủy điện Bản Vẽ đã vận hành thương mại từ năm 2010, đồng nghĩa các hộ dân trong phạm vi liên đới đã chờ đợi mòn mỏi suốt 15 năm dài đằng đẵng. Dẫu sao, muộn vẫn còn hơn không.

Thủy điện Bản Vẽ được xây dựng trên thượng nguồn sông Nậm Nơn, đập chính và nhà máy đặt tại bản Vẽ của xã Yên Na, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An. Với công suất thiết kế 320 MW cùng diện tích lưu vực 8.700 km², đây được xem là công trình thủy điện lớn nhất khu vực Bắc miền Trung.

Cũng bởi dự án quy mô lớn nên hàng ngàn hộ dân bị ảnh hưởng của huyện Tương Dương phải tiến hành di dời về các điểm tái định cư. Dù cơ sở hạ tầng, điện, đường, trường, trạm tốt hơn chốn cũ nhưng chừng đó không thể khỏa lấp nỗi lo hiện hữu về thiếu hụt trầm trọng quỹ đất sản xuất, cũng vì lý do này mà sau 15 – 20 năm không ít đồng bào bản địa vẫn chưa thể hòa nhập.   

  

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất