| Hotline: 0983.970.780

30 ha đồng muối bị bỏ hoang

Thứ Ba 21/04/2015 , 06:15 (GMT+7)

Từ bao đời nay, hàng trăm người dân xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu (Nghệ An) đã gắn bó với nghề làm muối. Ấy vậy mà giờ đây, khoảng 30ha ruộng muối bỗng chốc bỏ hoang cỏ dại mọc um tùm…

Ngọt xâm lấn

Làng muối ở xã Diễn Ngọc có 335 hộ dân ở 3 xóm là Trường Tiến, Hồng Yên và Trung Yên. Công việc này đã gắn bó với người dân bao đời nay, từ những ngày đầu khai hoang lập nghiệp với không ít khó khăn, cho đến khi nghề làm muối nuôi sống nhiều gia đình.

Cứ vậy cha truyền con nối, qua bao thế hệ cho đến ngày nay người dân vẫn coi làm muối là một nghề chính. Thế nhưng từ mấy năm trở lại đây, cả cánh đồng muối với diện tích khoảng 30ha (trung bình mỗi hộ 1.000m2) sản xuất muối bỗng chốc bỏ hoang.

Chỉ toàn cỏ dại mọc um tùm và là nơi chăn thả trâu bò của người dân trong làng. Nhiều người dân thấy xót xa vì bỗng chốc mất nghề, không có công ăn việc làm như trước nữa.

Nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên là do ruộng muối bị nước ngọt từ sông Bùng chảy vào khiến người dân không lấy được nước mặn làm muối. Thêm vào đó là rác theo dòng chảy vào nguồn nước làm muối khiến ô nhiễm. Lúc đầu chỉ mấy hộ dân bỏ nghề, sau đó lần lượt các hộ khác cũng bỏ theo.

Cũng có người vì thấy làm muối không còn hiệu quả nên quay lưng bỏ nghề truyền thống, nhiều người chuyển sang buôn bán hay thanh niên trai tráng thì đi làm thuê nơi khác.

Bác Nguyễn Ngọc Tâm, xóm Trường Tiến trăn trở: “Gia đình tôi làm nghề muối đến nay là đời thứ 4 rồi, trước kia làm muối hiệu quả lắm. Nhưng mấy năm gần đây, giá muối bấp bênh nên phải tìm nghề phụ làm thêm. Nhưng giờ thì không thể làm muối được nữa, vì ruộng muối bị nước ngọt từ sông chảy vào nhiều nên muối làm ra kém chất lượng, ít vị mặn, năng suất thấp...”.

Lâu ngày không sử dụng nên hệ thống mương đã bị cát bồi vùi lấp, cỏ mọc kín. Những nhà kho chứa muối bị bỏ hoang đã lâu, giờ nằm xiêu vẹo giữa cánh đồng, trở thành địa điểm lí tưởng cho những con nghiện vào hút, chích.

Ông Nguyễn Xuân Tỵ, Chủ nhiệm HTX Hải Thượng không khỏi xót xa, tiếc nuối: “Từ năm 2010, 2011 người dân đã bỏ nghề làm muối hết rồi. Trước kia khi chưa làm hệ thống kênh mương kiên cố thì nước từ biển vào được, giờ thì không, thay vào đó là nước ngọt từ sông Bùng chảy vào nhiều quá”

Cả cánh đồng muối vốn tấp nập nhộn nhịp cảnh lao động, vậy mà bây giờ hoang hóa đến chạnh lòng. Không một bóng người lao động, có chăng cũng chỉ là những đứa trẻ chăn thả trâu bò.

Người dân mong gì?

Mất nghề truyền thống, nhiều hộ gia đình lao đao tìm cách chuyển sang nghề mới để kiếm kế sinh nhai. Giờ nhà thì làm nghề tráng bánh đa, làm miến, làm bún hay thợ nề, có người thì đi làm công nhân lao động ở miền Nam. Nhưng lao động thất nghiệp còn nhiều nên cuộc sống khó khăn chồng chất.

22-03-00_he-thong-kenh-muong-dn-nuoc-bi-o-nhiem-ngot-ho-nen-nng-sut-muoi-khong-co
Hệ thống kênh mương dẫn nước bị ngọt hóa khiến năng suất muối không cao

Bác Lê Sỹ Thân, xóm Trường Tiến buồn bã nói: “Gia đình tôi làm nghề muối đã lâu đời. Trước kia làm muối là chính, ngoài làm muối gia đình còn làm miến dong. Nhưng giờ đây không thể SX muối được nữa vì nước bị ngọt hóa và ô nhiễm. May có nghề làm miến chứ không thì không biết làm gì”.

Đứng trước hiện trạng đó, một số hộ dân đã mạnh dạn chuyển ruộng muối sang ruộng nuôi trồng thủy sản, tuy nhiên do đất bị nhiễm mặn lâu nên hiệu quả nuôi trồng thấp. Giờ đây rất nhiều hộ gia đình đang lao đao vì không có công ăn việc làm. Họ chỉ mong muốn được chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đậu Ngọc Thủy, Chủ tịch UBND xã Diễn Ngọc cho biết: “Chính quyền địa phương cũng như các cấp đang tính đến việc chuyển đổi diện tích đất SX muối sang mục đích khác. Mới đây tỉnh đã phê duyệt chuyển đổi khu đất này thành khu nhà ở và dịch vụ thương mại với kinh phí đầu tư khoảng 220 tỷ đồng”.

Ông Lê Văn Thuận, Trưởng phòng TN- MT huyện Diễn Châu cho biết: “Thực trạng 30ha đất bị bỏ hoang mấy năm nay là có thật. Phòng cũng đã tham mưu cho huyện để báo cáo tỉnh xin ý kiến chỉ đạo cụ thể. Cho đến bây giờ khu đất đó đã được quy hoạch xây dựng thành khu thương mại, dịch vụ. Tuy nhiên đến khi nào mới thực hiện thì chúng tôi không rõ”.

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.