| Hotline: 0983.970.780

Bắc Ninh “tổng hoành triệt” lò gạch thủ công trước 30/9

Thứ Năm 02/07/2009 , 09:48 (GMT+7)

Tỉnh chỉ đạo phải cấm tiệt lò gạch thủ công hoạt động ngoài thời gian quy định. Còn chính quyền cơ sở lại bảo “trở tay không kịp”...

Tỉnh chỉ đạo phải cấm tiệt lò gạch thủ công hoạt động ngoài thời gian quy định. Còn chính quyền cơ sở lại bảo “trở tay không kịp” trước tình thế hàng ngàn lò gạch ồ ạt hạ quyết tâm nổi lửa bằng mọi giá để giữ lò trước mùa lũ. Vậy là có tới 7 chủ tịch UBND xã ở Bắc Ninh bị "bay" chức vì không thực hiện nghiêm quy định của tỉnh. 

Thấp thỏm như ngồi miệng lò 

Hàng ngàn tỉ đồng đổ ra để mua nguyên vật liệu chuẩn bị cho vụ đốt gạch cuối cùng theo hợp đồng thì các chủ lò gạch nhận được quyết định phải thanh lí hợp đồng và tháo dỡ lò ngay trước vụ đốt.  

Chưa hòa vốn, đã phải dỡ lò 

Mấy ngày nay, ông Nguyễn Văn Dũng (quê TP Hải Dương)- chủ lò gạch thủ công đóng tại xã Thái Bảo (Gia Bình) đứng ngồi không yên khi được tin UBND xã quyết định sẽ thanh lí hợp đồng và phá bỏ hai lò gạch của ông trước ngày 30/9. Ông Dũng dẫn chúng tôi ra bãi than nằm bên bờ sông Đuống, giọng cầu cứu: “70 tấn than đá, ngoài ra tiền mua củi, phên nứa che gạch, tiền thuê máy xúc đất, lương nợ công nhân...tổng đầu tư cho vụ đốt gạch bắt đầu vào tháng 10 tới lên tới 300 triệu. Tôi phải thế chấp sổ đỏ và hợp đồng thuê đất ở xã Thái Bảo vay 100 triệu ở Ngân hàng NN- PTNT Hải Dương. Nếu vụ gạch tới tỉnh bắt phải dỡ lò thì xem như gia sản nhà tôi đổ xuống sông Đuống”.

Cũng theo ông Dũng, chi phí đầu tư xây dựng 2 vỏ lò tính sơ cũng 600 triệu, rồi tiền thuê đất mất hơn 50 triệu. Những chủ lò mới hoạt động được vài năm như ông xem như chưa đủ trả tiền vốn.Cùng tâm trạng hoang mang như ông Dũng, hàng trăm chủ lò tại xã Đại Lai, huyện Gia Bình hơn một tuần nay cũng nhấp nhổm như ngồi trên miệng lò gạch. Biết có PV về, hàng chục chủ lò tại các thôn Trung Thành, Phương Triệu, Huề Đông...(xã Đại Lai) kéo tới lán của chủ lò Nguyễn Văn Bách (quê Nhân Hòa, Quế Võ) để tố...khổ. Theo các chủ lò thì hiện 100% các lò đã tập kết vật liệu cho vụ đốt gạch cuối năm 2009.

Chủ lò Trần Văn Khương (Quế Tân, Quế Võ) kể: Cả tuần nay tôi chán quá chẳng muốn ra lò nữa. Chúng tôi nghe chủ trương của tỉnh đến hết năm 2009 sẽ cấm các lò gạch thủ công hoạt động. Theo hợp đồng thuê đất với xã Đại Lai thì đến hết năm 2009 mới xong hợp đồng. Vì vậy ngay từ đầu tháng 5 tôi đã mua hơn 150 tấn than, 50 khối củi, rồi đào đất trữ sẵn hết hơn 200 triệu. Tiền thuê đất, đầu tư xây 2 vỏ lò từ năm 2006 hết hơn 800 triệu đồng chưa thu hồi được. Tưởng vụ gạch cuối cùng trước khi dẹp lò sẽ được đốt thoải mái để kéo lại vốn, nào ngờ...

Anh Khương giải thích, theo quy định của tỉnh Bắc Ninh thì thời gian đốt gạch chỉ được bắt đầu từ ngày 1/10 năm trước cho đến hết ngày 10/3 năm sau. Thế nhưng ngay từ đầu tháng 6, các chủ lò gạch đã phải tranh thủ lúc nước sông Đuống đang cạn để vận chuyển tập kết vật liệu. Sang tháng 7, lũ sông Đuống tràn về thì không thể vận chuyển được nữa.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, dải đất ngoài đê dọc bờ sông Đuống thuộc 2 huyện Gia Bình và Thuận Thành đang có hàng ngàn lò gạch thủ công. Theo các chủ lò thì cuối tháng 6 hàng năm, các lò gạch bằng mọi giá phải đốt lò một lần để giữ lò trước mùa nước lũ. Thế nhưng quy định của UBND tỉnh Bắc Ninh lại cấm các lò gạch hoạt động vào thời gian này thành ra các chủ lò bất đắc dĩ phải nộp một khoản tiền phạt để giữ khối tài sản hàng tỉ đồng khỏi bị trôi xuống sông Đuống.

Tiền cược biến thành tiền phạt

Theo quyết định số 97/2006 của UBND tỉnh Bắc Ninh về quản lí sản xuất gạch ngói thủ công, các chủ lò gạch phải nộp trước một khoản tiền cho UBND tỉnh gọi là “đặt cọc” cho mỗi lần đốt lò để đền bù thiệt hại nếu do đốt lò gạch gây ra. Khi không có thiệt hại, các chủ lò sẽ được trả lại. Thế nhưng trên thực tế, khoản tiền đặt cược năm nào cũng biến thành tiền phạt.

Chủ lò Hoàng Quang Chư (quê Đại Hưng, Khoái Châu, Hưng Yên) hiện có 2 lò gạch tại xã Đại Lai bức xúc: Khoảng thời gian sau vụ gặt chiêm cho tới lúc gieo mạ lúa mùa là thời điểm đốt gạch hợp lí nhất bởi lúc này chẳng còn hoa màu gì. Hơn nữa các lò gạch ngoài đê buộc phải đốt một lần để giữ lò. Lí do là sang tháng 7, mùa nước lũ sông Đuống bắt đầu dâng tới nửa thân lò. Các lò gạch đều chỉ xây bằng đất sét. Vì vậy để giữ lò gạch khỏi bị nước cuốn trôi hoặc vữa ra vì nước lũ, không còn cách nào khác phải đốt một lần, sau đó gạch chín thì ra lò 1/3, còn 2/3 gạch trong lò phải giữ lại để làm trụ giữ cho lò khỏi bị nước lũ trôi đi.

Oái oăm ở chỗ, theo quy định về thời gian đốt gạch của UBND tỉnh Bắc Ninh thì đây lại là lúc cấm đốt lò. Và theo quy định này, mỗi chủ lò vi phạm sẽ bị xử phạt ít nhất 2 triệu đồng. Vì vậy mà dù có bị phạt, các chủ lò vẫn quyết tâm đốt bằng được một lần vào cuối tháng 6. Anh Chư cho biết, năm nào cứ vào đầu mỗi lần đốt gạch cuối tháng 6 này, các chủ lò tại huyện Gia Bình cũng đều phải đóng một khoản tiền cược. Như năm 2007 là 5 triệu đồng mỗi vỏ lò, năm 2008 là 10 triệu đồng. Tới lần đốt gạch ngày 17/6 vừa qua, không hiểu vì lí do gì mà số tiền cược này tăng lên 20 triệu đồng. Anh Chư có 2 vỏ lò, phải đóng 40 triệu đồng do Phòng Công thương Gia Bình trực tiếp xuống thu.

- Theo phản ánh của các chủ lò gạch tại xã Thái Bảo, huyện Gia Bình khi đi nộp tiền phạt, họ chỉ việc đến nhà một cán bộ Phòng Công thương huyện Gia Bình tên là Sao ở thôn Vạn Ty (xã Thái Bảo) ký vào một cái giấy. Và dĩ nhiên chẳng có biên lai nộp phạt nào.

 -   Anh Nguyễn Đức Hiền – chủ lò gạch thôn Vạn Ty (xã Thái Bảo): Chúng tôi đã thu xếp sẽ làm nốt vụ đốt gạch cuối năm 2009 này theo như hợp đồng thuê đất và chủ trương cấm lò gạch thủ công của Nhà nước. Chúng tôi biết đốt gạch ngoài thời gian quy định là phạm luật nhưng việc này theo tiền lệ thì cứ nộp tiền phạt là được đốt nên không thể nói chúng tôi phạm luật hoàn toàn. Hiện tại vật liệu đã chuẩn bị, nếu tỉnh cấm thì chúng tôi vỡ nợ.

Cũng như mọi năm, sau khi đóng khoản tiền cược thì các chủ lò được đốt gạch mà chẳng có ai ngăn cản. Thế nhưng năm 2009 này, sau khi đóng tiền thì các chủ lò gạch bỗng nhận được lệnh cấm đốt gạch. Ngoài lệnh cấm, các chủ lò lại nhận thêm được một cái “trát” xử phạt của UBND huyện với mức 30 triệu đồng mỗi vỏ lò kèm theo quyết định sẽ thanh lý hợp đồng trước thời hạn và buộc dỡ bỏ vỏ lò trước ngày 30/9. Chủ lò gạch Nguyễn Văn Dũng (xã Thái Bảo) ca thán: “Chúng tôi thấy ông Đản- Phó Chủ tịch xã mang xuống một tờ giấy bảo ký tên vào, rồi lên xã nộp thêm 10 triệu tiền phạt. Gạch phơi thì đã cho vào lò, nếu không đốt được, đợi nước lũ ào vào thì 2 lò gạch cả tỉ đồng biến thành bùn nhão mất. Vì vậy dù có nộp phạt mấy thì chúng tôi cũng phải nộp. Vị chi trong lần đốt gạch tháng 6 vừa qua, lò gạch nào ở đây cũng phải nộp tổng cộng 30 triệu đồng".

Chúng tôi đem thắc mắc này đi hỏi ông Nguyễn Khắc Đạm –Phó Trưởng phòng Công thương huyện Gia Bình được ông Đạm cho biết như sau: Khoản tiền đóng cọc 20 triệu đồng mỗi vỏ lò chỉ là một biện pháp hành chính để ngăn cản các chủ lò gạch vi phạm ngoài thời gian quy định. Thế nhưng trên thực tế năm nào chủ lò cũng vi phạm nên nó được “gạt” luôn thành tiền xử phạt. Trong lần đốt gạch ngày 17/6 vừa qua, UBND tỉnh có chỉ đạo phải “làm nghiêm” và ra quyết định xử phạt cao nhất 30 triệu đồng mỗi vỏ lò gạch vì các chủ lò cố tình vi phạm. Vì vậy mà UBND huyện phải thu thêm 10 triệu đồng.

Xem thêm
Quốc hội miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Chiều 2/5, Quốc hội thống nhất miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội nhiệm kỳ 2021 - 2026, cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV với ông Vương Đình Huệ.

Chủ động với các kiểu thiên tai nguy hiểm giai đoạn chuyển mùa

Bến Tre Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bến Tre có công văn yêu cầu chủ động phòng tránh, ứng phó các kiểu thiên tai giai đoạn chuyển mùa.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Đề xuất xây cầu 3.500 tỷ đồng nối Bến Tre và Trà Vinh

Trà Vinh Dự án cầu Cổ Chiên 2 với vốn đầu tư khoảng 3.500 tỷ đồng, dự kiến đưa vào sử dụng năm 2030.