| Hotline: 0983.970.780

Khi câu ca dao lạc mốt

Thứ Hai 16/07/2012 , 11:44 (GMT+7)

Người thì đi học, người đi lấy chồng nước ngoài, người đi làm công nhân nhưng cũng không ít người đi phục vụ ở những quán karaoke đèn mờ, cửa hàng massage, bia ôm...

Cũng vì những hoàn cảnh khác nhau mà hiện nay nhiều thôn nữ thoát ly khỏi làng quê. Người thì đi học, người đi lấy chồng nước ngoài, người đi làm công nhân nhưng cũng không ít người đi phục vụ ở những quán karaoke đèn mờ, cửa hàng massage, bia ôm... Trong muôn nẻo đường kiếm sống ấy, có rất nhiều chuyện về họ...

KHI CÂU CA DAO LẠC MỐT

"Má ơi đừng gả con xa/Chim kêu vượn hú biết nhà má đâu”. Đó là lời buồn của thiếu nữ ngày xưa khi cha mẹ gả chồng xa. Bây giờ, câu ca dao ấy đã không còn thích hợp nữa. Bởi rất nhiều thiếu nữ chấp nhận lấy một người đàn ông xa lạ, ở một đất nước xa lạ, cách ngàn dặm trường làm chồng.

1.001 LÝ DO

Chỉ tính riêng xã An Thạnh Nhất, huyện Cù Lao Dung, Sóc Trăng đã có gần 500 thiếu nữ lấy chồng Đài Loan trong tổng số 8.000 phụ nữ tỉnh này lấy chồng nước ngoài từ năm 1999 đến nay. Tại Hậu Giang, trung bình mỗi năm có 900 trường hợp phụ nữ kết hôn với người nước ngoài. Đặc biệt, năm 2007 có đến hơn 1.800 trường hợp. Còn ở Cần Thơ, chỉ trong 2 năm 2010 và 2011 đã có 1.438 phụ nữ kết hôn với người nước ngoài. Các tỉnh Đồng Tháp, Vĩnh Long cũng tương tự. Số liệu thống kê khiến chúng tôi không khỏi thốt lên: “không ngờ, đàn ông xứ Đài, Hàn lại có giá đến thế!”.

Nghe vậy, anh bạn tôi, một luật sư ở TP Cần Thơ gạt đi: “Không hẳn thế đâu, số đàn ông Đài Loan, Hàn Quốc “có giá” như anh nói chỉ chiếm một phần rất nhỏ. Đó là những doanh nhân sang Việt Nam làm ăn rồi lấy vợ trên cơ sở tình yêu. Phần lớn còn lại là nông dân, trình độ văn hóa thấp, tuổi từ 40-70, kinh tế ở mức trung bình, có khi nghèo hơn cả nông dân mình. Không ít trong số họ bị khiếm khuyết cơ thể, họ không lấy được vợ bản xứ nên mới sang Việt Nam tìm vợ”. “Vậy sao các cô lại lấy?”. Nghe tôi hỏi, anh không trả lời mà ghi mấy địa chỉ đưa cho tôi, bảo: “Anh về mấy chỗ này tìm hiểu thì sẽ rõ”.


Rất nhiều gia đình ở miền Tây vắng bóng người con gái

Chúng tôi về phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ, nơi xưa kia từng là “vương quốc” mía đường, là “cù lao ngọt” ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Nhưng từ lâu rồi, những cụm từ ấy đã được thay thế bằng “đảo Đài Loan”, bởi nơi đây có đến ngót 800 cô gái lấy chồng Đài Loan.

Có rể “Đài” sớm nhất (năm 1993) ở Tân Long là gia đình ông Võ Minh Phương. Năm ấy, sau khi thất bại với nghề mía đường, trước khó khăn của gia đình, cô con gái đầu lòng của ông bà đã chấp nhận lấy chồng Đài Loan để hy vọng có tiền phụ giúp gia đình. Thế rồi, cô út cũng nối bước chị đi làm dâu xứ Đài. May mắn là cả 2 cuộc hôn nhân này đều tốt. Không bao lâu sau, gia đình ông Phương đã trả hết nợ và khá dần lên nhờ 2 cô con gái rượu gửi tiền về.


Một đám cưới tập thể giữa dâu Việt rể Đài

Cách nhà ông Phương không xa là gia đình ông Lê Văn Muôn, sau khi lò đường làm gia đình cụt vốn, nợ chồng chất, ông Muôn đành gả cô con gái đầu sang Đài Loan. “Giữa lúc vợ chồng tôi sốt ruột lo lắng, không biết con mình sang bên đó thế nào thì nó gọi về nói chồng nó sắp gửi tiền về giúp cha. Chúng tôi nghe vậy, biết con mình may mắn lấy được người chồng tử tế nên rất mừng”, ông Muôn kể. Cũng từ đó, rất nhiều gia đình ở Tân Lộc theo gia đình ông Phương, ông Muôn, đổ xô đi tìm người mai mối cho con một tấm chồng Đài Loan. Tuy nhiên, những gia đình may mắn như 2 gia đình nói trên không nhiều, nếu không muốn nói chỉ là thiểu số. Phần lớn còn lại, là những bất hạnh.

 HỐI HẬN

Một thực trạng đáng buồn là nguồn cơn dẫn đến việc lấy chồng “ngoại” không hẳn vì lý do kinh tế. Chỉ tính riêng quận Ô Môn, TP Cần Thơ, trong vòng 3 năm nay đã có 800 phụ nữ kết hôn với người nước ngoài. “Nhiều khi thấy nhà bên có con lấy chồng nước ngoài, lâu lâu gửi về ít tiền, thế là những nhà có con gái cũng tìm mọi cách để có rể ngoại. Một số trường hợp, chính các cô tự nguyện đi tìm chồng nước ngoài dù ngay trong xóm không ít chàng trai tốt theo đuổi, dù gia đình không nghèo, không khuyến khích lấy chồng nước ngoài. Lý do là các cô cũng muốn được “bay” cho bằng bạn, và không thích “chân lấm tay bùn” nữa”, bà Trần Huỳnh Anh, Chủ tịch Hội Phụ nữ quận Ô Môn nói.


Tấm ảnh quảng cáo về cô dâu Việt của một trung tâm môi giới hôn nhân

Phong trào lấy chồng ngoại không còn “sốt” nữa, nhưng không ít cô gái vẫn không ngừng “mơ” đến một viễn cảnh tương lai sáng lạn nơi xứ người. Nhiều gia đình có con gái vẫn hy vọng có một chàng rể ngoại để mong thoát cảnh nghèo. Và, những cuộc hôn nhân chóng vánh ấy đã dẫn đến không ít bi kịch đau lòng.

Ông Cao H., ở phường Trung Nhất, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ, người cha có cô con gái là cô M. lấy chồng Đài Loan không được bao lâu đã “thân tàn ma dại” trở về, nhưng không trở về nhà mà đến thẳng Bệnh viện Tâm thần Cần Thơ, đau đớn kể: "Hồi đó nó vừa ngoan, lại đẹp nhất vùng này, con trai theo rất nhiều. Mới 16, 17 tuổi nó đã làm tất thảy mọi việc trong nhà, ngoài ruộng. Nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn quá nên năm 19 tuổi nó đòi lấy chồng Đài Loan để có tiền phụ cha mẹ. Nào ngờ”.


Những cô thôn nữ trong một vụ môi giới hôn nhân trái phép

"Hầu hết các cô đều bị chứng loạn tâm thần phản ứng. Nguyên nhân dẫn đến bệnh là do bị đối xử tàn tệ, bị hành hạ cả thể xác lẫn tinh thần trong thời gian dài. Hy vọng những trường hợp này sẽ là lời cảnh tỉnh tốt nhất cho các cô gái có ý định lấy chồng nước ngoài mà không tìm hiểu thật kỹ. Đây không phải là cách để thể hiện lòng hiếu thảo đối với cha mẹ”, Bác sĩ tâm lý Huỳnh Ngọc Linh, Bệnh viện Tâm thần Cần Thơ.

Mới về xứ Đài được mấy tháng, M. “bỗng” phát bệnh, bị gia đình chồng trả về. Chỉ mấy tháng thôi, M. đã trở thành một người hoàn toàn khác: không thiết ăn uống, cứ ngồi thu lu một mình, hoặc không lại chạy ra đường nhảy múa. Chỉ cần ai nhắc tới 2 chữ Đài Loan là cô co dúm người rồi khóc. Bác sĩ chẩn đoán cô đã bị tổn thương nặng về tinh thần và điều trị bằng liệu pháp tâm lý là chính.

Ở xã Trường Long Tây, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang, nhắc đến cô gái xinh đẹp C.H.N, ai cũng biết và không khỏi xót xa. Năm N. mới 18 tuổi và đẹp như một đóa hoa đồng nội vừa chúm nở thì được một người đàn ông Đài Loan 30 tuổi đến hỏi cưới làm vợ. Không lâu sau khi cha mẹ gật đầu, N. theo chồng về xứ Đài và sinh 2 đứa con. Thời gian đầu cô rất hay gọi về nhà khiến gia đình rất mừng, nghĩ N. sống hạnh phúc. Nhưng rồi, những cuộc gọi cứ thưa dần.

Gia đình N. sốt ruột gọi sang Đài Loan hỏi thì chồng cô không cho gặp. Mấy tháng sau, bất ngờ, gia đình thấy chồng N. mang cô về trả với lý do N. bị bệnh tâm thần. “Bây giờ gia đình tôi 10 miệng ăn, phải chạy ăn từng bữa. Nhưng không thấy đau, thấy xót bằng việc hàng ngày chứng kiến con gái điên dại, con ruột nó nó cũng không biết thế này. Phải chi hồi đó không gả qua Đài Loan thì đâu đến nỗi…”, bà Nguyễn Thị Đ., mẹ N. nói trong nước mắt.

Xem thêm
Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh chính sách tín dụng đối với lâm sản, thủy sản

Thủ tướng yêu cầu Bộ NN-PTNT chủ động chỉ đạo các giải pháp linh hoạt tháo gỡ khó khăn, bảo đảm sản xuất, thúc đẩy, tiêu thụ, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản.

Siết chặt khai thác nước ngầm, bảo vệ 'túi' nước ngọt ở ĐBSCL

Nước ngầm - nguồn nước ngọt dự trữ lớn cho ĐBSCL đang đứng trước nguy cơ bị nhiễm mặn. Giải pháp lâu dài kiểm soát, ngăn chặn khai thác nước ngầm cần được tính toán.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).