| Hotline: 0983.970.780

Chăn nuôi lợn rừng: Chuồng trại - Phân nhóm - Sức khỏe

Thứ Hai 23/05/2011 , 09:50 (GMT+7)

Phương thức nuôi nhốt vật nuôi ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả chăn nuôi. Hiện tại ở nước ta phương thức này áp dụng trong chăn nuôi lợn rừng có thể phân thành 3 dạng:

Phương thức nuôi nhốt vật nuôi ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả chăn nuôi. Hiện tại ở nước ta phương thức này áp dụng trong chăn nuôi lợn rừng có thể phân thành 3 dạng:

>> Chăn nuôi lợn rừng ở Việt Nam

Dạng 1 là chuồng đơn giản kết hợp với vườn lớn được dùng làm sân chơi. Dạng 2 là chuồng đơn giản kết  hợp với sân chơi bé. Dạng 3 là dạng nuôi nhốt hoàn toàn trong chuồng xây như thể lợn công nghiệp.

Lợn rừng là loại động vật có bản năng sống trong diện tích rộng, tự do, ưa vận động. Nhờ thế con vật được hưởng không khí trong lành, ánh nắng, sức khỏe tăng lên, tiêu hao mỡ thừa, thịt săn chắc hấp dẫn thực khách. Đã xuất hiện thuật ngữ “lợn rừng công nghiệp” ám chỉ lợn rừng nuôi như lợn công nghiệp: nuôi nhốt trong chuồng xi măng chật hẹp, không sân chơi, thức ăn là cám công nghiệp, làm mất tính hấp dẫn của lợn rừng đối với người ăn. Vì vậy cần kiến thiết chuồng trại và sân chơi rộng rãi, tự do ra vào chuồng (chỉ nhốt khi cần thiết như mưa to gió lớn...).

Làm chuồng và chống rét, nóng cho lợn rừng

Không ít người nuôi lợn rừng cho rằng lợn rừng trong tự nhiên suốt đêm ngày ở ngoài trời bất chấp mưa nắng... Tuy nhiên ý nghĩ đó là sai, bởi vì trong tự nhiên lợn ẩn náu vào hang, hốc, gốc cây trể tránh mưa, nắng, khi đẻ chúng cũng biết vơ cây cỏ làm tổ cho con. Đương nhiên vì dựa vào thiên nhiên nên khi thời tiết khắc nghiệt chúng phải chịu nhiều tổn thất như chết con...

Trong các thí nghiệm của chúng tôi, khi nhiệt độ xuống 13 độ và có mưa, thì gần như 100% lợn to nhỏ đều vào chuồng nằm chen chúc cho ấm. Tương tự, khi trời nắng và nhiệt độ lên 35 độ thì chúng tìm vào chuồng và bóng râm để tránh nắng nóng. Cũng lưu ý, loài lợn nói chung không có tuyến mồ hôi, nên cần chống nóng cho chúng.

Vậy nên khi xây chuồng cho lợn rừng, cần thiết phải đủ chỗ cho chúng tránh mưa, gió, rét, nóng. Có tường/phên chắn gió, mưa, đủ độ rộng. Sân chơi càng lớn càng tốt.

Chống nóng: Chuồng, sân nên có bóng cây, dây leo, hoặc nắng quá phải che bằng lưới chống nóng (khi trời nắng 35oC, treo một tấm lưới đen diện tích 10m2, trên độ cao 2m, có thể giảm nhiệt độ xuống 32oC). Có thể làm bể tắm cho lợn. Lưu ý, có thể làm bể/máng xi măng, độ sâu tùy loại lợn to hay nhỏ, và có thể thay nước được. Không nên để nước lưu cữu trong bể vì ô nhiễm. 

Chống rét: Mùa đông phải chống rét cho lợn, đặc biệt đối với lợn con. Chuồng trại nên được kín gió, nền chuồng nên lót rơm, rạ, và đặc biệt nên làm những ụ rơm treo trong chuồng để lợn có thể chui vào đó. Nếu quá rét, cần dùng đèn sưởi cho lợn con mới sinh. 

Phân lợn ra các nhóm

 Trong chăn nuôi công nghiệp, lợn thường được phân ra (và nuôi riêng) các loại: lợn đẻ, lợn con cai sữa, lợn nhỏ, hậu bị, chờ phối, chửa nặng, vỗ béo, lợn đực giống... Điều này giúp người nuôi đảm bảo nhu cầu khác nhau cho từng loại và qua đó tăng hiệu quả chăn nuôi. Tuy nhiên phân làm bao nhiêu nhóm, mỗi nhóm bao nhiêu con, nuôi cá thể hay tập thể... tùy thuộc vào hoàn cảnh.

Nhưng hiện tại nhiều nơi lợn các loại tuổi, đực/cái đều được nuôi tất cả vào một chỗ, cho ăn cùng một kiểu hoặc có phân nhóm cũng rất sơ sài. Nếu nuôi chung lợn đực/lợn cái có con nhỏ có thể xẩy ra việc lợn bố/mẹ ăn thịt lợn con, điều mà một số người chăn nuôi lợn rừng đã chứng kiến. Khi nuôi chung lợn to với lợn nhỏ thì lợn to sẽ tranh ăn hết của lợn nhỏ và rốt cuộc lợn to sẽ béo phị gây nên khó đẻ, đực giống “nhảy cái” kém, còn lợn nhỏ sẽ còi cọc, chậm sinh sản.

Một nhóm lợn cũng không nên để quá đông khó quan sát từng con một, nên dưới 20 con.

Nên tách riêng đực giống

Nhiều trại nuôi lợn rừng thường nhốt một đực với 5-6 cái trong một ô. Với cách này người chăn nuôi không phải để ý nhiều đến việc phối giống. Tuy nhiên thí dụ như con đực giống đó kém năng suất thì những đàn con của 5-6 con lợn cái kia cũng sẽ kém theo bố. Vì thế trong chăn nuôi công nghiệp để khai thác con đực tốt và giảm tác hại của con đực xấu người ta thường nuôi đực tách riêng, đánh giá giá trị từng con để chọn ra con tốt và dùng các con đực tốt phối giống.

Lợn cái có thể nuôi nhiều trong một ô và khi động dục chúng ta có thể dẫn lợn cái và đực đến nơi phối giống. Với cách này ta cũng kiểm soát được liệu con lợn cái có “chịu đực” hay không, điều không thể làm được khi nhốt một đực với 5-6 cái.

Chọn lọc và nhân giống

Lợn rừng nói riêng và các giống vật nuôi bản địa Việt Nam nói chung, do không được chọn lọc nên năng suất khá dao động, thí dụ như số con đẻ ra chẳng hạn, từ 2 đến 9 con. Để chọn lọc được bố mẹ tốt, phối giống tránh đồng huyết thì ta phải lập lý lịch cho từng con, theo dõi năng suất của nó, như số con đẻ ra, tăng trọng, ngoại hình...

 Ngay khi cai sữa lợn con để lại làm giống hay vỗ béo để bán cũng nên được gắn số tai. Lưu ý, một con lợn rừng giá 3- 5 triệu, thì việc bỏ ra 10-20 ngàn đồng để đánh số, theo dõi là nhỏ. Nếu chọn được một con đực tốt, “đẻ” được 7-8 con sẽ mang lại lợi ích nhiều so với việc sử dụng một đực giống “đẻ” ra 2-3 con lợn con. Có thể dùng phần mềm vi tính Vietpig4 để quản lý một cách thuận tiện.

Chọn đặc điểm gì:

Trong hoàn cảnh hiện tại hai đặc điểm được xem là quan trọng nhất là: Số con đẻ ra và nuôi sống/ổ và ngoại hình. Lợn rừng vốn chưa được chọn lọc nên một ổ đẻ có thể từ 2 đến 9 con. Lợn có ngoại hình càng giống lợn rừng thuần bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Tăng trọng cũng là một đặc điểm cần chọn, tuy nhiên vì rất khó cân đo, nên ta để ý để đánh giá thể lực từng con một. Khi bán lợn nhớ ghi chép khối lượng của lợn và ngày tuổi để đánh giá mức tăng trọng.

Tỉ lệ nạc là thước đo quan trọng nhưng đây là đặc điểm khó đo, vì đa phần chúng ta bán lợn sống. Nếu mổ thịt tại các lò mổ ta có thể lấy số liệu tại đó. Độ ngọt của thịt cũng là chỉ tiêu cực kỳ quan trọng, tuy nhiên đánh giá nó là chuyện khó. Nếu có điều kiện ta nên ăn nếm thử thịt và ghi chép mức độ ngọt với các mức 1, 2, 3... Dần dần ta biết lợn cái nào, lợn đực nào, ổ nào cho thịt ngon nhất.

Lai tạo: Hiện tại đã có một số trại dùng lợn đực rừng Việt Nam thuần để lai với lợn rừng Thái Lan, đây là một cách tốt để tăng chất lượng thịt.

Vệ sinh/phòng bệnh cho lợn rừng

Đây là một vấn đề gây nhiều tranh cãi nhất giữa những người nuôi lợn rừng. Đa phần người chăn nuôi không quan tâm đến việc phòng bệnh, cho rằng trong bản chất lợn rừng rất khỏe. Nhiều trang trại chăn nuôi, đặc biệt là nông dân, nuôi lợn rừng cũng hệt như lợn nhà theo cách thức truyền thống: nuôi lẫn lộn cùng với các loài vật khác, với các giống lợn khác nhau, không tiêm phòng, không có các biện pháp cách ly với các nguồn bệnh, người tứ xứ đến thăm bất kỳ lúc nào và bất kỳ chuồng nào. Thậm chí lợn được nuôi ở những bãi trũng nước ao tù chứa bao nhiêu phân tro của nhiều con lợn khỏe và yếu. Cũng có một vài trại để xẩy ra lợn chết nhiều. Những bệnh lợn rừng hay mắc phải là tiêu chảy và viêm phổi.

Tuy nhiên trong bối cảnh dịch bệnh tràn lan của ta hiện nay thì các bệnh cần tiêm phòng là lở mồm long móng, tai xanh, tụ huyết trùng, phó thương hàn.

Nếu vệ sinh, phòng bệnh, nuôi dưỡng tốt thì tỉ lệ mắc bệnh rất thấp. Thí dụ tại Trại lợn rừng “Thạnh môn trang” (Bắc Giang), mô hình của Viện Chăn nuôi, từ tháng 1/7/2007 đến 30/9/2009 đàn giống này có 377 lượt con mà chỉ mắc 174 “bệnh” trong đó tiêu chảy: 72, viêm phổi 65, giun sán: 20, các loại khác là 13.

Xem thêm
Chăn nuôi nhỏ lẻ chật vật xoay sở trong nắng nóng

Nắng nóng kéo dài, diện tích đồng cỏ tự nhiên thu hẹp cùng với giá bán giảm khiến cho nhiều hộ chăn nuôi gia súc nhỏ lẻ tại Đắk Lắk gặp nhiều khó khăn.

Quảng Trị chưa có địa phương nào thành lập được đội bắt chó thả rông

Bệnh dại đã xuất hiện nhưng tỷ lệ tiêm phòng tại Quảng Trị vẫn đạt thấp, các đội bắt chó thả rông cũng chưa được thành lập theo kế hoạch.

Trồng sắn phủ bạt kết hợp tưới nhỏ giọt, năng suất tăng gấp đôi

PHÚ YÊN Ngay vụ đầu thử nghiệm, mô hình trồng sắn phủ bạt kết hợp tưới nhỏ giọt đã cho năng suất 50 tấn/ha, trong khi cách trồng truyền thống chỉ đạt từ 15 - 18 tấn/ha.