| Hotline: 0983.970.780

Giáo viên phải chịu hậu quả của “ông huyện”

Thứ Sáu 16/11/2012 , 15:52 (GMT+7)

Hậu quả việc làm của “ông huyện” Lương Văn Tú để lại thật nặng nề, khiến 212 giáo viên người phải ra khỏi biên chế, người chấm dứt hợp đồng...

Báo NNVN số 70 ra ngày 6/4/2012 đăng bài "Loạt quan chức huyện Yên Bình bị kỷ luật: Phép vua thua lệ huyện”, phản ánh việc làm bất chấp các quy định của ông Lương Văn Tú - nguyên Chủ tịch huyện Yên Bình (Yên Bái) trong việc tuyển dụng công chức, viên chức khiến 212 giáo viên phải gánh hậu quả do “ông huyện” Lương Văn Tú để lại...

>> Phép vua thua… lệ huyện

Sau khi Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Yên Bái có Kết luận số 06/KL/UBKTTU ngày 22/02/2012 về việc “Kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban Thường vụ Huyện ủy Yên Bình, các tổ chức đảng, đảng viên có liên quan”, báo NNVN đã có bài "Loạt quan chức huyện Yên Bình bị kỷ luật: Phép vua thua lệ huyện”. Hậu quả việc làm của “ông huyện” Lương Văn Tú để lại thật nặng nề, khiến 212 giáo viên người phải ra khỏi biên chế, người chấm dứt hợp đồng, người đang đứng trên bục giảng nay phải xuống bếp nấu cơm... Tương lai của số giáo viên này thật ảm đạm, không biết sẽ ra sao.

Trước hết xin được trích Kết luận 06/KL/UBKTTU phần về “ông huyện” Lương Văn Tú: “Vi phạm trong công tác tuyển dụng công chức, viên chức như sau: Ký ban hành Quyết định 107/QĐ-UBND có nội dung trái với Thông tư số 35/2008/TTLT-BGD&ĐT-BNV; chậm ban hành quyết định thay thế Quyết định 107/QĐ-UBND... Việc tuyển dụng công chức khối nhà nước năm 2009, viên chức sự nghiệp khác và sự nghiệp giáo dục - đào tạo từ năm 2009 đến tháng 6/2011 có nhiều vi phạm mang tính hệ thống”.


Trường mầm non Bình Minh, nơi có 4 giáo viên chấm dứt hợp đồng, 2 giáo viên bị hủy quyết định tuyển dụng biên chế

Do “vi phạm có tính hệ thống”, nên dưới thời “ông huyện” Lương Văn Tú đã tuyển dụng, hợp đồng, tiếp nhận công chức, viên chức khối nhà nước 884 trường hợp, trong đó 264 viên chức sự nghiệp giáo dục, 392 giáo viên hợp đồng và tiếp nhận 61 trường hợp khác. Hậu quả để lại nhiều trường vượt biên chế được giao, thừa cơ cấu ban môn, hợp đồng vượt quy mô trường lớp. Dẫn tới không đủ kinh phí cho hoạt động chuyên môn cũng như các hoạt động khác, đời sống của giáo viên càng trở nên khó khăn hơn.

Trước thực tế đó, ngày 15/10/2012 UBND huyện Yên Bình ban hành Kế hoạch số 109/KH-UBND về việc “Giải quyết số giáo viên, nhân viên tiếp nhận, tuyển dụng vượt biên chế được giao, thừa cơ cấu ban môn, hợp đồng vượt quy mô sự nghiệp giáo dục-đào tạo huyện Yên Bình”. Sự “chữa cháy” này đã “cứu nguy” cho nhiều trường, nhưng lại đẩy 212 giáo viên tới chỗ khóc dở mếu dở.

Trong 212 giáo viên có 119 trường hợp tiếp nhận, tuyển dụng vượt biên chế, tuyển dụng sai quy định, tiếp nhận, tuyển dụng thừa cơ cấu ban môn. Sau khi rà soát UBND huyện Yên Bình ra quyết định hủy các Quyết định tuyển dụng 80 biên chế giáo viên mầm non do tuyển sai quy định ở 18 trường, trong đó các trường mần non có nhiều giáo viên: Cảm Ân 8 giáo viên, Tân Hương 6 giáo viên, Hán Đà 7 giáo viên, Thác Bà 8 giáo viên, Vũ Linh 9 giáo viên, Bạch Hà 5 giáo viên, Đại Minh 5 giáo viên... Chuyển toàn bộ 80 giáo viên này sang chế độ hợp đồng. 39 biên chế còn lại thì bố trí 30 trường hợp tại chỗ, 9 trường hợp điều chuyển tới các trường khác. Đối với 93 giáo viên, nhân viên hợp đồng vượt quy mô trường lớp thì được giải quyết: Chấm dứt hợp đồng ngắn hạn 9 trường hợp, chấm dứt hợp đồng không xác định thời hạn 38 trường hợp, bố trí 46 trường hợp hợp đồng bù cho số giáo viên nghỉ hưu, chuyển số còn lại sang các trường có học sinh dân tộc bán trú và các trường mầm non thay giáo viên dinh dưỡng, thực chất làm công việc nấu cơm, rửa bát, quét dọn nhà ăn.

Mặc dù 38 giáo viên hợp đồng không xác định thời hạn sau khi chấm dứt hợp đồng thì ngân sách nhà nước vẫn phải trả lương cho số giáo viên trên. Vì UBND huyện Yên Bình đơn phương chấm dứt hợp đồng và có thể bị kiện ra toà hành chính bất cứ lúc nào. Trong đó có 4 giáo viên mầm non Bình Minh.

Trớ trêu thay, với những việc “ông huyện” Lương Văn Tú làm sai, lẽ ra ông Tú phải bỏ tiền túi để trả cho số giáo viên bị chấm dứt hợp đồng, nhưng ở đây thì ngân sách nhà nước -tiền do người dân đóng thuế, lại phải chịu thay cho ông Tú. Trong khi đó “ông huyện” Lương Văn Tú lại được thăng cấp lên làm Phó Ban Phòng chống tham nhũng của tỉnh Yên Bái.

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Mỗi hợp tác xã cần có thương hiệu

TRÀ VINH Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng cần xây dựng thương hiệu cho HTX. Làm sao mỗi nhà các thành viên HTX đều có bảng thông tin về HTX của mình để họ yêu quý, chăm chút cho HTX.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cựu binh Đồi A1 & ký ức 'máu trộn bùn non'

Tròn 70 chiến thắng Điện Biên Phủ nhưng những đồng đội, những nắm cơm, những chiến hào 'máu trộn bùn non'… vẫn còn mãi trong tâm trí nhà giáo ưu tú Đỗ Ca Sơn.