| Hotline: 0983.970.780

Bài 6: Nguy cơ "treo" chính sách hỗ trợ ngư dân

Thứ Năm 29/05/2008 , 09:00 (GMT+7)

Trước tình hình ngư dân đánh bắt xa bờ đối mặt với thua lỗ do giá xăng dầu leo thang cùng với lượng hải sản ở ngư trường trong nước cạn kiệt, ngày 18/3/2008 Chính phủ ra quyết định số 289/QĐ-TTg về ban hành một số chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo… trong đó có ngư dân. Theo đó, mức hỗ trợ cho ngư dân đã nêu rất rõ và cụ thể. Tuy nhiên đến nay chính sách này vẫn chưa xuống được đến dân và có nguy cơ “treo” vì quá nhiều cái vướng...

“Nghe” mà… hổng thấy

Cho đến nay ngư dân BR-VT vẫn chưa được hưởng chính sách hỗ trợ của Chính phủ vì việc thực hiện còn quá nhiều cái khó.Trao đổi với PV NNVN rất nhiều ngư dân ở các cảng cá lớn nhất của Bà Rịa – Vũng Tàu là Phước Tỉnh (Long Điền), Phước Hải (Đất Đỏ) cho hay, họ đang ngóng chính sách này, đã "nghe mà hổng thấy" và tỏ ra bức xúc.

Ngư dân Trần Văn Hoàng (xã Phước Tỉnh) chủ tàu cá có nhiều năm gắn bó với nghề biển cho biết, thấy báo chí đăng tin Chính phủ quy định mức hỗ trợ cho tàu thuyền, bà con ngư dân ai cũng vui mừng. Thế nhưng đến bây giờ đã mấy tháng kể từ khi báo chi thông tin chúng tôi cũng chẳng thấy “mặt mũi” đồng tiền hỗ trợ là như thế nào.

Nhiều chủ tàu cá đánh bắt xa bờ nơi đây như chị Nguyễn Thị Thanh, anh Trần Văn Hào, Nguyễn Văn Đông…cho biết, chúng tôi tìm hiểu quyết định số 289 cho thấy Chính phủ rất quan tâm đến đời sống của người dân, nhất là người dân nghèo và ngư dân. Thế nhưng mức hỗ trợ vừa ít so với tổng chi phí một chuyến đi biển vậy mà đến nay cũng chưa thấy đâu. Ông Đông minh chứng, thông thường chi phí cho một đôi tàu để ra khơi phải tốn 400 triệu đồng tiền mua dầu, nếu nhận được 8 triệu đồng tiền hỗ trợ (theo quy định của QĐ 289 thì hỗ trợ 8 triệu/năm/3 chuyến) theo giá hiện nay thì chỉ mua được 575 lít dầu, trong khi mỗi chuyến biển, một đôi tàu ngốn hết gần 30.000 lít.

Về vùng cá Phước Hải (Đất Đỏ) nhiều ngư dân cũng ngao ngán vì hiện nay giá xăng dầu quá cao không đủ chi phí đi biển do đó đành phải để tàu nằm bờ. Tương tự như ở Phước Tỉnh, tại Phước Hải chưa có một ngư dân nào nhận được tiền hỗ trợ theo chính sách mà Chính phủ ban hành theo QĐ 289. Ngư dân Nguyễn Văn Toán thở dài: Tui có nghe nói Chính phủ đã hỗ trợ cho ngư dân chúng tôi về dầu, về kinh phí bảo hiểm thân tàu, mua mới đóng mới thế nhưng… hổng thấy tiền đâu.

Còn nhiều cái “vướng”

Ngư dân rất mong việc chính sách hỗ trợ của Chính phủ sớm được thực hiện.Ông Phạm Tính – Trưởng ban Hải sản xã Phước Tỉnh cho biết: Để triển khai thực hiện QĐ 289 của Chính phủ chúng tôi đang gặp nhiều cái khó. Chẳng hạn về thủ tục hành chính, hiện nay xã mới chỉ đang dừng lại ở việc xây dựng kế hoạch thực hiện và thống kê các loại tàu thuyền hiện có, đóng mới và mua mới. Theo đó toàn xã có 1338 tàu đánh bắt xa bờ trong đó loại tàu lớn có tải trọng trên 90 CV là 1080 chiếc. Tuy nhiên việc thực hiện kế hoạch cũng gặp nhiều khó khăn, chẳng hạn theo quy định của Sở Thủy sản mới đây thì các đối tượng được hưởng hỗ trợ phải đảm bảo nhiều tiêu chuẩn vào loại “gắt gao”. Cụ thể, về việc mua mới đóng mới tàu cá quy định hoàn thành thủ tục đăng kiểm, đăng ký, có giấy phép khai thác hải sản (tàu đánh bắt hải sản) hoặc giấy đăng ký kinh doanh (tàu làm dịch vụ), hoàn thành mua bảo hiểm thân tàu và bảo hiểm tai nạn cho thuyền viên. Tương tự đối với thủ tục để ngư dân được hưởng chính sách hỗ trợ về thay máy tàu, kinh phí bảo hiểm và xăng dầu cũng còn lắm cái ngư dân không làm được vì chồng chéo nhau rất khó.

Mặt khác, theo thống kê mới nhất của Sở Thủy sản (vừa sáp nhập vào Sở NN-PTNT) hiện nay toàn tỉnh có 4938 chiếc tàu, thuyền đánh bắt xa bờ thuộc đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ theo QĐ 289 của Chính phủ thì tổng kinh phí tiến hành hỗ trợ trong năm 2008 cho ngư dân lên tới 128,658 tỷ đồng. Tuy nhiên, một lãnh đạo UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu than rằng, kinh phí hỗ trợ cho ngư dân phải lấy từ ngân sách địa phương (trừ những địa phương chưa tự cân đối được ngân sách) trong khi đó để cân đối ngân sách của tỉnh là rất khó vì số tiền hỗ trợ  quá lớn (nhưng so với thực tế của ngư dân thì còn rất khiêm tốn) hiện còn đang cân đối, và chưa biết đến thời điểm nào sẽ thống nhất được.

Do đó, ông Phạm Tính xác nhận, đến nay vẫn chưa có một ngư dân nào trong xã Phước Tỉnh nhận được tiền hỗ trợ. Ngoài ra, nói về việc thực hiện QĐ 289, một lãnh đạo Sở NN-PTNT BR-VT dự đoán, việc thực hiện  rất khó vì còn liên quan rất nhiều đến thủ tục pháp lý khá rườm rà. Chẳng hạn ngư dân muốn được hỗ trợ thì phải có tàu, tài công, trong khi đó tài công phải học qua các khóa đào tạo của Nhà nước nhưng hiện nay việc theo học các khóa này còn nhiều khó khăn đối với ngư dân chưa kể kinh phí luôn là vấn đề nan giải.

Có thể nói, số tiền hỗ trợ của Chính phủ chưa thấm gì so với chi phí mà ngư dân bỏ ra mỗi chuyến đi biển nhưng đây là một chính sách ưu việt, thể hiện sự quan tâm của Chính phủ đối với ngư dân nên người dân rất nóng lòng chờ được hưởng chính sách đó. Tuy vậy, việc triển khai thực hiện chính sách này lại đang đẩy ngư dân vào chỗ khó đáp ứng được những nhu cầu theo quy định. Vì vậy, ngư dân kiến  nghị cần xem xét những vướng mắc thực tế từ cơ sở và pháp lý để tháo gỡ 

- Ngư dân được hỗ trợ 70 triệu đồng/tàu/năm nếu mua mới, đóng mới tàu có công suất từ 90CV trở lên, đã hoàn thành thủ tục đăng kiểm, giấy phép khai thác thủy sản và mua bảo hiểm thân tàu và tai nạn cho thuyền viên. Hỗ trợ 10 triệu/năm/máy nếu lắp đặt máy mới 100% và đạt tiêu chuẩn kỹ thuật theo QĐ của Bộ NN-PTNT.

- Tàu đánh bắt hải sản có công suất 40CV trở lên có đủ giấy tờ hợp pháp hoạt động đánh bắt thủy sản thuê lao động có HĐLĐ từ 1 năm trở lên được hỗ trợ 30% kinh phí mua bảo hiểm thân tàu và 100% kinh phí mua bảo hiểm tai nạn thuyền viên hàng năm.

- Hỗ trợ 8 triệu/1 chuyến đi biển tiền dầu và 3 chuyến/năm cho tàu có công suất từ 90CV; 5 triệu/chuyến và 1 năm 4 chuyến đối với tàu có công suất từ 40CV-dưới 90CV; 3 triệu/chuyến đối với tàu công suất dưới 40CV và 5 lần/năm. ( Nguồn: QĐ số 289/QĐ-TTg ngày 18/3/2008)

ĐỨC TRUNG – PHƯƠNG CHI

--------------
ĐB Quốc hội Nguyễn Đình Xuân:

Chính sách phải theo dự toán kinh phí thực hiện

Về những vấn đế mà báo NNVN phản ánh trong loạt bài “Chính sách cho nông dân - Từ văn bản đến thực tiễn”, đại biểu Quốc hội Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) cho biết:

Nhiều người nói chính sách thì đúng, thực hiện thì không đúng. Nhưng thật ra đôi khi từ chính sách đã không đúng. Đáng ra chính sách phải đi theo dự toán kinh phí thực hiện. Ví như việc miễn thủy lợi phí cho nông dân, phải tính ngay nếu miễn như vậy ngân sách nhà nước phải bỏ ra bao nhiêu tiền. Dành một khoản ngân sách do QH quyết năm nay bao nhiêu cho việc miễn thủy lợi phí. Nếu không có dự toán thì bên kho bạc, tài chính sẽ nói không có cơ sở nào để chi cả. Dẫn đến cơ chế “xin- cho”, tạm ứng chỗ này chỗ khác. Nhiều thứ chúng ta rất dễ trở lại cơ chế bao cấp. Dẫn đến ảnh hưởng  chất lượng công trình. Chính sách bảo hiểm y tế cho người nghèo cũng vậy. Ra chính sách là phải tính ngay, có bao nhiêu người nghèo được mua, cần bao nhiêu tiền. Chứ hiện nay có chính sách từ đầu năm, đến giữa năm người nghèo mới được phát thẻ thế là mất 6 tháng trời có bệnh không được khám. Ngoài ra, hàng năm chúng ta chi bao nhiêu tiền đầu tư làm giao thông nông thôn. Nhưng kinh phí duy tu, bảo dưỡng lại không có.

Đáng ra Ủy ban Tài chính- Ngân sách của QH phải yêu cầu Chính phủ giải trình rõ dự toán ngân sách ra sao khi Chính phủ trình bất cứ chính sách nào đó. Chính sách miễn thủy lợi phí ngay từ đầu, bài toàn đặt ra đã không được làm rõ. Cứ nói nông dân được hưởng lợi nhưng thực tế chỉ một bộ phận nông dân thôi, một bộ phận khác có được thụ hưởng đâu. Chính sách không đồng bộ dẫn đến không đạt được mục tiêu. Khi chúng ta lập chính sách, chúng ta đã không lường hết được những tình huống. Không đưa ra cho những người phản biện họ xem xét là cần thêm gì, bớt gì? Người quản lý xuất phát từ thực tiễn để đề ra chính sách là đúng nhưng chính sách đó có giải quyết được vấn đề thực tiễn hay không lại không đơn giản.

Nhiều ý kiến cho rằng, chính sách của ta hiện nay chỉ mang tính cấp cứu “hà hơi thổi ngạt”, khi dịch bệnh, thiên tại xảy ra mới tính đến hỗ trợ nông dân?

Đúng vậy. Chính sách đang chạy theo cuộc sống. Không có những chính sách dài hơi hơn. Thay vì để dịch bệnh xảy ra mới hỗ trợ thì có chính sách bảo hiểm rủi ro cho nông dân. Hiện nay nuôi lợn rất lãi, chỉ không lãi khi có dịch. Nếu mỗi hộ dân đóng mấy chục nghìn bảo hiểm cho một con lợn thì người dân sẵn sàng. Thay vì khi dịch xảy ra chỉ được hỗ trợ 1- 2 triệu đồng/con. Tất nhiên là bảo hiểm nông nghiệp có nhiều rủi ro, cần sự tham gia hỗ trợ của nhà nước. Nhưng hỗ trợ ban đầu này vẫn rẻ hơn khi nhà nước bỏ ra hết, bởi nguyên tắc bảo hiểm là hộ không bị giúp hộ bị dịch. Nó cũng rẻ hơn khi có dịch mới hỗ trợ. Cái dở của chính sách “tiêu hủy bao nhiêu hỗ trợ bấy nhiêu” mà chúng ta đang làm hiện nay là không biết cuối cùng chúng ta phải hỗ trợ bao nhiêu tiền. Ngân sách không lượng tính hết là phải chi bao nhiêu tiền. Ngân sách phải có dự toán do QH, HĐND quyết, vậy mà cứ chết lợn bao nhiêu đền đến đấy thì vô cùng khó.

NGỌC TIẾN (ghi)

Tin liên quan

Phản hồi bài “Chính sách cho nông dân: Từ văn bản đến thực tiễn”
Bài 5: Cần hiểu tâm tư nguyện vọng của nông dân để có quyết sách đúng
Bài 4: Quyết định hỗ trợ gần hai năm, tiền vẫn...trên giấy
Bài 3. Thuỷ lợi phí, nhiều nơi miễn trên…giấy
Bài 2: Toát mồ hôi vay vốn làm trang trại
Chính sách cho nông dân: Từ văn bản đến thực tiễn

Xem thêm
Thủ tướng: Kiểm tra, giám sát từ đầu, tránh tích tụ vi phạm

Họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, Thủ tướng lưu ý tăng cường kiểm tra, giám sát ngay từ lúc bắt đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ lại thành sai phạm lớn.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Khát vọng Huổi Khon

13 năm trước, bản vùng cao này là một điểm nóng về trật tự xã hội, nhưng giờ thay da đổi thịt như một lời hứa nguyện theo Đảng, theo chính quyền của bà con.