| Hotline: 0983.970.780

Bài 9: Đất để không, chủ rừng thiếu đói

Thứ Ba 03/06/2008 , 13:59 (GMT+7)

Sau 4 năm về TCty Giấy Việt Nam, 4 lâm trường ở Thanh Hoá lâm vào cảnh khốn đốn, chính sách trồng rừng nguyên liệu của tỉnh cũng chưa thể triển khai. Nguồn vốn dự án 661 hàng năm “rót” cho người trồng rừng như “ném đá ao bèo”...

Chính sách bị tắc

Vườn ươm giống cây lâm nghiệp tại XN giống cây con Ngọc Lặc

Năm 2002, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án nhà máy SX giấy và bột giấy Thanh Hóa, giao TCty Giấy Việt Nam làm chủ đầu tư. Để phát triển vùng nguyên liệu, năm 2004 UBND tỉnh Thanh Hóa đã bàn giao 3 lâm trường và Trạm nghiên cứu lâm nghiệp Ngọc Lặc (nay là XN giống cây con Ngọc Lặc) cho Cty Nguyên liệu giấy Thanh Hóa (thuộc TCty Giấy VN). Mặc dù tỉnh Thanh Hóa đã có cơ chế chính sách cho vùng nguyên liệu giấy nhưng đến nay vẫn chưa thể thực thi khiến đời sống của hàng trăm công nhân ở các lâm trường đang hết sức khó khăn.

Ông Mai Văn Ba, Trưởng phòng Kế hoạch - kỹ thuật  (Cty Nguyên liệu giấy Thanh Hóa) cho biết, tỉnh giao cho chúng tôi sở hữu 14.496 ha đất lâm nghiệp với 313 công nhân. Do thiếu vốn đầu tư nên Cty hoạt động rất khó khăn, buộc phải giảm bộ máy còn 253 người. “Trước đây các lâm trường được hưởng lương ngân sách, nay phải tự hạch toán thu chi; chủ yếu dựa vào kinh phí quản lí dự án 661 nên không đủ trả lương. Còn riêng Cty Nguyên liệu giấy phải tự lo vốn để nuôi bộ máy”.

Cũng theo ông Ba, nguyên nhân vướng mắc chủ yếu do dự án nhà máy giấy Thanh Hóa bị đình trệ suốt 4 năm qua. TCty Giấy VN phải loay hoay tìm nguồn vốn đầu tư xây dựng nhà máy. Vì thế vốn “rót” về Cty Nguyên liệu giấy hoạt động cũng... tắc! Ông Trịnh Duy Bằng - GĐ Xí nghiệp Giống cây con Ngọc Lặc than thở: “Chúng tôi vốn là đơn vị nghiên cứu, từ khi chuyển đổi cơ chế, đất rừng sản xuất ít nên đời sống công nhân không đảm bảo. Cty giấy phải hỗ trợ một phần lương, anh em trong xí nghiệp phải góp vốn hoạt động và đổi tên 2 lần”.

Theo ông Lê Văn Mơn - Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp Thanh Hóa, sau khi bàn giao 4 đơn vị cho TCty Giấy VN, năm 2004 UBND tỉnh vẫn ra chính sách hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu giấy. Theo đó sẽ hỗ trợ trồng mới 150 đồng/cây keo, 750 đồng/cây luồng; hỗ trợ 50.000đ/ha cho địa phương trồng quy mô 500 ha luồng trở lên...Thế nhưng đến nay vẫn còn hàng nghìn ha đất ở các lâm trường bỏ trống, người trồng rừng vẫn chưa được hưởng lợi bởi sự chậm trễ của Cty Nguyên liệu giấy.

Ông Mơn nói: “Năm ngoái một vị Phó tổng GĐ TCty Giấy có vào xin lỗi bà con và thanh minh dự án triển khai chậm do trục trặc về vốn. TCty hứa sẽ đầu tư trồng mới 1.000 ha trong năm 2008. Vừa rồi chúng tôi lên lâm trường Cẩm Thủy làm việc, được biết TCty Giấy đã vay được vốn của Ngân hàng Đầu tư phát triển VN trồng 500 ha rừng. Theo quy hoạch vùng nguyên liệu là 70.000 ha luồng trên phạm vi toàn tỉnh thì diện tích đầu tư “nhỏ giọt” của TCty Giấy chẳng thấm vào đâu. Điều nghịch lý là, trong khi phần lớn diện tích đất ở các lâm bỏ trống, rất nhiều nhà đầu tư vào Thanh Hóa tìm kiếm đất trồng rừng lại không còn bởi tỉnh đã quy hoạch cho nhà máy giấy”.

Lại do cơ chế

Đốt rừng dưới chân đèo Sa Mù - Quảng Trị (ảnh minh hoạ)Theo Chi cục Lâm nghiệp Thanh Hóa, sau khi rà soát 3 loại rừng, toàn tỉnh còn 629.000 ha đất lâm nghiệp, trong đó 273.000 rừng phòng hộ, đặc dụng, 355.000 ha rừng sản xuất. Sau 7 năm thực hiện dự án 661, Thanh Hóa đã nâng độ che phủ rừng lên 45,1%. Tuy nhiên diện tích đất trống đồi núi trọc (đã quy hoạch thành rừng SX) còn tương đối lớn (102.000 ha). Theo số liệu của UBND huyện Ngọc Lặc, sau rà soát 3 loại rừng, toàn huyện có 27.000 ha rừng SX (tăng 9.000 ha), 2.800 ha rừng phòng hộ. Bà Nguyễn Thị Hiệp - Trưởng phòng Nông nghiệp Ngọc Lặc cho biết: “Bình quân mỗi năm huyện trồng mới khoảng 1.000 ha rừng, trong đó diện tích được hưởng theo dự án 661 chỉ từ 80 - 100 ha/năm. Ngọc Lặc có khoảng 10.000 ha luồng nhưng cây luồng lại không có trong danh mục hỗ trợ của dự án 661. Mặc dù tỉnh có chính sách hỗ trợ trồng luồng nhưng đến nay người dân vẫn chưa được hưởng, còn dự án 661 thì hỗ trợ quá ít diện tích trồng mới. Có thể nói các chính sách lâm nghiệp thì nhiều nhưng đến được với dân còn hạn chế”.

Theo một vị lãnh đạo Thanh Hóa thì ngành lâm nghiệp tỉnh này rất khó khăn trong cơ chế mới. Hầu hết các lâm trường chỉ sống nhờ vào nguồn phí quản lí của dự án 661 và kinh doanh cây giống. Nhiều lâm trường chỉ trả được 50% lương cho công nhân, tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội phổ biến...Năm 2006 tỉnh đã quyết định chuyển toàn bộ 13 lâm trường thành BQL rừng phòng hộ, mỗi đơn vị chỉ còn từ 10 - 15 người được hưởng lương ngân sách, phải quản lí từ 6.000 - 7.000 ha rừng...

Ông Lê Văn Mơn - Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp Thanh Hóa cho rằng: “QĐ 100 và 147 mới đây của Chính phủ là rất phù hợp, giải quyết những khó khăn về lâm nghiệp như nâng mức hỗ trợ đầu tư trồng rừng phòng hộ lên 6 triệu đồng/ha, rừng sản xuất 1,5 triệu/ha. Đặc biệt là lần đầu tiên hỗ trợ đồng bào trồng rừng thay thế nương rẫy... Hiện tỉnh đang lập dự án trình Trung ương phê duyệt. Nếu triển khai có hiệu quả thì hàng ngàn hộ dân miền núi Thanh Hóa sẽ đỡ khổ”.

---------------

Phản hồi loạt bài Chính sách cho nông dân: Từ văn bản đến thực tiễn
Bài 8: Chính sách gây…bức xúc!
Bài 6: Nguy cơ ''treo'' chính sách hỗ trợ ngư dân
Phản hồi bài “Chính sách cho nông dân: Từ văn bản đến thực tiễn”
Bài 5: Cần hiểu tâm tư nguyện vọng của nông dân để có quyết sách đúng
Bài 4: Quyết định hỗ trợ gần hai năm, tiền vẫn...trên giấy
Bài 3. Thuỷ lợi phí, nhiều nơi miễn trên…giấy
Bài 2: Toát mồ hôi vay vốn làm trang trại

Xem thêm
Quốc hội miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Chiều 2/5, Quốc hội thống nhất miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội nhiệm kỳ 2021 - 2026, cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV với ông Vương Đình Huệ.

Siết chặt khai thác nước ngầm, bảo vệ 'túi' nước ngọt ở ĐBSCL

Nước ngầm - nguồn nước ngọt dự trữ lớn cho ĐBSCL đang đứng trước nguy cơ bị nhiễm mặn. Giải pháp lâu dài kiểm soát, ngăn chặn khai thác nước ngầm cần được tính toán.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Khát vọng Huổi Khon

13 năm trước, bản vùng cao này là một điểm nóng về trật tự xã hội, nhưng giờ thay da đổi thịt như một lời hứa nguyện theo Đảng, theo chính quyền của bà con.