| Hotline: 0983.970.780

Âm thầm đi tìm Nữ hoàng Moka Việt

Thứ Năm 05/11/2020 , 06:44 (GMT+7)

Sau nhiều năm thực hiện hành trình tìm kiếm, cuối cùng, nam doanh nhân cũng chạm đến cà phê Moka và gây dựng thành công đặc sản trứ danh phố núi.

Hành trình tìm lại hương vị trăm năm

Đà Lạt tháng 11, những cây hồng ở vườn đồi ào ạt trút lá để chuẩn bị cho mùa hoa trái mới. Đây cũng là thời điểm những gốc cà phê Moka đọt đỏ bước vào giai đoạn cuối cùng để cho trái chín mọng.

Trong ngôi nhà nhỏ bên con dốc ở đường Tô Hiến Thành, phưởng 3, TP Đà Lạt, Lâm Đồng, ông Đỗ Văn Ẩn lần mở gói cà phê làm mùi hương tỏa ngào ngạt khắp cả không gian. Sau khi hí hoáy định lượng, điều chỉnh máy pha chế, ông Ẩn cho ly vào vòi rồi nhấn nút để hoàn thành khâu chiết xuất.

Sau nhiều năm tìm kiếm, ông Đỗ Văn Ẩn đã chạm tay vào cà phê Moka và phục dựng thành công cà phê đặc sản Đà Lạt. Ảnh: Minh Hậu.

Sau nhiều năm tìm kiếm, ông Đỗ Văn Ẩn đã chạm tay vào cà phê Moka và phục dựng thành công cà phê đặc sản Đà Lạt. Ảnh: Minh Hậu.

Nhìn dòng cà phê từ từ đổ xuống ly cùng với lớp caramel nâu sánh, béo ngậy, người đàn ông 44 tuổi không giấu được niềm vui, thổ lộ: “Trải qua bao thăng trầm, cuối cùng cũng tìm lại được hương vị cà phê nổi danh một thời!”.

Vừa thưởng thức cà phê Moka, ông Ẩn vừa tâm sự, ông sinh ra và lớn lên ở Đà Lạt. Từ ngày còn bé, ông không ít lần nghe những người cao tuổi tâm sự, tiếc nuối về dòng cà phê trứ danh của quê hương. Thứ thức uống chứa trong đó hương thơm đặc biệt, vị nhẹ nhàng, tốt cho sức khỏe.

“Hơn trăm năm trước, người Pháp đưa giống Moka về trồng ở Đà Lạt, nơi có độ cao từ 1.300 - 1.600m so với mực nước biển rồi thu hoạch trái, mang về Pháp chế biến. Về sau, do dịch bệnh, sâu hại, do người dân tập trung vào phát triển các loại cà phê năng suất cao nên dòng Moka dần suy thoái và bị quên lãng”, ông Đỗ Văn Ẩn tiếc nuối.

Từ những hạt giống ban đầu, ông Ẩn đem về ươm rồi trồng, mở rộng vùng nguyên liệu. Ảnh: Minh Hậu.

Từ những hạt giống ban đầu, ông Ẩn đem về ươm rồi trồng, mở rộng vùng nguyên liệu. Ảnh: Minh Hậu.

Đau đáu với những câu chuyện xưa cũ, sau khi tốt nghiệp Đại học Đà Lạt chuyên ngành Quản trị Kinh doanh, ông Ẩn bắt đầu hành trình tìm lại thời vàng son Moka Việt. Ông kể, vào đầu những năm 2000, cùng với việc phát triển vườn hoa lan, ông bắt đầu lên kế hoạch để đi tìm Moka.

Thời gian đó, những lúc rảnh rỗi ông lại tìm đến gặp những người cao tuổi ở Đà Lạt, Cầu Đất để dò hỏi thông tin. Đã có những lần ông trở về nhà trong sự tuyệt vọng khi hay tin người từng gắn bó với Moka, từng trồng Moka đã qua đời vì già yếu. Hoặc tuyệt vọng vì dấu tích về vườn Moka đã bị xóa sạch, thay thế bằng lớp cà phê mới.

Thời gian cứ thế trôi và ý chí không từ bỏ giấc mơ của Ẩn cuối cùng cũng nhận được sự đền đáp. Năm 2014, trong một lần về xã Trạm Hành (TP Đà Lạt) để làm việc, Ẩn tình cờ biết về ông lão còn giữ được gốc Moka ở vườn.

“Tôi sướng run lên khi tận mắt thấy gốc Moka gần 80 tuổi”, ông Ẩn kể lại và cho biết thêm, lúc đến vườn, ông thấy gốc Moka nằm chen trong những cây bụi khác ở hàng rào. Thân xù xì, cao to và cành lá vẫn vươn lên. Những ngày sau đó, ông Ẩn đã liên hệ với các kỹ sư nông nghiệp để trực tiếp nghiên cứu, đối chiếu nhiều tài liệu để chắc chắn mình đã tìm đúng Moka.

Gốc Moka 80 tuổi sau đó được ông Ẩn và chủ nhà gìn giữ, chăm sóc ở chế độ đặc biệt. Đến năm 2016, cây khỏe mạnh trở lại và cho trái nên ông Ẩn cẩn thận thu hái, mang về làm giống. Đó cũng là thời gian đánh dấu sự trở lại của cà phê trứ danh.

“Những quả chín ở gốc cây 80 tuổi dần dần nảy mầm và phát triển. Cũng trong thời gian 2016 đến 2018, tôi tiếp tục tìm được nhiều hộ dân khác còn lưu giữ Moka nên đã phục hồi để lấy giống ươm trồng và lấy nguyên liệu chế biến”, ông Đỗ Văn Ẩn thổ lộ.

Cà phê Moka đã được gây dựng lại ở Đà Lạt và cho trái nhiều. Ảnh: Minh Hậu.

Cà phê Moka đã được gây dựng lại ở Đà Lạt và cho trái nhiều. Ảnh: Minh Hậu.

Đặt ly cà phê nóng xuống bàn sau nhấm nháp, ông Ẩn vừa bấm ngón tay vừa kể ra những hộ dân còn giữ gốc Moka. Số lượng cây ít, nguồn nguyên liệu không nhiều nhưng mỗi năm ông đều ký hợp đồng chăm sóc, bao tiêu hẳn hoi. Có những hộ dân chỉ một vài gốc, lượng cà phê thu về chỉ khoảng vài kg mỗi mùa nhưng ông vẫn duy trì và đến mùa thu hoạch lại về tận vườn để nhận hàng. Có những lần, vì sợ người dân cập rập mùa vụ mà để lẫn Moka vào cà phê thường nên ông đích thân đến tận nơi, xắn tay tự thu hoạch rồi lọ mọ mang về.

Từ những ký cà phê nhặt nhạnh ở khắp các khu vườn của người dân, ông Ẩn dành một phần nhân giống và một phần chế biến để nghiên cứu về chất lượng sản phẩm. Năm 2018, khi mọi việc đã hoàn tất, ông đưa sản phẩm ra công bố và mời các chuyên gia, người cao tuổi từng sử dụng cà phê Moka đến thưởng thức hương vị.

Ông kể: “Hồi đó, ai đến uống cũng khen và đánh giá cao về sản phẩm. Có những người ở Sài Gòn, thậm chí có cụ ông Việt kiều hay tin cũng lên Đà Lạt để thưởng thức”.

Sản phẩm cà phê Moka cao cấp của ông Đỗ Văn Ẩn đã được thị trường đón nhận. Ảnh: Minh Hậu.

Sản phẩm cà phê Moka cao cấp của ông Đỗ Văn Ẩn đã được thị trường đón nhận. Ảnh: Minh Hậu.

Nhờ quá trình tìm kiếm, phục dựng, cuối năm 2018 đến nay, ông Ẩn thu được 30 tấn cà phê tươi mỗi vụ. Số này chủ yếu được thu chín 100% và được phơi trong nhà lồng để đảm bảo về chất lượng. Từ 30 tấn nguyên liệu, mỗi năm ông chế biến ra 6 tấn thành phẩm và phân phối ra thị trường.   

Khát vọng nâng tầm cà phê Việt

Với hành trình không ngưng nghỉ, đến nay, ông Đỗ Văn Ẩn đã gây dựng được vùng nguyên liệu Moka sạch lên đến 15ha ở vùng Cầu Đất. Cà phê tại đây được ông ký kết với người dân từ việc chăm sóc đến bao tiêu nông sản.

Những gốc Moka thế hệ mới giờ đây đã vươn cao và bắt đầu cho trái. Dự kiến, mùa vụ năm nay, 15ha cà phê Moka sẽ cho thu hoạch hàng chục tấn nguyên liệu để phục vụ chế biến. Ông cho hay, cà phê Moka khó trồng, chỉ phù hợp ở Đà Lạt, nơi có độ cao từ 1.300 - 1.600m so với mực nước biển và trồng ở vùng kín gió nên việc mở rộng vùng nguyên liệu khó thực hiện.

Đối với vùng trồng hiện tại, ông ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với giá từ 22.000 - 25.000 đồng/kg tươi, cao gấp nhiều lần so với cà phê thường.

Giá cà phê Moka nguyên liệu cao gấp nhiều lần so với cà phê thường. Ảnh: Minh Hậu.

Giá cà phê Moka nguyên liệu cao gấp nhiều lần so với cà phê thường. Ảnh: Minh Hậu.

“Tôi mong muốn người Việt được tận hưởng hương vị thơm ngon của Moka. Đặc biệt, mong muốn nâng tầm được cà phê Việt Nam, đưa Moka cao cấp Việt Nam ra với thế giới”.

Ông Đỗ Văn Ẩn

Với nguồn nguyên liệu hiện có, mỗi năm, ông Đỗ Văn Ẩn cho ra thị trường khoảng 6 tấn cà phê Moka cao cấp. Sản phẩm này được phân phối đến khách hàng khắp trong và ngoài nước. Ở một số sân bay, cửa hàng, siêu thị, điểm du lịch trong và ngoài TP Đà Lạt..., Moka của ông Ẩn đều đã hiện diện và nhận được phản hồi tích cực từ người dùng.

“Việc phục dựng lại Moka đã thành công và giờ tôi cố gắng nâng cao chất lượng sản phẩm để hướng đến phân phối rộng rãi ra thị trường.

Hiện nay, tôi đang xây dựng vùng nguyên liệu hữu cơ để hướng đến xuất khẩu qua châu Âu và các quốc gia khó tính khác”, ông Đỗ Văn Ẩn chia sẻ và cho biết thêm, cà phê Moka được đánh giá là cà phê hảo hạng và được người sành cà phê gọi với cái tên “Nữ hoàng”.

Cũng chính từ đó, ông lấy “Nữ hoàng cà phê Moka Việt Nam” để đặt tên cho sản phẩm cao cấp hiện tại. Hiện nay, ông Ẩn đang phân phối ra thị trường sản phẩm Nữ hoàng cà phê Moka Việt Nam với mức giá từ 1,2 - 1,7 triệu đồng/kg.

Cà phê Moka có hương vị thơm ngon đặc biệt và được mệnh danh là Nữ hoàng cà phê. Ảnh: Minh Hậu.

Cà phê Moka có hương vị thơm ngon đặc biệt và được mệnh danh là Nữ hoàng cà phê. Ảnh: Minh Hậu.

Cùng với việc lên kế hoạch thực hiện vùng nguyên liệu theo hướng hữu cơ, ông Đỗ Văn Ẩn đang tiến tới mở rộng vùng sản xuất lên 50ha trong thời gian tới. Ở diện tích này, ông sẽ phát triển cà phê Moka công nghệ cao, nâng tầm chế biến, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Ông Đỗ Văn Ẩn hiện là Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất, Thương mại, Dịch vụ DALATA. Cùng với việc gây dựng Moka Việt, công ty ông sản xuất, chế biến các dòng cà phê Arabica và phân phối ra thị trường trong, ngoài nước. Cuối năm 2019, các sản phẩm cà phê của DALATA đã được UBND TP Đà Lạt cấp chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành.

Xem thêm
4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cầu Trần Hoàng Na phục vụ lưu thông từ ngày 26/4

Từ ngày 26/4, cầu Trần Hoàng Na, bắc qua sông Cần Thơ chính thức đưa vào khai thác sử dụng, phục vụ nhu cầu lưu thông cho người dân.

Bình luận mới nhất