Hoạt động như doanh nghiệp
Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững - VnSAT đã hỗ trợ cơ sở hạ tầng, hàng hóa thiết bị cho tổ chức nông/hợp tác xã để nâng cao năng lực hoạt động. Đến nay, dự án đã hỗ trợ thành lập và củng cố hoạt động của 318 tổ chức nông dân ở 8 tỉnh ĐBSCL. Trong đó, có 201 tổ chức công dân thành lập trước dự án và 117 tổ chức nông dân do dự án hỗ trợ thành lập. Tất cả các tổ chức nông dân đều được triển khai các hoạt động tuyên truyền, đào tạo tập huấn quy trình kỹ thuật.
Hỗ trợ chương trình quy mô lớn về cải thiện canh tác và quản lý nông học, để thúc đẩy sản xuất lúa gạo bền vững. Bên cạnh việc hỗ trợ các tổ chức nông dân, đến nay dự án đã đào tạo trên 142 ngàn nông dân về “3 giảm, 3 tăng” và gần 89 ngàn nông dân về “1 phải, 5 giảm”. Diện tích áp dụng canh tác bền vững đạt gần 149 ngàn ha và diện tích lúa có hợp đồng với doanh nghiệp đạt trên 56 ngàn ha.
Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Thạnh Hòa (huyện Châu Thành, Kiên Giang) được đánh giá là một trong những tổ chức nông dân điển hình về nâng cao năng lực khi được dự án VnSAT Kiên Giang hỗ trợ. Ông Đoàn Văn Bấu, Giám đốc HTX Thạnh Hòa cho biết, nhờ tham gia dự án VnSAT, được hỗ trợ về cơ sở hạ tầng và được đạo tạo tập huấn, đã giúp đơn vị nâng cao được năng lực hoạt động. Hiện nay, HTX Thạnh Hòa hoạt động như một doanh nghiệp, vừa sản xuất kinh doanh vừa làm các dịch vụ cho xã viên, mang lại hiệu quả thiết thực.
Theo ông Bấu, HTX nông nghiệp Thạnh Hòa được thành lập vào năm 1995, hiện có 135 thành viên, diện tích canh tác 313 ha. Đến nay, năng lực của HTX đã nâng lên đáng kể, với tổng nguồn vốn đầu tư cho các dịch vụ lên tới trên 2,6 tỷ đồng.
HTX có khả năng vận tải hàng hóa nông sản cả đường thủy (bằng ghe) và đường bộ (bằng xe cơ giới), có 2 nhà kho với sức chứa 1.300 tấn, sân phơi 1.000 m2. Dịch vụ bơm tưới với trạm bơm điện có 12 mô tơ, trạm biến thế do ngành nông nghiệp tỉnh hỗ trợ. Trong điều kiện bình thường, trạm bơm điện này đủ sức bơm tưới cho toàn bộ diện tích của HTX. Nhờ bơm điện nên chi phí thấp, giảm được giá thành sản xuất cho xã viên.
Về dịch vụ thu hoạch và sau thu hoạch, HTX có 1 máy gặt đập liên hợp và 2 lò sấy công suất 8 tấn/lò/mẻ, có phương tiện vận chuyên chở lúa cho xã viên từ nhà đến lò sấy và từ lò sấy về nhà lưu trữ chờ giá. Với diện tích canh tác của HTX là 313 ha, 3 vụ sản xuất/năm, sản lượng lúa làm ra gần 6 ngàn tấn. Trong đó, sản xuất lúa giống bình quân mỗi vụ là 60 ha, mỗi năm đơn vị sản xuất được hơn 1 ngàn tấn lúa giống và gần 5 ngàn tấn lúa lương thực.
Nhiều HTX sau quá trình tham gia dự án VnSAT, được đào tạo tập huấn, được hỗ trợ cơ sở hạ tầng, đã nâng cao được năng lực hoạt động, mở rộng dịch vụ phục vụ tốt hơn cho xã viên. Trong đó, HTX Nông nghiệp Thạnh Hòa là một điển hình của tỉnh, được tuyên dương tại Hội nghị giao ban thúc đẩy tiến độ dự án VnSAT hợp phần lúa gạo, tổ chức tại Đồng Tháp. Thạnh Hòa cũng là 1 trong 8 HTX tiêu biểu của các tỉnh, thành ĐBSCL tham gia dự án VnSAT, được trực tiếp tham gia ký kết chuỗi giá trị lúa gạo bền vững với các doanh nghiệp.
Thay đổi cách làm ăn tập thể
Tại Tiền Giang, dự án VnSAT được triển khai tại 3 huyện, thị là huyện Cai Lậy, thị xã Cai Lậy, huyện Cái Bè. Đến nay, Ban quản lý VnSAT Tiền Giang đã tập huấn cho nông dân trong tỉnh 344 lớp đào tạo “3 giảm, 3 tăng” cho hơn 11.300 lượt nông dân và 191 lớp đào tạo “1 phải, 5 giảm” cho hơn 7.000 lượt nông dân.
Bên cạnh các lớp đào tạo công tác truyền thông, tổ chức tham quan cũng được thực hiện đầy đủ, góp phần lan toả dự án mạnh mẽ đến nông dân. VnSAT Tiền Giang đã tổ chức 9 cuộc tham quan học tập kinh nghiệm tại tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng, Lâm Đồng, Đắk Lắk và Đắk Nông với 378 người tham dự.
Lũy kế đến nay, Ban quản lý VnSAT Tiền Giang đã tổ chức 6 cuộc hội thảo truyền thông với 510 đại biểu tham dự. Bên cạnh đó, nhằm quảng bá, giới thiệu, tuyên truyền phổ biến thông tin dự án đến các địa bàn, tổ chức nông dân và nông dân trong vùng dự án, Tiền Giang đã triển khai thực hiện gói thầu tài liệu truyền thông, đến nay đã hoàn thành 40 pano, 500 áp phích, in ấn 40.000 tờ rơi, 25.000 quyển sổ tay kỹ thuật và 25.000 quyển sổ nhật ký đồng ruộng.
Xã Mỹ Phước Tây là một trong 4 xã của thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang được VnSAT chọn tham gia vận động bà con nông dân chuyển đổi sản xuất bền vững, gia tăng hiệu quả trong canh tác lúa. Đánh giá về những hiệu quả dự án mang lại cho địa phương, ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ tịch UBND xã Mỹ Phước Tây, thị xã Cai Lậy, cho biết: Hiệu quả nhất là tạo điều kiện cho người dân tham gia các lớp tập huấn “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”.
Qua tập huấn, bà con nông dân đã thay đổi nhận thức về cách thức gieo sạ lúa so với trước đây. Nếu khi chưa được tập huấn tập quán gieo sạ ở đây 170-180 kg/ha, thì bây giờ lượng giống đã giảm phân nửa, dao động 8 kg đ
Đối với sạ hàng, 10 -12 kg sạ bằng máy phun. Đến nay, đã có 90% số hộ dân tại địa bàn xã được tập huấn những kiến thức như thế này. Bà con nông dân rất phấn khởi và áp dụng có hiệu quả.
Đối với phun thuốc trừ sâu, hiện nay cũng đã giảm rất đáng kể, trước nông dân phun 4-5 lần/vụ, bây giờ chỉ còn 1-2 lần. Trước đây, bà con thấy bệnh là phun nhưng bây giờ bà con biết coi giai đoạn bệnh, giai đoạn lúa mà quyết định phun. Đây là điều mà người dân rất tâm đắc, giảm được chi phí canh tác và ô nhiễm môi trường.
Toàn xã Mỹ Phước Tây có 1.227 ha đất ruộng. Kinh tế tập thể ở địa phương phát triển mạnh. Hiện HTX Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Phước Tây đã thu hút được 567 thành viên, với diện tích tham gia 512 ha.
Ông Huỳnh Văn Chiến, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Phước Tây cho biết: Thời gian qua, đơn vị được dự án VnSAT đầu tư một nhà kho chứa lúa. Do chưa có hệ thống băng tải nên bước đầu HTX cho thành viên, bà con mượn chỗ chứa lúa trong những thời điểm giá lúa thấp. Sắp tới, HTX được đầu tư hoàn thiện sẽ là một nét mới, làm thay da đổi thịt trong cách làm ăn tập thể của nông dân địa phương. Dự án VnSAT sẽ đầu tư thêm cho HTX lò sấy tháp. Lò sấy tháp cho chất lượng sấy cao, phù hợp cho sấy lúa giống. Hiện HTX đang vận động người dân, doanh nghiệp, thương lái, kể cả HTX bạn có kinh nghiệm làm lò sấy để khai thác có hiệu quả hơn.
“Tính đến tháng 9/2020, dự án VnSAT đã thành lập và củng cố được 318 tổ chức nông dân/hợp tác xã. Các tổ chức nông dân này được đào tạo tập huấn về canh tác lúa bền vững với diện tích áp dụng lên đến gần 149 ngàn ha, giúp tăng lợi nhuận ròng/ha lên mức 26,4% đối với nông dân tham gia dự án. Áp dụng các giải pháp canh tác lúa bền vững đã giúp hoạt động sản xuất lúa trên toàn dự án giảm 1,17 triệu tấn khí thải/năm nhằm bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu”, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Hợp tác quốc tế, Bộ NN-PTNT đánh giá.