| Hotline: 0983.970.780

'Ăn kem trước cổng' và nỗi buồn không ai chăm sóc khi sinh

Thứ Hai 23/03/2015 , 10:54 (GMT+7)

Cháu thấy mẹ chồng cháu có vẻ coi thường vì cháu có thai trước cưới. Mẹ cháu thương con nhưng cũng nói cưới mới có năm sáu tháng mà đã sinh thì nhục với bà con hôm mời cưới. 

Cô Dạ Hương kính mến!

Đã có lần cháu viết thư cho cô kể về chuyện cháu học Cao đẳng ở thành phố và rồi vì thương em trai ở xã, đi học quá vất vả nên cháu đã chầu chực xin cho em lên trên này với cháu trọ học. Lần ấy cô khen cháu đặc biệt, có tâm có hiếu khiến cháu rất phấn khởi.

Ở chỗ trọ, cháu quen anh, là công nhân tự do chuyển về nước. Anh ấy hơn cháu 7 tuổi, hoàn cảnh gia đình rất đáng thương. Ba má anh ly dị từ khi anh mới 5 tuổi, anh ở với má. Ba anh có gia đình, có thêm tới 3 đứa con nên không ngó ngàng gì đến anh.

Má anh khi đó còn trẻ, đã đi bước nữa với một người cũng có con riêng. Rồi má anh sinh với người này một người con trai, nhưng cả hai không có giá thú.

Bà ở một thị xã nhỏ, được ngoại của anh và các cậu dì đùm bọc. Nhưng vì anh là con trai thiếu cha nên anh tự lập từ sớm. Vì vậy mà học vấn của anh không bằng ai.

Tính tình anh rất dễ gần đó cô. Anh siêng năng, vui miệng, chan hòa, hay giúp đỡ người trong khu nhà trọ. Anh để ý đến cháu từ chi tiết cháu đón em trai lên ở cùng, chăm sóc nó như mẹ chăm con.

Rồi anh giúp đỡ chị em cháu và cô biết rồi đó, chúng cháu yêu nhau từ hồi nào không biết nữa.

Mẹ cháu cũng là nông dân nhưng được học hết cấp ba. Mẹ cháu ban đầu không vừa lòng với lựa chọn của cháu vì anh học chỉ mới hết lớp 9. Nhưng cháu thấy chúng cháu là duyên nợ, cháu được anh quan tâm chăm sóc, anh sống có tình người lắm cô.

Chuyện con trai con gái ở chung khu trọ nên các cháu đi quá giới hạn cũng là chuyện thường, mấy đứa bạn gái của cháu ở đây cũng có bạn trai và chúng cũng sống thử hết rồi.

Khi đám cưới cháu đã dính bầu được 3 tháng. Anh ấy nhất quyết không cho cháu bỏ em bé dù cháu còn một học kỳ nữa mới học xong. Nhưng cháu đã thực tập và viết luận văn tốt nghiệp rồi cô.

Cháu thấy mẹ chồng cháu có vẻ coi thường vì cháu có thai trước cưới. Chồng cháu không nói ra nhưng cháu biết khi anh bảo cháu vẫn ở nhà trọ đây mà sanh em bé, không về đâu cả.

Mẹ cháu thương con nhưng cũng nói cưới mới có năm sáu tháng mà đã sinh thì nhục với bà con hôm mời cưới. Chỉ nghe vậy cháu đã khóc đầm đìa, không muốn bà mẹ nào chăm mình hết cả.

Nhưng cháu sợ cảnh một thân một mình nuôi con không có kinh nghiệm gì. Cháu đã có tội khi để có bầu sớm và rất sai khi để đứa con này ra đời trong cảnh này đúng không cô? Cháu mong được cô chia sẻ và cho cháu một lời khuyên.

--------------------

Cháu thân mến!

Cô còn nhớ một cô gái lọt vào tầm ngắm của một chàng chung khu trọ nhờ nhiều lần đi gặp Ban giám hiệu trường phổ thông trung học ấy để xin chuyển trường cho em trai. Cô nức nở trong lòng vui và buồn, chị thay mẹ, chị như mẹ, thật là hiếm quý.

Thư này cháu không nói rồi ra em trai cháu sẽ thế nào? Sẽ ở cùng với cháu học tiếp, hay đã về xã với ba mẹ, hay hết năm học này cháu sẽ được nó giúp trong những ngày hè?

Thôi, nếu cái bè của cháu nặng cho chồng cháu quá thì cũng đã đến lúc cho nó về xã, rồi lên cấp ba hẵng tính.

Cô đồng ý rằng sinh viên bất luận cao đẳng hay đại học bây giờ đều chọn sống thử. Không có gì sai cả. Chuyện tình dục của giới trẻ, nếu không có sự hiểu biết về họ thì lên án cũng bằng không, chẳng làm cho trào lưu ấy đảo ngược được.

Riêng cháu, cô mừng vì chồng cháu siêng năng, cần cù, đáng thương và đáng phục. Phẩm chất là trọng, bằng cấp thấp hay chưa có bằng cấp đều có thể bổ sung sau này.

Trường đời cũng là đại học, người ta sẽ tự nâng mình lên sáng giá nhờ tử tế, lao động và chân chính.

Mẹ chồng nào cũng dễ “ra đòn” khi con dâu về nhà chồng sau đám cưới với cái bụng bầu. Dù nói thật, có thể khi trẻ người mẹ chồng ấy cũng đa tình, thậm chí tai tiếng. Thói đời là vậy. Cô cũng tiếc cho cháu là không cố giữ để lấy bằng xong thì hãy cưới và hãy sinh con.

Nhưng hiện tại vậy không quá dở. Cháu có chồng và sinh con, như bao người. Chuyện trai và gái, nam và nữ, lên án thì dễ, ai lên án kệ, miễn cháu thấy yên tâm với lựa chọn và thấy hạnh phúc.

Mẹ cháu ở nông thôn nên dè chừng dư luận bà con vậy cũng không sai. Thôi thì cháu cứ để cho chồng chăm mình, như bao người thiếu mẹ ruột và cả mẹ chồng đó thôi. Cháu đâu có chửa hoang mà sụt sùi nước mắt.

Nếu về quê thì có mẹ nhưng thiếu vắng chồng, rồi vài tháng cũng phải lên nhà trọ để sống với chồng thôi mà.

Vấn đề là học kinh nghiệm người của khu trọ, bề nào chẳng có người lớn tuổi ở đó? Rồi tình mẫu tử sẽ mách cháu. Quan trọng hơn, biết gói ghém, để dành cho khi ấy, sẽ cần tiền để sinh và sau sinh, thế thôi.

Mong cháu bình tâm, chuẩn bị tốt và nhiều may mắn.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm