Lúa gạo nhiều, xếp hạng thấp
ĐBSCL là nơi sản xuất lương thực thuận lợi nhất Việt Nam. Tiếp theo logic đó, an ninh lương thực được xem là số lượng lúa gạo phải nhiều và ổn định. Theo đó, diện tích trồng lúa, số vụ và sản lượng phải được duy trì ở mức cao. Mọi ảnh hưởng đến sản lượng lúa như nước lũ, xâm mặn mặn mùa khô ven biển cần phải được giải quyết ngay.
Ở vùng ngập lũ đầu nguồn thì bao đê chống lũ để canh tác thêm vụ lúa trong đê vào mùa lũ, ở vùng mặn thì bao đê ngăn mặn để tăng vụ lúa. Chúng ta đã nỗ lực rất nhiều theo hướng sản lượng lúa gạo để đảm bảo an ninh lương thực.
Theo Bộ NN-PTNT, giai đoạn 2009 - 2019 sản lượng lúa tăng từ 39,17 triệu tấn lên 43,4 triệu tấn, bình quân lượng gạo đầu người tăng từ 497 kg/năm lên trên 525 kg/năm. Xuất khẩu gạo năm 2019 đạt 6,14 triệu tấn, thu về hơn 3 tỉ USD, đến được 150 quốc gia và vùng lãnh thổ, vượt mục tiêu đề ra 4 triệu tấn. GDP toàn ngành nông nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng khá, đạt 2,61%/năm.
ĐBSCL mỗi năm sản xuất khoảng 25 triệu tấn lúa, trong đó xuất khẩu đi hơn một nửa, chủ yếu là giá trị thấp và chúng ta xem đó là an ninh lương thực. Nhưng trong bảng xếp hạng an ninh lương thực, Singapore đứng số một thế giới còn Việt Nam chỉ xếp 54/113 dù là quốc gia xuất khẩu gạo nhất nhì thế giới.
Vì sao một quốc gia rất ít đất nông nghiệp lại đứng đầu trong khi Việt Nam lại có thứ hạng không cao, thậm chí vẫn còn những nơi người dân bị “đứt bữa”. Lấy tổng số lúa gạo quốc gia chia cho đầu người thì không thiếu, vậy chuyện “đứt bữa” là do cái gì khác. Rõ ràng có điều gì đó cần xem lại về chiến lược an ninh lương thực.
An ninh lương thực không hẳn phải tự cung tự cấp
Theo định nghĩa của FAO, an ninh lương thực là “Có lương thực/thực phẩm khi người ta, bất cứ lúc nào, có thể tiếp cận được về mặt vật lý và kinh tế, đủ về lượng, an toàn, và dinh dưỡng, để đáp ứng nhu cầu ăn uống phù hợp để có cuộc sống tích cực và lành mạnh”.
Như vậy, an ninh lương thực không hẳn phải do tự mình sản xuất ra mà có thể tiếp cận được bằng kinh tế, dùng tiền mua mà có. Để đề phòng trường hợp khủng hoảng, đột xuất thì cần có nguồn trữ dự phòng. Nguồn dự phòng nếu do tự mình sản xuất ra được thì an tâm hơn, nhưng không hẳn phải do tự mình sản xuất ra mà có thể đi mua về trữ dự phòng.
Ví dụ so sánh một gia đình sống ở thành thị có thu nhập cao và một gia đình nông dân có thu nhập thấp ở nông thôn, thì ngoại trừ các tình huống khủng hoảng bất ngờ, người thành thị có thu nhập cao lại tiếp cận với lương thực/thực phẩm dồi dào hơn dù không tự làm ra sản phẩm nông nghiệp. Điều này cũng giải thích tại sao dù chúng ta đứng đầu thế giới về xuất khẩu gạo, nhưng trong nước vẫn có địa phương bị đứt bữa. Đó là vì người thu nhập quá thấp thì không tiếp cận được lương thực.
Vắt kiệt đất đai sẽ đe dọa an ninh lương thực dài lâu
Người viết bài này muốn nhấn mạnh một khía cạnh của an ninh lương thực là tính lâu bền bởi vì an ninh lương thực không phải chỉ cho một năm, mười năm, hai mươi năm mà là cho sự bền vững cho nhiều thế hệ về sau.
Trong ngôn ngữ tiếng Việt, ông bà ta đã rất thông thái dùng từ “đất nước” để chỉ quốc gia là hàm ý đất và nước chính là cái nền tảng. Có đất, có nước thì mới có lương thực, thực phẩm. Đất và nước cũng cần phải khỏe khoắn, dưỡng sức thì mới đồng hành cùng dân tộc mãi về sau.
Chiến lược an ninh lương thực của chúng ta lâu nay dựa chủ yếu vào tự cung, tập trung rất hẹp vào gạo. Và để tạo ra nhiều lúa gạo, cách làm nông nghiệp của chúng ta chủ yếu là cách "đầu vào cao - sản lượng cao".
Nhờ đó, sản lượng lúa của ta cao gấp nhiều lần so với các nước ASEAN nhưng lượng phân, thuốc BVTV sử dụng cũng cao hơn, dẫn đến số liệu sản lượng thì rất đẹp nhưng lợi nhuận không cao, để lại những hệ lụy về môi trường và sức khỏe.
Với mức sử dụng phân bón 297kg/ha, Việt Nam có mức sử dụng phân bón cao nhất so với khu vực ASEAN ở mức trung bình 156kg/ha đất lúa. Điều này cũng giải thích tại sao năng suất lúa Việt Nam cao ở mức 5.6 tấn/ha vào năm 2016 gấp đôi Thái Lan chỉ 2.92 tấn/ha và 1,5 lần so với Ấn Độ.
Với cách làm này, đất đai đã bị vắt kiệt. Đi kèm theo mục tiêu tối đa hóa sản lượng lúa là hệ thống công trình điều tiết nước khổng lồ làm rối loạn hệ thống tự nhiên, cắt đứt liên lạc giữa sông và biển làm biển và sông dần suy thoái. Đất đai, sông ngòi, và biển phải gánh một lượng khổng lồ phân bón, thuốc trừ sâu, và ô nhiễm từ nông nghiệp. Và, hàng triệu người đồng bằng đã phải bỏ xứ đi tìm sinh kế.
Ngoài ra, thông thường khi nghĩ tới an ninh lương thực, ta hay nghĩ tới việc phải có kho trữ lương thực để phòng khi có sự cố. Việc trữ ở kho là cần thiết để ứng phó tình huống khủng hoảng, đột xuất. Nhưng trữ trong kho cũng không được lâu vì sau vài năm phải xuất kho, thay lương thực mới vào. Nơi trữ lương thực được dài hạn và an toàn hơn chính là trữ trong sức khỏe của đất và nước. Nếu tiếp tục mô hình tăng trưởng sản lượng lúa gạo thì dần dần đất sẽ mất sức và an ninh lương thực không còn được đảm bảo.
Đã đến lúc chúng ta cần nghĩ ngược lại chứ không phải cứ sản lượng năm sau cao hơn năm trước và xuất khẩu nhiều hơn về số lượng là chúng ta càng vững về an ninh lương thực. Đã đến lúc cần tiết chế lượng sản xuất, chuyển từ tối đa hóa sang tối ưu hóa, để dưỡng cho đất đai và con người chứ không nên vắt cho bằng kiệt hôm nay thì mai sau đất và nước không còn sức để đảm bảo an ninh lương thực nữa. Chiến lược duy trì sản lượng lúa gạo cao sẽ không đảm bảo tính chắn chắn của an ninh lương thực dài lâu.
Hướng đi nào cho an ninh lương thực vững bền?
Để anh ninh lương thực không phải là ăn xổi ở thì mà dài lâu, nền nông nghiệp cần được chuyển hóa về bản chất, chứ không phải chỉ tái cơ cấu bề nổi, loay hoay thay cây nọ sang cây kia.
Cụ thể, để chuyển hóa nền nông nghiệp, người viết đề xuất những điểm chính như sau:
Một là giảm thâm canh nông nghiệp chạy theo số lượng, để dưỡng sức đất đai, đảm bảo sức sản xuất lâu bền cho đất cũng chính là để đảm bảo tính bền lâu của an ninh lương thực.
Hai là nhắm tới chuyển hướng chiến lược dần dần, không theo đuổi xuất khẩu nông sản thô giá rẻ chỉ dựa vào sức mạnh số lượng. Càng xuất khẩu nông sản thô, giá trị thấp thì tinh túy đất đai càng nhanh cạn kiệt.
Ba là không nên giữ cứng tổng diện tích lúa. Thay vào đó nên uyển chuyển hơn, chỉ giữ diện tích nông nghiệp và trên diện tích nông nghiệp đó không cứ phải chỉ sản xuất lúa gạo, miễn là sản xuất lương thực. Thị trường sẽ biết tự cân bằng cơ cấu các loại cây lương thực trên đất nông nghiệp, không cần phải có biện pháp hành chính quy định cứng rằng phải trồng bao nhiêu rau, bao nhiêu gạo.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu thì cần rà soát lại, không cố trồng lúa ở những nơi và những mùa dễ bị tổn thương, mong manh trước sự biến động thời tiết, khí hậu, xâm nhập mặn và chuyển sang những hình thức khác, thời vụ khác, có sức chống chịu tốt hơn.
Sự chuyển hướng nền nông nghiệp nên theo tinh thần tôn trọng quy luật tự nhiên của Nghị quyết 120 của Chính phủ về ĐBSCL. Cụ thể, nên hạn chế những can thiệp đi ngược quy luật tự nhiên, vì dù có thể có thành tựu trong ngắn hạn, nhưng về lâu dài những gì ngược lại quy luật tự nhiên sẽ mong manh. Những gì hợp quy luật tự nhiên sẽ vững chãi hơn.