| Hotline: 0983.970.780

'Anh Ca lúa tím' với giải Nhất cuộc thi Chuyển đổi nông nghiệp bền vững

Thứ Hai 18/04/2022 , 07:05 (GMT+7)

SÓC TRĂNG Anh Phạm Thanh Ca, một nông dân miệt mài với việc phát triển cây lúa tím, và là tấmgương xuất sắc trong vùng triển khai Dự án VnSAT tại huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng.

Mạnh dạn trồng lúa tím theo quy trình hữu cơ sinh học

Ở xã Thạnh Trị, huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng, chắc không ai là không biết đến anh Phạm Thanh Ca, bởi anh đang trồng tới 20ha giống lúa tím mới ở địa phương đã hơn 7 năm nay. Vì vậy, chúng tôi dễ dàng hỏi thăm được đường đi đến nhà, đến ruộng của anh.

Anh Phạm Thanh Ca là người tiên phong mạnh dạn đầu tư trồng và khảo nghiệm giống lúa tím tại Sóc Trăng. Ảnh: Minh Đảm.

Anh Phạm Thanh Ca là người tiên phong mạnh dạn đầu tư trồng và khảo nghiệm giống lúa tím tại Sóc Trăng. Ảnh: Minh Đảm.

Mảnh ruộng của anh Ca rất dễ nhận biết, giữa cánh đồng lúa vàng ươm nổi bật lên đám lúa lá xanh bông tím, lúa đều tăm tắp rất đẹp mắt. Những ngày chiều đầu tháng tư, giữa cái nắng chói chang, chúng tôi bắt gặp anh đi thăm đồng. Theo bước anh, chúng tôi tận mắt thấy lá lúa dựng thẳng đứng xanh mướt, cứng cáp và không một vết tì của sâu bệnh khiến chúng tôi còn chết mê, không muốn vô nhà nữa huống chi là anh. Anh nói đám lúa này còn gần chục ngày nữa là đến ngày thu hoạch khiến chúng tôi càng ngạc nhiên hơn.

Nghe người dân nói giống lúa của anh là lúa có hạt màu tím than độc lạ, chúng tôi hỏi và được anh trả lời đây là giống lúa tím là do kỹ sư Võ Thị Ngọc – Giám đốc Công ty TNHH Lương thực MS 2019 Việt Nam (ở xã Song Phú, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) là chủ sở hữu và là tác giả chính. Những mùa vụ vừa qua, giống lúa này đã được đăng ký sản xuất khảo nghiệm với Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống và Sản phẩm cây trồng Quốc gia ở một số địa phương tại ĐBSCL với tên gọi MS2019 tím than. Theo chia sẻ, đây là tác giả lúa tím (gạo tẻ) duy nhất ở Việt Nam tới thời điểm này.

Đặc điểm nổi trội của giống lúa này là kháng được bệnh đạo ôn và cháy bìa lá. Đây là một đặc điểm rất tốt để sản xuất theo mô hình lúa hữu cơ, không dùng thuốc BVTV hoá học. Bên cạnh đó, qua khảo nghiệm cho thấy, giống lúa này rất phù hợp với thổ nhưỡng nhiều vùng miền (theo Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống và Sản phẩm cây trồng Quốc gia thì từ Nam Trung bộ trở vào được đánh giá khá tốt).

Hạt lúa màu nâu tím rất đẹp. Hạt gạo màu tím than, bên trong hạt nhân có màu trắng sữa, dài trung bình, có mùi thơm nhẹ, hàm lượng Omega 3 – 6 – 9 rất cao, Amyloza 2,2% (người dùng cơm cảm giác no lâu, tốt cho người ăn kiêng và tiểu đường).

Anh Phạm Thanh Ca đồng hành cùng kỹ sư Võ Thị Ngọc (Giám đốc Công ty TNHH Lương thực MS2019 Việt Nam) chọn tạo giống lúa MS 2019 tím than. Ảnh: Hữu Đức.

Anh Phạm Thanh Ca đồng hành cùng kỹ sư Võ Thị Ngọc (Giám đốc Công ty TNHH Lương thực MS2019 Việt Nam) chọn tạo giống lúa MS 2019 tím than. Ảnh: Hữu Đức.

Tại địa phương, anh Ca còn tham gia HTX với cương vị Phó Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Thạnh Trị. Theo anh, thời gian qua, HTX Dịch vụ nông nghiệp Thạnh Trị đã được Dự án VnSAT hỗ trợ nhiều lớp tập huấn các tiến bộ kỹ thuật như “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”. Được giống lúa quý, dựa trên nền tảng những tiến bộ khoa học mà Dự án VnSAT chuyển giao, anh Ca đã mạnh dạn thuê thêm đất và kết hợp với Công ty MS 2019 VN xây dựng chuỗi liên kết giá trị để vừa sản xuất, vừa khảo nghiệm giống.

Hiện nay, 20ha lúa tím được anh Ca chăm sóc theo quy trình hữu cơ sinh học do kỹ sư Võ Thị Ngọc hướng dẫn. Về phân bón, cả vụ chỉ sử dụng duy nhất phân bón hữu cơ từ Nhà máy phân bón Long Bình (Long An). Quá trình chăm sóc áp dụng công nghệ 4.0 (sạ giống, bón phân, phun dinh dưỡng bằng máy bay không người lái - drone).

Về áp dụng quy trình kỹ thuật học hỏi được từ Dự án VnSAT, anh cho hay trước gieo sạ chú trọng vệ sinh đồng ruộng thật sạch, cày vùi rơm rạ chuẩn bị thực hành "1 phải 5 giảm". Anh phấn khởi: “Áp dụng quy trình kỹ thuật do Dự án VnSAT tập huấn, trước tiên chúng ta sử dụng giống phải là giống xác nhận và được ngành địa phương khuyến cáo. Đối với giống thì bản thân mình có rồi. Tôi đi theo con đường lúa an toàn chuẩn VietGAP và GlobalGAP. Cả vụ chỉ dùng các chế phẩm sinh học để xua đuổi côn trùng gây hại lúa”.

Giống lúa MS 2019 được anh Ca canh tác theo quy trình hữu cơ sinh học dựa trên quy trình '1 phải 5 giảm' do Dự án VnSAT tập huấn, đạt hiệu quả cao. Ảnh: Minh Đảm.

Giống lúa MS 2019 được anh Ca canh tác theo quy trình hữu cơ sinh học dựa trên quy trình "1 phải 5 giảm" do Dự án VnSAT tập huấn, đạt hiệu quả cao. Ảnh: Minh Đảm.

Thời gian qua, lúa MS 2019 tím than được sản xuất theo mô hình hữu cơ sinh học nhưng áp dụng thêm kỹ thuật “1 phải 5 giảm” từ Dự án VnSAT chuyển giao nên năng suất tốt, không thua gì các giống lúa khác ở địa phương. Đặc biệt, năng suất lúa rất ổn định giữa các vụ, chênh lệch không nhiều. Vụ đông xuân lúa đạt năng suất khoảng 7 - 7,5 tấn/ha còn vụ hè thu thì thấp hơn 0,5 tấn/ha. Đây là những tín hiệu rất đáng phấn khởi cho giống lúa mới nhưng hứa hẹn nhiều tiềm năng này.

Hiện 20ha lúa tím của anh Ca được Công ty TNHH Lương thực MS 2019 VN bao tiêu toàn bộ sản lượng với giá cố định. Sản xuất theo quy trình hữu cơ sinh học có liên kết đầu ra, đầu vào đã tạo được sự ổn định nên ông rất phấn khởi, yên tâm sản xuất.

Gặp gỡ chị Võ Thị Ngọc – tác giả chính của giống lúa MS 2019 tím than được biết, trong 10 năm qua, chị đã cùng anh Phạm Thanh Ca chọn lọc qua nhiều dòng. Kết quả hôm nay có được giống lúa tốt là nhờ có sự tận tình gắn bó giúp đỡ lẫn nhau trong mô hình chọn lọc giống và anh cũng là người đồng hành tác giả.

Chị nói trong sự nghẹn ngào: “Xây dựng được vùng chọn giống cũng như lúa thương phẩm theo hướng hữu cơ sinh học là một chặng đường dài. Thuyết phục được người dân thực hiện theo đúng quy trình phải có sự hợp tác giữa "5 nhà" là nhà nước, nhà khoa học, nhà nông, nhà doanh nghiệp và nhà truyền thông. Riêng tôi rất mừng vì thực hiện mô hình trong vùng Dự án VnSAT, được sự giúp đỡ của nhà nước”.

Giải nhất cuộc thi Chuyển đổi nông nghiệp bền vững

Sóc Trăng là một trong những địa phương được Dự án VnSAT hỗ trợ. Đến nay, tỉnh có trên 16.700 nông dân được đào tạo kỹ thuật "3 giảm 3 tăng"; trên 13.300 nông dân được đào tạo kỹ thuật "1 phải 5 giảm"; hàng ngàn nông dân được hỗ trợ tập huấn tận dụng sản phẩm phụ lúa gạo, luân canh chuyển đổi cây trồng, nhân giống lúa xác nhận, sản xuất lúa VietGAP.

Giai đoạn 1, tỉnh được hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng với 11 tiểu dự án, tổng vốn trên 83 tỷ đồng. Giai đoạn 2 tỉnh được hỗ trợ thêm 12 tiểu dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, với tổng vốn 110 tỷ đồng (vốn IDA 87 tỷ đồng).

Anh Phạm Thanh Ca giới thiệu nhà kho do Dự án VnSAT hỗ trợ, giúp nông dân HTX yên tâm sản xuất. Ảnh: Hữu Đức.

Anh Phạm Thanh Ca giới thiệu nhà kho do Dự án VnSAT hỗ trợ, giúp nông dân HTX yên tâm sản xuất. Ảnh: Hữu Đức.

HTX Thạnh Trị có 38 thành viên được Dự án VnSAT hỗ trợ 9,8 tỷ đồng thực hiện các công trình như: 2 trạm bơm, 1 đường lộ 1,5km và 1 nhà kho, trạm biến thế điện. Mới đây, nhằm tuyên truyền mạnh mẽ các kỹ thuật tiến bộ trong sản xuất lúa, Ban quản lý Dự án VnSAT Sóc Trăng phối hợp UBND huyện Thạnh Trị đã tổ chức cuộc thi Chuyển đổi nông nghiệp bền vững cho nông dân 5 xã vùng Dự án của huyện Thạnh Trị.

Nội dung cuộc thi xoay quanh các kỹ thuật "1 phải 5 giảm" và "3 giảm 3 tăng". Bài thi có 70 câu hỏi, thi trắc nghiệm và thi thực hành, thi xử lý tình huống. Với những kiến thức đã tích luỹ được, nông dân Phạm Thanh Ca đã xuất sắc đoạt giải nhất cá nhân tại cuộc thi này.

Có thể nói, đây là một trong những gương điển hình trong vùng Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững Việt Nam (VnSAT) đã phát huy những giá trị khoa học mà Dự án chuyển giao để phát triển sản xuất, gia tăng hiệu quả kinh tế nông nghiệp.

Tại 8 tỉnh tỉnh/thành vùng ĐBSCL, diện tích canh tác lúa gạo trong vùng Dự án VnSAT được bao tiêu với các doanh nghiệp nông nghiệp liên tục tăng qua các lần đánh giá. Đến vụ hè thu 2021, đã có 61.372 ha lúa có hợp đồng bao tiêu.

Trang thông tin có sự đồng hành của Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam - VnSAT

Xem thêm
3 đề án bao trùm ngành chăn nuôi bắt đầu đi vào đời sống

Chiều 3/5, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị triển khai một số đề án ưu tiên thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.

Tiêu hủy hơn 15.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc

Ngày 3/5, tại phường Hải Xuân, TP Móng Cái, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện và tiêu hủy hơn 15.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.