| Hotline: 0983.970.780

Ào ạt trồng hoa cúc, nguồn giống khan hiếm

Thứ Tư 21/09/2022 , 09:45 (GMT+7)

BÌNH ĐỊNH Vụ hoa phục vụ thị trường Tết năm nay, hầu hết nhà vườn ở Bình Định đều tăng mạnh số lượng trồng, thậm chí tăng gấp đôi. Thị trường giống hoa cúc rất khan hiếm.

Náo nức vào vụ cúc Tết

Đi qua những vùng trồng hoa cúc bán Tết ở huyện Tuy Phước và thị xã An Nhơn (Bình Định) những ngày này, những chậu hoa cúc đã lên xanh được đặt dày kín những khoảng đất trống. Những cây cúc hơn 1 tháng tuổi đang phát triển sởn sơ, chủ nhà vườn người cắm cúi tưới, người lo ngắt đọt đợt 1 cho những líp hoa trồng muộn.

Theo anh Đặng Văn Thảo (55 tuổi), người đã có thâm niên 20 năm trồng cúc bán Tết ở phường Bình Định (Thị xã An Nhơn), thời điểm các chủ nhà vườn xuống giống cúc rất linh động, có người mới mồng 2/7 âm lịch đã xuống giống, có người đến mùng 10 hay rằm tháng 7 mới xuống giống, có người bước sang tháng 8 âm lịch.

Người trồng cúc Tết ở phường Bình Định (thị xã An Nhơn, Bình Định) đang ngắt đọt để cây hoa đẻ nhánh. Ảnh: V.Đ.T.

Người trồng cúc Tết ở phường Bình Định (thị xã An Nhơn, Bình Định) đang ngắt đọt để cây hoa đẻ nhánh. Ảnh: V.Đ.T.

“Xuống giống càng sớm thì khi bán cây hoa sẽ càng cao. Do đó, những chậu hoa có đường kính 80cm phải xuống giống sớm để khi bán, cây hoa cao vượt lên khoảng 1,4 - 1,5m để cân đối với chậu to, nhìn mới thấy đẹp. Chậu có đường kính 50cm xuống giống muộn hơn để khi bán, cây hoa cao khoảng 1,1m là vừa với kích cỡ chậu. Chậu có đường kính 40cm muốn đẹp phải qua mồng 5 mồng 6 tháng 8 âm lịch mới xuống giống, đến khi bán chiều cao cây đạt khoảng 1m, cân đối với chậu nhỏ”, anh Đặng Văn Thảo phân tích.

Quan sát 350 chậu cúc của anh Thảo đang đặt tại khoảng đất trống nằm trong Cụm công nghiệp phường Bình Định (thị xã An Nhơn), chúng tôi thấy líp cúc trồng trong chậu có đường kính 40cm còn nằm trong lưới râm để ngăn ánh sáng mặt trời tác động vào cây; những líp cúc trong trong chậu có đường kính 50cm và chậu 80cm nằm phơi ngoài trời, đã trải qua 1 đợt ngắt đọt để cây cúc phát triển nhánh.

Theo anh Thảo, năm nay thị trường hoa cúc dịp Tết Nguyên đán hi vọng sẽ rộng mở. Bởi thời gian qua người dân làm ăn tở mở, kinh tế dần phục hồi, nên chắc chắn Tết năm nay ai nấy cũng sẽ thoải mái “mở hầu bao” mua hoa chưng trong nhà. Tuy nhiên, anh Thảo vẫn giữ nguyên số lượng hoa trồng hằng năm là 350 chậu cúc các loại, anh không trồng thêm vì thấy năm nay lượng hoa cúc tăng hơn gấp đôi so năm ngoái, mà thường khi hoa nhiều quá sẽ bị ế.

Những chậu có đường kính 40cm mới xuống giống sau của anh Đặng Văn Thảo còn nằm trong lưới râm để ngăn ánh sáng mặt trời tác động vào cây. Ảnh: V.Đ.T.

Những chậu cúc có đường kính 40cm mới xuống giống của anh Đặng Văn Thảo. Ảnh: V.Đ.T.

“Nhà tôi ít lao động, lại còn làm ruộng và nhiều việc khác nên trồng 350 chậu là vừa. Tưới hoa, ngắt đọt thì cha con tôi làm, không phải thuê mướn nhân công. Công lao động giờ đã cao còn khó kiếm. Chỉ đến  giai đoạn tỉa hoa thì phải thuê công làm trong vòng nửa tháng để hoa kịp Tết”, anh Thảo chia sẻ.

Anh Thảo cho biết thêm: Khoảng 20/11 âm lịch, các nhà vườn sẽ ngắt điện để cúc ra nụ, nụ hoa mới ra chỉ to bằng hạt đậu xanh. Giống cúc pha lê thì ra nụ đồng loạt, còn giống cúc đại đóa ra nụ không đồng đều nên chủ nhà vườn phải tỉa nụ. Giống cúc đại đóa từ mồng 10/11 âm lịch đã bắt đầu ra nụ lai rai kéo dài đến ngày 20 - 25, mỗi chùm ra đến hàng chục nụ.

Muốn khi xuất bán chậu cúc có hoa đều, lứa nụ ra sớm không được tỉa, cứ giữ nguyên để hoa không phát triển. Bởi, nếu chùm nụ để nguyên phải 55 ngày sau hoa mới nở, còn nếu tỉa chỉ còn để lại 1 nụ thì chỉ 40 ngày sau nụ hoa ấy sẽ nở.

Anh Đặng Văn Thảo đang chặm sóc những chậu cúc có đường kính 80cm. Ảnh: V.Đ.T.

Anh Đặng Văn Thảo đang chặm sóc những chậu cúc có đường kính 80cm. Ảnh: V.Đ.T.

“Đợi đến đợt nụ cuối ra vào khoảng 20 - 25/11 âm lịch, đợt nụ này khi vừa ra chủ nhà vườn phải dùng móng tay khảy cho rụng hết, chỉ giữ lại nụ chính giữa. Cùng lúc, chủ nhà vườn dùng kéo cắt tỉa bớt những nụ ra đợt đầu tiên, mỗi chùm chỉ để lại 1 nụ. Làm như vậy đến khi xuất bán chậu cúc mới có hoa đồng đều”, anh Đặng Văn Thảo cho hay.

Cúc giống vừa khan hiếm, chất lượng lại kém

Theo những chủ nhà vườn trồng cúc bán Tết ở Bình Định, năm nay, hầu hết những người trồng cúc ở các địa phương trong tỉnh đều tăng số lượng trồng, nhiều người trồng tăng gấp đôi so với năm ngoái. Trong năm 2021, mặc dù dịch Covid-19 đang hoành hành, khi xuống giống cúc người trồng cứ thấp thỏm không biết bán có được không, bởi khi ấy nhiều địa phương còn phong tỏa để phòng, chống dịch.

Thế nhưng đến cuối năm dịch giã lắng xuống, các địa phương dỡ bỏ phong tỏa nên năm ngoái ai “cả gan” trồng cúc đều bán chạy như tôm tươi, trúng to. Chỉ tính riêng làng hoa Bình Lâm ở xã Phước Hòa (huyện Tuy Phước), năm 2021 người trồng cúc ở đây thu vào khoảng 6,2 tỷ đồng.

Năm nay, khắp nơi ào ạt trồng cúc, đã dẫn đến tình trạng khan hiếm giống. Giống hoa cúc trồng ở Bình Định hầu hết được mua từ Đà Lạt, chỉ một ít người trồng cúc mua giống của một nhà vườn ở xã Phước Hưng (huyện Tuy Phước). Năm ngoái, giống cúc đại đóa mua tại nhà vườn ở Đà Lạt có giá 230.000đ/thiên (1.000 cây), năm nay do số lượng trồng tăng nhiều quá nên giá giống cũng tăng theo, hiên lên đến 250.000 - 260.000đ/thiên.

Trồng cúc bán Tết tốn nhiều công phu mới có được chậu cúc đẹp. Ảnh: V.Đ.T.

Trồng cúc bán Tết tốn nhiều công phu mới có được chậu cúc đẹp. Ảnh: V.Đ.T.

Cúc giống tăng giá đã đành, chất lượng cũng giảm sút. Theo các nhà vườn, cúc giống năm nay kém chất lượng là do người trồng quá nhiều, các nhà vườn sản xuất giống ở Đà Lạt cung ứng không kịp nên phải nhổ sớm, cả những cây giống chưa kịp ra rễ vẫn được nhổ giao cho thương lái mang về cung cấp cho người trồng.

Nếu như trước đây, cây cúc giống ươm 10 ngày mới nhổ giao cho nhà vườn thì nay do hút giống quá nên mới 8 ngày nhà vườn đã nhổ. Do cây giống chưa đủ sức, nên khi người trồng nhận 10 cây giống thì chỉ có 7 cây đã ra rễ, 3 cây còn lại rễ mới sưng cùi. Những cây giống phần rễ mới sưng cùi trồng vào chậu mà nó ra rễ thì may, nó không ra nhà vườn cũng đành chịu.

Hiện nay, người trồng hoa cúc ở Bình Định không mua được giống trực tiếp từ các nhà vườn ở Đà Lạt mà phải mua qua thương lái làm trung gian. Khoảng tháng 3 tháng 4 hàng năm, người trồng cúc ở Bình Định đặt giống qua thương lái, thương lái tổng hợp tất cả các đơn hàng, sau đó đặt giống từ các nhà vườn ở Đà Lạt, trước vụ trồng mang về phân phối cho các nhà vườn.

Chị Nguyễn Thị Mến đang tưới 300 chậu cúc có đường kính 50cm đang đặt tại Cụm công nghiệp phường Bình Định (thị xã An Nhơn, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Chị Nguyễn Thị Mến tưới cho 300 chậu cúc có đường kính 50cm đang đặt tại Cụm công nghiệp phường Bình Định (Thị xã An Nhơn). Ảnh: V.Đ.T.

Năm nay, dù thị trường tiêu thụ hoa cúc vào dịp Tết Nguyên đán có nhiều hứa hẹn vì cuộc sống đã trở lại bình thường, kinh tế đã phục hồi, nhưng trước mắt người trồng vẫn còn nỗi lo mưa bão. Bởi, theo dự báo, từ tháng 10 - 11/2022, khu vực Trung Bộ và Nam Bộ dự báo lượng mưa cao hơn trung bình nhiều năm, cảnh báo nguy cơ cao xảy ra mưa lớn dồn dập. Mà trồng cúc sợ nhất là mưa bão, cúc đang lớn sởn sơ mà mưa bão ập về sẽ rũ rượi hết, nếu bị ngập lũ, cúc sẽ bị rụng hết các lớp lá chân. Nếu được cứu sống, cây cúc cũng sẽ bị rụng hết lá chân nên cũng chẳng ai mua, người trồng bị thiệt hại là cầm chắc.

“Bây giờ thấy thời tiết yên lành, bụng dạ người trồng cúc cũng an tâm. Nhưng sợ nhất là mùa mưa bão, khi ấy cây cúc đã sắp xuất bán mà bị gió bão quật ngã là người trồng kể như mất trắng, bao nhiêu vốn liếng, công sức tan theo mưa bão. Năm nay vợ chồng tôi vẫn trồng 300 chậu cúc có đường kính 50cm như mọi năm, nếu bình yên, cuối năm bán giá sỉ được khoảng 300.000đ/chậu, lấy công làm lời, sau khi trừ chi phí có thể kiếm được 150.000đ/chậu, nếu bị gió bão gây hại thì… công cốc!”, chị Nguyễn Thị Mến ở phường Bình Định (thị xã An Nhơn) vừa tưới cúc vừa chia sẻ lo lắng.

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.