| Hotline: 0983.970.780

Áp dụng canh tác lúa tiên tiến, lợi nhuận tăng 25%

Thứ Sáu 19/03/2021 , 11:08 (GMT+7)

Trong 5 năm qua, nông dân ở ĐBSCL đã bắt tay ứng dụng kỹ thuật canh tác lúa tiên tiến. Hiệu quả, lợi ích đạt được nhiều mặt, lợi nhuận tăng trên 25%.

Tiết giảm nhiều chi phí

Đề tài nghiên cứu khoa học “Gói kỹ thuật canh tác tiên tiến (CTTT) nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất (SX) lúa cho vùng ĐBSCL” do nhóm cán bộ nghiên cứu kỹ thuật canh tác lúa của Viện lúa ĐBSCL thực hiện, kết thúc vào tháng 10/2020 đã được Cục Trồng trọt công nhận là tiến bộ kỹ thuật.

Áp dụng kỹ thuật CTTT nhằm giảm chi phí SX, nâng cao hiệu quả SX lúa, làm gia tăng giá trị sản phẩm, giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH).

Cán bộ kỹ thuật cùng nông dân Sóc Trăng thực hiện mô hình kỹ thuật canh tác lúa tiên tiến. Ảnh: HĐ

Cán bộ kỹ thuật cùng nông dân Sóc Trăng thực hiện mô hình kỹ thuật canh tác lúa tiên tiến. Ảnh: HĐ

Gói kỹ thuật CTTT triển khai tại 4 tỉnh đại diện thuộc 4 tiểu vùng sinh thái canh tác lúa ở ĐBSCL gồm: An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng, có sự tham gia của nông dân và kết hợp với cán bộ kỹ thuật sở NN-PTNT.

Viện Lúa ĐBSCL áp dụng phương thức hợp tác, liên kết với các doanh nghiệp công ty gồm: Công ty Cổ phần BVTV An Giang, Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Cờ Đỏ, Công ty TNHH Trung An cùng thực hiện các mô hình triển khai trên diện rộng cánh đồng lớn.

Quá trình thực hiện, nhóm cán bộ kỹ thuật đã tiến hành đánh giá hiện trạng SX lúa tại vùng, tiểu vùng về chí phí, giá thành SX, lợi nhuận và đề xuất gói kỹ thuật mới trên cơ sở lựa chọn công nghệ phù hợp nhất đang có nhằm nâng cao lợi nhuận ít nhất 25%.

Có 9 mô hình/2 vụ/năm, quy mô khoảng 30 ha/ mô hình ứng dụng kỹ thuật CTTT, cụ thể giảm chi phí đầu tư, giảm lượng phân N, sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc 4 đúng, thuốc sinh học ít độc hại cho môi trường... và sử giống lúa cấp xác nhận góp phần nâng cao tỷ lệ sử dụng giống xác nhận cho toàn vùng lên 75% đến năm 2020. Bên cạnh đó, giảm lượng giống gieo sạ dưới 120 kg/ha, giảm phát thải khí nhà kính, ổn định năng suất lúa, tăng chất lượng nông sản, tăng thu nhập cho người trồng lúa.

Gói kỹ thuật CTTT chú trọng giải pháp kỹ thuật tưới nước tiết kiệm, nhất là ở các vùng đất trồng lúa có nguồn nước ngọt tưới chủ động cần chú ý đến phương pháp tưới khô - ngập xen kẽ. Cơ giới hóa SX, chế biến và bảo quản sau thu hoạch... nhằm giảm chi phí thu hoạch và thất thoát sau thu hoạch xuống dưới 10%, nâng cao chất lượng gạo và an toàn thực phẩm.

Kết quả, nông dân sử dụng giống lúa xác nhận và đã giảm lượng giống lúa từ 30-50% so với biện pháp canh tác cũ trước đây. Lượng nước tưới giảm khoảng hơn 10-30%, giảm chi phí phân bón, thuốc BVTV khoảng 20-30%. Thu hoạch vào giữa thân cây lúa, giảm thất thoát sau thu hoạch khoảng 10-14% so với tập quán canh tác cũ của nông dân. Năng suất lúa tăng lên từ 5-12% so với biện pháp canh tác cũ trên cả 4 vùng sinh thái.

Đến vụ lúa đông xuân 2019-2020, 3 doanh nghiệp là Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Cờ Đỏ, Công ty TNHH Trung An và Tập đoàn Lộc Trời đã mở rộng vùng SX trên 20.000 ha. Đây là bước khởi đầu phát động chương trình sản phẩm quốc gia, thông qua trình diễn qui trình CTTT lúa với các giống lúa thơm chất lượng cao như OM5479, OM249…

Lưu ý quản lí dịch hại

Về quản lý nước, vụ đông xuân và hè thu nếu được, nên áp dụng kỹ thuật tưới nước theo phương pháp khô - ngập xen kẽ. Quản lý dịch hại (cỏ dại, lúa cỏ, ốc, sâu bệnh hại), tuân thủ nguyên tắc 4 đúng, không phun thuốc định kỳ, ưu tiên sử dụng thuốc có nguồn gốc sinh học, thuốc hóa học nhóm có độc tính thấp, an toàn cho thiên địch và môi trường.

Áp dụng ruộng lúa bờ hoa để thu hút thiên địch đối với bờ lớn từ 1m trở lên. Ở giai đoạn đầu, khi áp lực dịch hại còn thấp sử dụng chế phẩm sinh học chứa vi sinh vật đối kháng phòng trị một số sâu bệnh như nấm xanh để trừ rầy nâu, xạ khuẩn, vi khuẩn trừ bệnh lúa.

Đến kỳ thu hoạch, thời điểm thu hoạch lúa vụ đông xuân và hè thu tối ưu nhất là khi lúa chín 85-90% bằng máy gặt đập liên hợp. Quy trình kỹ thuật CTTT sản xuất lúa cho các tiểu vùng sinh thái ở ĐBSCL là một quy trình động, cần được vận dụng linh hoạt theo tình hình thực tế đồng ruộng của từng địa phương, trong từng thời điểm và từng giống lúa cụ thể.

Những quy trình cơ bản

Ở ĐBSCL, quy trình kỹ thuật CTTT trong SX lúa là sự kế thừa từ các quy trình thâm canh tổng hợp, quy trình canh tác 3 giảm 3 tăng, quy trình 1 phải 5 giảm, kinh nghiệm của nông dân và kinh nghiệm của nhà quản lý.

TS Dương Hoàng Sơn, Trưởng phòng Khoa học và Hợp tác Quốc tế (Viện lúa ĐBSCL) tóm tắt một số kỹ thuật cơ bản CTTT lúa như sau: Trong khâu làm đất, sau vụ HT chuẩn bị vụ ĐX cần xới, trục đất để vùi gốc rạ, ngâm nước để phân hủy rơm rạ, chờ nước cạn bắt đầu gieo sạ.

Xây dựng mô hình ứng dụng gói kỹ thuật canh tác lúa tiên tiến. Ảnh: HĐ

Xây dựng mô hình ứng dụng gói kỹ thuật canh tác lúa tiên tiến. Ảnh: HĐ

Trước khi sạ, cần dọn sạch cỏ xung quanh bờ, rơm rạ, lúa chét và cỏ dại trên ruộng hoặc xử lý rơm rạ bằng chế phẩm Trichoderma sp., dùng máy xới tay trục và trạc lại cho bằng phẳng, đánh rãnh thoát nước giúp tháo nước ra cho đất thoáng khí. Ở vùng đất nhiễm mặn, nhiễm phèn cần rửa mặn, phèn triệt để bằng cách tận dụng nguồn nước mưa hoặc nước sông.

Vụ hè thu, trước khi sạ cần dọn sạch cỏ xung quanh bờ; rơm rạ, lúa chét và cỏ dại trên ruộng, xới đất, san phẳng, đánh rãnh thoát nước. Ở Khâu chuẩn bị đất, cần cày đất bằng máy độ sâu từ 15-20cm, phơi ải khoảng thời gian 15-30 ngày.

Trước khi cấy, sạ tháo nước cho đất thoáng khí, bón super lân giảm ngộ độc hữu cơ. Đối vùng đất nhiễm mặn, khi mặn dưới 1‰ có thể xuống giống, phải rửa mặn triệt để bằng cách tận dụng nguồn nước mưa hoặc nước sông (không có mặn), bón vôi. Vùng đất nhiễm phèn phải rửa phèn triệt để bằng cách tận dụng nguồn nước mưa hoặc nước sông (không có phèn), bón vôi, phân lân nung chảy. Vụ thu đông xử lý như vụ hè thu.

Về chọn giống lúa, sử dụng hạt giống cấp xác nhận. Đối với vùng nhiễm mặn, chọn các giống lúa có khả năng chịu mặn từ 2-4‰, năng suất cao, phẩm chất tốt, chống chịu với một số sâu bệnh chính và có phẩm chất gạo tốt đủ tiêu chuẩn xuất khẩu như OM4900, OM9921, OM9915, OM429.

Vùng đất phù sa ngọt 2 vụ lúa/năm nên chọn các giống chống chịu sâu bệnh, chọn giống có năng suất cao, chất lượng tốt như OM7347, OM5451, OM18...

Vùng đất phù sa ngọt trồng 3 vụ lúa/ năm nên chọn các giống chống chịu sâu bệnh, chọn giống năng suất cao, chất lượng tốt như IR50404, OM7347, OM5451, OM18... Trên  vùng nhiễm phèn chọn giống chịu phèn, chống chịu sâu bệnh, chọn giống lúa có năng suất cao, phẩm chất tốt như OM7347, OM5451, OM9582, OM18, OM6976...

Về xử lý hạt giống, trước khi ngâm ủ phơi hạt giống khoảng 2-3 giờ và thử độ nảy mầm, xử lý hạt giống với nước muối 15% khoảng 10-15 phút, sau đó rửa nhiều lần bằng nước sạch. Hạt giống mới thu hoạch muốn gieo ngay cần phá miên trạng để tăng độ nảy mầm dùng axít nitric 0,2%.

Quy trình kỹ thuật ứng dụng phương thức sạ hàng hoặc sạ lan, mật độ sạ tùy theo từng vụ, điều kiện sinh thái đất, thời tiết và tùy từng nhóm giống nên áp dụng giảm lượng giống từ 80-100kg/ha cho phương pháp sạ hàng, sạ máy. Chăm sóc sau sạ, quản lý tốt nước trên ruộng, dùng dụng cụ làm cỏ sục bùn, hoặc thuốc diệt cỏ. Chăm sóc, cấy dặm lại những nơi lúa lên không đều.

Về phân bón, vụ đông xuân, bón phân cho vùng ngọt cơ cấu 3 vụ lúa/năm theo cơ cấu 100-110 kg N + 40 kg P2O5 + 30 kg K2O; cho vùng ngọt cơ cấu 2 vụ lúa/năm theo cơ cấu 90 kg N + 40 kg P2O5 + 30 kg K2O. Bón phân cho vùng nhiễm phèn, cơ cấu 2 vụ lúa/năm trên 1 ha: 95-100 kg N + 40 kg P2O5 + 30 kg K2O; cho vùng đất phèn nhiễm mặn trên 1 ha: 100 kg N + 40 kg P2O5 + 30 kg K2O.

Trong vụ hè thu, bón phân cho vùng ngọt cơ cấu 3 vụ lúa/năm trên 1 ha vụ Xuân Hè/HT sớm: 90-100 kg N + 50 kg P2O5 + 40 kg K2O; vùng ngọt cơ cấu 2 vụ lúa/năm trên 1 ha: 80 kg N + 40 kg P2O5 + 30 kg K2O.

Bón phân cho vùng nhiễm phèn, cơ cấu 2 vụ lúa/năm trên 1ha: 90 kg N + 50 kg P2O5 + 30 kg K2O; vùng đất phèn nhiễm mặn trên 1 ha: 80 kg N + 40 kg P2O5 + 30 kg K2O. Vụ Thu Đông bón phân cho vùng ngọt cơ cấu 3 vụ lúa/năm cho 1 ha: 80-90 kg N + 50 kg P2O5 + 40 kg K2O.

Điều cần lưu ý, nên bón lót phân hữu cơ để cải tạo đất, lượng bón 400-500 kg/ha, nhưng giảm lượng phân NPK từ 20-30%. Vùng đất nhiễm mặn, vùng đất nhiễm phèn nên bón vôi cải tạo đất cùng với khi xới đất, lượng vôi bón từ 300-500 kg/ha. Vùng phèn nên áp dụng phân lân nung chảy.

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Doanh nghiệp đầu tiên công bố sản xuất cà phê tuân thủ EUDR

ĐẮK LẮK Simexco DakLak đã được cấp chứng nhận tuân thủ EUDR cho 4.957 nông dân với diện tích 5.375ha trong vùng liên kết.

Bình luận mới nhất