| Hotline: 0983.970.780

Lạng Sơn thu hồi 18ha đất lúa không báo cáo Thủ tướng:

Ba lần mất đất sản xuất cho ba dự án, nông dân sống bằng gì?

Thứ Tư 24/08/2022 , 10:06 (GMT+7)

Người dân xã Mai Pha kể rằng họ mất đất cho nhiều dự án của Lạng Sơn, song đến nay, chưa ai được tạo công ăn việc làm mới....

du-an-khu-do-thi-moi-mai-pha

Bà Hoàng Thị Kim, thôn Rọ Phải, xã Mai Pha, bần thần bên ruộng ngô của gia đình khác. Bà Kim không còn đất vườn để canh tác vì bị thu hồi trong Dự án Khu đô thị mới Mai Pha, tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: Văn Việt.

Mất đất sản xuất, nông dân trông vào đâu?

Bị UBND TP. Lạng Sơn cưỡng chế gần 1.500m2 vườn hôm 16/5, bà Hoàng Thị Kim, thôn Rọ Phải, xã Mai Pha, tức ứa nước mắt mỗi khi kể về những việc xảy ra :“Lúc đó ruộng dưa hấu của tôi đang ra hoa, sắp cho thu hoạch. Mặt khác, vườn nhà tôi thuộc diện thi công trong giai đoạn 3, không hiểu sao TP. Lạng Sơn cưỡng chế trước. Ba tháng nay, tôi không còn tấc đất nào để canh tác”, bà Kim nói.

Người phụ nữ dân tộc Nùng nhiều lần khóc nghẹn trong cuộc trao đổi với PV Báo Nông nghiệp Việt Nam. Bà nhẩm tính, mỗi vụ dưa lãi 40 triệu, mà chỉ cần khoảng 3 tháng để thu hoạch. Sau dưa, bà Kim sẽ trồng ngô ngọt độ hai tháng rưỡi, thấp nhất cũng lãi 15 triệu. Tiếp đến, sẽ là các loại rau như cải, su hào... thu hoạch rải rác đến tháng Giêng. Tuy lãi ít hơn, nhưng rau cũng mang về cho bà Kim tầm 10 triệu.Đầu tháng 2, bà Kim sẽ lại trồng dưa hấu. Cứ thế quay vòng, dù không dư dả, nhưng bà Kim cũng đủ sống.

Ở cái tuổi 64, rất khó để bà Kim tìm được việc gì khác ngoài làm vườn, làm ruộng thuê.

Đây là lần thứ 3, gia đình bà Kim bị mất đất cho các dự án ở Lạng Sơn. Trước đó là dự án Khu A tái định cư 1 Mai Pha, và Khu tái định cư Nam thành phố Lạng Sơn.  Lần này, bà Kim không còn mét đất nào để canh tác.

Ba tháng qua, người phụ nữ không chồng, không con, trông chờ vào khoản tiết kiệm còm cõi, và sự cưu mang của chị em ruột.

khu-do-thi-moi-mai-pha

Bà Hoàng Thị Cừu, có hai anh trai là Liệt sỹ hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ. Nếu dự án Khu đô thị mới Mai Pha được triển khai, bà Cừu sẽ mất khoảng 3.000m2 đất nông nghiệp. Ảnh: Văn Việt.

Chưa ai được tạo công ăn việc làm

Nhiều người dân xã Mai Pha bức xúc kể rằng không chỉ nhà bà Kim, mà họ cũng mất đất cho nhiều dự án của Lạng Sơn, song đến nay, chưa ai được tạo công ăn việc làm mới. Nói đúng ra, chỉ có 1 trường hợp là anh Hoàng Anh Vũ, con trai ông Hoàng Văn Léo, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Mai Pha là được vào làm Bí thư Đoàn Thanh niên xã này được 2 năm. Sau đó, anh Vũ lại phải xuống Hà Nội làm thuê, vì chưa được kết nạp Đảng.

“Người ta trẻ, đi làm thuê được, phụ nữ chúng tôi ngoài 60 còn đi đâu được mấy. Lấy sạch vườn, rồi đền bù có vài chục nghìn đồng một mét vuông, thử hỏi mấy vị cán bộ nếu là chúng tôi, họ sống ra sao”, bà Hoàng Thị Cừu, chị ruột bà Kim, bức xúc.

Ở tuổi 67, bà Cừu may mắn hơn em gái, vì còn có chồng con và đồng lương hưu giáo viên. Bà Cừu cũng còn 1.700m2 đất lúa và 1.200m2 đất vườn. Song số đất này sớm muộn cũng sẽ bị thu hồi, nếu UBND tỉnh Lạng Sơn vẫn làm dự án Khu đô thị Mai Pha, vốn thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng.

Về số người được tạo công ăn việc làm ở xã Mai Pha, chúng tôi đã liên hệ với bà Lương Thị Hiền, Chủ tịch UBND xã này, song chưa nhận được hồi âm.

Đưa chúng tôi ra vườn, bà Kim mô tả mảnh vườn bằng hình ảnh “như bị đánh bom”. Thực tế, không hiểu do vô tình hay cố ý, mảnh vườn của bà bị đào nhiều hố sâu gần 1m. Vườn bỏ không, cỏ dại mọc đầy, nông dân thì không thể canh tác.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ ngày UBND tỉnh Lạng Sơn tổ chức họp báo, thừa nhận có sai sót trong dự án Khu đô thị mới Mai Pha của liên danh Hải Phát&Hà Sơn, đơn vị này chưa có buổi gặp hay cuộc họp mặt nào xin lỗi dân.

Thân nhân liệt sỹ nói về việc cưỡng chế đất tại Dự án Khu đô thị mới Mai Pha.

Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn chỉ đạo tạm dừng dự án, giao công an điều tra. Song có một điều cần làm rõ thêm, một dự án không thuộc thẩm quyền của tỉnh mà vẫn cưỡng chế, nông dân mất đất canh tác mấy tháng trời, thì thiệt hại đó sẽ được đền bù thế nào?

Đưa Chính phủ vào thế "sự đã rồi”

Theo tìm hiểu của PV, UBND tỉnh Lạng Sơn từng có ít nhất 1 tiền lệ đưa Chính phủ vào “thế đã rồi” khi thu hồi hơn 10ha đất lúa mà không báo cáo. Điều đó thể hiện tại Hợp đồng thực hiện đầu tư dự án Khu đô thị mới Hữu Lũng, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn, được ký năm 2019 giữa tỉnh  và Công ty CP Trường Thịnh Phát, tổng diện tích dự án 52,3ha, trong đó đất lúa là 13,97ha. Mọi việc diễn ra tương tự dự án ở Mai Pha, sau khi triển khai dự án thì “bất ngờ” phát hiện diện tích đất lúa lớn hơn 10ha, thuộc diện phải báo cáo Thủ tướng.

Ba năm sau ngày ký hợp đồng, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ký văn bản số 408/TTg-NN về việc chấp thuận cho UBND tỉnh Lạng Sơn thực hiện dự án. Trong văn bản nêu rõ: UBND tỉnh Lạng Sơn chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật, trước Thủ tướng về việc quyết định thực hiện dự án, và việc tổ chức thực hiện dự án theo quy định của pháp luật đất đai. Cùng với “công thức” này, tỉnh Lạng Sơn bê nguyên hợp đồng của Hữu Lũng “lắp” vào hợp đồng ở Mai Pha, chỉ thay vài số liệu. Điều đó dẫn đến lùm xùm hồi tháng 4/2020, khi báo giới phát hiện ra hợp đồng của tỉnh ký với liên danh Hải Phát&Hà Sơn về thực hiện dự án ở Mai Pha, song nội dung lại ghi là ở Hữu Lũng. Phải chăng với tiền lệ “thống kê nhầm diện tích đất lúa”, tổ chức thu hồi đất giá rẻ, giao cho doanh nghiệp phân lô bán nền, rồi hợp thức hóa sau khi báo cáo Thủ tướng, nên UBND tỉnh Lạng Sơn đã tự tin, sẵn sàng vượt thẩm quyền?

Chuyển đổi gần 400ha đất lúa ở TP. Lạng Sơn

Trong khi mọi việc ở Mai Pha còn chờ kết luận của Cơ quan Công an, và kết luận của tỉnh ủy, thì TP. Lạng Sơn hôm 01/8 vừa qua lại có tờ trình đề nghị chuyển đổi 394,33ha đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp.

Cụ thể, tại tờ trình số 151/TTr-UBND, chính quyền TP. Lạng Sơn đề nghị chuyển đổi tổng cộng 394,33ha đất lúa, trong đó có 365,22ha đất chuyên trồng lúa nước, sang đất phi nông nghiệp.

Tờ trình này thậm chí còn khẳng định: Việc lập dự án đầu tư Khu đô thị mới Mai Pha là “đảm bảo các quy định của pháp luật”; Các cơ quan chức năng đã rà soát, thẩm định nhu cầu sử dụng đất của các công trình, dự án, đảm bảo phương án sử dụng đất tiết kiệm, có hiệu quả và đảm bảo chỉ tiêu sử dụng đất đã được xét duyệt; đảm bảo tính khả thi của các công trình, dự án trên thực tế và các quy định pháp luật có liên quan.

Tuyệt nhiên không thấy văn bản này nhắc đến quyền lợi của những nông dân mất đất, hoặc lý giải pháp luật nào cho phép “vượt quyền” Thủ tướng?

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nhiều bến xe 'bỏ thì thương, vương thì tội'

Tiền Giang Trong thời gian dài, bến xe thị xã Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) rất ít phương tiện ra vào đón khách, bốc dỡ hàng hóa, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.