| Hotline: 0983.970.780

Bắc Kạn - "vàng tặc" náo loạn

Thứ Năm 08/04/2010 , 15:15 (GMT+7)

Từ đầu năm 2009 đến nay, "vàng tặc" tại Bắc Kạn đông lên chưa từng có. Họ có mặt tại khắp những nơi có vàng ở 2 huyện Na Rì và Ngân Sơn. Họ đào bới tìm kiếm vàng giữa thanh thiên bạch nhật, mặc cho nơi đó là “bờ xôi ruộng mật" hay rừng sâu núi thẳm.

Từ đầu năm 2009 đến nay, "vàng tặc" tại Bắc Kạn đông lên chưa từng có. Họ có mặt tại khắp những nơi có vàng ở 2 huyện Na Rì và Ngân Sơn. Họ đào bới tìm kiếm vàng giữa thanh thiên bạch nhật, mặc cho nơi đó là “bờ xôi ruộng mật" hay rừng sâu núi thẳm. Vàng tặc tổ chức khai thác chẳng khác gì được cấp mỏ.

>> Đào cả làng lên lấy quặng

Phá rừng tìm vàng

Đội những cơn mưa nhẹ của ngày đầu tháng 4, trong vai người đi tìm chỗ làm vàng trong khu BTTN Kim Hỷ, chúng tôi thuê một người dân có tên là Q, xã Lạng San, huyện Na Rì dẫn đường. Sau 2 tiếng băng qua khu rừng toàn lá han, trèo qua cả chục con dốc đá tai bèo nhọn hoắt, các lũng khai thác vàng sa khoáng trong khu bảo tồn Kim Hỷ hiện ra như đại công trường khai thác. Tiếng động cơ bơm nước, máy nghiền, sàng tuyển...gầm rú vang trời. Nước đục đỏ chảy xuống các lũng thành những đám ruộng bùn lầy thụt. 

Bể chứa hoá chất lọc vàng tại khu bảo tồn Kim Hỷ huyện Na Rì

Tại các lũng như Lũng Phấy, Phúng Eng, Lũng Phúng Cải (xã Lương Thượng), hàng chục lán làm vàng được quây bằng bạt, sàn được trải bằng gỗ nghiến rất chắc chắn, bếp núc hoàn chỉnh. Có lẽ do nhiều người qua lại, mặt đá trên những đường mòn nơi rừng sâu này đã mòn nhẵn, các bãi đất thải gần mỗi cửa lò cao ngất, các ao ngâm hoá chất lọc vàng được đắp kiên cố, hệ thống dây điện từ máy phát đến từng lán được chăng rất gọn đẹp, anh bạn dẫn đường cho biết thêm, người đào vàng phần lớn từ các tỉnh khác tới, đã làm ở đây được hơn 1 năm rồi, mỗi lán có hơn chục người làm theo hướng góp sức ăn chia, nên lán trại cũng rất qui mô, có những lán hầu hết là những con nghiện đã bỏ quê lên lũng bãi dặt dẹo kiếm cơm, mấy ngày Tết Canh Dần vừa qua họ cũng chẳng về quê.

Tiếp cuộc hành trình, chúng tôi vượt qua dốc đá đến các Lũng Chậu, Lũng Cốc Pha, Lũng Rảo…của xã Kim Hỷ. Tại các lũng này, người làm vàng cũng thoả sức tuyển rửa, tiếng máy nổ vang nhức óc, dòng nước đục cứ thế chảy tràn ra các khe núi. Anh Tuấn, thôn Kim Vân, xã Kim Hỷ cho biết, ngày nông nhàn những năm trước, người dân địa phương đeo máng gỗ vào rừng đào đãi, kiếm được ít vàng, bán được mấy trăm nghìn đồng tiền mua rau cỏ và tiền học cho con lại về nhà. Khi bí tiền lắm mới làm liều vào khai thác, lúc đông nhất cũng chỉ vài chục người, bây giờ đến vài trăm người trong núi, người làm vàng từ nhiều nơi đến, lán trại cứ dựng lên thành các xóm làm vàng, khiến đất đá bị bới tung tìm vàng, nhiều cây rừng đã bị chặt hạ làm lán trại, chất đốt.

Tan tác bờ xôi ruộng mật

Vật lộn với chiếc xe máy hơn 100km đường đèo núi quanh co, chúng tôi đến dòng suối vàng sa khoáng tại huyện Ngân Sơn. Lần theo một người bản địa dẫn đường, tôi mất gần 2 giờ cuốc bộ tắt theo sườn núi, dòng suối nhỏ dài gần 5km chảy qua cánh đồng các thôn: Nà Y, Bản Slành, Nà Pài, Hang Slậu...xã Thượng Quan hiện ra với những hang hố nham nhở, đỏ au màu đất mới. 

Vàng tặc đang lắp sàng tuyển tại thôn Nà Chúa xã Thuần Mang huyện Ngân Sơn

Các lán trại tạm bợ dựng ngay bên moong khai thác. Nhiều chỗ đã đào hết vàng, để lại đống đất lổn nhổn, người đào vàng đã di chuyển đi nơi khác, các thửa ruộng xưa là hố nước sâu hơn chục mét. Anh Chiến (người làm vàng) quê ở Thái Nguyên cho biết, trước đây dọc theo dòng suối Nà Y này là những thửa ruộng trồng lúa, chỗ cao thì trồng ngô. Các bưởng vàng đến xin đào ăn chia với các chủ đất theo hình thức người góp đất, người bỏ tiền đầu tư khai thác, được vàng thì chia đôi, thửa nào ít vàng thì ăn chia theo tỷ lệ 70 và 30. Tức người đầu tư được hưởng 70%, còn người có đất vàng hưởng 30%. Chỗ nào đào xong mà được vàng thì chủ nhà bỏ tiền ra để tự hoàn thổ, chỗ nào được ít vàng hay bị thua lỗ thì đành bỏ hoang, chính vì vậy hầu hết các thửa ruộng dọc theo suối Nà Y hiện đang bỏ hoang.

Một điều trùng lặp khó hiểu là từ khi Bắc Kạn ban hành quyết định số 2758/2008/QĐ-UBND, ngày 25/12/2008 về việc ưu tiên xem xét cấp mỏ vàng cho các DN đầu tư vào lĩnh vực du lịch tại tỉnh Bắc Kạn, cũng là lúc "vàng tặc" khắp nơi kéo đến Bắc Kạn khai thác. Việc khai thác vàng trái phép không còn ở mức độ thủ công, mà sử dụng cả phương tiện hiện đại như ô tô, máy xúc, máy bơm nước công suất lớn và cả sàng tuyển vàng theo qui mô công nghiệp.

Ông Doanh Thiêm Huy, Phó Chủ tịch UBND xã Thượng Ân cho hay, dọc bờ suối Nà Y có vài ha ruộng 2 vụ lúa và nhiều ha soi bãi trồng ngô, đậu tương đã bị đào phá để tìm vàng. Chỗ nào lấy xong vàng, đất ở đó đành bỏ hoang vì không thể trồng cấy loại cây gì, bởi ruộng biến thành bãi sỏi đá.

Bà Nông Thị Bì, thôn Bó Khiếu vì muốn mau đổi đời nên nghe theo vàng tặc, giữa tháng 5/2009, bà đồng ý cho họ đưa máy xúc vào đào ruộng tìm vàng. Lúc chia nhau bà được có mấy chỉ vàng, trong khi 2.000m2 ruộng lúa và hơn 1ha soi bãi trồng ngô để trồng ngô đã giúp nhà bà duy trì cuộc sống nhiều năm, nay biến thành bãi đất đá hoang hoá. Giờ bà rơi vào cảnh không còn đất sản xuất, vàng đã bán đi ăn hết rồi, phía trước sẽ lại là chuỗi ngày thiếu đói. Còn dọc theo bờ suối của thôn Khuổi Nộc xã Lương Thượng huyện Na Rì, các hoạt động khai thác cũng được diễn ra công khai suốt ngày đêm, khiến các bãi soi trồng ngô, lúa cũng bị đào bới lấy vàng để lại toàn là bãi sỏi đá.

Xem thêm
4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Thừa nắng, thiếu mưa, cả nước chuẩn bị đón mùa hè rực lửa

Nhiệt độ và nắng nóng thời điểm tháng 5/2024 trên phạm vi toàn quốc trung bình phổ biến cao hơn từ 1-2 độ C; tháng 6/2024, cao hơn từ 0,5-1,5 độ C.

Bình luận mới nhất