| Hotline: 0983.970.780

Đào cả làng lên lấy quặng

Thứ Tư 07/04/2010 , 09:45 (GMT+7)

Không chỉ để xảy ra nạn phá rừng ồ ạt, tại một số tỉnh miền núi phía Bắc nạn khai thác khoáng sản trái phép cũng đang diễn ra rầm rộ. Kết thúc loạt bài xẻ thịt rừng Bắc Kạn, nhóm PV NNVN tiếp tục thâm nhập vào những lò khai thác quặng trái phép tại một số tỉnh...

Không chỉ để xảy ra nạn phá rừng ồ ạt, tại một số tỉnh miền núi phía Bắc nạn khai thác khoáng sản trái phép cũng đang diễn ra rầm rộ. Kết thúc loạt bài xẻ thịt rừng Bắc Kạn, nhóm PV NNVN tiếp tục thâm nhập vào những lò khai thác quặng trái phép tại một số tỉnh...

THỢ BẬC 7... KHÔNG CHUYÊN

Giáp Tết Nguyên đán Canh Dần, tôi theo một anh bạn sống gần xóm Kim Cương thâm nhập tìm hiểu tình trạng khai thác quặng sắt trái phép. Xe máy vừa đến đầu xóm thì anh bạn bấm vai nói nhỏ: “Hỏng rồi ông ạ! Anh em mình bị lộ rồi”. Anh ta giải thích rằng, gã đàn ông dựng xe máy đứng đầu làng vừa gọi điện thoại, vừa xăm soi nhìn chúng tôi thực ra là “trinh sát”. Như vậy bất kể một người lạ nào vào làng đều bị để ý, bị “quay phim” đến từng hành động nhỏ nhất. Ngay sau đó, thông tin sẽ được loan truyền đi cả xóm, cả xã y như hệ thống truyền tin của ngành tình báo.

Sau vài chục phút người dân sẽ rút êm, tất cả các khu vực đang có hoạt động đào bới quặng sắt đều... đông cứng. Không kẻng, không hiệu lệnh nhưng lao động trên “công trường” đồng loạt nghỉ tay. Chúng tôi đi một vòng quanh xóm Kim Cương. Chỗ nào cũng nham nhở những hố đào. Hố đào cũ mới có cả, hố ngoài đường đi, hố trong vườn nhà, hố dưới ruộng... Chỗ nào cũng có những bao tải đựng quặng xếp thành đống chờ đầu nậu đến thu mua. 

Đào cả làng lên lấy quặng

Trên một miệng hố với vết đào khoét còn tươi rói, có 3 người phụ nữ đang đọc báo cho nhau nghe. Sự xuất hiện của người lạ có vẻ làm họ bực mình nên dù đang giao tiếp với nhau nhưng ý tứ thì họ như muốn chọc giận chúng tôi. Ở một đám khác, mấy nam thanh niên tỏ ra bất cần nên không thèm thu dọn cuốc xẻng. Nỗ lực tiếp cận của tôi bất thành bởi những câu trả lời không có thông tin. Không lâu sau bắt đầu xuất hiện những câu trả lời xẵng giọng, những cái nhìn hình “viên đạn”. Buổi đột kích thứ nhất không hiệu quả, chúng tôi đi ra khỏi xóm Kim Cương cũng với một thái độ cảnh giác cao độ y như lúc vào.

Hết “tháng ăn chơi”, tôi cùng một đồng nghiệp quay lại Kim Cương trong vai những người đi mua quặng. Chiếc Jiulong là phương tiện tác nghiệp kín đáo hơn xe máy. Hiệu quả thực sự, hiếm ai ngờ đó là xe chở nhà báo. Sự nghi ngại được xóa bỏ, tôi đã qua được hàng rào “bảo vệ”, lọt vào làng “quặng tặc”. Điểm đến đầu tiên là khu vườn rộng 3 sào của một hộ dân. Vườn được xây bao quanh bằng tường gạch cao lút đầu người, đứng ngoài không thể nhìn thấy gì. Cánh cổng sắt rộng vừa cho cả chiếc xe tải lớn lọt qua đóng kín, trên cánh cổng ghi 2 chữ lớn: “Cấm mở”. Từ trên ca bin xe ô tô, anh bạn đồng nghiệp vừa chĩa máy quay xuống vườn thì có tiếng hô lớn: “Công an chúng mày ơi!”.

Chúng tôi vẫn kịp thu vào ống kính hình ảnh 5 nam thanh niên đang hì hục đào bới phía trong bờ tường. Không thể gọi là vườn được nữa, vì nhìn vào trong thì nó là một ao quặng rồi. Trên đường cuống quýt "tháo chạy" trở ra, chúng tôi ghi thêm được hình ảnh tan hoang của xóm Kim Cương. Đồi vườn, ruộng, ao, thậm chí cả cổng ngõ, sân hè... tất cả đều bị băm vằm nham nhở, gặm nhấm đến nát bươm. Khi tiếp tục hỏi mua quặng, một vài người dân đã chỉ cho chúng tôi tìm đến những địa chỉ lớn như con cháu nhà ông Hoàng Văn Tài, Hoàng Văn Cang hoặc anh em nhà ông Nguyễn Công Ninh, Nguyễn Công Thơ và Nguyễn Công Súy. Ấy là tên những nhà thường xuyên thu gom được nhiều. Còn hơn 80 hộ dân của xóm đều là thợ đào lò... bậc 7 cả. Nhiều nhà còn thuê cả máy xúc về đào cho tăng năng suất.

CÀNG PHẠT CÀNG ĐÀO

Tùy theo mức giá lên xuống, một tạ quặng thường bán được 30 - 40 ngàn đồng. Vì Kim Cương là điểm mỏ lộ thiên nên một người có thể kiếm được 2 - 3 tạ quặng mỗi ngày. Ông Bàn Tài Tiên - Chủ tịch UBND xã Cây Thị cho biết, quặng sắt ở Kim Cương khai thác đến đâu bán hết luôn đến đó. Đầu nậu thu mua quặng chủ yếu đi xe máy từ Xuân Lương (Yên Thế, Bắc Giang) sang rồi đem bán qua Trung Quốc. Biết vậy nhưng việc chấm dứt khai thác và vận chuyển trái phép nguồn tài nguyên này nhiều năm rồi vẫn chưa tìm được cách khống chế triệt để.

Đã không ít lần, Phòng TN-MT huyện, UBND xã và Mỏ sắt Trại Cau (đơn vị được cấp phép khai thác điểm mỏ Kim Cương) phối hợp tổ chức truy quét, tịch thu quặng tập kết để bán cho thương lái. Thật trớ trêu là cứ sau mỗi lần truy quét, sau mỗi lần xử phạt hành chính thì người dân lại càng đào hăng hơn. Càng phạt càng đào, thậm chí không phạt thì còn đào lén lút. Phạt thì đào công khai, không úp mở nữa. Ông Tiên nói: “Dân họ có suy nghĩ đơn giản là phạt rồi thì cho đào thoải mái”. Không chỉ dân, cán bộ cũng có suy nghĩ ấy. Một vài đảng viên cũng tấp tểnh về xui vợ con đi đào quặng để... cải thiện kinh tế gia đình. Mà đảng viên đi trước, ắt làng nước... phải theo thôi.

Điều trăn trở hơn cả là những người dân sau khi đã đào cả làng của mình lên để lấy hết quặng thì tới đây họ sẽ canh tác cái gì trên bãi "chiến trường" do chính bàn tay mình gây ra? Hình như trong lúc đang hăng máu đào quặng như bây giờ ít ai để ý việc trả lời câu hỏi đó.

Ông Mạc Đăng Niên - GĐ Mỏ sắt Trại Cau cho biết, điểm mỏ Kim Cương là một trong 9 điểm mỏ của vùng quặng sắt Trại Cau đã được giao cho Cty Gang thép Thái Nguyên mà cụ thể là mỏ Trại Cau quản lý. Theo thăm dò địa chất thì điểm mỏ Kim Cương có 9,9 vạn tấn quặng sắt. Đáng lưu ý là quặng sắt Kim Cương có hàm lượng sắt cao hơn hẳn quặng tại các điểm mỏ khác (quặng manhêtit với 60% sắt). Quặng ở đây lộ thiên gần như hoàn toàn (có người gọi vui là quặng... khỏa thân), dễ lấy, bán lại được giá cao nên dân khai thác rất... mê.

Trả lời câu hỏi đến khi nào thì Mỏ sắt Trại Cau khai thác tại điểm mỏ Kim Cương, ông Niên chán nản trả lời nửa vời rằng, họ lấy quặng bao nhiêu năm nay rồi thì làm gì còn mà khai thác nữa. Mặc dù vậy, với chức năng là đơn vị phối hợp trong gìn giữ tài nguyên, vừa qua mỏ đã cùng với chính quyền tổ chức cho các hộ dân ký cam kết không khai thác quặng trái phép và lập chốt kiểm soát ở khu vực đầu xóm Kim Cương. Xem ra việc làm trên đã quá muộn nếu không muốn nói là vô nghĩa, mang tính hình thức. 

Xem thêm
Phú Thọ dự kiến giảm 48 đơn vị hành chính cấp xã

Trong giai đoạn 2023-2025 tỉnh Phú Thọ dự kiến sắp xếp 80 đơn vị hành chính cấp xã để thành lập 32 đơn vị hành chính, sau sắp xếp giảm 48 đơn vị.

Chia nước theo thứ tự ưu tiên

Do nắng hạn kéo dài, không có mưa đã khiến các hồ đập cạn kiệt nguồn nước, tỉnh Bình Thuận dự kiến sẽ cắt giảm hơn 15.000ha lúa trong vụ hè thu tới.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hơn 300 cơ sở ở Thái Nguyên vi phạm quy định vệ sinh an toàn thực phẩm

Qua công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm, tỉnh Thái Nguyên đã phát hiện hơn 320 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh vi phạm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Bình luận mới nhất