Ông Long Minh Giám, Chủ tịch UBND xã Hiệp Lực cho biết, do địa hình của xã chia cắt, chủ yếu đồi núi, người dân muốn làm nhà phải san gạt chân đồi, khi múc đất tạo mặt bằng không đánh giá đúng mức độ nguy hiểm. Do nguồn lực kinh tế còn hạn chế, khi đào đắp mặt bằng để làm nhà ở người dân thường không hạ taluy dương phía sau thành nhiều cấp nên mái taluy thường thẳng đứng, rất dễ sạt lở khi có mưa nhiều ngày liên tục.
Trong khi đó, việc cảnh báo nguy cơ sạt lở gặp khó khăn, chính quyền xã không đủ chuyên môn để cảnh báo sớm. Khi có mưa lớn xã chỉ cảnh báo chung, những ngôi nhà nào thuộc diện nguy cơ cao sẽ di dời người dân. Tuy nhiên, sạt lở đất thường diễn ra vào ban đêm nên rất khó ứng phó.
Để đảm bảo an toàn cho người dân sống trong vùng nguy cơ sạt lở, giai đoạn từ năm 2015 đến 2025, tỉnh Bắc Kạn đã quy hoạch 79 dự án, bố trí ổn định dân cư cho 2.600 hộ. Tuy nhiên, do nguồn lực hạn chế, địa phương này mới bố trí được khoảng 150 tỉ đồng xây dựng 8 dự án bố trí dân cư tập trung, 5 phương án bố trí dân cư xen ghép, ổn định chỗ ở cho hơn 300 hộ dân.
Theo ông Nguyễn Trọng Uyên - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bắc Kạn, hàng năm Sở phối hợp với các địa phương rà soát, đánh giá nguy cơ sạt lở, đồng thời cũng có cảnh báo đến người dân làm sao chủ động trước mọi tình huống.
Trước nguy cơ sạt lở cao, tỉnh Bắc Kạn từng bước khắc phục bằng cách lồng ghép nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia để di dời người dân ra khỏi những vị trí nguy cơ sạt lở cao. Hiện nay tỉnh chủ yếu thực hiện bằng hình thức bố trí nơi ở xen ghép cùng các khu dân cư. Từ nguồn lực Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2021 -2025, tỉnh Bắc Kạn đã lồng ghép di dời được 28 nhà và chuẩn bị di dời 20 hộ thuộc diện đặc biệt khó khăn tại xã Cổ Linh (huyện Pác Nặm), tiếp tục di dời 13 hộ tại xã Yên Cư (huyện Chợ Mới). Bên cạnh đó các địa phương trong tỉnh cũng đã bố trí chỗ ở xen ghép cho 37 hộ tại các huyện Ba Bể, Pác Nặm và Ngân Sơn.
Hiện toàn tỉnh có 384 điểm với khoảng 2.000 hộ có nguy cơ hứng chịu sạt lở đất đá, trong đó huyện Ba Bể 310 hộ, Chợ Đồn 276 hộ, Chợ Mới hơn 300 hộ, Pác Nặm hơn 370 hộ, Na Rì 284 hộ, Bạch Thông 155 hộ, thành phố Bắc Kạn 198 hộ.
Để di dời toàn bộ những hộ thuộc diện nguy cơ sạt lở cao này cần nguồn lực rất lớn, trong khi Bắc Kạn là địa phương còn nhiều khó khăn, nguồn thu ngân sách thấp nhất cả nước. Trong thời gian ngắn khó di dời đồng loạt, tỉnh Bắc Kạn đang ưu tiên bố trí chỗ ở an toàn cho các hộ thuộc diện cấp bách, vùng đang xảy ra sạt lở.
Về lâu dài, chính quyền địa phương cần quan tâm quản lý việc san ủi để tạo mặt bằng, tuyên truyền đến người dân san ủi, tạo mặt bằng phải đảm bảo an toàn và hướng dẫn người dân thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về đất đai trong xây dựng công trình. Đồng thời, các địa phương cũng cần quản lý chặt chẽ công tác xây dựng tại các vị trí có nguy cơ sạt lở, tuyệt đối không cho phép xây dựng các công trình ở các vị trí có nguy cơ sạt lở cao.
Trước mắt, vào đầu mùa mưa, tỉnh Bắc Kạn yêu cầu triển khai lực lượng thường xuyên kiểm tra, rà soát, nắm bắt các khu dân cư ven sông, suối, khu vực trũng, có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất để chủ động di dời, sơ tán khi có tình huống thiên tai xảy ra.
Ngoài ra, tỉnh Bắc Kạn yêu cầu các địa phương tuyên truyền, hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng Vrain trên điện thoại theo dõi lượng mưa để chủ động di dời đến nơi an toàn khi có mưa lớn (trên 40mm) hoặc mưa kéo dài nhiều ngày.