| Hotline: 0983.970.780

III: Nỗ lực của Việt Nam

Bài 1: Dịch từ Bắc vào Nam

Thứ Ba 09/07/2019 , 09:12 (GMT+7)

Ngày 2/7/2019,  Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, sau 5 tháng ổ dịch đầu tiên xuất hiện, đã có trên 2,8 triệu con lợn phải tiêu hủy, chiếm 10% tổng đàn. Hiện Việt Nam vẫn đang huy động các nguồn lực để đối phó với dịch bệnh.

5 tháng có mặt ở 62 địa phương

Kể từ khi ổ dịch đầu tiên xuất hiện tại một hộ chăn nuôi nhỏ lẻ tại xã Trung Nghĩa, TP Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên vào ngày 1/2/2019 và sau đó ít ngày là ổ dịch thứ hai tại xã Đông Đô, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, đến nay ASF đã xuất hiện ở 62 tỉnh, thành của Việt Nam và vẫn có nguy cơ lây lan rộng, đe doạ tới ngành chăn nuôi.

Ngay từ khi dịch bệnh xuất hiện ở các quốc gia lân cận, chính phủ Việt Nam và đặc biệt là ngành nông nghiệp đã lên kịch bản cũng như thực hiện khá đồng bộ và chủ động các nhóm giải pháp để đối phó ASF. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là dịch bệnh đã xảy ra và lây lan khắp ba miền Bắc- Trung- Nam, gây thiệt hại nặng nề cho người chăn nuôi và nền kinh tế.

Bản đồ dịch bệnh do báo Tuổi trẻ minh họa

Trong một diễn biến liên quan, tính đến ngày 18/5/2019, ASF đã xuất hiện tại tỉnh Thừa Thiên -Huế sau đó vượt qua đèo Hải Vân vào Đà Nẵng  rồi lây lan tới các tỉnh phía Nam, bất chấp các nỗ lực ngăn chặn.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Phương  xuống tận ổ dịch đầu tiên ở xã Phong Sơn, huyện Phong Điền chỉ đạo chống dịch nói: Hiện đại phương đã lập 7 chốt kiểm dịch, với lực lượng túc trực 24/24. Hai chốt mới nhất được thành lập ở quốc lộ 49 và đường Hồ Chí Minh thuộc địa bàn huyện A Lưới, nơi có nhiều xe chở động vật thường xuyên qua lại.

Tại thủ phủ chăn nuôi heo lớn nhất cả nước tại vùng Đông Nam bộ là Đồng Nai (với hơn 2,5 triệu con, nơi có tới 75% đàn heo được nuôi quy mô trang trại), ngày 24/4 cũng đã xuất hiện ổ dịch ASF đầu tiên và sau đó tiếp tục lan rộng xuống các tỉnh thành vùng ĐBSCL.

Chiều 14/3/2019, UBND tỉnh Đồng Nai đã tổ chức cuộc họp khẩn với Chi cục Thú y vùng VI và các địa phương để ứng phó với ASF. Theo ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai, do dịch bệnh đang lây lan từ Bắc vào Nam khiến giá heo giảm mạnh, khi đang từ 52.000 đồng/kg, sau 10 tuần chỉ còn lại 42.000 đồng/kg. Thậm chí, nhiều nơi thương lái ép giá chỉ còn 36.000 đồng/kg.

Thiệt hại dây chuyền

Một ngày giữa tháng 5/2019, tại ổ dịch ASF ở hộ chăn nuôi do ông Vũ Văn Mạnh (xã Hải Thanh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định), chỉ sau vài ngày mắc bệnh, đàn lợn trên 40 con, tổng trọng lượng trên 1,7 tấn của gia đình ông đã bị mất trắng. Thiệt hại lên tới hàng trăm triệu đồng.  Ông Mạnh nhẩm tính, hiện gia đình ông đang mắc khoản nợ hơn 50 triệu đồng tiền cám của đại lý, 50 triệu đồng vay ngân hàng với lãi suất phải trả hàng năm là 9% và một số khoản nợ cũ khác.

Hàng chục ngàn hộ chăn nuôi nhỏ lẻ điêu đứng vì ASF. Ảnh: Hưng Giang.

Dịch bệnh cũng khiến các chủ đại lý kinh doanh thức ăn chăn nuôi méo mặt vì những khoản nợ khó đòi trong dân ngày một lũy kế.

Theo các nghiên cứu điều tra ban đầu ngành thú y, kết quả cho thấy, nguyên nhân chính dẫn đến dịch bệnh tại các tỉnh thành là do một số người chăn nuôi, thương lái chưa nhận thức đầy đủ được tính chất nguy hiểm của dịch bệnh, cũng như vì lợi ích kinh tế trước mắt nên khi có heo bệnh, heo chết đã lén lút mua bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ khiến dịch bệnh lây lan nhanh, ở phạm vi rộng.

Nhận định này cũng tương đồng với nghiên cứu dịch tễ của các ổ dịch tại Trung Quốc hồi năm ngoái: 46% do phương tiện vận chuyển và do con người không vệ sinh, phun thuốc khử trùng tiêu độc; 34% là do sử dụng thức ăn thừa và 19% do vận chuyển heo sống và các sản phẩm của heo giữa các vùng.

Ngày 1/7/2019, ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Nội cho biết, ASF đã xảy ra tại 24 quận huyện, tiêu hủy hơn 414.000 con với trọng lượng khoảng 28.400 tấn, thiệt hại ước tính 1.000 tỷ đồng, gồm chi phí hỗ trợ tiêu hủy, hóa chất, phòng chống dịch. Thời điểm hiện tại, có 10 huyện hết kinh phí dự phòng  phải đề nghị thành phố cấp thêm để đảm bảo chi trả nhanh nhất cho người chăn nuôi.

Số lợn phải tiêu hủy bình quân mỗi ngày ở Hà Nội là trên 6.600 con. Thời kỳ cao điểm của dịch bệnh, số lợn phải tiêu hủy của toàn thành phố lên đến gần 10.000 con mỗi ngày.

Hà Nội là địa phương có tổng đàn lợn lớn thứ hai cả nước, sau Đồng Nai với 1,9 triệu con. Ổ dịch ASF đầu tiên được phát hiện là hộ chăn nuôi lợn rừng, sử dụng thức ăn dư thừa tại quận Long Biên vào ngày 24/2.

Xem thêm
Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Tổng thống Putin xác nhận việc sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/11 xác nhận quyết định cho phép bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mới.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.