Xuất hiện lần đầu tại Brazil ở thành phố Paracambi, bang Rio de Janeiro vào năm 1978, ASF khiến ngành nuôi lợn quốc gia Nam Mỹ này gặp không ít khó khăn trước khi bị khống chế và tiêu diệt hoàn toàn.
Lợn chết từ ổ dịch đầu tiên tại Paracambi, Rio de Janeiro năm 1978. |
Điều đáng nói là quá trình đối phó với ASF ở Brazil chỉ kéo dài trong 6 năm. Có được điều đó là nhờ vào sự chuẩn bị từ khi chưa có dịch với các biện pháp kiểm soát sớm nhằm kiềm chế và tiêu diệt virus một cách nhanh chóng.
Dập dịch
Những con lợn nhiễm ASF đầu tiên ở Brazil được cho là đến từ Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha qua những chuyến bay quốc tế. Nó chết ngày 30/4/1978 và đến 13/5 bệnh lây ra 1.000 con khác trong trang trại.
Theo điều tra, chủ trang trại là một nhân viên an ninh tại sân bay quốc tế Antonio Carlos Jobim. Lợi dụng sơ hở an ninh, anh ta thu gom thức ăn thừa trên các chuyến bay đến từ Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, những nơi ASF đang hoành hành về làm thức ăn cho lợn ở trang trại cách đó hơn 50km.
Đến ngày 15/6, Tổng thống Ernesto Geisel ra nghị định số 81.798, trong đó, Bộ Nông nghiệp, chăn nuôi và lương thực Brazil – MAPA tuyên bố tình trạng khẩn cấp và đưa ra những biện pháp tức thời để ngăn chặn và tiêu diệt ASF, tuân theo hướng dẫn của OIE.
Nghị định này được đưa ra sau chưa đầy 15 ngày kể từ khi có kết luận dương tính với ASF của Cơ quan thú y Brazil. Đó là kế hoạch cấp liên bang, đưa ra các hành động thống nhất trong giai đoạn chống dịch ban đầu và yêu cầu các lực lượng vũ trang Brazil tham gia vào quá trình diệt ASF để ngăn chặn sự di chuyển của người, động vật và phương tiện ở vùng nguy cơ cao.
Quá trình đào hố chôn lợn dính ASF ở Rio de Janeiro năm 1978. |
Một số biện pháp mạnh tay của chính phủ Brazil trong Nghị định 81.798 như nghiêm cấm di chuyển lợn trong các vùng nhiễm bệnh; tiêu hủy ngay lập tức lợn bệnh; khử trùng chuồng trại, nhà cửa trong khu vực nhiễm bệnh, thậm chí phá hủy nếu không đảm bảo an toàn; cấm các sự kiện, hội chợ có nhiều động vật tham gia; cấm cho lợn ăn thức ăn thừa.
Đặc biệt, Brazil tăng cường tiêm vắc xin cúm thường – CSF cho lợn và đã có hơn 3 triệu liều được sử dụng để dễ dàng nhận biết ASF do chúng có thể cùng tồn tại trong một môi trường hoặc một con vật.
Hồi phục
Dù khống chế và tiêu diệt hoàn toàn được ASF chỉ trong 6 năm nhưng ngành chăn nuôi lợn của Brazil vẫn phải chịu không ít thiệt hại. Để đối phó với ASF bằng các biện pháp khẩn cấp, Brazil phải chi đến 21 triệu USD, trong đó có phần tiền bồi thường cho tiêu hủy 66.902 con lợn.
Ngoài ra, lượng thịt tiêu thụ trong các năm xảy ra ASF giảm 40%, tác động tiêu cực đến ngành chăn nuôi, khiến nhiều chủ trại nhỏ phải bỏ cuộc. Theo thống kê, các biện pháp ngăn chặn ASF khiến 2.000 gia đình phụ thuộc vào nghề nuôi lợn bị thất nghiệp.
Tuy nhiên, so với nhiều quốc gia, Brazil vẫn được cho là tốn chi phí thấp cho cuộc chiến với ASF. Ở Bồ Đào Nha, quá trình này kéo dài 42 năm, trong khi Cuba phải tiêu hủy hơn 500.000 con lợn trong 2 giai đoạn chống dịch kéo dài cả thập kỷ. Thậm chí, Cộng hòa Dominican và Haiti còn tiêu hủy hoàn toàn đàn lợn sau khi các biện pháp khác không đem lại hiệu quả.
Lợn chết do ASF trước khi bị tiêu hủy ở Paracambi Rio de Janeiro năm 1978. |
Không chỉ khống chế nhanh, ngành chăn nuôi lợn của Brazil cũng hồi phục mạnh mẽ sau dịch. Kim ngạch xuất khẩu thịt lợn của nước này tăng đến 578% chỉ trong vòng 10 năm, tương đương với 166 triệu USD lên 1,126 tỷ USD từ 1997 đến 2007.
Đến năm 2008, sản lượng thịt lợn của Brazil đạt đến 2,8 triệu tấn, 2,3 triệu tấn phục vụ nhu cầu trong nước và 500.000 tấn xuất khẩu. Thịt lợn Brazil được xuất đến hơn 60 thị trường khác nhau, trong đó nhiều nhất là Nga (hơn 60%) và Hong Kong (hơn 10%).
Để có được những kết quả trên, một phần rất lớn là do các chính sách kịp thời của chính phủ trong thời điểm xảy ra dịch. Quá trình chẩn đoán, xét nghiệm được thực hiện trên diện rộng, người dân và bác sỹ thú y được hỗ trợ tích cực khi báo tin cho chính quyền.
Bên cạnh đó, việc đền bù xứng đáng kích thích các chủ trại chủ động thông báo về tình hình dịch bệnh và khuyến khích sử dụng vắc xin cúm thông thường giúp khoanh vùng, phát hiện ASF sớm hơn.
Với quá trình phục hồi chăn nuôi, Brazil có một chiến dịch cấp quốc gia khuyến khích tiêu thụ lợn và các sản phẩm làm từ lợn. Ngoài ra, chính phủ Brazil cũng nghiên cứu, điều chỉnh giá để có được mức giá ít nhất gấp 8 lần giá ngô cùng trọng lượng.
Trong bài viết kỷ niệm 25 năm tiêu diệt thành công ASF trên Trung tâm tìm kiếm dữ liệu Công nghệ sinh học quốc gia, các chuyên gia nông nghiệp Brazil cho rằng, đây là một trong những chương trình táo bạo nhất với sự tham gia của cả xã hội. Trong đó, đóng góp lớn nhất thuộc về những người chăn nuôi, lực lượng bác sỹ thú y cơ sở và các chuyên gia nhà nước lẫn tư nhân.