| Hotline: 0983.970.780

Bài 12: "Chính sách đúng thì vào cuộc sống không gì ngăn nổi..."

Chủ Nhật 08/06/2008 , 18:26 (GMT+7)

Câu nói trên là của ông Trần Văn Tuý - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh và nó còn một mệnh đề nữa, một phản đề: “Còn chính sách không đúng thì không sao vào nổi cuộc sống, cứ ấn xuống bằng ý chí thì nó cản trở phát triển”.

Xin ông cho ví dụ tại chỗ?

Ở tầm vĩ mô, thì ví dụ như Nghị quyết X. Ở Bắc Ninh chúng tôi thì nhiều chính sách đã thay đổi bộ mặt nông thôn,  ví dụ như:

- Chuyển mọi dịch vụ về điện vẫn trực thuộc các tổ điện, HTX dịch vụ về ngành điện lực quản lý từ năm 2004. Ngành điện quản lý thu tiền điện đến tận hộ nông dân theo đúng giá (360đ/kW và luỹ tiến sau 100 số...)

- Chuyển hơn 5.000 ha đất trũng, trong đó có 2.700 ha lúa cấy một vụ sang nuôi trồng thuỷ sản.

- Chuyển giao kỹ thuật và chương trình giống chất lượng cao.

- Che phủ nilon chống rét cho mạ, nhờ nó, đầu năm nay mạ của Bắc Ninh chỉ chết rét từ 10 đến 12%...

Song song với chương trình dồn điền đổi thửa là quy hoạch lại đồng ruộng. Bắc Ninh từ chối tiếp nhận chương trình bò sữa, không nhập ồ ạt. Vẫn nuôi, hiện có độ 6-700 con bò sữa nuôi tự phát, ai lo được thức ăn thì cứ nuôi; nhưng tỉnh không khuyến khích hỗ trợ. Chúng tôi cũng từ chối dự án 50-60 hecta hoa hồng, cho nên không bị "sốc" do hệ luỵ của nó.

Cùng làm việc với tôi có anh Nghi Quang Toán -  Phó giám đốc Sở NN -PTN, sẽ nói cụ thể hơn về các chính sách lớn của chúng tôi.

Ông Nghi Quang Toán: Về chương trình chuyển đất trũng sang nuôi thuỷ sản, tỉnh hỗ trợ gồm: Đầu tư xây dựng cầu cống, đường giao thông nội vùng, kênh cấp thoát nước và kéo điện đến đầm ao cho toàn vùng chuyển đổi. Tỉnh cũng cấp 50% giá giống, cấp 100% kinh phí tập huấn. Ngoài ra, tỉnh cũng có biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng chuyển đổi để đào ao vượt thổ rồi…bán. Các huyện Lương Tài, Gia Bình, Quế Võ làm tốt, hiệu quả kinh tế cao. Nên, khi mới dồn điền đổi thửa, dân quy định với nhau 1,3 sào trũng thì ăn một sào vàn, cao nhưng bây giờ thì ngược lại, 1,3 sào vàn chân cao mới đổi được 1 sào ruộng trũng. Trong khi thực hiện dồn điền đổi thửa, chúng tôi cho huyện Tiên Du thí điểm rũ rối chia lại theo nguyên tắc giữ nguyên các chỉ số của năm 1992 (BN làm trước 1 năm so với các tỉnh) Khi chia lại, tỉnh đồng thời cho quy hoạch lại đồng ruộng, làm lại bờ vùng bờ thửa và kênh mương sao cho ruộng nhà ai nước cũng vào tận nơi, ruộng nhà ai cũng có mặt đường ô tô. Tiền quy hoạch lại ruộng ở Tiên Du do thôn tự chi, hết 4,5 triệu đồng/ ha; lấy từ đất dãn dân, những ai muốn lô “mặt tiền” thì phải đấu thầu.

Đặc biệt, tỉnh đã hỗ trợ 100% kinh phí tập huấn, xây 30 kho lạnh và thiết bị bảo quản giống khoai tây, đã đảm bảo cho vùng quy hoạch khoai tây phát triển bền vững.

Thưa hai anh, quả thật khi thấy Bắc Ninh “lên” TV về dồn điền đổi thửa, tôi hết sức nghi ngờ. Thì ra các anh quy hoạch lại đồng ruộng, các anh công nghiệp hoá nông thôn.

Ông Trần Văn Tuý: Chỉ khi ô tô đến tận bờ ruộng thì mới có giá nông sản cao. Tôi nghĩ khi mà ngành chế biến thực phẩm hoa quả của ta chưa yên tâm, thì hãy vừa rải vụ vải thiều vừa làm đường cao tốc đến tận chân đồi vải, sao cho vải hái hôm nay, mai kia đã vào đến Sài Gòn, sang tận Pháp mà vẫn tươi mơn mởn, ấy mới thực vì nông dân; chứ đầu tư nhà máy chế biến có khi chỉ lợi cho DN.

"Sao cho vải hái hôm nay, mai kia đã vào đến Sài Gòn, sang tận Pháp mà vẫn tươi mơn mởn, ấy mới thực vì nông dân; chứ đầu tư nhà máy chế biến có khi chỉ lợi cho DN" - ông Trần Văn Tuý nói

Nhưng thưa anh Toán, là người làm nông nghiệp, anh có nghĩ dồn điền đổi thửa, mỗi hộ chỉ từ 1 đến 3 mảnh đã là mục đích cuối cùng chưa?

Chỉ mới là bước đệm thôi, anh ạ. Phải tích tụ ruộng đất, những hộ làm ăn kém, tính toán kém đành chấp nhận làm thuê thì mới có nông nghiệp hàng hoá. Làm thuê mà thu nhập cao, không chịu bất cứ rủi ro nào do thời tiết hay thị trường chi phối thì có khi lại sướng hơn là có ruộng.

Thưa anh Quý, Bắc Ninh về cơ bản đã CNH, lãnh đạo các anh làm thế nào mà giỏi thế?

Trước câu hỏi của anh, nói nhờ lãnh đạo giỏi thì dễ nghe hơn. Cố nhiên là Bắc Ninh cũng từng rải thảm đỏ cho đến khi trên bảo thôi mới thôi. Nhưng có lẽ vị trí địa lý, hạ tầng cơ sở giao thông thuận lợi có vai trò rất quan trọng. Nói điều này cũng là để các nhà báo thông cảm với chúng tôi hơn. Mười năm trước, tôi cũng nói sao không lên Hoà Bình, Sao Đỏ mà làm CN? Tôi bấy giờ còn làm bên Sở Nông nghiệp, cũng từ quyền lợi của nông dân nông nghiệp mà đề nghị tỉnh yêu cầu VISIP lên Thuận Thành mà đầu tư, để bờ xôi ruộng mật cho nông nghiệp. Nhưng họ bảo cứ nhất định chỉ cho Thuận Thành thì họ đi tỉnh khác, sau đành phải chịu. Ngược lại, có CNH thì mới có điều kiện để hỗ trợ lại cho nông nghiệp, nông dân. Vấn đề là CNH như thế nào, chứ một nước nông nghiệp lớn như Việt Nam mà phải nhập phân đạm thì không thể nói là một nền CNH hay!

Vâng, vấn đề là ở đó. Vậy Bắc Ninh đã CNH như thế nào?

Khi tách tỉnh, thuế của Bắc Ninh chỉ thu được 170 tỉ, sau mười năm, hiện vẫn đang trong thời gian ưu đãi đầu tư nhưng đã thu được hơn gấp 10 lần. Có thế, mỗi xã mới có 1 bác sỹ, 1 bác sỹ thú y, 1 kỹ sư khuyến nông. Bác sỹ thì lương Y tế trả đã đành, bác sỹ thú y và kỹ sư khuyến nông cũng hưởng lương nhà nước chứ không phải trợ cấp như xưa.

"Những hộ làm ăn kém, tính toán kém đành chấp nhận làm thuê thì mới có nông nghiệp hàng hoá. Làm thuê mà thu nhập cao, không chịu bất cứ rủi ro nào do thời tiết hay thị trường chi phối thì có khi lại sướng hơn là có ruộng" - ông Nghi Quang Toán phát biểu

Thưa anh, dồn điển đổi thửa thì anh Toán nói là bước đệm. Còn bác sỹ thú y, kỹ sư khuyến nông sau khi ăn lương nhà nước rồi, sắp tới tỉnh có nên trao quyền lực đầy đủ cho họ không? Tôi nhớ một huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) lớn hơn cả tỉnh này, thời trước chỉ có 1 viên kiểm lâm người Pháp, nhưng rừng vẫn được giữ rất tốt, 81% độ che phủ. Vì đến cả lý trưởng vi phạm lâm luật cũng bị phạt, thậm chí bị đánh đòn? Ít mà hiệu quả thì hơn nhiều mà dựa dẫm nhau. Ở Thanh Hoá có xã tới 300 người hưởng lương và trợ cấp từ ngân sách; còn Bắc Ninh?

Bắc Ninh cũng gần thế. Đây là một gợi ý hay, chúng ta sẽ cùng tiếp tục nghiên cứu sao cho bộ máy gọn mà hiệu quả.

Chặng đường tiếp theo của CNH Bắc Ninh sẽ theo hướng nào? Tôi thấy người ta quảng cáo tại một khu biệt thự xây thô đang ế, đã cũ mà chưa có mấy người mua, rằng: “Một châu Âu trong lòng Bắc Ninh.” Nhưng may là cũng có một pano đẹp với khẩu hiệu: “Xây dựng và phát triển một nền văn hoá tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc” trên đường từ Hà Nội lên đây?

Bắc Ninh đang chỉnh sửa những thiếu sót chặng đầu. Quy hoạch mới nhất thiết phải dành 20% cho dân cư trong mỗi khu công nghiệp. Những nông hộ bị thu hồi đất 30% phải được ưu tiên thành hộ làm dịch vụ ở khu CN. Chứ như trước thì đúng là nông dân bị làm khó. Quy hoạch nông thôn từ kinh nghiệm Tiên Du sẽ tiếp tục phát huy theo nguyên tắc chung cho CNH: Cái gì cần giữ thì kiên quyết giữ, giữ bằng mọi giá như có khu CN vẫn có nghĩa trang (cát táng) sẽ cho trồng cây thành khuôn viên trong lành và văn hoá.

Xin cảm ơn hai anh về cuộc trò chuyện thẳng thắn này!

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Xuất khẩu nông sản 4 tháng đạt hơn 19 tỷ USD

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, do có sự chuẩn bị, dự báo chính xác nên 4 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt hơn 19 tỷ USD (tăng hơn 23%).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Điện Biên đưa cửa khẩu thành mũi nhọn phát triển kinh tế

Mường Nhé bây giờ vẫn là một trong những huyện nghèo, chậm phát triển bậc nhất trong cả nước, nhưng người Mường Nhé không thể chấp nhận điều ấy trong 10, 20 năm nữa.