| Hotline: 0983.970.780

Hệ quả từ những nghị quyết mĩ miều câu chữ

[Bài 2]: Đơn vị sự nghiệp nhưng lại làm chức năng quản lý nhà nước

Thứ Năm 27/07/2023 , 09:40 (GMT+7)

HÀ TĨNH Biên chế thuộc Trung tâm Ứng dụng Khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi, nhưng nhiều viên chức lại thực hiện nhiệm vụ tại Phòng Kinh tế hạ tầng, NN-PTNT, nông thôn mới...

Trung tâm Ứng dụng Khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi tại Hà Tĩnh quy định chức năng, nhiệm vụ mỗi nơi mỗi kiểu. Ảnh: Thanh Nga.

Trung tâm Ứng dụng Khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi tại Hà Tĩnh quy định chức năng, nhiệm vụ mỗi nơi mỗi kiểu. Ảnh: Thanh Nga.

Loạn xì ngầu 

Là đơn vị sự nghiệp nhưng hơn 10 năm qua, Trung tâm Ứng dụng Khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) không chỉ thực hiện chức năng, nhiệm vụ kiểm tra, phát hiện, báo cáo, hướng dẫn kỹ thuật liên quan phòng chống dịch bệnh cây trồng, vật nuôi mà còn phải bao cả công tác tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo, vốn là nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước.

Bài liên quan

Theo ông Phan Thanh Nghi, Giám đốc Trung tâm, cuối năm 2022, UBND huyện ban hành quyết định, quy định chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Trung tâm. Vấn đề đáng bàn là trong quyết định này, nhiều nội dung ghi chung chung, không phân định rõ Trung tâm làm gì, phòng nông nghiệp làm gì hay cùng một nội dung nhưng cả Trung tâm và Phòng NN-PTNT huyện đều thực thi.

Ví như, bây giờ phát hiện sâu bệnh trên cánh đồng, thay vì Trung tâm chỉ đi kiểm tra, dự báo tình hình, làm báo cáo đề nghị huyện chỉ đạo, hiện nay Trung tâm phát hiện xong phải làm luôn văn bản tham mưu huyện chỉ đạo xã như thế nào, cơ quan truyền thông ra sao, khuyến cáo dân những gì?

Ngược lại, Phòng NN-PTNT thực hiện tham mưu phòng, chống bệnh đạo ôn cổ bông, nhưng hướng dẫn phun thuốc gì, phun như thế nào lại là trách nhiệm của cán bộ Trung tâm. Đây chính là sự chồng chéo.

Trong quá trình thực thi nhiệm vụ quản lý nhà nước về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y... đang có sự chồng chéo, thậm chí 'đá lạc sân' tại một số Trung tâm Ứng dụng Khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi cấp huyện ở Hà Tĩnh. Ảnh: Việt Khánh.

Trong quá trình thực thi nhiệm vụ quản lý nhà nước về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y... đang có sự chồng chéo, thậm chí "đá lạc sân" tại một số Trung tâm Ứng dụng Khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi cấp huyện ở Hà Tĩnh. Ảnh: Việt Khánh.

“Việc của Trung tâm chỉ có kiểm tra, phát hiện vấn đề, báo cáo nhưng nhiều khi lại phải tham mưu thêm cả công tác lãnh đạo, chỉ đạo nên mất thêm thời gian và không đúng quy định pháp luật”, ông Phan Thanh Nghi nói.

Chưa kể, trong quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm cũng không quy định vị trí việc làm cụ thể dẫn đến thực trạng mất cân đối vị trí việc làm ngay trong trung tâm, 2 bộ phận thú y và BVTV thiếu cán bộ chuyên môn trong khi mảng chuyển giao khoa học kỹ thuật hay hành chính có khi dư người.

Cụ thể, trong tổng 13 biên chế của Trung tâm Ứng dụng Khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Cẩm Xuyên hiện chỉ còn 2 người chuyên môn BVTV và 2 người chuyên môn thú y. Trong khi trước sáp nhập, huyện này bố trí 6 cán bộ BVTV và 6 cán bộ thú y.

Sau Cẩm Xuyên, huyện Hương Sơn cũng vừa ban hành quy định chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm Ứng dụng Khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi ngày 5/6/2023 vừa qua.

Là địa phương chăn nuôi phát triển mạnh nhưng có những thời điểm Trung tâm Ứng dụng Khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Hương Sơn chỉ có 2 cán bộ chuyên môn thú y phụ trách 25 xã, thị trấn. Ảnh: Việt Khánh.

Là địa phương chăn nuôi phát triển mạnh nhưng có những thời điểm Trung tâm Ứng dụng Khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Hương Sơn chỉ có 2 cán bộ chuyên môn thú y phụ trách 25 xã, thị trấn. Ảnh: Việt Khánh.

Trong hàng chục nhiệm vụ, đáng chú ý, Trung tâm này phải: “Tham mưu tổ chức dập dịch khi có dịch bệnh xảy ra; Quản lý các tổ chức, cá nhân hành nghề về BVTV, thuốc BVTV; Kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật; Kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y…”. Điều này trái với các quy định của UBND tỉnh bởi đây là chức năng của quản lý nhà nước.

“Theo Quyết định số 1198/QĐ-UBND, ngày 24/4/2012 của UBND tỉnh, quy định Trung tâm Ứng dụng Khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi là đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND cấp huyện. Do vậy Trung tâm không có chức năng quản lý nhà nước trong các hoạt động như: Thanh tra chuyên ngành, quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, quản lý thuốc thú y, quản lý hành nghề thú y, công tác kiểm dịch động vật, kiểm tra vệ sinh thú y”, báo cáo của Sở NN-PTNT Hà Tĩnh nhấn mạnh.

Ông Trần Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh này phân tích thêm, do vị trí, chức năng của Trung tâm Ứng dụng Khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi cấp huyện, bao gồm cả Trạm Thú y và Trạm BVTV không được quy định trong Thông tư hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn về NN-PTNT (thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện).

Theo ông Hùng, việc quy định như vậy sẽ rất khó khăn khi xây dựng, xác định chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các trung tâm. Điều này dẫn đến việc giao một số nhiệm vụ không đảm bảo chức năng, quyền hạn hoặc bỏ sót nhiệm vụ khi xây dựng quy định ở một số trung tâm cũng là điều dễ hiểu.

Hiện nay nhiều cán bộ Trung tâm Ứng dụng Khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi đang làm công việc đáng nhẽ thuộc quản lý nhà nước là Phòng NN-PTNT. Ảnh: Thanh Nga.

Hiện nay nhiều cán bộ Trung tâm Ứng dụng Khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi đang làm công việc đáng nhẽ thuộc quản lý nhà nước là Phòng NN-PTNT. Ảnh: Thanh Nga.

Bố trí nhân lực không đúng quy định

Hương Sơn là huyện miền núi phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm đứng top đầu tỉnh Hà Tĩnh, với tổng đàn trâu bò hơn 35.000 con, hươu 42.000 con, lợn khoảng 50.000 con và gia cầm khoảng 180.000 con.

Trước sáp nhập, Trạm BVTV Hương Sơn có 5 cán bộ chuyên ngành trồng trọt - BVTV và 5 người chuyên ngành chăn nuôi - thú y. Sau khi tổ chức lại, tổng biên chế của Trung tâm Ứng dụng Khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi Hương Sơn được giao 16 người, nhưng tổ chuyên môn thú y giảm xuống còn 3 người, bao gồm cả Giám đốc (trong đó 2 người chuyên ngành thủy sản, 1 người bác sỹ thú y).

“Sau khi 3 cán bộ tổ thú y về hưu vào năm 2014 - 2015, huyện cho tuyển dụng thêm 2 vị trí nhưng chỉ được 1 người đúng chuyên môn bác sỹ thú y, người còn lại học quản lý kinh tế nông nghiệp. Đây chính là bất cập khi các vị trí tuyển dụng mới nhiều trường hợp không đúng chuyên ngành, dẫn đến thực trạng các vị trí quan trọng không đảm bảo quân số”, ông Phan Xuân Đức, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Hương Sơn nói.

Theo ông, ở thời điểm căng nhất như năm 2017, 2 cán bộ thú y quản lý tới 25 xã, thị trấn. Chưa kể, hệ thống “chân rết” thú y cơ sở hiện nay vẫn còn đến 7/25 xã không có cán bộ chuyên môn, hầu hết giao cho Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên kiêm nhiệm nên hiệu lực, hiệu quả điều hành hoạt động chuyên môn gặp nhiều hạn chế.

Sau sáp nhập, nhiều viên chức hưởng lương ở Trung tâm Ứng dụng Khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi nhưng lại thực hiện nhiệm vụ tại các phòng chức năng như Phòng NN-PTNT, Văn phòng NTM, Phòng Kinh tế hạ tầng. Ảnh: Việt Khánh.

Sau sáp nhập, nhiều viên chức hưởng lương ở Trung tâm Ứng dụng Khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi nhưng lại thực hiện nhiệm vụ tại các phòng chức năng như Phòng NN-PTNT, Văn phòng NTM, Phòng Kinh tế hạ tầng. Ảnh: Việt Khánh.

Lực lượng chuyên môn thiếu và yếu đã đành, sự quan tâm của lãnh đạo các cấp đối với lực lượng này cũng chưa tương xứng. Nhiều người trong cuộc cho rằng, Trung tâm Ứng dụng Khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi không khác gì nơi “trung chuyển” biên chế.

Theo khảo sát, hầu như đơn vị nào cũng có người nằm trong diện biệt phái thực hiện các nhiệm vụ khác của phòng chuyên môn như kinh tế hạ tầng, nông nghiệp, Văn phòng Nông thôn mới (NTM)…

Đơn cử, Trung tâm Ứng dụng Khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi Hương Sơn có 1 cán bộ biệt phái sang Văn phòng NTM; huyện Lộc Hà 1 biên chế BVTV làm nhiệm vụ tại văn phòng NTM; Cẩm Xuyên 2 viên chức sang văn phòng NTM, 1 người sang Phòng Kinh tế hạ tầng; Can Lộc 1 người biệt phái sang Văn phòng NTM…

“Có thời điểm biên chế của Trung tâm 15 người nhưng thực hiện nhiệm vụ tại đơn vị chỉ còn 11 người vì 4 người đã đi biệt phái. Việc điều người như vậy sẽ ảnh hưởng đến khả năng hoàn thành nhiệm vụ của Trung tâm”, ông Phan Thanh Nghi, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi Cẩm Xuyên trải lòng.

Đồng quan điểm, một lãnh đạo Trung tâm Ứng dụng Khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Lộc Hà thông tin: Đơn vị có 3 biên chế chuyên môn trồng trọt - BVTV nhưng 1 người huyện điều sang Văn phòng NTM gần 5 năm nay nên thực tế số người thực hiện nhiệm vụ BVTV tại đơn vị chỉ còn 2. Trung tâm quản lý và chi trả lương cho viên chức nhưng họ lại thực hiện nhiệm vụ ở một đơn vị khác. Đây là một trong những bất cập lý giải vì sao lực lượng chuyên môn thú y, BVTV ngày càng thu hẹp dần.

Xem thêm
Nuôi bò thịt tuần hoàn, giảm ô nhiễm môi trường, lợi nhuận tăng 29%

AN GIANG Nuôi bò thịt tuần hoàn đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, vừa  góp phần giảm ô nhiễm môi trường còn mang lại lợi nhuận tăng 29% so với phương pháp nuôi truyền thống. 

Kiên Giang khởi động 12 cánh đồng tham gia Đề án 1 triệu ha lúa

Ngoài 2 cánh đồng tại Tân Hiệp và An Minh được Bộ NN-PTNT phối hợp cùng tỉnh khởi động, Kiên Giang sẽ đồng loạt khởi động 10 cánh đồng ở các huyện còn lại.

Giới thiệu nhiều vật tư, công nghệ, thiết bị cơ giới hóa nông nghiệp

TP.HCM Ngày 13/11, tại TP.HCM đã khai mạc Triển lãm quốc tế Sản phẩm, thiết bị, vật tư và phân bón nông nghiệp (Growtech 2024).