Dịch tấn công vào trang trại lớn
Theo Cục Thú y, đến ngày 10/5/2019, ASF đã xảy ra ở 2.277 xã, thuộc 202 huyện của 29 tỉnh, thành với số lợn buộc phải tiêu hủy là 1.210.556 con. Trong đó, có cả các tỉnh đã qua 30 ngày đã tái phát dịch trên quy mô 29 xã của 12 tỉnh thành. Tình trạng phổ biến là trong 1 xã, có hàng trăm hộ nuôi thì chỉ có một số hộ mắc bệnh đã tiêu hủy, nhưng lại phát hiện dịch tiếp tục nổ ra ở hộ khác.
Mô hình chăn nuôi quy mô nông hộ, nhỏ lẻ lạc hậu khó tồn tại trước dịch bệnh. Ảnh: Đinh Tùng. |
Ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y lo ngại: ASF đang diễn biến hết sức phức tạp, nguy cơ tái xuất hiện bệnh dịch rất cao. Nguyên nhân là do nhiều địa phương thiếu kinh nghiệm, xử lý chưa tốt, dẫn đến mầm bệnh còn lưu hành trong môi trường, trong khi đó các biện pháp an toàn sinh học chưa hiệu quả.
Đáng báo động nhất là tại các tỉnh đồng bằng sông Hồng, nơi có số lượng buộc phải tiêu hủy nhiều vì hầu hết là chăn nuôi nhỏ lẻ, mật độ chăn nuôi cao, các hộ chăn nuôi gần nhau, khó có thể đảm bảo an toàn toàn sinh học, các hộ giết mổ nhỏ lẻ, phương thức vận chuyển, kiểm soát giết mổ gặp rất nhiều khó khăn…
Đặc biệt nguy hiểm khi thời gian qua, ASF đã tấn công vào các trang trại chăn nuôi lớn, với 18 cơ sở chăn nuôi tập trung quy mô trên 1.000 con đã bị nhiễm bệnh, buộc phải xử lý tiêu hủy.
Cục Thú y cho hay, hầu hết các cơ sở chăn nuôi có lợn bị dịch không bố trí được quỹ đất để tiêu hủy, ví dụ như ở Hà Nam, Nam Định và Thái Bình, lực lượng tiêu hủy lợn phải làm việc quá tải.
Còn tại Hưng Yên, nhiều nơi (như xã Phùng Chí Kiên, huyện Mỹ Hào), hộ có lợn tiêu hủy bị chết nặng tới 2 tạ phải thuê máy xúc với giá 800.000 đồng/ca. Điều này khiến chi phí tiêu hủy rất lớn, nhất là trường hợp xã này đã phải tiêu hủy tới 57% số lợn, trong khi ngân quỹ xã chỉ có 20 triệu quỹ dự phòng cho công tác phòng chống thiên tai, dịch bệnh, hiện tại đã hết.
Tại Hải Phòng, mặc dù địa phương đã thực hiện tốt tiêu hủy đàn lợn theo hướng dẫn của Bộ NN-PTNT, tuy nhiên vẫn còn tình trạng lợn chết dồn ứ tại cầu phao sông Hóa, huyện Vĩnh Bảo. Tình trạng này cũng xảy ra ở huyện Thái Thụy, Thái Bình, tổng cộng đến nay đã phải thu gom, xử lý rất nhiều xác lợn.
An toàn sinh học là hàng đầu
TS Kiều Minh Lực, chuyên gia ngành chăn nuôi cho hay, nhiệm vụ quan trong của Việt nam trước tiên phải xác định là duy trì được đàn lợn giống âm tính với ASF. Bởi nếu không, thì sẽ khó có thể thanh toán được bệnh dịch. Bên cạnh đó là tăng cường hơn nữa các giải pháp an toàn sinh học và thực hiện một cách tuyệt đối trong chăn nuôi lợn ở các trang trại, nông hộ. Giải pháp này không chỉ góp phần quan trọng bảo vệ đàn lợn thương phẩm trước dịch bệnh mà còn giúp cho việc duy trì đàn giống âm tính với ASF.
Lực lượng thú y quá mỏng khiến cho hoạt động đối phó dịch bệnh gặp rất nhiều khó khăn. Ảnh: Đinh Tùng. |
Mặt khác, đối với lợn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm thì phải được đảm bảo lưu thông một cách bình thường, bởi không sẽ khiến cho lượng lợn tồn đọng, càng làm cho người chăn nuôi hoang mang, tìm cách bán tháo lợn, khiến cho việc kiểm soát ASF khó khăn hơn.
Còn theo khuyến cáo của FAO, OIE và Bộ NN-PTNT việc chôn lấp, tiêu hủy lợn bệnh nhất thiết phải theo đúng quy trình bởi virus dịch tả lợn có sức đề kháng cao, có khả năng chịu được ở nhiệt độ thấp, virus có thể tồn tại trong phân, máu, bài tiết, thịt xương, của lợn nhiều tuần cho tới vài tháng. Hiện tất cả 63 tỉnh, thành của Việt Nam đều đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh ba cấp tỉnh-huyện-xã đối với những địa phương đã có dịch tả.
Theo đó, khi thấy lợn bị chết hoặc có dấu hiệu mắc bệnh người chăn nuôi có trách nhiệm thông báo cho cán bộ thú y xã hoặc thành viên trong Ban Chỉ đạo để lấy mẫu xét nghiệm làm căn cứ thống kê, tiêu hủy hỗ trợ sau này. Bên cạnh đó, tùy quy mô, mức độ của ổ dịch mà có các biện pháp tiêu độc, khử trùng, vệ sinh, lập chốt phù hợp.
Tuy nhiên, thời gian qua do dịch xảy ra quá nhiều nên một số địa phương đã bỏ qua khâu xét nghiệm lợn chết để việc tiêu hủy được nhanh chóng, tránh gây ô nhiễm và nguy cơ phát tán dịch bệnh, càng khiến việc kiểm soát dịch bệnh khó khăn hơn…
Theo Phó tổng Giám đốc Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) Matthew Stone, cuộc chiến chống ASF còn dài do virus lây lan từ nguồn thịt nhập khẩu cũng như thức ăn chăn nuôi. “Đây thực sự là một thách thức lớn đối với các quốc gia châu Á, nơi dịch bệnh đang hoành hành trong quá trình chuyển đổi hệ thống chăn nuôi theo quy trình an toàn sinh học cao hơn nhưng lại là điều bắt buộc”, ông Stone cho hay. |